Nghi Lộc: Những mô hình lập nghiệp thành công nhờ có lối đi riêng

Thứ năm - 06/10/2022 00:07 717 0
     Nghi Lộc là huyện ở cuối nguồn nước tưới thuộc hệ thống thủy lợi Nam, địa hình được phân thành các vùng miền rõ rệt, trong đó vùng ven biển đất cát, thiếu nước tưới còn vùng đồi núi phía trên đất đai lại cẵn cỗi, khó sản xuất. Xuất phát điểm với “địa lợi” khó khăn trên nhưng các nông dân trẻ lại có cách làm nông nghiệp riêng, sáng tạo và bước đầu đã mang lại thành công.  
Nghi Lộc: Những mô hình lập nghiệp thành công nhờ có lối đi riêng
Nuôi gà ác đẻ trứng
          Cũng như nhiều chàng trai trẻ khác ở vùng nông thôn, sau khi tốt nghiệp phổ thông, Nguyễn Hữu Thắng (sn 1992) ở xóm 2-22 xã Nghi Văn, Nghi Lộc đi khắp nơi để học hỏi kinh nghiệm làm ăn. Mặc dù chưa có kiến thức về chăn nuôi gia cầm nhưng nhờ chịu khó và ham học hỏi nên Thắng đã sớm nhận ra các mô hình chăn nuôi trên địa bàn sở dĩ không tồn tại được lâu là do đi vào lối mòn và bế tắc đầu ra. Chính vì thế, Thắng xác định khi đã làm mô hình thì phải có mang nét riêng, tự lực cánh sinh, làm đến đâu chủ động tìm đầu ra đến đó để tạo chỗ đứng vững chắc.
Được sự tư vấn giúp đỡ của 2 bên gia đình, cuối năm 2021, vợ chồng Thắng quyết định thuê 3 ha đất để đầu tư trại nuôi gà ác đẻ trứng. Khác với giống gà đen ở các huyện miền Tây Nghệ An lâu nay (chân đen và chỉ 4 ngón, thịt đen và nhiều màu sắc), giống gà ác đẻ trứng mà Thắng nhập về từ tỉnh Long An có chân đen (5 ngón), thịt đen nhưng lông trắng bạch. Gà ác thuần chủng chỉ thích ứng với nền nhiệt độ từ 22-30 độ C nên ngay từ thời điểm đưa gà hậu bị về nuôi, Thắng đã phải  đối mặt với bài test là chênh lệch nhiệt độ giữa 2 miền bởi nếu đưa gà 1 ngày tuổi về vào mùa hè hay vào cuối năm thì phải có cách vận chuyển và vào thời gian phù hợp.
Thắng chia sẻ thật lòng: gà ác là vật nuôi mới và bản thân chưa có kiến thức về chăn nuôi nên phải bám chuồng trại, mùa đông thì phải che chắn, làm máy sưới ẩm và mùa hè phải máy phun sương, tưới hơi nước vào chuồng thường xuyên. Ngoài kiểm soát dịch bệnh với 30- 35 loại vacxin từ gà bố mẹ, chuồng đảm bảo vệ sinh…
Rắc rối còn ở chỗ, dù đã hình dung gà ác nhỏ nên đặt mua mẫu chuồng gà siêu trứng Ai Cập có trọng lượng tương tự nhưng thực tế gà ác có trong lượng trên dưới 1 kg kg/con nên quá trình nuôi, Thắng phải cải tạo, chỉnh sửa lại chuồng cho phù hợp, giảm hao hụt đàn và bảo vệ trứng gà sau khi đẻ. Kỹ sư Cao Minh Hưng- Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nghi Lộc bổ sung: nếu như các giống gà khác, chu kỳ sinh trưởng khá dài thì gà ác có chu kỳ khai thác 9 tháng, trong đó nuôi hậu bị 6 tháng mới đẻ trứng; gà bình thường mỗi ngày đẻ 1 trứng và siêu trứng thì 3 ngày/4 trứng nhưng gà ác khoảng 3 ngày mới đẻ 1 trứng nên hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn.
Với giá bán tại trại là 3.000 đồng/quả và bình quân mỗi ngày khoảng 3.000 đến 3.500 quả trứng, doanh thu đạt gần 10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thức ăn khoảng 7 triệu đồng và chi phí điện, công lao động, lãi chỉ vài triệu/ngày. Theo Thắng, lãi chưa nhiều nhưng mô hình đang vừa làm vừa học thì như thế đã thành công. Hiện tại vợ chống Thắng dự định tiếp tục mở rộng chuồng trại theo quy trình tuần hoàn. Theo khu trại đầu tiên là nơi ươm gà giống làm hậu bị, khu thứ 2 là nuôi gà đẻ và cuối cùng gà thịt sau khi hết chu kỳ khai thác. Hiện tại, nhu cầu thị trường Thanh Hóa là 30 ngàn quả/tuần nhưng gia trại chỉ cung cấp được 2/3, còn lại phát triển tại thị trường Nghệ An. Để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm trứng, cùng với tích cực giới thiệu sản phẩm, Thắng và gia đình đang đầu tư chuồng trại theo quy trình VietGap, đồng thời làm hồ sơ bình xét sản phẩm OCOP của tỉnh.
