Những mô hình sáng tạo từ thực tiễn
Trong quá trình tìm hiểu về tình hình sản xuất vụ đông cũng như các tác động của các đợt mưa lụt vừa qua đối với sản xuất rau màu, tình cờ chúng tôi nhận thấy có một số địa phương, bất chấp điều kiện thời tiết mưa lụt thường xuyên nhưng cách này hay cách khác vẫn duy trì được những mô hình sản xuất hiệu quả. Một trong những mô hình đó là nghề nuôi cá vụ 3 của bà con xã Hưng Đạo, Hưng Phúc (huyện Hưng Nguyên) và xã Nam Anh (Nam Đàn). Ông Lê Huy Khoa – Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo chia sẻ: do điều kiện địa hình chiêm trũng nên mỗi khi sản xuất xong hè thu, thay vì tìm cách làm rau màu, được xã động viên, các nhóm hộ hoặc chi hội đoàn thể từng xóm thường liên kết, mượn ruộng lúa của một số hộ gia đình lân cận từ 2-3 tháng chung tiền mua giống thả cá vụ 3. Nhờ vậy, đến nay xã có diện tích nuôi cá vụ 3 lớn nhất huyện khi thường xuyên có từ 50- 60 ha.
Cùng với xã Hưng Đạo, xã Hưng Phúc cũng có địa hình sâu trũng nên sau khi kết thúc vụ hè thu, các hộ đều chung nhau mượn ruộng lúa để sản xuất cá vụ 3. Từ khoảng 5-7 ha làm thu ban đầu của bà con xóm 3, đến nay, toàn xã có 35 ha mỗi vụ. Ông Nguyễn Văn Thìn – Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Phúc cho hay: trước đây, vào vụ đông, nông dân thường làm ngô và khoai nhưng do sản xuất không hiệu quả nên từ năm 2018 bà con chuyển hẳn sang nuôi cá vụ 3 khá chắc ăn.
Tương tự, xã Nam Anh (Nam Đàn), cùng với tận dụng đồng đất cao để sản xuất các cây màu vụ đông, do có Bàu Nón là vùng đập trũng có diện tích lên tới hàng trăm ha, trải dài thuộc địa bàn 8 xóm. Để động viên, khuyến khích bà con, ngoài dành 25 ha cho các hộ thuê khoán, xã dành diện tích còn lại cho bà con nuôi cá vụ 3. Nhờ vậy, ngoài 346 ha cây vụ đông hàng năm, mỗi năm, Nam Anh có khoảng 54 ha cá vụ 3. Từ kinh nghiệm sản xuất, thay vì thả giống cá sớm, đầu tháng 9 âm lịch, bà con Nam Anh mới thả giống. Nhờ vậy, hiệu quả đạt cao, bình quân mỗi năm thu nhập từ 30- 40 triệu đồng/sào, trong đó cá vụ 3 đạt 10 triệu/sào ao…
Điểm khác nhau giữa nuôi cá trong ao thông thường với cá vụ 3 là thời hạn nuôi ngắn nên bà con thường phải mua cá giống có kích thước lớn hơn thông thường. Ví dụ, nếu như cá nuôi trong ao, giá cá giống chỉ là 10.000 đồng/kg thì nuôi cá vụ ba, giá cá giống là 30.000 đồng/kg. Một chủ hộ nuôi cá vụ 3 tại xóm 6, xã Hưng Đạo cho biết: chi phí mua cá giống vụ 3 cao hơn nhưng bù lại quá trình nuôi không bị hao hụt và nuôi trong môi trường tự nhiên nên đỡ chi phí thức ăn; thời gian nuôi ngắn, chỉ từ 2- 3 tháng là thu hoạch; bình quân giá cá mè là 50.000 đồng/kg. Nhiều gia đình, với chỉ vài ba sào ruộng bỏ hoang và đầu vụ chỉ cần góp 10 triệu đồng để mua cá giống nhưng sau 3 tháng đã cho thu nhập 50 triệu đồng.
Bên cạnh mô hình cá vụ 3 và nuôi vịt trong chuồng, bà con các xã vùng chiêm trũng và nông giang như Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu), hay Nam Anh, Nam Giang (Nam Đàn), Hưng Đạo (Hưng Nguyên), Diễn Liên, Diễn Thắng (Diễn Châu) còn tận dụng thời gian đồng không sản xuất để thả vịt chạy đồng. Cách nuôi này vừa giúp chủ nuôi tiết kiệm được chi phí thức ăn và hiệu quả cao vì vịt nuôi chạy đồng ngon được thị trường ưa chuộng, có giá bán thường cao hơn từ 30-40%.
Giải pháp để sản vụ đông hiệu quảm bền vững?
Một trong những vấn đề của sản xuất vụ đông Nghệ An những năm gần đây là do điều kiện thời tiết thiên tai ngày càng phức tạp, bà con sản xuất phải xuống giống nhiều lần gây thiệt hại nên không còn mặn mà với sản xuất. Từ một tỉnh có diện tích cây vụ đông thường xuyên từ 65-70 ngàn ha/năm, đến nay Nghệ An chỉ phấn đấu duy trì 37 ngàn ha/năm. Ông Cao Đăng Tâm – Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Chăn nuôi trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ: diện tích cây vụ đông suy giảm không chỉ riêng Nghệ An mà còn các tỉnh cũng thế. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu khiến sản xuất cây vụ đông ngày càng khó hơn nhưng cái chính là sản xuất vụ đông không hiệu quả. Hiện mọi sản phẩm đều do thị trường điều tiết, bà con thấy con gì, cây gì có lãi thì làm và nếu cây nào không hiệu quả thì rất khó chỉ đạo.
