Phát triển nông nghiệp Nghệ An bền vững bằng ứng dụng công nghệ cao và theo hướng sinh thái
Chủ nhật - 02/10/2022 21:331.2970
Với xuất phát điểm là tỉnh nông nghiệp và lợi thế trên ¾ diện tích tự nhiên là đất lâm nghiệp nên Nghệ An từ năm 2013, khi ban hành Nghị quyết 26-NQ-TW, Bộ Chính trị định hướng phải thực hiện tốt Chương trình xây dựng Nông thôn mới, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sinh thái, ứng dụng công nghệ cao. Sau gần 10 năm thực hiện mục tiêu trên, nông nghiệp và nông thôn Nghệ An đã có bước chuyển…
Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 cũng là quãng thời gian mà Nghệ An nỗ lực chuyển mình để trở thành tỉnh công nghiệp. Tuy nhiên, nền nông nghiệp với lợi thế đã tiếp tục chứng minh là trụ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà đạt tốc độ tăng trưởng cao và góp phần quan trọng vào đảm bảo an sinh xã hội. Giai đoạn 2013-2021, tổng sản phẩm của ngành nông nghiệp tăng từ18.430,87 tỷ đồng lên 38.212 tỷ đồng, tăng 19.781,13 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với năm 2013; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,43%, trong đó riêng năm 2021 là 5,59%, cao nhất vùng Bắc Trung bộ; giá trị sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 -2021 là 29.638,13 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2013, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp thuần là 5,2%; giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2013-2020 là 5,73%, riêng năm 2021 là 7,4%. Không chỉ giữ vững chỉ số tăng trưởng mà cơ cấu nông nghiệp theo ngành đã có chuyển biến tích cực hơn, theo đó năm 2014, tỷ trọng nông nghiệp thuần chiếm 80% cơ cấu ngành thì đến năm 2021 đã giảm xuống 77%; tỷ trọng ngành lâm nghiệp giảm từ 6,55% năm 2014 xuống còn 6,17% và tỷ trong ngư nghiệp tăng từ 13,7% lên 16,31%. Cùng với chuyển dịch của cơ cấu nông nghiệp thì quy mô lao động cũng chuyển dần theo hướng tích cực hơn khi trên 50% lao động làm nông nghiệp lâu nay đã chuyển dần sang lĩnh vực khác. Cụ thể, nếu như năm 2013, có 960 ngàn/1,92 triệu lao động làm nông nghiệp thì đến năm 2020 chỉ còn 47,03%, tương đương 896.500 lao động. Ngoại trừ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch covid-19 khiến nhiều lao động hồi hương làm nông nghiệp làm tỷ lệ lao động nông nghiệp tăng lên, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, tỷ lao động nông nghiệp đã giảm gần 10%. Trên lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới (NTM), mặc dù xuất phát điểm với vô vàn khó khăn khi có nhiều xã bản thuộc vùng sâu, vùng xa thuộc chương trình 30a hoặc địa bàn đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135 nhưng sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 và chương trình xây dựng Nông thôn mới, Nghệ An đã đạt được kết quả tích cực. Ông Nguyễn Văn Hằng- Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết: đến 30/6/2022, toàn tỉnh đã có 299/411 xã đạt chuẩn NTM, đạt 72,74%, có 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 5,02%; có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 184 thôn, xóm, bản ở xã chưa về đích đạt chuẩn NTM; 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn NTM; bình quân thu nhập đầu người đến hết năm 2021 là 34,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 7,81% và hộ cận nghèo là 6,61%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,94%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 86,6%; nước sạch là 51,5%. Tương tự, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và theo hướng sinh thái bước đầu đã có những kết quả tích cực. Đến thời điểm này, tỉnh đã thu hút được một số dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào địa bàn. Điển hình là dự án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Nghi Lâm, Nghi Lộc; dự án chăn nuôi bò sữa theo quy mô công nghiệp của Công ty CP sữa TH và Vinamilk; các dự án sản xuất rau củ quả công nghệ cao tại Nghĩa Đàn, Yên Thành; các dự án cam, cây dược liệu ở các huyện Kỳ Sơn, Quỳ Hợp… Trên cơ sở chính sách hỗ trợ nông nghiệp và Đề án hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh năm 2018, tỉnh đã hỗ trợ phát triển được 26.555 ha canh tác, chiếm 8,7% diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó đất trồng trọt là 26.104 ha và diện tích nuôi trồng thủy sản là 450 ha. Khó khăn và thách thức còn ở phía trước Ông Phan Nguyên Hùng- Trưởng Phòng Tài chính –Kế hoạch, Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh chia sẻ: mặc dù đạt được những thành công và đóng góp lớn đối với nền kinh tế, nhất là 2 năm đại dịch covid nhưng đối chiếu với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới hội nhập, nông nghiệp Nghệ An đang đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là yêu cầu đưa nền nông nghiệp đi lên sản xuất lớn, toàn diện và theo hướng sinh thái, tăng trưởng xanh… Chúng ta đều biết, phần lớn quỹ đất sản xuất đã được giao cho các hộ theo Khoán 10. Nếu như trước đây là động lực để khơi dậy sức sản xuất kinh tế hộ thì nay muốn đi lên sản xuất lớn là một trong những thách thức, rào cản. Do tư duy, cách làm ăn theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, bình quân mỗi gia đình chỉ có từ 3-4 sào đất ở 2-3 xứ đồng nên ứng dụng cơ giới và công nghệ cao vào sản xuất rất khó khăn, tốn kém. Hiện nay, sau khi làm lúa vụ Xuân đủ ăn, bà con không mặn mà với sản xuất hè thu và cây vụ đông. Với lý do sản xuất không có lãi và nhà nước không có chính sách hỗ trợ là sẵn sàng bỏ hoang đất 2/3 thời gian trong năm. Nghịch lý ở chỗ, mặc dù bỏ hoang đất nhưng doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác muốn thuê lại đất của nông dân để đầu tư sản xuất nhưng không được. Lý do là chưa có cơ chế để người dân tin tưởng giao lại đất cho doanh nghiệp thuê; nông dân với tâm lý coi đất là tư liệu sản xuất cuối cùng nên muốn níu giữ… Về phía doanh nghiệp và nhà đầu tư, do không có diện tích đất tập trung đủ lớn nên việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn rất khó khăn. Vì lý do này nên Tập đoàn Ngọc Trời từ An Giang ra Diễn Châu để khảo sát thuê đất sản xuất lúa nhưng vì không cánh đồng nào đủ trên 500 ha cho thuê nên đành rút lui. Chủ một mô hình nông nghiệp nhà lưới ở xã Hùng Tiến, Nam Đàn chia sẻ: bắt đầu làm nhà lưới từ năm 2018, sau 4 năm đã mở được 4 nhà lưới, nhà màng với diện tích 2.000 m2; nay muốn mở rộng thêm 1.000 m2 để tạo vùng đệm sản xuất an toàn mà vô cùng khó khăn. Thuê đất công nghệ nhà lưới, nhà màng tối thiểu phải 10 năm đến 20 năm nhưng người dân chỉ muốn cho thuê dưới 5 năm là rất khó. Hầu hết các mô hình nhà lưới nhỏ và chưa có sự liên kết nên sản lượng làm ra nhiều thì khó bán, ế ẩm nhưng cũng không dám ký hợp đồng với siêu thị vì thực ra sản lượng ít và sản phảm không có quanh năm theo yêu cầu của nhà phân phối. Ông Phan Nguyên Hùng – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở Nông nghiệp & PTNT đánh giá: với hạ tầng nông nghiệp và tâm lý, thói quen của nông dân hiện nay, việc ứng dụng công nghệ cao và đi lên sản xuất lớn, tăng trưởng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh theo Nghị quyết 26-NQ về Nghệ An và sắp tới sẽ là Nghị quyết mới nhưng đang còn nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài mục tiêu trên, theo tinh thần Nghị quyết 19 khóa XIII về phát triển nông nghiệp xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, phấn đấu đến năm 2050, Chính phủ đặt mục tiêu giảm tỷ lệ phát thải CO2 bằng 0 sẽ là thách thức cho cả nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng. Tuy nhiên, xét ở khía cạnh nào đó thì đây là cơ hội cho kinh tế Nghệ An. Với lợi thế diện tích rừng lên tới 1,08 triệu ha, trong đó ngoài 788.991 ngàn ha rừng tự nhiên, tỉnh còn khoảng trên 220 ngàn ha rừng trồng (trong đó 173 ngàn ha đã đến tuổi khai thác) và diện tích đất còn lại chưa có rừng nên tiềm năng trồng rừng để xuất khẩu chứng chỉ carbon là rất lớn. Về giá trị kinh tế, mỗi năm Nghệ An cung cấp khoảng 1,5 triệu m3 gỗ ra thị trường và tỉnh đã cấp chứng chỉ rừng cho trên 10 ngàn ha. Cùng với cung cấp sản phẩm cho 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, tỉnh còn đảm bảo nguyên liệu ngoài gỗ cho 98 doanh nghiệp trên địa bàn. Đây hướng mới đầy tiềm năng cho nông nghiệp tỉnh trong nay mai. Theo bà Võ Thị Nhung- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh: tiềm năng về kinh tế rừng đã khá rõ và vấn đề là tỉnh phải có quy hoạch, kế hoạch để phát triển kinh tế rừng bền vững và theo hướng kinh tế xanh. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ đầu tư có trọng tâm trọng điểm hơn để khuyến khích bà con nông dân.
Kiểm tra mô hình 2 trong 1 gồm trồng su su dàn phía trên và cải thìa phía dưới Nguyễn Hải - nguồn TSKN