Khắc phục khó khăn để dành thắng lợi vụ sản xuất Hè Thu 2022
Chủ nhật - 29/05/2022 21:301.2560
Vụ sản xuất hè thu 2022, Nghệ An phấn đấu gieo cấy 61000 ha lúa, năng suất bình quân 51 tạ/ha, sản lượng 311.100 tấn. So với kết quả của vụ sản xuất hè thu 2021, diện tích, năng suất và sản lượng có tăng nhưng không nhiều. Nhưng không dễ dàng đạt được mục tiêu nói trên, nếu không có sự phấn đấu quyết liệt trong tổ chức chỉ đạo và thực hiện để vượt qua nhiều khó khăn và thách thức đã và đang diễn ra hiện nay.
Nhiều khó khăn, thách thức: Thứ nhất: Giá cả các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp như: phân bón các loại, xăng dầu, thuốc BVTV, hạt giống… đều ồ ạt tăng giá cao từ 1,5 đến hơn 2 lần so với giá đầu năm, nhất là giá các loại phân bón và giá xăng. Khả năng còn có thể tăng, do lệnh cấm vận của Mỹ và các nước phương tây đối với Nga và Belarus là 2 nước xuất khẩu nhiều phân bón và xăng dầu ra thị trường thế giới. Giá cả loại vật tư phục vụ nông nghiệp tăng sẽ làm hạn chế đầu tư vào thâm canh, làm tăng chi phí sản xuất, làm giảm hiệu quả sản xuất và có thể dẫn đến tình trạng một số ít người dân bỏ hoang ruộng. Thứ hai: Do ảnh hưởng của thời tiết gây ra rét đậm, rét hại liên tục xẩy ra từ cuối tháng 1 kéo dài đến đầu tháng 4 năm nay, đã làm ảnh hưởng đến thời gian sinh trưởng của cây lúa phải kéo dài thêm từ 8 – 10 so với các vụ lúa xuân những năm gần đây. Vì vậy vụ lúa xuân năm nay phải thu hoạch muộn hơn 8 – 10 ngày, kéo theo việc gieo cấy vụ lúa hè thu cũng chậm lại dễ gây ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, nếu mùa mưa bão năm nay đến sớm hơn mọi năm. Thứ ba: Khả năng nắng nóng và hạn hán xẩy ra nghiêm trọng. Theo dự báo của Đài Khí tượng – Thủy văn Bắc Trung Bộ, từ tháng 6 – 8 năm nay ở Nghệ An có thể xuất hiện nắng nóng, nhiệt độ không khí cao hơn TBNN khoảng 0,50C, lượng mưa thấp thua TBNN cùng kỳ từ 10 – 20% và lưu lượng dòng chảy trên các sông suối lớn giảm 15 – 20% so với TBNN. Trong khi đó lượng nước dự trữ ở 98 hồ đập lớn do các công ty thủy lợi quản lý chỉ có 13 hồ đầy nước, 71 hồ lượng nước đạt 70% dung tích thiết kế, số hồ còn lại lượng nước trong hồ ở mức dưới 50% dung tích thiết kế. Số hồ do các địa phương quản lý có 963 hồ, không có hồ nào đầy nước, trong đó có 601 có lượng nước đạt 70% dung tích thiết kế, số còn lại lượng nước không nhiều, thậm chí có hồ trơ đáy. Riêng các hồ đập thủy điện, lượng nước chứa trong hồ cũng không nhiều.Điển hình như hồ thủy điện Bản Vẽ dung tích hiện tại chỉ đạt 1.430 triệu m3, thấp thua dung tích thiết kế 404 triệu m3. Thứ tư: Trong khi giá các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao liên tục, nhưng giá các loại nông sản phẩm không tăng hoặc tăng không đáng kể và thậm chí có loại giá rẻ vẫn khó tiêu thụ. Đây chính là nguyên nhân không khuyến khích được người nông dân đầu tư vào sản xuất thâm canh. Thứ năm: Theo dự báo của Chi cục TT&BVTV Nghệ An, vụ sản xuất hè thu năm nay nguy cơ tiềm ẩn lớn một số sâu bệnh hại có thể xẩy ra nhiều, nhưsâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen, chuột… vì vậy, phải chủ động có biện pháp phòng trừ tốt nhất. Thứ sáu: Dịch bệnh CoVid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức triển khai chỉ đạo sản xuất, phòng chống sâu bệnh, tiêu thụ và giao lưu, quảng bá hàng hóa nông sản các loại đến với doanh nghiệp, người tiêu dùng. Các giải pháp chủ yếu: Xuất phát từ những khó khăn, thách thức nói trên và do vụ lúa hè thu năm nay phải thu hoạch chậm hơn so với các vụ lúa xuân trước đây từ 8 – 10 ngày. Vì vậy, Sở NN & PTNT Nghệ An đã đưa ra nhiều biện pháp để cùng với các địa phương chỉ đạo thực hiện, trong đó theo bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cần tập trung nhấn mạnh 5 giải pháp chủ yếu sau đây: Một: Về cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy, quán triệt phương châm: Sử dụng các giống lúa ngắn ngày gieo cấy được càng sớm càng tốt, cụ thể: Vùng hè thu chạy lụt, toàn tỉnh có khoảng 12000 ha, tập trung nhiều ở các huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương… vùng này cần được thu hoạch xong trước ngày 30/8, chậm lắm không quá sau ngày 2/9 để tránh né mưa lụt đến sớm. Vì vậy tập trung gieo cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng (TGST) không quá 100 ngày trong vụ hè thu, như các giống: KD đột biến, HN6, TBR 279, Việt lai 20… và chỉ nên gieo mạ để cấy. Thời gian gieo mạ, gieo trước khi thu hoạch lúa xuân 8 – 10 ngày, gặt xong làm đất cấy ngay. Vùng hè thu vàn mưng, toàn tỉnh có khoảng 38 – 40 ngàn ha, vùng này chỉ bị ngập lụt khi có mưa liên tục từ 180 – 200mm trở lên. Vì vậy, cơ cấu giống lúa trong vùng này là những giống có TGST dưới 100 ngày, năng suất cao, chất lượng cơm gạo khá, như các giống: ADI 168, VNR 20, SL9, Thiên ưu 8, TBR 225, VT-NA6, VT-NA2, Hương thơm 1, Bắc thơm 7… gieo mạ từ 20 – 25/5, cấy 5 – 10/6. Nếu gieo sạ thì gieo sau gieo mạ 5 – 7 ngày. Thực hiện đúng cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy nói trên sẽ cho thu hoạch xong trước ngày 10/9, trước khi mùa mưa bão thịnh hành ở Nghệ An. Vùng hè thu vàn cao, toàn tỉnh có khoảng 9000 – 10.000 ha, vùng này ít bị ngập lụt khi có mưa to. Vì vậy cơ cấu giống lúa là những giống có TGST dài hơn (khoảng 105 – 110 ngày), có năng suất cao như các giống: Thái Xuyên 111, Nhị ưu 986, Long hương 8117, Kinh sở ưu 1588, Lai thơm 6… Mỗi địa phương chỉ nên gieo cấy 2 – 3 giống và trên mỗi cánh đồng chỉ nên gieo cấy 1 giống để dễ dàng quản lý, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Hai: Sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Đề nghị các cơ sở sản xuất và bà con nông dân sau khi thu hoạch xong lúa xuân nên sử dụng chế phẩm sinh học phun hoặc trộn với đất bột vãi lên mặt ruộng để làm phân hủy nhanh gốc rạ, rạ và rơm vừa để làm phân, vừa phòng tránh được hiện tượng ngộ độc hữu cơ. Đặc điểm của vụ sản xuất hè thu là TGST của các giống lúa ngắn. Vì vậy ưu tiên bón phân lót đậm ngay trước khi gieo cấy và bón cân đối. Hạn chế bón đạm, khuyến khích sử dụng nhiều các loại phân hữu cơ, phân xanh ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh. Ba: Sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả bằng các biện pháp như: giữ nước tại ruộng, không tháo khô nước để gặt lúa xuân, hạn chế gieo sạ gây lãng phí nước, áp dụng phương pháp tưới nước nông – lộ - phơi hoặc nông thường xuyên. Củng cố và kiện toàn các tổ thủy nông để điều hành nước tưới hợp lý, hiệu quả, chống thất thoát nước. Ở những vùng cao cưỡng, cuối kênh, khả năng không đảm bảo đủ nguồn nước tưới thì mạnh dạn chuyển sang gieo trồng cây trồng cạn như ngô sinh khối, lạc, vừng… vùng sâu trũng quá thì chuyển sang trồng sen kết hợp nuôi tôm, cá… Bốn: Chủ động phòng chống kịp thời các loại sâu bệnh và chuột. Trong đó, đối với Nghệ An đáng lưu ý nhất sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, bệnh bạc lá… hầu như vụ lúa hè thu nào cũng xuất hiện và gây hại nhiều ở khắp mọi địa phương trong tỉnh. Vì vậy, việc thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm, phòng trừ ngày theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng đối tượng sâu bệnh, đúng liều lượng, nồng độ và phun đúng kỹ thuật) rất quan trọng. Riêng đối với chuột chưa bao giờ nạn chuột phá hoại mùa màng nhiều như bây giờ. Sở NN & PTNT đã cảnh báo sớm và đã phát động phong trào toàn dân diệt chuột bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Đào bắt, dùng bẩy kẹp đa năng, bẩy sập, bẩy dính, bã sinh học. Năm: Mùa mưa, lụt, bão ở Nghệ An, năm sớm nhất là sau ngày 2/9 và thịnh hành nhất là sau ngày 10/9 hàng năm. Vì vậy, không những cơ cấu giống ngắn ngày, gieo cấy được càng sớm càng tốt, mà còn cần phải chủ động thu hoạch lúa khi lúa đã có tỉ lệ hạt trên bông chín đạt từ 85% trở lên. Thậm chí có thể gặt sớm hơn một chút để đề phòng mưa, lụt, bão đến sớm với mục đích “xanh nhà hơn già đồng” để không gây thất thiệt lớn. Doãn Trí Tuệ