Làm nhà lưới trồng nho trên đất lúa
Cùng với mô hình nuôi gà ác đẻ trứng sạch của Nguyễn Hữu Thắng ở Nghi Văn thì mô hình trồng nho trên đất lúa của Nguyễn Ngọc Hải (SN 1978) ở xóm 9, xã Nghi Trung (Nghi Lộc) cùng không kém phần ấn tượng. Khởi điểm của vợ chồng Hải cũng như nhiều thanh niên trẻ khác tại Nghi Lộc, do nhận thấy sản phẩm nông nghiệp quê khá bấp bênh. Tuy nhiên, Hải cũng tự đặt câu hỏi vì sao nơi khác làm được mà mình không làm được. Với suy nghĩ như vậy và mong muốn thử nghiệm cách làm mới, Hải chọn cây nho để đưa về trồng đất cát trồng lúa ở Nghi Lộc.
Để tìm hiểu, học hỏi về kỹ thuật trồng nho, Hải lân la vào tận Ninh Thuận, Bình Thuận vừa làm thuê và học hỏi kỹ thuật chăm sóc, đồng thời tìm giống bản địa tốt để về làm. Sau khi làm chủ được kỹ thuật, Hải về thuyết phục bố mẹ mượn 2 sào đất và đầu tư nhà lưới để trồng nho. Theo Hải, bản chất nho cây trồng chịu hạn, khó phát triển trong môi trường ngập nước nên để hạn chế sâu bệnh và sản phẩm nho làm ra được an toàn, thay vì trồng ngoài trời, nho phải làm nhà lưới để nếu thời tiết nắng quá thì đầu tư hệ thống phun tưới nhỏ giọt; ngược lại, nếu thời tiết mưa nhiều phải có lồng giảm bớt được lượng nước xuống và tiêu thoát nhanh.
Khởi đầu từ năm 2020, đến tháng 11/2021, vườn nho đã cho lứa quả đầu tiên. Vụ đầu tiên, với 2 sào đất, vụ nho trong nhà lưới đã mang lại thu nhập cho vợ chồng Hải gần 50 triệu đồng. Thấy mô hình hay và mới lạ, vào dịp Tết và đầu xuân, nhiều bạn trẻ các nơi đến xem, mua sản phẩm còn muốn tham quan, check-in, chụp ảnh và trực tiếp hái những chùm nho chín. Từ gợi ý này, Hải đầu tư, chỉnh trang 1 góc khu vực vườn nho theo hướng vừa đảm bảo điều kiện cho nho phát triển nhưng tiện lợi cho khách tham quan trải nghiệm, chụp ảnh theo kiểu du lịch canh nông. Từ đầu năm đến nay, nhất là vào vụ thu hoạch, hàng ngày đều có khách đến tham quan, chụp ảnh, gia đình cũng bán vé tượng trưng gọi là công chăm sóc, đầu tư hạ tầng...
Nguyễn Ngọc Hải cũng cho biết: với giống nho hiện tại, mỗi năm vườn nho cho thu hoạch 2 vụ vào dịp tháng tháng 5, tháng 6 và cuối năm. Nếu mọi việc thuận lợi, sau khi làm chủ diện tích 2 sào nho đã vào chu kỳ khai thác, gia đình sẽ đề nghị xã huyện hỗ trợ, tạo điều kiện đổi thửa để thuê một số diện tích đất bên cạnh để ươm giống và trồng nho đảm bảo thiết kế vườn theo hướng VietGap. Hiện tại, mô hình được huyện và Sở Khoa học công nghệ tỉnh xuống kiểm tra theo dõi để hướng dẫn xây dựng hồ sơ, dẫn xuất sản phẩm.
Đại diện Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết thêm: từ mô hình nho trên đất lúa của Nguyễn Ngọc Hải, hiện trên địa bàn huyện đã có một số mô hình trồng nho trong nhà lưới tại Khánh Hợp, Nghi Lâm, Nghi Mỹ được đầu tư bài bản, công phu hơn. Tuy nhiên, phải chờ vài năm nữa thì mới biết kết quả thế nào thì mới khuyến cáo bà con nhân rộng. Mô hình nho trong nhà lưới trên đất lúa của gia đình Hải tại xóm 9 Nghi Trung hay nuôi gà ác đẻ trứng là những gợi ý hay, khá sáng tạo và giá trị vượt trội. Vấn đề là phải đồng hành, hướng dẫn để bà con sản xuất sản phẩm phải sạch và sản xuất theo quy trình VietGap để từng bước vào chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn thì đầu ra sẽ ổn định và vững chắc hơn..
Nguyễn Hải - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây