Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bước đầu việc sản xuất nông nghiệp sạch ở Nghi Lộc đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hải xóm Kim Nghĩa là một trong 40 thành viên được UBND xã Nghi Long huyện Nghi Lộc tạo điều kiện cho tham gia vào tổ hội nghề nghiệp sản xuất rau củ quả an toàn của xã. Trước đây, với 4 sào ruộng, mỗi khi cây trồng có sâu bệnh, gia đình cũng như nhiều hộ khác đều sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật thông thường để phòng trừ. Khi tham gia vào tổ hội, gia đình được tập huấn, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng theo quy trình sản xuất an toàn, nhờ vậy đầu ra rất thuận lợi. Chị Nguyễn Thị Hải - Xóm Kim Nghĩa xã Nghi Long nói: “Vụ dưa vừa rồi gia đình tôi sản xuất 4 sào, xã có chủ trương sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn nên gia đình tôi áp dụng từ khâu gieo trồng đến việc chăm sóc và bón phân, nhờ vậy sản phẩm đạt chất lượng hơn và bán được giá hơn”
Cùng với việc thành lập các tổ hội nghề nghiệp sản xuất an toàn, thời gian qua, các địa phương đã phát huy nội lực, tích cực trong quá trình xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác để sản xuất. Xã Nghi Kiều là một điển hình: Là xã miền núi, đất đai cằn cỗi, những năm gần đây bà con nông dân đã đưa cây nghệ và cây hành tăm vào trồng, bước đầu cho năng suất cao. Trung bình hàng năm, toàn xã sản xuất 100 ha nghệ, năng suất đạt 20 tấn/ ha, sản lượng 2000 tấn. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra rất khó tiêu thụ. Để khắc phục khó khăn này, UBND xã Nghi Kiều đã triển khai các giải pháp tìm đầu ra cho nông dân như: Tổ chức tập huấn quy trình sản xuất an toàn cho các hộ dân, đồng thời phối hợp các ngành liên quan cấp mã vạch cho sản phẩm nghệ nhằm giúp người tiêu dùng dễ nhận biết sản phẩm nghệ của Nghi Kiều, mặt khác xây dựng các cơ chế hỗ trợ bà con trong việc quảng bá thương hiệu như đầu tư công nghệ máy móc chế biến.
Nghi Lộc là địa phương có diện tích đất nông nghiệp khá lớn, chất đất màu mỡ, mạng lưới thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, nhiều cửa sông, cảng biển là những lợi thế quan trọng của Nghi Lộc trong phát triển nông nghiệp. Từ chỗ sản xuất nông nghiệp theo quy mô hộ nhỏ lẻ, tự cung tự cấp hoặc chưa mang tính thương mại hoá cao, nay Nghi Lộc đã thiết lập được những vùng chuyên canh nông nghiệp lớn: trên 900ha rau màu các loại. Đó là tín hiệu cho thấy nông nghiệp Nghi Lộc đã có sự chuyển biến, đáp ứng với yêu cầu và xu hướng của nền kinh tế chung.
Tuy nhiên, để xây dựng được thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, UBND huyện Nghi Lộc cần kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp nhất là nông nghiệp công nghệ cao, tư vấn, hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa cho các hợp tác xã có nhu cầu. Hỗ trợ một phần kinh phí, đẩy mạnh mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hợp tác xã và người dân có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ. Ông Nguyễn Đức Thọ- Phó chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết thêm: “Huyện sẽ tiếp tục quy hoạch phát triển sản xuất tập trung, tập huấn, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân, đồng thời nhân rộng mô hình nhà lưới công nghệ cao”
Với định hướng sản xuất nông nghiệp sạch đã và đang tạo ra những dấu ấn và khởi sắc về một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững ở Nghi Lộc. Mong rằng, với sự nỗ lực của người dân, cùng với sự quan tâm tạo điều kiện của cấp trên, nông sản của bà con nông dân Nghi Lộc ngày càng có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài Tỉnh./.
Thu Hiền - Trung tâm VHTT Nghi Lộc