Hiệu quả trồng rau vụ Đông ở Quỳnh Thanh – Quỳnh Lưu
Chủ nhật - 08/11/2020 20:201.1610
Quỳnh Lưu là địa phương có điều kiện tự nhiên, đất đai thuận lợi trong việc sản xuất cây trồng vụ đông, do đó huyện xác định đây là vụ sản xuất chính trong năm. Năm 2020 kế hoạch trong vụ đông này huyện Quỳnh Lưu đưa vào sản xuất khoảng 3.740 ha cây trồng các loại, riêng sản xuất rau màu các loại khoảng 1.800 ha.Rau vụ đông chủ yếu tập trung nhiều tại các xã có diện tích lớn như: Quỳnh Lương, Quỳnh Thanh,Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng…
Những ngày này, khắp các xã trên địa bàn huyện, bà con nông dân đều tích cực ra đồng thu hoạch rau vụ đông. Quỳnh Thanh là một trong những địa phương của huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An có truyền thống trồng rau màu vụ Đông từ nhiều năm nay, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ, góp phần tích cực cải thiện cuộc sống cho người dân nơi đây. Ông Trần Văn Trung, Phó chủ tịch xã Quỳnh Thanh cho biết: Việc dồn điền đổi thửa, thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn là chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế đa thành phần. Sau dồn điền, đổi thửa đã tạo thuận lợi cho việc chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp để phát triển ngành nghề.Rau màu là cây trồng hiệu quả trong vụ Đông, vừa quay vòng nhanh, vừa cho giá trị ổn định. Để duy trì diện tích trồng rau màu vụ Đông, ngay từ đầu vụ, HTX đã tham mưu cho UBND xã xây dựng đề án, chỉ đạo các thôn sản xuất cây vụ Đông. Theo kế hoạch, vụ Đông năm nay toàn bộ xã Quỳnh Thanh phấn đấu gieo trồng 50ha, trong đó diện tích trồng rau màu trên chủ yếu là các loại rau cải, cà chua, su hào, cải bắp,... Do có diện tích đất chuyên màu nên bà con nông dân đã có nhiều kinh nghiệm để duy trì, phát triển vùng rau vụ Đông. Nhằm tạo điều kiện cho bà con nông dân tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, Trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Lưu phối hợp với UBND xã mở nhiều lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là quy trình sản xuất rau, sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học an toàn, hiệu quả. Để hạn chế sâu bệnh hại trên rau màu, cán bộ kỹ thuật khuyến cáo bà con nông dân không nên gieo với mật độ dày; ưu tiên sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học thế hệ mới để phòng trừ; nồng độ, liều lượng, thời gian cách ly thuốc dùng đúng hướng dẫn trên bao bì; tuyên truyền, chỉ đạo bà con nông dân triển khai sản xuất vụ rau sớm để cho giá trị kinh tế cao; đầu tư chỉnh trang, xây mới hệ thống mương máng ở vùng chuyên màu. Ngoài ra, HTX thường xuyên cung ứng các loại hạt giống rau chất lượng cho bà con nông dân. Đặc biệt, vụ Đông năm nay, UBND xã tập trung tuyên truyền xây dựng vùng sản xuất rau cải vụ Đông sớm chủ yếu tập trung ở các xóm 9, 10. 11. Đối với rau cải ngọt trồng từ 28 - 30 ngày là bắt đầu thu hoạch, năng suất bình quân đạt 2,5 tạ/sào.Đến thời điểm này, diện tích cải vụ Đông sớm bà con nông dân toàn xã Quỳnh Thanh đã thu hoạch được 2-3 lứa/ vụ, chuẩn bị để giải phóng đất trồng cà chua, bắp cải, xu hào….. Những năm trước, việc tiêu thụ rau rất khó khăn, nông dân thường mang sản phẩm bán lẻ tại các chợ. Những năm gần đây các lái buôn họ đến tận ruộng để thu mua. Hiệu quả kinh tế đối với diện tích rau cải ở xã Quỳnh Thanh tương đối ổn định, năm nay mỗi sào rau cải cho thu nhập trung bình khoảng 2 triệu đồng/ lứa. Trên cánh đồng xóm 9, BácHoàng Thị đang thu hoạch rau chia sẻ: Những năm gần đây, trồng rau vụ Đông sớm đã cho gia đình nguồn thu nhập đáng kể, chủ yếu là trồng rau cải ngọt vì dễ tiêu thụ. Rau cảingọt là cây tương đối dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng hiệu quả kinh tế lại khá cao so với nhiều loại cây trồng khác. Vụ Đông năm nay, gia đình bácgieo trồng 3 sào rau cải ngọt, đến nay đã thu hoạch được 2 lứa và được thương lái đến thu mua toàn bộ diện tích. Hiệu quả 3 sào rau cảicải ngọt cho giá trị khoảng gần 7-8 triệu đồng. Với hiệu quả kinh tế mang lại từ rau cải, cộng với thị trường đầu ra tương đối thuận lợi nên gia đình bác Thị tiếp tục trồng các loại rau khác để phục vụ bà con trong thời gian tới. Tuy rau cải rất dễ trồng nhưng theo bác Hoàng Thị để đạt năng suất cao cần chú ý phòng trừ sâu bệnh. Cây rau cải rất dễ bị rệp và bọ nhảy phá hại, cần phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời để không làm ảnh hưởng đến năng suất. Ngoài ra, nếu ruộng trồng rau cải thoát nước kém, bón thúc quá nhiều phân đạm hoặc để cây quá dày sẽ xuất hiện bệnh thối nhũn và các bệnh lở cổ rễ, phấn trắng và cháy lá gây hại dẫn đến chất lượng rau cải kém, hiệu quả kinh tế không cao. Đặc biệt cây rau cải là cây rau ăn lá, có thời gian sử dụng ngắn do vậy phải chú ý trong khâu chăm sóc để đảm bảo an toàn cho người sử dụng như nguồn nước tưới sạch, hạn chế sử dụng phân đạm để tránh tồn dư trên lá. Sử dụng thuốc BVTV khi thật sự cần và ưu tiên thuốc có nguồn gốc thảo mộc, độ độc thấp không độc hại đến môi trường, con người và thời gian phân hủy thuốc nhanh. Nên ưu tiên các biện pháp phòng trừ bằng thủ công, biện pháp sinh học, để hạn chế sự tồn dư các hóa chất độc hại gây ngộ độc cho người tiêu dùng. Trước hiệu quả thiết thực của việc trồng rau vụ Đông, mong rằng xã Quỳnh Thanh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa nhiều giống cây trồng mới vào sản xuất; tiếp tục liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ rau vụ Đông mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho bà con nông dân./.