Trên thực tế, diện tích cây vụ đông suy giảm là nguy cơ đã được báo trước, cùng với đà chăn nuôi quy mô nông hộ ngày càng giảm, thay vào đó chăn nuôi tập trung quy mô lớn nên chủ yếu dùng thức ăn công nghiệp. Không những thế, do đời sống ngày càng cao nên các sản phẩm làm ra phải ngon và sạch, thay vì số lượng như trước đây. Các sản phẩm cây vụ đông chủ yếu là ngô, khoai chủ yếu làm thức ăn gia súc, nay không còn. Đại diện Phòng Nông nghiệp Hưng Nguyên cho hay: vì lý do này nên Hưng Nguyên từng là huyện có hàng ngàn ha cây vụ đông mỗi năm nhưng hiện chỉ còn vài trăm ha, trong đó chủ yếu vùng đất bãi ngoài đê, phía trong đê chỉ nuôi cá vụ 3, vịt chạy đồng và làm rau màu quy mô nhỏ theo từng nhóm hộ.
Tương tự, các huyện Diễn Châu, Nam Đàn mặc dù diện tích sản xuất cây vụ đông vẫn đứng đầu tỉnh nhưng đã quy mô hiện đã giảm so với trước đây; các huyện có truyền thống làm vụ đông trước đây như Quỳnh Lưu, Đô Lương, Yên Thành… diện tích cây vụ đông thậm chí còn giảm mạnh hơn. Cụ thể, vụ đông năm 2019, Nam Đàn chỉ sản xuất 4.700 ha, giảm gần 1 nửa so với năm 2018; năm 2020 mặc dù phấn đấu 5.500 ha nhưng hiện tại chỉ mới triển khai được trên 2.500 ha; Quỳnh Lưu chỉ còn sản xuất rau vụ đông ở các xã bãi ngang còn gần 2.000 ha ngô, khoai trên đất lúa nay cũng bỏ hoang; huyện Đô Lương trên 3.000 ha đất lúa cũng bỏ hoang và chỉ còn 200 ha ngô và rau màu ở vùng đất bãi xã Lưu Sơn, Bắc Sơn, Trung Sơn..
Hơn nữa, vào vụ đông miền Trung và Nghệ An, thời điểm bà con xuống giống thường vào đầu tháng 8 âm lịch nên rất khó khăn. Liên tục 3 năm lại đây, nhiều vùng bà con phải xuống giống đến lần thứ 4 mới thành công. Đã thế, khi vào chính vụ, các loại cây màu hay ngô sinh khối sản xuất thuận lợi thì giá quá rẻ nên không khuyến khích được bà con. Chính vì thế, gần đây để sản xuất hiệu quả, bà con thường phải chọn sản xuất trái vụ hoặc sản xuất trong mô hình nhà lưới, nhà màng.
Mặt khác, hiện nay việc quyết chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai theo Quyết định 48 của UBND tỉnh thủ tục khá phức tạp và quá chậm. Nếu thiệt hại do thiên tai năm 2020 thì phải năm sau mới nhận nên không còn ý nghĩa là hỗ trợ ngay lập tức để khôi phục sản xuất mà dễ phát sinh tiêu cục, trục lợi. Trong khi sản xuất vụ đông theo tiêu chuẩn VietGap chưa mang lại hiệu quả rõ nét thì một số cây trồng mới, hiệu quả cao, đầu ra ổn định và chống được nạn chuột phá như khoai tây và dưa chuột trên đất lúa thì tỉnh chưa có chính sách hoặc chính sách quá ít (giống khoai tây khá đắt) nên chưa khuyến khích được bà con nông dân đầu tư mở rộng diện tích.
Cách đây vài năm, xã Diễn Lâm (Diễn Châu) đã triển khai mô hình sản xuất khoai lang Nhật vào trồng thử vụ đông. Nhờ chất lượng khá tốt nên sẽ được hy vọng là vùng nguyên liệu cho Nhà máy chế biến các loại bánh chiên và mỳ từ khoai nhưng do chính sách hỗ trợ quá ít nên chưa thể thể nhắc lại và nhân rộng được.
Chính vì vậy, để động viên bà con sản xuất rau màu và cây vụ đông, theo Kỹ sư Phan Duy Hải – Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh: trên cơ sở tổng kết thực tiễn, tỉnh cần có các giải pháp hỗ trợ tích cực hơn cho bà con về kỹ thuật như chăm sóc, phục hồi cây con, phòng trừ dịch bệnh sau mưa lụt; khuyến khích phát triển chăn nuôi dùng thức ăn truyền thống; ưu tiên hỗ trợ các mô hình sản xuất theo chuỗi và nhãn hiệu sạch và an toàn; tỉnh đứng ra làm trung gian kết nối với các nhà phân phối lớn, cao cấp hơn. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, mưa lũ phải nhanh chóng và kịp thời; tiếp tục nghiên cứu để hỗ trợ về các giống cây mới và vật nuôi phù hợp với đồng đất và hiệu quả kinh tế để bà con du nhập, nhân rộng nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất và tạo việc làm cho bà con./
Nguyễn Hải
Báo Nghệ An