Chủ nhật, 22/12/2024, 12:47

Nông dân Nghệ An vui mía được mùa, được giá

Thứ ba - 06/06/2023 21:25 910 0
Liên tục hai năm nay giá thu mua mía nguyên liệu của cả 3 nhà máy chế biến đường trong tỉnh luôn ổn định ở mức cao từ 1,1 triệu đồng trở lên/tấn, bà con nông dân rất phấn khởi bám lấy cây mía nguyên liệu hơn bao giờ hết.
Nông dân Nghệ An vui mía được mùa, được giá
Cuối tháng 4 cơ bản thu hoạch xong cây mía, bà con nông dân ở tất cả các vùng trồng mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường lại ồ ạt ra đồng trồng lại cây mía càng nhanh, càng sớm càng tốt để giảm bớt ảnh hưởng của mùa nắng nóng và gió Tây Nam (gió Lào) đến sớm làm đất khô hạn, cây mía chậm mọc mầm và bén rễ.
Mía được mùa, được giá:
Theo quy hoạch vùng sản xuất mía nguyên liệu để phục vụ cho 3 nhà máy chế biến đường trong tỉnh giai đoạn từ năm 2013 – 2020 đạt mục tiêu 28.400 ha mía, năng suất bình quân 70,5 tấn/ha, sản lượng 1.880.000 tấn, công suất ép của các nhà máy 15.500 tấn/ngày. Trong suốt cả thời gian từ 2013 – 2020 chỉ có năm 2016 trồng được 24.019 ha mía, năng suất mía đạt bình quân 56 tấn/ha. Các năm sau đó giảm dần, vì giá thu mua mía của các nhà máy chỉ dao động ở mức 780 – 800 đồng/kg, giá quá thấp, nông dân ít có lãi, nên diện tích mía niên vụ 2019 – 2020 chỉ còn lại 19.825 ha, năng suất giảm xuống 53 tấn, tiếp đến niên vụ 2020 – 2021 xuống còn gần 18.500 ha, năng suất đạt bình quân 61,05 tấn/ha. Niên vụ 2020 – 2021, diện tích giảm mạnh, nhưng năng suất đã tăng lên và đặc biệt giá mua mía tăng lên trên dưới 950 đồng/kg, nông dân phấn khởi, người trồng mía đã có lãi khá. Đến niên vụ 2022 – 2023 này diện tích mía tăng lên 20.200 ha, năng suất đạt xấp xỉ 68 tấn/ha, là vụ mía đạt được năng suất cao nhất từ trước lại nay.
Đặc biệt vụ mía vừa thu hoạch xong, không những có năng suất cao, mà là vụ mía ít bị các loại sâu bệnh nhất và cùng là vụ mía được các nhà máy chế biến đường thu mua với giá từ 1.100 -1.200 đồng/kg, cao nhất từ trước lại nay.
Ông Phạm Văn Lục ở xã Nghĩa Thái, huyện Tân Kỳ cho biết, đã 3 năm nay ông thuê mướn đất của nhiều hộ gia đình khác trồng được 5 ha mía nguyên liệu, năng suất mía của ông luôn luôn đạt được 70 tấn/ha. Giá mía năm nay nhà máy chế biến đường Sông Con thu mua 1.100 đồng/kg, trừ hết chi phí tiền lãi ông thu về 150 triệu đồng/5 ha. Thu hoạch xong vụ mía này, ông Lục thuê mướn thêm 8 ha đất để trồng. Ngày xưa trồng, chăm sóc, thu hoạch mía vất vả lắm; nay từ làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển toàn bằng máy móc do nhà máy chế biến đường ký hợp đồng dịch vụ từ A đến Z, khoẻ lắm, ông Lục tâm sự. Ông Nguyễn Thanh Bình ở xã Giai Xuân lại càng phấn khởi hơn, ông cho biết: Diện tích trồng mía nhà tôi chỉ có 2 ha, nhưng được đầu tư thâm canh tốt, nên vụ mía vừa thu hoạch xong đạt được năng suất bình quân 80 tấn/ha. Thu hoạch xong bán hết cho nhà máy chế biến đường, trừ hết tất cả các khoản chi phí do nhà máy cho ứng trước, như: giống, phân hữu cơ vi sinh và dịch vụ cơ giới hoá làm đất, trồng, thu hoạch… vẫn còn thu lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Thu hoạch xong vụ mía này, ngoài 2 ha vừa thu hoạch để lại lưu gốc, tôi sẽ trồng thêm 1 ha nữa. Nếu nhà máy tiếp tục thu mua mía như giá hiện nay thì không những gia đình tôi mà hầu hết các gia đình khác sẽ có nguồn thu đáng kể, ông Bình cho hay.
