Phòng chống bệnh nghẹt rễ lúa trong vụ Xuân 2023

Thứ tư - 08/02/2023 03:41 1.254 0
Năm nào vụ lúa đông xuân gieo cấy vào những ngày trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ không khí xuống thấp từ 160C trở xuống thì vụ lúa xuân năm đó chắc chắn sẽ có một số diện tích lúa mắc phải bệnh lúa nghẹt rễ.
Phòng chống bệnh nghẹt rễ lúa trong vụ Xuân 2023
Đặc biệt vụ lúa xuân năm nay có rất nhiều địa phương, nhất là ở vùng các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu... bà con nông dân bất chấp rét hại, rét đậm xuống đồng gieo cấy xong cơ bản lúa xuân trước tết âm lịch.
Bệnh lúa nghẹt rễ là một bệnh sinh lý, không lây lan từ cây bị bệnh sang cây lúa khác như các bệnh: đạo ôn, khô vằn, đốm nâu... Nhưng tác hại của nó cũng không thua kém các bệnh khác.
Triệu chứng bệnh:
Nhổ cả khóm lúa lên sẽ thấy rễ lúa có màu đen, phảng phất có mùi hôi tanh, chót lá vàng dần rồi cả lá có màu nâu đỏ, khô đỏ, cứng khô, đẻ nhánh ít hoặc không đẻ được; cây còi cọc, sinh trưởng chậm hoặc đứng yên tại chỗ (nếu bị nhẹ), không thể tiếp tục sinh trưởng được (nếu bị nặng). Nếu không phát hiện sớm để có biện pháp cứu chữa kịp thời thì cây lúa và cả khóm lúa chết lụi dần.


Bà con nông dân xã Diễn Yên huyện Diễn Châu (Nghệ An) gieo cấy  lúa xuân

Nguyên nhân gây bệnh:
Bệnh nghẹt rễ lúa có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng tất cả mọi nguyên nhân đều dẫn đến tình trạng thiếu ôxy trong đất làm cho bộ rễ cây lúa không hô hấp được, từ đó cây lúa không thể thực hiện được các phản ứng hóa sinh, không tạo được năng lượng để hút nước, dinh dưỡng nuôi cây, dẫn đến cây lúa bị suy kiệt và chết lụi dần.
Bệnh lúa bị nghẹt rễ thường xẩy ra ở các trường hợp sau đây:
Cấy lúa vào những ngày trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ không xuống thấp từ 160C trở xuống. Lúa cấy vào những ngày này bộ rễ lúa nói riêng và cả cây lúa nói chung không hề tiếp tục sinh trưởng, phát triển (ngừng hoạt động). Trong khi đó, đất ruộng lúa trước khi gieo cấy đã được cày bừa nhuyễn kỹ, nhão bùn; khi cấy cây lúa xuống đất, bùn đất sẽ nén chặt quanh gốc cây lúa, làm cho rễ lúa đã ngừng hoạt động do rét quá, quanh rễ lúa lại bị bùn đất nén chặt gây ra tình trạng thiếu ôxy để thở (yếm khí). Từ đó cả ruộng lúa mắc phải căn bệnh nghẹt rễ. Trường hợp thứ hai, cũng rất dễ xẩy ra bệnh nghẹt rễ ở cây lúa, đó là ở những vùng đồng ruộng sâu trũng, nước ngập quanh năm và những chân ruộng sâu sục bùn quanh năm ngập nước. Những vùng đồng và những chân ruộng nói trên hầu như ở dưới tầng đât canh tác rất thiếu ôxy do đất vừa bị ngập nước, vừa bị nén chặt. Vì vậy cấy lúa vào những chân ruộng này, nếu không tiêu nước cạn, cày bừa nhiều lần và cây lúa vào những ngày nắng ấm thì không thể tránh khỏi bệnh nghẹt rễ ở cây lúa.
Một số biện pháp phòng chống:
Bệnh nghẹt rễ lúa là một bệnh sinh lý, không lây lan như một số bệnh khác. Nhưng nếu không được phát hiện và cứu chữa kịp thời thì trên diện tích lúa bị bệnh sẽ tàn lụi hết.
Vì vậy, sau gieo cấy, nhất là những địa phương gieo cấy lúa vào các ngày rét đậm, rét hại vừa qua, cần phải thường xuyên thăm đồng để phát hiện cây lúa bị bệnh sớm, phòng trừ ngay.
Bước 1: Phát hiện thấy lúa bị vàng lá, thậm chí vàng đỏ lá, nhổ bụi lúa lên thấy rễ không phát triển, không ra rễ mới và đã có hiện tượng tàn lụi dần... thì tuyệt đối không bón phân đạm, phân hỗn hợp NPK và các loại phân bón trên lá. Nếu ruộng cạn khô nước thì cho nước vào, bón thêm 8 – 12 kg vôi bột/sào, sau đó sục bùn sâu quanh gốc lúa để vừa giải phóng khí độc có trong đất, vừa làm thông thoáng đất để có đủ ôxy cung cấp cho rễ hô hấp và kích thích rễ phát triển.
Bước 2: Rút cạn nước, phơi ruộng 2 – 3 ngày (đủ để ruộng nẻ chân chim), sau đó cho nước vào trở lại.
Bước 3: Bón bổ sung phân lân từ 12 – 15 kg/sào hoặc phân chuồng hoai mục càng nhiều càng tốt. Trường hợp bệnh nặng quá và có thể có thêm nấm bệnh gây ra hiện tượng thối thân, thối bẹ thì nên dùng các loại thuốc như: Antracol 700 WG, kasumin 2L, Kasu 2L phun theo hướng dẫn có ghi ở bao bì thuốc.
Bước 4: Sau khi xử lý được 7 – 8 ngày, nhổ khóm lúa lên, nếu thấy có rễ mới xuất hiện, rễ trắng và lá lúa đã có hiện tượng xanh trở lại thì lúc bấy giờ mới tiến hành chăm sóc bón phân bình thường.
Cần lưu ý, phải phân biệt rõ giữa bệnh nghẹt rễ lúa với bệnh vàng lá do đạo ôn, bệnh vàng lá do vi khuẩn gây ra. Khác nhau cơ bản ở chỗ: rễ ở cây lúa bị bệnh nghẹt rễ, rễ mới từ sau khi cấy đến lúc bị bệnh không ra thêm, không phát triển, rễ có màu đen và thậm chí là thối, có mùi hôi tanh... còn các bệnh khác rễ vẫn phát triển được nhiều hoặc ít tùy loại bệnh./.

                                       Doãn Trí Tuệ - Thành phố Vinh
 


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây