Công nghệ số là nhu cầu để phát triển:
Việc ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ tin học, công nghệ truyền thông trong sản xuất và kinh doanh là xu thế mà các HTX và người sản xuất không thể đứng ngoài và cần tận dụng để nắm bắt cơ hội. Đó là nhu cầu và cũng là yêu cầu quan trọng đối với việc phát triển chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là tại khu vực kinh tế tập thể, trong đó có các HTX nông nghiệp. Điều này được thể hiện rất rõ trong khoảng thời gian hai năm vừa qua, đại dịch CoVid-19 bùng phát mạnh đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông, cung ứng nông sản. Nhưng những HTX đã xây dựng được thương hiệu và ứng dụng công nghệ tin học như ở một số cơ sở sản xuất. Trà hoa vàng Quế Phong, sen quê Bác; trang trại cam Thiên Sơn, Yên Thành; nước mắm Vạn Phần – Diễn Châu… đều không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, vẫn tiếp tục duy trì quảng cáo chất lượng sản phẩm. Đồng thời nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các HTX đã tiết kiệm được rất nhiều các loại chi phí trong những điều kiện cực kỳ khó khăn do dịch bệnh gây ra. Chính nhờ vào sự năng động và kịp thời nắm bắt việc ứng dụng công nghệ số để phát triển kinh tế tập thể đem lại hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an ninh xã hội.
Nghệ An là một tỉnh giàu tiềm năng, lắm lợi thế. Vì vậy không thiếu những sản phẩm đặc trưng từ cây trồng, vật nuôi đến những sản phẩm được chế biến từ các hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản đến dược liệu… để trở thành sản phẩm OCOP và từ dó thông qua ứng dụng công nghệ số vào chuỗi sản xuất lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu và quảng bá sản phẩm cho mọi đối tượng khách hàng trong ngoài nước biết để giao lưu mua bán, liên kết sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm v.v… Bằng việc ứng dụng công nghệ số vào chuỗi sản xuất theo quy trình VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng, với thương hiệu cam Vinh, của trang trại cam Thiên Sơn ở Yên Thành sau khi quảng bá lên sàn thương mại điện tử, sản phẩm cam của trang trại Thiên Sơn không những được thị trường trong nước mua nhiều, mua với giá cao hơn các loại cam khác từ 30 – 35%, mà còn được thị trường các nước Châu Âu chấp nhận tiêu thụ sản phẩm.
Ứng dụng công nghệ số còn giúp các HTX và người sản xuất dễ dàng gắn kết, tương tác trao đổi, thảo luận và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ các đơn vị quản lý địa phương, tiếp cận các giá trị tiện ích công nghệ, khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế số hiệu quả trong môi trường kinh tế tập thể. Đặc biệt, thông qua ứng dụng công nghệ số cho phép các HTX dễ dàng tiếp cận, xây dựng mạng lưới đối tác rộng mở, tiếp cận kho tài nguyên tri thức nông nghiệp hoàn toàn miễn phí, tương tác trực tiếp đến các cơ quan quản lý địa phương, các nhóm chuyên gia bằng hình ảnh, video, clip, video call, gọi thoại, tin nhắn nội bộ linh hoạt, dễ dàng.
Là công cụ đắc lực cho HTX:
Mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp của ta hiện nay phần lớn là quy mô nhỏ trong khi muốn chiếm lĩnh thị trường, giảm chi phí sản xuất, giảm thất thoát, ứng phó với biến đổi khí hậu…, khâu sản xuất phải được tổ chức lại theo hướng chiến lược và chuyên nghiệp và muốn người dân sản xuất chuyên nghiệp, phải có HTX được quản lý một cách chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy năng lực sản xuất của nông dân ta rất tốt nhưng khó khăn nhất trong những năm vừa qua của bà con nông dân là khó tiếp cận thị trường. Vì vậy tình trạng “được mùa, mất giá” và tình trạng sản phẩm làm ra nhiều khó tiêu thụ, lại đề nghị giải cứu như đã xẩy ra vừa qua đối với các sản phẩm như: Cam Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn; gừng Kỳ Sơn; dứa Quỳnh Lưu… Thời gian tới nền kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng sẽ đi theo một định hướng vừa thuận lợi, vừa đan xen thách thức, đó là yêu cầu chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn.
Công nghệ số sẽ cung cấp cho các HTX rất nhiều thông tin và yêu cầu các HTX cần phải có mô hình quản trị tốt để có thể xử lý thông tin đó. Chính vì vậy, đầu tiên các HTX, đặc biệt là lãnh đạo HTX cần được tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực quản trị. Các thành viên HTX cần được tuyên truyền để thay đổi tư duy từ cạnh tranh sang hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau. Cùng với đó, các cơ quan của các cấp có liên quan cung cấp thêm các dịch vụ cho HTX như thông tin sản xuất, tư vấn sản xuất, chẩn đoán sâu bệnh, dịch hại, khoa học công nghệ… để hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái… với công nghệ số, các HTX vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn sẽ tiếp cận được các dịch vụ đó dễ dàng hơn.
Vậy cần phải làm gì để có thể thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả. Để làm được điều đó, việc đầu tiên, các HTX cần định hình mô hình kinh doanh của mình một cách bài bản, cụ thể là:
Thứ nhất: Các HTX phải xác định được các yếu tố như thị trường mục tiêu hướng tới, phân khúc thị trường, tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng… Những thông tin đó sẽ tạo giá trị thiết thực bằng việc số hóa các quy trình sản xuất an toàn, hướng tới phương thức xúc tiến thương mại qua mạng Internet.
Thứ hai: Các HTX cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ theo yêu cầu ngày càng cao của thị trường đòi hỏi.
Các chương trình đào tạo để giúp các HTX cần chú trọng đào tạo khả năng quản trị số cho các đối tượng là giám đốc HTX và nguồn nhân lực chủ yếu trước mắt cũng như lâu dài của HTX nắm bắt đầy đủ yêu cầu về năng lực quản trị số.
Thứ ba: Trong quá trình quản trị số, bên cạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các HTX cũng cần quan tâm hơn đến nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động khác với mục đích phục vụ cho sản xuất và kinh doanh của HTX. Công nghệ số chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các HTX hợp tác đa chiều, đa lĩnh vực hoạt động.Chúng ta không thể sử dụng công nghệ số cho 1, 2 hoạt động đó là một sự lãng phí rất đáng tiếc, không nên áp dụng.
Doãn Hạnh Lâm - nguồn TSKN