Ông Hoàng Minh Hiếu ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết, chưa bao giờ người trồng mía vui vẻ và phấn khởi như vụ mía năm nay, mía được mùa, được giá, nông dân có thu nhập khá, vụ mía vừa thu hoạch xong bán hết cho nhá máy chế biến của Công ty mía đường Nghệ An (NASU) với giá 1.246 đồng/kg (bao gồm cả tiền thưởng độ đường cao). Năng suất mía nhà ông Hiếu đạt bình quân 140 tấn/ha, cao nhất huyện Quỳ Hợp, trừ hết các chi phí phục vụ sản xuất, thu lãi ròng gần 100 triệu đồng/ha. Được hỏi vì sao mía nhà ông đạt được năng suất cao như vậy ? Ông Hiếu nói: Mía nhà tôi được trồng trên đất chuyển đổi từ trước đây trồng cam chuyển sang trồng mía, đất khá tốt; Thứ 2, nhờ có giống mía năng suất cao do nhà máy cung cấp; Thứ 3, chăm sóc tốt, bón phân đầy đủ, nhất là phân hữu cơ; Thứ 4, được tưới nước thường xuyên nên cây mía tốt hơn hẳn so với nhiều hộ gia đình khác.
Với xu thế này khả năng niên vụ mía 2023 – 2024 diện tích và năng suất mía sẽ tăng lên nhiều khi các công ty mía đường và bà con nông dân cùng có lợi, cùng có trách nhiệm quan tâm lẫn nhau. Đặc biệt hiện nay các công ty mía đường rất quan tâm đến nông dân, thể hiện qua nhiều cơ chế, chính sách, như:
Thứ nhất: Công ty mía đường nào ở Nghệ An cũng khuyến khích nông dân sử dụng cơ giới hoá vào tất cả các khâu sản xuất mía từ làm đất đến trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và vận chuyển. Việc sử dụng cơ giới hoá nói trên được các công ty ký kết hợp đồng dịch vụ đầy đủ và kịp thời với giá cả vừa hỗ trợ, vừa khuyến khích.
Thứ hai: Các công ty mía đường sẵn sàng cho nông dân vay tiền không tính lãi suất để mua các loại máy móc phục vụ sản xuất mía và được ứng trước tiền mua các loại phân bón, giống mía… không phải chịu lãi suất cuối vụ thanh toán. Ngoài ra công ty còn cử cán bộ kỹ thuật về tận từng làng, bản để tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và thâm canh cây mía đạt được năng suất cao.
Thứ ba: Một số công ty mía đường còn có những cơ chế chính sách đặc thù riêng của mình, như:
Tại Công ty NASU: Trồng mía trên đất mới khai hoang, đất chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha; nhân giống mía mới do công ty cấp, được hỗ trợ 4 triệu đồng/ha; gia đình nào trồng các giống mía mới lấy từ ruộng nhân giống ra, được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha. Khi thu hoạch, mỗi chuyến xe vận chuyển về nhà máy, nếu kiểm tra mía có chữ đường (CCS) cao hơn trung bình 5 ngày 0,5 CCS với mức thưởng là 60.000 đồng/1 CCS tăng thêm.
Tại Công ty mía đường Sông Lam: Hỗ trợ 2 triệu đồng/ha mô hình mía thâm canh theo quy trình do công ty đề ra, hỗ trợ 100% phí vận chuyển mía giống cho các hộ dân đăng ký trồng mía và bảo hành giá thu mua mía nguyên liệu vụ tiếp theo để nông dân yên tâm sản xuất.
Một trong những huyện có diện tích mía nhiều nhất tỉnh là huyện Quỳ Hợp, ông Quán Vi Giang – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước lợi thế giá phân bón giảm, giá thu mua mía nguyên liệu tăng ở mức cao nhất từ trước lại nay, nên bà con nông dân chạy theo trồng mía năm sau nhiều hơn năm trước. Từ năm 2021 về trước, năm trồng nhiều nhất 4.800 ha, 2 năm trở lại đây tăng lên hơn 5200 ha, trong đó xã Minh Hợp trồng gần 1.000 ha.
Ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh Nghệ An cho biết: Năm 2021 toàn tỉnh trồng gần 18.500 ha mía nguyên liệu cho các nhà máy chế biến đường, năm 2020 tăng lên 20.200 ha và khả năng vụ mía năm 2023 sẽ tiếp tục tăng thêm hàng trăm ha; do vụ mía vừa rồi được mùa, được giá, nông dân đang rất phấn khởi.
Không nên chạy theo giá cả để mở rộng diện tích:
Trong cơ chế thị trường tự do hiện nay, việc tăng và giảm giá mua, giá bán với bất cứ một loại sản phẩm nào là chuyện bình thường. Vì vậy, gieo trồng cây gì, sản xuất một loại sản phẩm hàng hoá gì trong cơ chế thị trường hiện nay phải trên cơ sở cung cầu gắn liền với chất lượng sản phẩm. Bài học giải cứu sản phẩm rau, củ, quả cho bà con nông dân vùng chuyên canh rau ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu; giải cứu sản phẩm hành tăm ở Nghi Lộc; giải cứu sản phẩm gừng ở Kỳ Sơn vừa qua là những minh chứng vẫn còn nguyên giá trị. Bởi vì, bất cứ một loại sản phẩm nào khi cung vượt cầu, sản phầm dư thừa nhiều phải yêu cầu có sự giúp đỡ giải cứu để tiêu thụ thì chắc chắn giá bán sẽ giảm mạnh, người sản xuất không những không có lãi mà còn bị thua lỗ nặng. Riêng đối với cây mía không thể áp dụng chủ trương kêu gọi giải cứu như các cây trồng khác được, mà phải chịu cảnh bắt buộc bán ép giá, bán tháo, bán chạy để vừa giải phóng đất trồng vụ tiếp theo hoặc trồng lại cây khác; vừa không để mía ra hoa làm giảm nghiêm trọng chất lượng đường, mật trong cây mía. Khi cây mía đã ra hoa, bán cũng không ai mua, hậu quả người trồng mía phải gánh chịu. Từ đó, lãnh đạo các địa phương, giám đốc các HTNN và bà con nông dân tốt nhất không nên chạy theo giá cả thu mua cao mà mở rộng diện tích trồng mía hay bất cứ cây trồng gì cũng vậy. Biện pháp tốt nhất là: tập trung thâm canh để có năng suất cao, sản lượng lớn thay vì mở rộng diện tích. Biện pháp này vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa tiết kiệm đất đai, dành đất đai cho cây trồng khác. Năng suất cây mía ở Nghệ An còn thấp, dưới 70 tấn/ha. Trong khi đó có hộ gia đình như gia đình ông Hoàng Minh Hiếu ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp vụ mía vừa qua đã đạt được năng suất mía 140 tấn/ha, cao nhất tỉnh Nghệ An. Kêt quả này chứng tỏ tiềm năng khai thác về năng suất cây mía còn nhiều, vấn đề là đầu tư thâm canh cao để có năng suất cao.
Nếu thực chất nhu cầu mía nguyên liệu của nhà máy chế biến đường nào đang còn lớn, cung chưa đáp ứng cầu thì có thể mở rộng diện tích trồng thêm và phải có hợp đồng kinh tế giữa người trồng mía và nhà máy trong việc tiêu thụ sản phẩm, giá cả thu mua sau khi thu hoạch như Công ty Mía đường Sông Lam ký hợp đồng với bà con nông dân ở huyện Anh Sơn hiện nay.


                           Bà con nông dân xã Minh Hợp, Quỳ Hợp thu hoạch mía

                                                                      Doãn Trí Tuệ - Thành phố Vinh
                                                                       Nguồn: Tập san Khuyến nông

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a2-9.jpg Nuoi-cac-long-cua-song-cua-ho-Vu-Van-Manh-xa-Nghi-Quang-huye z6098847690463-7001a19e38215bdbc3068ea76aa3cc89-1.jpg a3-7.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-che-huu-co.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a25-4.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây