Lợi ích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khó khăn và giải pháp.
Thứ hai - 09/11/2020 04:398.1240
Việt nam là một nước nông nghiệp với hơn 75% dân số sống bằng nông nghiệp và 70% lãnh thổ là nông thôn, nông nghiệp luôn là ngành kinh tế có vị trí quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp phát triển của đất nước. Trong những năm gần đây, nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước nên nền Nông nghiệp Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ngày càng khẳng định được vị thế cao trên thị trường quốc tế.
Những thành công, sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp ở nước ta có sự đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó tập trung chính vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp công nghệ cao là một nền nông nghiệp được ứng dụng kết hợp những công nghệ mới, tiên tiến để sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững. Ở nước ta, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã mang lại nhiều lợi ích to lớn như: - Ứng phó với biến đổi khí hậu: do đặc điểm điều kiện tự nhiên, nước ta là một trong năm nước chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu như hạn hán, dịch bệnh, lũ lụt…Để hạn chế những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra việc ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tạo ra các giống biến đổi gen giúp tăng sức đề kháng của cây trồng, vật nuôi trước dịch bệnh hay việc ứng dụng hiệu ứng nhà kính để tạo ra môi trường thuận lợi nhất cho sản xuất nông nghiệp không phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu đã khiến nông dân chủ động được kế hoạch sản xuất của mình cũng như khắc phục được tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp; việc áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như mô hình hom nhân giống cây lâm nghiệp, công nghệ sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ thuỷ canh sản xuất rau trong nhà lưới, công nghệ nuôi gà, lợn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ di truyền tạo cá rô phi đơn tính …Hạn chế được những thiệt hại do sự khắc nghiệt của khí hậu gây ra, giúp tăng được năng suất cây trồng vật nuôi trên một đơn vị diện tích lại bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, giảm khí thải nhà kính. - Tạo ra lượng sản phẩm lớn, giảm công sức lao động, đa dạng hóa sản phẩm giúp sản phẩm cạnh tranh tốt hơn trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế: Khi áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ hạn chế được sự lãng phí về tài nguyên đất, nước do tính ưu việt của các công nghệ này như công nghệ sinh học, công nghệ gen, công nghệ sản xuất phân hữu cơ và tự động hóa sản xuất. Ngoài ra, so với hình thức sản xuất lạc hậu cũ thì nông nghiệp công nghệ caogiúp nông dân giảm tối đa sức lao động nhờ sự cơ giới hóa, tự động hóa của máy móc. Với việc tiết kiệm các chi phí như nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sức lao động sẽ giúp tăng năng xuất cho cây trồng vật nuôi, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất nông nghiệp; tạo ra có sản phẩm an toàn thân thiện với môi trường đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. - Sản xuất nông nghiệp tập trung hóa, quy mô hóa: so với những hoạt động sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún xưa cũ thì nhờ nông nghiệp công nghệ cao, nông dân dễ dàng tập trung mở rộng quy mô sản xuất,hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, việc ứng dụng khoa học và công nghệ sau thu hoạch cũng tạo ra những giá trị mới cho nông sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đem lại nguồn thu lớn hơn rất nhiều… Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được. Do nền nông nghiệp nước ta với đặc trưng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hạ tầng cơ sở vật chất còn thiếu, trình độ lao động thấp. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Thoạt nghĩ chúng ta cần áp dụng đồng bộ một số giải pháp sau: - Thứ nhất về vốn: Khó khăn lớn nhất là thu hút được vốn đầu tư cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo công nhân, tiêu thụ sản phẩm. Để khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân, các loại hình doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới. Thì phải có các chính sách tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận các nguồn vốn; mở rộng và nới các tiêu chuẩn để các cơ sở sản xuất lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. - Thứ hai về nguồn nhân lực: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực cao, có hiểu biết về khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, nguồn nhân lực có chuyên môn, đào tạo ở nước ta hiện nay trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế so với những yêu cầu hội nhập và phát triển. Đặc biệt, ở những vùng miền có nền kinh tế kém phát triển, còn nhiều khó khăn thì đây là rảo cản lớn trong việc xây dựng quy mô của một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cho nên cần đẩymạnh đào tạo nghề cho nông dân; Thông qua các khóa đào tạo này cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ năng để thực hành sản xuất nông nghiệp hiện đại, giúp họ thay đổi kỹ năng sản xuất, hình thành tư duy thị trường, năng lực tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, chú trọng đổi mới nội dung và chương trình đào tạo đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chuyên sâu về nông nghiệp công nghệ cao; gắn lý thuyết với thực hành. - Thứ ba về quy hoạch đất đai:Đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn nhỏ lẻ, chưa có chính sách quy tụ để mở rộng sản xuất, việc quy tụ đất đai và tập trung ruộng đất còn chậm.Nên cần phải đẩy nhanh quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất. Nhà nước cần đơn giản thủ tục thuê, chuyển nhượng đất đai; các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi dồn điền đổi thửa; hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và nông dân; khuyến khích nông dân góp vốn bằng ruộng đất vào doanh nghiệp; phát triển ngành nghề ở nông thôn, chuyển đổi nông dân sang lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn. - Thứ tư về thị trường tiêu thụ: một trong những khó khăn lớn của sản xuất nông nghiệp cao ở nước ta đó là thị trường tiêu thụ, chưa có sự kết nối giữa đầu vào và đầu ra. Nhiều sản phẩm nông sản theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiêu thụ trên thị trường còn hạn hẹp, khả năng cạnh tranh kém cả trong và ngoài nước. Để ổn định và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao cần xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản, liên kết thực hiện đồng bộ các khâu từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, nhất là kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao cần phải đầu tư chuyển dần sang chế biến. Cần coi trọng thị trường trong nước bằng cách giảm giá bán sao cho đại đa số người tiêu dùng đều có thể mua được. - Thứ năm về chính sách:Chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta thời gian qua còn nhiều bất cập, thủ tục còn rườm rà, phức tạp... Các chính sách như đào tạo nhân lực nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, quản lý thị trường, hỗ trợ nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ vào nông nghiệp... còn nhiều nút thắt đang là rào cản làm chậm quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy,các bộ, ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao như: đơn giản hóa thủ tục cho vay; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hoàn hiện chính sách xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao… Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang là xu thế tất yếu phát triển nông nghiệp trong thời gian tới. Để góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có bước phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập. Nhà nước cần có chủ trương, chính sách ứng dụng rộng rãi hơn nữa các công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Mô hình trồng rau cải, dưa chuột nhà màng tại xã Nghi Liên TP Vinh Hồng Thanh - TTKN