Thứ bảy, 23/11/2024, 06:46

Một số lưu ý khi phòng trừ cỏ dại trên cây lúa

Chủ nhật - 12/06/2022 22:37 6.206 0
Cỏ dại luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà trồng trọt đặc biệt là trồng lúa. Hiểu biết rõ về cỏ dại, nông dân sẽ quản lý tốt cây trồng bằng những biện pháp phòng trừ cỏ dại thích hợp, có hiệu quả, góp phần làm giảm chi phí sản xuất.
Một số lưu ý khi phòng trừ cỏ dại trên cây lúa
 1. Phân loại cỏ dại
Cỏ dại có rất nhiều loài với nhiều đặc tính rất khác nhau, tuy nhiên chúng vẫn có những đặc điểm giống nhau. Dựa vào những đặc tính này, chúng ta có thể phân loại cỏ dại theo nhiều cách (theo chu kỳ sinh trưởng, theo hình thái, theo đặc điểm thực vật)
1.1. Phân loại theo chu kỳ sinh trưởng: Theo cách phân loại này ta thấy có hai nhóm cỏ: cỏ hàng năm và cỏ lău năm.
- Cỏ hàng năm: là các loại cỏ hoàn thành vòng đời (từ hạt đến nảy mầm ra hoa tạo hạt) trong một hoặc hai mùa canh tác trong một năm. Các loại cỏ này thường chết vào mùa khô sau khi hoàn thành vòng đời của chúng.
- Cỏ lâu năm: là những loại cỏ sống lâu hơn một năm. Loại cỏ này rất khó diệt vì có thân ngầm hoặc thân bò trên mặt đất, có bộ rễ, củ phát triển sâu, khả năng sinh sản vô tính mạnh.
1.2. Phân loại theo hình thái: Theo kiểu phân loại hình thái, ta có cỏ lá hẹp (còn gọi là cỏ một lá mầm) và cỏ lá rộng (còn gọi là cỏ hai lá mầm).
- Cỏ một lá mầm: có những đặc tính chung như: lá hẹp, dày, mọc xiên, mặt lá có lông, rễ thường là rễ chùm, ăn nông, đỉnh sinh trưởng được bọc kín trong bẹ lá. Tuy nhiên, trong nhóm này cũng có một số loại cỏ có đặc tính hơi khác như cỏ cói lác lá hẹp nhưng mềm, mỏng và trơn.
- Cỏ hai lá mầm: thường có lá rộng, nằm ngang, mỏng và mềm; rễ thường là rễ cọc, ăn sâu, đỉnh sinh trưởng để lộ ra ngoài.
1.3. Phân loại theo đặc điểm thực vật:
- Nhóm cỏ hoà bản: cỏ có bản lá hẹp, dài, gân phụ song song với gân chính chạy dài từ đầu lá tới cổ lá. Thân: Thường tròn và bọng ruột, lá mọc cách, đính trên thân theo hai hàng. Rễ: thường là rễ chùm, ăn nông.
- Nhóm cỏ chác lác: lá hẹp nhưng ngắn hơn cỏ hoà bản, thân thường đặc ruột có góc cạnh tam giác, lá đính trên thân theo ba hàng kiểu xoắn óc.
- Nhóm cỏ lá rộng: lá rộng, nằm ngang, mọc đối, mặt lá ít lông, gân lá sắp xếp theo nhiều kiểu hình khác nhau.
* Cách nhận biết cỏ dại trên ruộng lúa: Chủ yếu dựa theo hình thái và đặc điểm thực vật:
- Nhóm cỏ lá hẹp (cỏ hòa bản, cỏ một lá mầm): Lá hẹp dài, gân lá song song, thân tròn, rỗng, lá mọc đứng và mọc thành 2 hàng dọc theo thân từ đầu lá tới cổ lá. Rễ của loại này thường là rễ chùm và mọc cạn trên bề mặt đất. Nhóm này có các loại cỏ như cỏ lồng vực, đuôi phụng, cỏ nước mặn… Đây là nhóm cỏ dễ lây lan diện rộng do hạt cỏ nhẹ, dễ phát tán trong gió.
- Nhóm cỏ lá rộng (cỏ hai lá mầm): lá thường rộng và mọc đối xứng nhau, mặt trên và mặt dưới lá có cấu trúc gân lá đa dạng như hình lông chim, hình rẽ quạt... Thân hình trụ tròn và phân nhiều nhánh. Hoa của nhóm cỏ này cũng rất đa dạng gồm hoa đơn, hoa chùm. Các loại cỏ trong nhóm này gồm có: rau mương, cỏ xà bông, rau bợ, cỏ đồng tiền, rau mác bao, bồng bồng...
- Nhóm cỏ chác lác (cỏ cói lác): Các loại cỏ trong nhóm này có lá mọc thành 3 hàng dọc theo thân, thân thường cứng, thẳng ruột có 3 cạnh. Nhóm cỏ này gồm có: cói lác, cỏ chác, cỏ lác rận, cỏ lác mỡ...
2. Tác hại của cỏ dại
- Làm giảm năng suất và phẩm chất của cây trồng: do có bộ rễ phát triển rất mạnh, phần lớn được phân bố ở lớp đất mặt nên dễ dàng cạnh tranh với cây trồng về dinh dưỡng, ánh sáng và nước làm cho cây trồng không đủ điều kiện sinh sống nên sinh trưởng và phát triển kém, cho năng suất thấp, phẩm chất nông sản giảm.
- Là ký chủ của sâu bệnh: Các cây cỏ dại cùng họ có những đặc điểm giống cây trồng là những ký chủ phụ rất tốt cho sâu bệnh.
-  Làm tăng chi phí sản xuất: như tốn công làm cỏ, diệt cỏ bằng hoá chất …
- Cỏ dại lẫn vào trong sản phẩm cây trồng, trong hạt giống làm giảm giá trị hàng hóa, gây khó khăn cho canh tác, tăng chi phí sản xuất.
