Vụ xuân năm 2023 này, Diễn Châu là huyện có diện tích lạc chuyên canh cao nhất tỉnh Nghệ An với hơn 2.300 ha, toàn huyện có hơn 10.000 hộ trồng lạc, nhà ít trồng 1 sào, nhà nhiều trồng từ 6 đến 8 sào.
Ngay tại huyện cũng có hơn 400 đại lý, tổ hợp thu mua lạc để xuất bán ra thị trường các tỉnh phía Bắc. Lạc, vừng sản xuất đến đâu được tư thương đến tận nhà để mua. Hơn nữa, lạc Diễn Châu có hàm lượng tinh dầu cao, thơm ngon, giàu đạm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Bởi vậy, đã có một thời Diễn Châu được suy tôn là “vua lạc".Huyện vừa có diện tích lạc chuyên canh rộng lớn vừa là mặt hàng độc đáo để xuất khẩu. Năm 1980, hai xã Diễn Thịnh và Diễn Hùng được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì có thành tích trong việc trồng và xuất khẩu được nhiều lạc.
Năng xuất lạc xuân ở xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đạt 36 tạ/ha
Duy trì và mở rộng diện tích cây trồng công nghiệp này để vừa làm hàng hóa, vừa mở ra hướng làm giàu xây dựng nhiều cánh đồng, mô hình thu nhập cao. Vụ xuân năm 2023 này, huyện nêu chỉ tiêu trồng từ 2.200 đến 2.300 ha lạc bao gồm ba loại giống năng suất cao như L14, L23, Sen Lai thắt Nghệ An. Ngoài vùng lạc chuyên canh ở 10 xã dọc quốc lộ 1A nối từ xã Diễn Trung đến xã Diễn Hùng, huyện còn chỉ đạo 6 xã vùng đồi núi như Diễn Lâm, Diễn Phú, Diễn Đoài, Diễn Lợi, Diễn An mỗi nơi trồng từ 60 đến 80 ha để làm hàng hóa. Toàn bộ diện tích 2.300 lạc được trồng theo công nghệ phủ nilon và khép kín màu xanh trong tết lập xuân. Mật độ cây từ 28 đến 30 bụi/m2 quanh ruộng lạc được đảo mương thoát nước đề phòng mưa lụt,tiểu. mạn và được làm vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ xung quanh bờ không cho chuột trú ngụ gây hại.
Các xã Diễn Trung, Diễn Thịnh, Diễn Hùng, Diễn Thành, Diễn Kỷ, Diễn Phong đào hàng trăm giếng khoan tại ruộng để lấy nước tưới cho lạc khi nắng hạn xảy ra. Trong các ngày đầu tháng hai năm 2023. Cả 10 xã trọng điểm lạc huy động hàng nghìn thanh niên, người dân ra đồng làm đất nạo vét kênh mương nội đồng, diệt chuột. Huyện và các xã làm tốt công tác khuyến nông, thực hiện các chính sách của tỉnh và huyện như kéo điện ra đồng để đào giếng khoan, trợ giá túi nilon, thuốc diệt cỏ, cho hộ nghèo ứng trước vật tư phân bón đến mùa thu hoạch mới trả. Công ty Vật tư nông nghiệp, Trạm giống cây trồng, Trạm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn quy trình thâm canh, cách trồng lạc theo công nghệ phủ nilon, cũng như cung ứng đầy đủ nilon, hạt giống, phân vô cơ phục vụ bà con gieo trồng hết diện tích kịp thời vụ. Chỉ tính Công ty vật tư nông nghiệp, Trạm giống cây trồng huyện đã cung ứng cho bà con nông dân hơn 5.000 tấn phân NPK và hơn 100 tấn lạc giống phẩm cấp tốt.
Bằng cách làm này, cả 2.300 ha lạc xuân trên địa bàn huyện được khép kín màu xanh trong khung thời vụ tốt nhất, ông Phan Xuân Vinh, Phó chủ tịch UBND huyện trao đổi: “Ở Diễn Châu cây lúa làm no, cây lạc làm giàu. Bởi vậy, ngoài 9.200 ha lúa, năm nào huyện cũng chỉ đạo các xã vùng màu gieo trồng từ 2.600 đến 2.700 ha lạc, trong đó vụ xuân trồng từ 2.200 đến 2.300 ha, còn vụ đông trồng từ 500 đến 700 ha.Lạc xuân dành để làm hàng hóa, còn lạc đông để làm giống cho vụ sau.Với năng suất bình quân 36 tạ/ha thì mỗi năm huyện nhà có 9.000 tấn lạc hàng hóa và hơn 2.000 tấn lạc để làm giống. Nhờ đưa cây lạc xuân vào trồng với diện tích lớn đã tạo đà cho các xã vùng màu thực hiện chuyển đổi mùa vụ với công thức: Lạc xuân + vừng, dưa hấu hè thu + ngô và rau sạch vụ đông, mở ra nhịp điệu lao động sản xuất mỗi năm từ 3 đến 4 vụ. Điều này đã làm nên những cánh đồng cho thu nhập cao, mỗi ha từ 100 đến hơn 160 triệu đồng vừa tạo ra việc làm, vừa tăng thu nhập cho bà con nông dân ở một huyện thuần thuần nông, thuần ngư”.
Lê Hoài Thung – Diễn Châu
Nguồn: Tập san Khuyến nông