Hiệu quả mô hình cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên tại Yên Thành
Thứ năm - 18/05/2023 22:295.3320
Vụ Xuân 2023, tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An các xã đã bước đầu thử nghiệm phương pháp hiệu ứng hàng biên với tổng diện tích sản xuất gần 100 ha tập trung chủ yếu ở các xã như Đô Thành, Thọ Thành, Hồng Thành, Nhân Thành, Bảo Thành… Qua quá trình thực hiện mô hình được các hộ nông dân đánh giá cao về hiệu quả thực tiễn mà phương pháp này mang lại.
Ông Trịnh Văn Sâm, PCT UBND Xã Hồng Thành chia sẻ: “Mô hình hiệu ứng hàng biên được thử nghiệm trên diện tích nhỏ từ vụ Hè Thu năm 2022 đã cho thấy tính ưu việt của nó. Nên vụ Xuân năm 2023 xã mạnh dạn nhân rộng xây dựng mô hình với quy mô 15 ha, đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cũng như bền vững trong canh tác lúa. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, nhân rộng ra trên địa bàn xã cho bà con nông dân thực hiện phương pháp cấy hiệu ứng hàng biên trong vụ Hè thu sắp tới”. Phương pháp cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên là phương pháp cấy hàng rộng và hàng hẹp xen kẽ với những khoảng cách phù hợp tối ưu hoá hiệu quả quang hợp, giảm ẩm độ trong tán lá, giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Phương pháp này giúp cây lúa sinh trưởng khoẻ, đẻ nhánh tập trung, tăng số dảnh/khóm, hạn chế dảnh vô hiệu, giảm thiểu sâu bệnh, trỗ đều, trỗ thoát, kết hạt tốt hơn, qua đó giúp cây lúa tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Ruộng lúa cấy bằng phương pháp hiệu ứng hàng biên lúa kết thúc giai đoạn đẻ nhánh
Kỹ sư Trần Thị Thanh Kim Huệ, Trung tâm DVNN huyện Yên Thành cho biết: “Qua quá trình triển khai mô hình tại xã Hồng Thành kết quả cho thấy lúa sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khỏe (18-20 dảnh/ khóm) tỷ lệ dảnh hữu hiệu và độ đồng đều cao, bộ rễ khỏe, cứng cây, lúa ít nhiễm sâu bệnh hơn so với ruộng cấy theo phương pháp truyền thống, đặc biệt là bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá…. Năng suất thực thu trên mô hình làm theo hiệu ứng hàng biên trên giống Thụy Hương 308 là 79.99 tạ/ha ,tăng so với làm theo tập quán cũ8.46tạ/ha. Khi áp dụng phương pháp cấy hiệu ứng hàng biên lúa được cấy mạ non, mạ khỏe, mạ từ 2-2,5 lá. Mật độ cấy trung bình 20 khóm/m2, khoảng cách giữa 2 hàng rộng 40cm và giữa hai hàng hẹp là 20cm. Khoảng cách giữa các khóm là20cm, cấy 1-2 dảnh/khóm, lượng giống sử dụng 0.5 kg/ sào. Bón phân đúng các thời điểm, đủ nhu cầu dinh dưỡng dựa trên nông hoá thổ nhưỡng từng khu vực canh tác. Trong đó có chia thành 3 lần bón phân gồm: Bón lót trước lúc giao cấy; Bón thúc đẻ nhánh lúc cây lúa bén rễ hồi xanh và bắt đầu đẻ nhánh; Bón thúc đòng lúc cây lúa bắt đầu phân hoá đòng (tròn mình, chóp lá có eo thắt, đòng 1mm). Bác Võ Văn Xuân xóm Triều Cảnh xã Hồng Thành cho biết: “Khi cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên, gia đình bác giảm được 50% chi phí giống,70% thuốc bảo vệ thực vật, công cấy giảm 1 ngày gia đình bác 3 người cấy được 4 sào lúa. Qua 2 vụ theo dõi và đánh giá bác thấy năng suất tăng lên so với các hộ sản xuất thông thường ít nhất 20%”. Qua kết quả thực tiễn trên địa bàn huyện Yên Thành cho thấy kỹ thuật gieo cấy theo hiệu ứng hàng biên được đánh giá là thâm canh lúa đầy triển vọng theo hướng“Nông nghiệp sinh thái” bởi nó thỏa mãn yêu cầu làm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả mô hình
Từ hiệu quả của các mô hình Trung tâm DVNN huyện Yên Thành đã và đang tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tổ chức các lớp tập huấn về các kỹ thuật cơ bản để thực hiện và mở rộng diện tích áp dụng cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân trong sản xuất lúa ./.