Phát triển cây bơ ở Nghệ An và những điều cần biết
Chủ nhật - 01/11/2020 22:061.8610
Bơ là cây trồng mới trên đất Nghệ An. Hiện tại cây bơ đã và đang được trồng ở một số huyện miền núi Nghệ An với diện tích khoảng 200ha, tập trung nhiều ở huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa và một số địa phương khác. Mở rộng diện tích trồng bơ ở Nghệ An là một hướng đi đúng, nhất là trên vùng đất đỏ bazan ở các huyện miền núi tỉnh ta.
CÂY BƠ ĐƯỢC TRỒNG Ở NHIỀU NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI Cây bơ có nguồn gốc ở vùng đồi núi nhiệt đới Trung Mỹ. Vì thế nó được trồng nhiều ở các nước như: Mexico, California và Florida (Mỹ), Colombia, Guatemala, Equador, Peru, Chile, Brazin. Ở Châu Âu có các nước: Tây Ban Nha, Pháp, Isreal. Ở Châu Phi có các nước: Nam Phi, Maroc, Ethiopia, Kenya. Ở Châu Á có: Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam, Lào. Châu Úc có: Úc và New Zealand. Tại Việt Nam, cây bơ được một chuyên viên nông nghiệp Mỹ đưa vào trồng thử tại trường Trung cấp Nông Lâm Súc Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng vào giữa thập niên 60 của thế kỷ 20, đến nay đã 60 năm. Bây giờ ngoài Bảo Lộc tỉnh Lâm Đồng ra, cây bơ đã có mặt khắp vùng Tây Nguyên ra đến Sơn La, Mộc Châu. Sản lượng bơ mỗi năm trên thế giới đạt hơn 3,5 triệu tấn. Nước xuất khẩu bơ nhiều nhất là Mexico 380.000 tấn, Chile 100.000 tấn, Peru 45.000 tấn, Nam Phi 40.000 tấn, Israel 32.000 tấn…Nước nhập khẩu bơ nhiều là Mỹ, Thị trường EU và Úc. Vì sao cây bơ được ưa chuộng nhiều, vì cây bơ vừa là cây dễ trồng, nhiều quả và đặc biệt quả bơ có chứa nhiều giá trị dinh dưỡng lớn có ích cho con người. Theo nhiều kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy: Cứ 100gam bơ có chứa các chất dinh dưỡng có tác dụng làm giảm Cholesterol và chất béo trong cơ thể, ngăn ngừa ung thư, giảm triệu chứng viêm khớp và giúp giảm cân đối với người béo phì.
NHỮNG LƯU Ý KHI TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY BƠ Một: Cây bơ có 2 nhóm hoa khác nhau, nhóm A và nhóm B, nên khi trồng bơ, người trồng bơ phải biết giống bơ mình trồng thuộc nhóm hoa nào để có sự phối hợp với nhóm hoa khác nhằm có sự phối kết hợp trong quá trình thụ phấn đạt kết quả tốt. Ngoài ra trong quá trình thụ phấn còn có sự bổ sung của các loại côn trùng như: ong, bướm,v.v… Nhóm hoa A có các giống: Hass, Lamb Hass, Hass carmen, Gem, Pinkerton, Wurth, Reed… Nhóm hoa B có các giống: Fuerte, Shepard, Zutano, Booth, Shat Win… Hai: Cây bơ rất kiêng kỵ nước úng ngập ở dưới gốc cây. Nếu bị ngập úng nước hoặc đất thường xuyên ẩm ướt quá cây dễ bị bệnh xì mủ. Vì vậy chỉ nên trồng bơ trên đất thoát nước tốt. Ba: Khi trồng bơ nên vun thành mô cao từ 30 – 40 cm để trồng (dù là đất đồi vệ) để đảm bảo thoát nước nhanh khi có mưa to, mưa kéo dài, làm được như vậy sẽ hạn chế được bệnh thối cổ rễ làm chết cây. Bốn: Khi đặt bầu giống xuống trồng, phải đặt mặt bầu bằng ngang với mặt bằng của mặt mô đất trồng. Tuyệt đối không đặt mặt bầu khi trồng sâu hơn mặt bằng mô đất, trồng như vậy, gặp mưa to cây giống sẽ dễ bị chết hoặc dễ bị bệnh gây hại. Năm: Sau khi trồng nên tưới thêm phân sinh học như: Trico – derma, phân cá, mật mía pha loãng với nước tỉ lệ pha 1/100 để phun hoặc tưới vào gốc nhằm thúc cây phát triển nhanh bộ rễ. Sáu: Sau khi trồng, cây bơ đã phục hồi, rễ, thân và lá đã bắt đầu phát triển nên bón ngay phân hỗn hợp NPK loại 15-5-20 với lượng bón 10gam/gốc, bón xa gốc, bón xong khỏa đất và phân trộn đều vào nhau rồi lấp đất lại. Khi cây lớn 1 tuổi trở lên tăng dần lượng phân bón lên 15 – 20 gam/gốc một lần bón. Bảy: Do cây bơ ra đọt cùng một lúc với trái non đang phát triển, nên không bón phân N (đạm) và lân (P2O5) lúc cây đang trổ bông và lúc trái non mới vừa đậu. Tám: Không phun thuốc trừ nấm có gốc đồng (Cu) khi cây đang trổ hoa. Nhưng sau khi trái đã đậu, sử dụng thuốc có gốc đồng để phun với khoảng cách 28 ngày (nếu trời nắng) và 14 ngày (nếu trời mưa) cho một lần phun. Chín: Cây bơ có nhu cầu nước nhiều khi trổ, đậu trái và lúc trái phát triển to dần lên. Vì vậy lúc này nếu trời không có mưa, đất khô hạn thì nên tưới nước nhẹ vào gốc cây. Mười: Nếu có điều kiện, nên phun Bo (nguyên tố vi lượng) nhiều lần, mỗi lần cách nhau 1 tháng, phun trước khi trổ hoa, trong lúc trổ cho đến khi gần thu hoạch.
PHÒNG CHỐNG SÂU BỆNH Sâu hại có: Sâu đục thân, bọ ăn lá non, sâu xanh, bọ xít đục trái, bọ xít muỗi phá hoại đọt non. Bệnh hại có: Xì mủ thân, thối cổ rễ do nấm Phytophthora, bệnh Thán thư (Anthracnose) do nấm Colletotrichum gây hại trên trái cây, bệnh đốm lá (Cercospora) và bệnh hóa nâu phần gỗ bên trong nối tiếp giáp giữa gốc ghép và mắt ghép. Trong các loại sâu bệnh nói trên cần quan tâm nhất là bệnh xì mủ thân cây do nấm Phytophthora gây ra. Vì vậy nên tưới hay phun thuốc Agriphos vào gốc cây để tăng khả năng đề kháng và chống lại bệnh xì mủ và cứ 2 tháng lại tiếp tục làm như vậy thì bệnh sẽ mất.
THU HOẠCH Vì sao ở các nước tiên tiến khi mua quả bơ về không gặp trường hợp quả bơ không bao giờ chín như trường hợp đã xẩy ra ở Việt Nam? Do ở các nước đó, người trồng bơ họ làm một thử nghiệm nhỏ trước khi quyết định đã nên thu hoạch hay chưa. Đó là thử nghiệm kiểm tra độ dầu bằng phương pháp sấy thịt quả đến khi tổng lượng chất khô (TDM) không còn giảm nữa thì đó là lúc thu hoạch. Lúc này bơ đã chín sinh lý nên được thu hái, vận chuyển về nhà đóng gói, đóng thùng để vào kho mát được một tháng vẫn không hỏng, nếu chưa tiêu thụ được.
NĂNG SUẤT BƠ Bình thường sau 2 năm trồng năng suất đạt trung bình 500kg/ha (5 – 15kg/cây).Năm thứ 3, năng suất từ 2 – 4 tấn/ha.Năm thứ 4, năng suất từ 4 – 6 tấn/ha.Năm thứ 5, năng suất từ 6 – 8 tấn/ha.Năm thứ 6, năng suất từ 8 – 12 tấn/ha.Năm thứ 7, năng suất từ 12 – 16 tấn/ha. Ở Việt Nam, các giống bơ như: Mã Dưỡng, MD2, 034… cho năng suất rất cao, có cây lên đến 150kg/cây/năm, nếu trồng cây với khoảng cách 6m x 6m.
Ủ chín bơ Quả bơ được hái xong cho vào thùng để vào kho mát. Khi có đơn hàng, hoặc đưa vào siêu thị theo kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa người sản xuất và doanh nghiệp thì bơ đã đóng thùng đang được bảo quản trong kho mát sẽ được chuyển vào kho ủ để ủ chín bằng khí ethylen từ 12 – 72 giờ đồng hồ tùy theo giống và độ chín lúc hái quả. Qua kết quả trồng, chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ quả bơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, có thể khẳng định cây bơ trồng và phát triển tốt trên đất Nghệ An, nhất là ở vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ hiện nay. Phát triển mạnh cây bơ ở Nghệ An là một hướng đi đúng cần được mở rộng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và là cây trồng đem lại nguồn thu lớn cho bà con nông dân ở vùng trung du miền núi tỉnh ta hiện nay. Đồng thời cây trồng này cũng là cây trồng tham gia vào việc xóa đói, giảm nghèo rất tốt cho các địa phương miền núi Nghệ An.