3. Cách phòng trừ cỏ dại trên ruộng lúa
a. Biện pháp canh tác:
- Vệ sinh đồng ruộng: tiến hành thu gom các tàn dư cây trồng, nhất là cỏ dại và bông cỏ đem tiêu hủy. Khi thu hoạch lúa xong, tận dụng thời gian đất trống bơm nước vào ruộng khô nhử cỏ và lúa cỏ mọc lên cao 5-10 cm, tiến hành cày vùi lấp toàn bộ cỏ, bừa trục kỹ mới gieo sạ lúa, sẽ giảm bớt lượng hạt cỏ có trong đất.
- Cày bừa làm đất kỹ để mặt ruộng bằng phẳng, thoát nước tốt và bón lót thêm phân lân, phân hữu cơ giúp lúa ra rễ nhanh, khỏe phát triển mạnh, lấn át được cỏ dại và chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất lợi.
- Sử dụng giống đạt chuẩn giống xác nhận hay giống nguyên chủng nhằm hạn chế cỏ dại lẫn tạp.
- Điều chỉnh chế độ nước phù hợp sau khi gieo cấy và duy trì mực nước ruộng theo các giai đoạn sinh trưởng của lúa để ém cỏ. Dùng lưới chắn hạt cỏ khi cho nước vào ruộng.
- Gieo với mật độ hợp lý để thuận tiện việc quản lý cỏ dại trong ruộng. Thường xuyên dọn cỏ ven bờ ruộng, kinh mương, cắt bông cỏ còn sót trên ruộng trước khi cỏ kết hạt để tránh rụng xuống và tồn trữ trong đất.
b. Biện pháp hóa học
- Hiện nay, việc sử dụng thuốc hoá học để diệt trừ cỏ được coi là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó tiết kiệm được công lao động, có thể sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và được sử dụng ở nhiều thời điểm khác nhau, không cực nhọc, vất vả như các biệp pháp làm cỏ khác. Cách sử dụng thuốc trừ cỏ như sau:
 * Đối với lúa gieo thẳng
  - Nhóm thuốc tiền nảy mầm: tức phun thuốc khi cỏ chưa mọc hoặc mới mọc được một lá, loại thuốc này phải phun sớm sau khi gieo sạ lúa khoảng 1-3 ngày, cần trang bằng mặt ruộng và đất đủ ẩm. Sau phun vài ngày cho nước vào ruộng (1-3 ngày), không để ruộng khô sau khi phun thuốc.
Các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Sofit 300EC, Prefit 300EC, Ancofit 300EC, Vithafit 300EC, Michelle 62EC, New Heco 600EC,..., pha 50ml thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2.
 - Nhóm thuốc hậu nảy mầm sớm: tức dùng thuốc khi cỏ đã mọc ra lá (cỏ có từ 2-7 lá tương ứng với lúa gieo thẳng được 7-20 ngày ). Loại thuốc này được lá cỏ hấp thu vào bên trong, do đó khi sử dụng, ruộng phải tháo cạn nước để lá cỏ tiếp xúc được với thuốc. Phun thuốc xong 1-3 ngày cho nước vào ruộng (không để nước ngập ngọn lúa) và giữ mực nước trong ruộng phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của lúa.
Sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau: Acetochlor, Bensulfuron Methyl, Cyhalofop butyl, các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Beron 10WP, Aloha 25WP, TopSuper 460WP, Pitagor 550WP
Thời điểm phun thuốc: Nên phun sau gieo từ 5 - 7 ngày hoặc khi cây cỏ bắt đầu có lá thật.
- Nhóm thuốc hậu nảy mầm muộn: Phun thuốc sau khi gieo 10-30 ngày, tùy vào giai đoạn phát triển của cỏ có thể tăng liều lượng của thuốc đảm bảo hiệu quả phòng trừ.
Sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau: Bentazone, Pyrazosulfuron, Quinclorac, Bispyribac - Sodium, Metazosulfuron các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Nominee 10SC, Nasip 50WP, Basagran 480SL, Ginga33WG,…
* Đối với lúa cấy
Sử dụng các loại thuốc có các nhóm hoạt chất sau: Butachlor, Pyrazosulfuron Ethyl, Bensulfuron Methyl, Propisochlor, các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như: Heco 600EC, Butavi 60EC, Kocin 60EC, Taco 600EC, Sunrus 100WP, Ferim 18.5WP,... pha 50 ml (30gr) thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2, thời điểm phun thuốc sau cấy 7-10 ngày.
 Lưu ý:  Để nâng cao hiệu lực của thuốc trừ cỏ cần thực hiện tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, trong quá trình xử lý thuốc, không phun thuốc khi nền nhiệt độ lớn hơn 370C.
                               
    Trần Hoài Phương - Trung tâm DVNN Nam Đàn - nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây