Thứ sáu, 22/11/2024, 18:26

Quản lý nhện hại cây trồng

Thứ tư - 15/02/2023 21:06 5.125 0
Nhện là một trong nhóm dịch hại có ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Đặc biệt đối với sản xuất nông nghiệp bà con nông dân thường được nghe nhiều tới việc phòng trừ sâu, bệnh, chuột, cỏ,...trong lúc thiệt hại do nhện gây ra là rất lớn, một số cây trồng thiệt chính là do nhện gây ra. Chúng tôi giới thiệt tới người sản xuất, bà con nông dân về đặc điển, tác hại và biện pháp quản lý nhóm Nhện hại cây trồng để bà con nông dân áp dụng.
Quản lý nhện hại cây trồng
1. Đặc điểm, tác hại của nhện
- Nhện hại cây trồng là gì: Là những động vật nhỏ đến rất nhỏ, đa số không nhìn thấy bằng mắt thường, nằm trong bộ ve bét, lớp hình nhện, ngành chân đốt. Đặc điểm quan trọng của bộ ve bét là cơ thể tập trung hình thành một khối hình ô van, mặt lưng có tâm mai kitin phát triển, không có râu, phần phụ miệng biến đổi thành kìm, hô hấp bằng khí quản, nhện có 4 đôi chân (một số chỉ có 2 đôi chân). Trong quá trình phát triển nhện trải qua các pha: Trứng, nhện non các tuổi và nhện trưởng thành.
- Tác hại của nhện:  Nhện gây tổn thất vô cùng lớn đối với cây trồng như: Làm dị dạng lá, rụng lá, phá hỏng quả, làm chết cây, truyền các bệnh nguy hiểm cho cây trồng,...Nhện hại cây bằng cách dùng miệng (kìm) chích vào mô cây, tiết nước bọt vào trong đó và nhờ sức căng bề mặt của dịch cây trào ra vết chích, nhện dùng bơm hút phía sau kìm để hút dịch cây vào ống tiêu hoá, vết chích sâu hay nông lớn hay bé phụ thuộc vào độ lớn của kìm và tập tính dinh dưỡng của từng loài.
Do bị mất dịch, cây thiếu dinh dưỡng nên còi cọc và có thể bị chết. Ngoài ra vết thương cơ giới do nhện tạo ra làm cây bị mất nước và bị héo, quá trình trao đổi dinh dưỡng của cây bị xáo trộn, khi nhiều vết thương liên kết lại với nhau làm cho mô lá hoặc mô cây bị biến màu, đa số chuyển sang màu trắng nhạt hơi vàng hoặc hơi nâu rồi chết. Ngoài ra các vết thương do nhện gây ra là nơi để các loại bệnh dễ dàng xâm nhập.
- Đặc điểm sinh sản và phát triển của nhện: Đa số nhện sinh sản hữu tính, một số loài sinh sản đơn tính không bắt buộc. Nhóm nhện hại cây còn có 2 kiểu sinh sản khác nữa là. Sinh ra con đực khi trứng không được thụ tinh và sinh ra con cái từ trứng không được thụ tinh.
Chu kỳ phát triển của nhện hại cây trồng gồm 3 pha: Pha trứng, Pha nhện non có 3 tuổi (Giai đoạn nhện non tuổi 1 có 3 đôi chân và giai đoạn tuổi 2, 3 tiền trưởng thành có 4 đôi chân), Pha trưởng thành. Chỉ có giai đoạn trưởng thành chúng mới có đầy đủ các cơ quan hoàn chỉnh và tiến hành sinh sản.
2. Ký chủ gây hại của nhện
Nhện phát sinh gây hại trên hầu hết các loại cây trồng như:
- Cây ăn quả: Cam, chanh, bưởi, xoàn, nhãn, vải, hồng, hồng xiêm, táo, na, đào, mậm,...
- Cây công nghiệp: Chè, cà phê, cao su, bông, dâu tằm, đậu các loại, lạc, tiêu, vừng,...
- Hoa cây cảnh: Các loài cây hoa như Hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa ly,...Cây cảnh như Mai, si, sanh, quất,...
- Cây lương thực: Lúa, ngô, khoai, sắn,...
- Cây rau màu thực phẩm: Khoai tây, cà các loại, ớt, dưa chuột, dưa leo, dưa hấu, bầu, bí, hoa thiên lý,...
3. Cách nhận biết nhện hại cây trồng:
Do nhện có kích thước nhỏ mắt thường khó nhìn thấy và triệu chứng của nhện rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng bệnh do virus gây ra hoặc do khô hạn, lá vàng sinh lý, cây còi cọc do chăm sóc kém,...Vì vậy để nhận biết trên cây trồng có nhện cần phải căn cứ vào màu sắc của lá, vỏ quả (lá biến vàng, hơi cứng, khô mép lá, vỏ quả bị nám,...) và phải sử dụng kính lúp cầm tay có độ phóng đại 10 lần trở lên, kính hiển vi,...để quan sát hoặc có thể dùng một tờ giấy trắng áp sát vào mặt lá nghi có nhện rồi ép nhẹ trên tờ giấy (mở ra nếu trên tờ giấy trắng xuất hiện những vệt đỏ, vàng hoặc dịch nước, các con nhện bị chết để lại các vệt dịch của nó trên giấy) thì chứng tỏ lá đã bị nhện gây hại. Căn cứ vào số "vết máu" trên giấy để xác định mật số và mức độ gây hại của nhện để có các biện pháp phòng trị kịp thời.
4. Một số loài nhện gây hại chính trong sản xuất
- Nhện ghé hại lúa  (Steneostarsonemus spinki Smiley):
Trong những vụ sản xuất lúa thời gian gần đây, nhất là vụ lúa hè thu – Mùa, nhện ghé đã gây hại đáng kể nhưng việc phòng trừ lại rất ít hoặc không biết để phòng trừ.
Nhện tấn công hầu hết các bộ phận của cây lúa như­: gân lá, bẹ lá, thân, bông và hạt. Trên bẹ và gân lá chúng đục vào trong khoang mô bẹ lá và gân lá tạo nên những vết hình chữ nhật dài, lúc đầu có màu trắng vàng sau có màu tím và cuối cùng chuyển thành màu thâm nâu như bã trầu nên còn có tên gọi là “bệnh cạo gió”. Trên bông và hạt lúa nhện tấn công gây hại trước khi lúa trỗ, khi bị hại nặng sẽ làm cho cổ bông có màu thâm đen, lúa trổ không thoát, nếu trổ thoát thì hạt bị lép lửng hoặc bị biến dạng, vỏ trấu có trắng hoặc màu nâu đen, bên trong vỏ trấu nhụy hoa bị thui đen và làm cho bông lúa thẳng đứng không cúi được.
 http://lienhiepkhktnghean.org.vn/uploads/thong-tin-khoa-hoc/2021_09/image-20210917102059-2.jpeg
  Mặt trong bẹ lá đòng (do nhện ghé)
- Nhện đỏ hại Chè (Oligonychus coffeae N): Nhện sống ở cả hai mặt lá bánh tẻ đến lá trưởng thành, thường tập trung dọc hai bên gân chính của lá, di chuyển chậm chạp. Nhện gây hại làm lá chè chuyển thành màu hung đỏ. Tại nơi chúng sống có thể có một lớp mạng nhện bao phủ được tạo bởi các sợi tơ ngắn và mảnh. Nhện dùng vòi hút dạng kim châm hút dịch cây làm cây chè sinh trưởng kém, búp chè bị mù xoè nhiều, lá cây bị hại biến màu nâu lốm đốm đến màu tím đồng, trên mặt lá có nhiều bụi bẩn màu trắng xám. Chè bị hại nặng mép lá non cong lên, lá rụng dần, năng suất giảm nghiêm trọng.

- Nhện đỏ hại cây có múi (Cam, chanh, bưởi, quýt) (Panonychus citri Mc): Nhện có thể gây hại trên nhiều bộ phận của cây như lá, quả và cành non. Trên lá, khi bị gây hại làm cho lá bị biến dạng ảnh hưởng nhiều đến sinh trưởng của cây. Khi mật số cao, cả cành non cũng bị nhện tấn công, cành cũng trở nên khô và chết. Trên quả nhện thường sống tập trung ở phần cuống quả, đáy quả và trong các phần lõm của quả. Khi quả còn non nhện chích hút dịch ở lớp biểu bì làm vỏ quả bị biến màu và các vết thương khô lại tạo nên những đốm sần sùi được nông dân gọi là da lu, da cám, ảnh hưởng đến vẻ đẹp của quả.
- Nhện rám vàng (nhện ống) hại cây có múi (Phyllocoptruta oleivora Ashmead): Nhện trưởng thành và nhện non tập trung chích hút dịch vỏ quả làm cho vỏ quả biến màu chuyển sang màu xỉn, màu xi măng hoặc màu nâu đen thường được gọi là rám hay nám quả. Triệu chứng điểm hành là khi quả đủ lớn vỏ quả có màu xám bạc, mất màu xanh hoặc vàng đặc trưng, toàn bộ vỏ quả hay một diện tích lớn phía dưới quả có màu thâm hơi nâu hoặc thâm đen, làm giảm đáng kể giá trị thương phẩm.
Mặt dưới lá khi bị hại nặng thường có màu nâu hơi đen hoặc hơi vàng, cành nhỏ màu nâu hơi tím hoặc hơi thâm đen.
                                                Triệu chứng trên quả cam chín                        
- Nhện lông nhung hại nhãn vải (Eriophyes litchii K): Triệu chứng điển hình là mặt dưới lá và trên quả có một lớp lông nhung màu vàng nâu đến nâu thấm, lá bị nhăn nheo và dày, khi bị hại nặng cây không phát triển được, nụ và quả bị rụng. Lá non và quả non khi mới bị hại có màu xanh hơn bình thường đồng thời xuất hiện các lông dài và mảnh có màu trắng bạc, sau đó 3 – 4 ngày lớp lông này chuyển sang màu nâu nhạt rồi nâu đậm.
4. Biện pháp quản lý
Để quản lý nhện hại có hiệu quả chúng ta cần áp dụng nhiều biện pháp theo hướng tổng hợp bao gồm:
- Biện pháp kỹ thuật canh tác: Là biện pháp quan trọng hàng đầu, trong sản xuất nông nghiệp việc trồng đúng quy trình kỹ thuật cho từng loại giống, từng chân đất là hết sức quan trọng như: trồng đúng mật độ, bón đủ lượng phân, cân đối, chăm sóc, làm cỏ, tưới nước kịp thời tạo điều kiện cho cây sinh trưởng khỏe sẽ có tác dụng hạn chế tác hại của nhện.
Chú ý: Những ruộng đang bị nhện gây hại thì phải ngừng bón thúc đạm, nếu bón thúc thêm đạm nhện sẽ phát triển mạnh hơn; Vười chè phải trồng đủ cây che bóng; Vào mùa hè khô hạn các loại cây như cam, chanh, chè, sắn, các loại rau ăn quả, hoa cây cảnh,…cần tưới đủ nước để cây trồng phát triển khỏe hạn chế tác hại của nhện.
- Vệ sinh đồng ruộng: Thường xuyên thu dọn sạch tàn dư cây trồng trên đồng ruộng hạn chế nguồn thức ăn và mật số của nhện như thu gom tiêu hủy lá, quả rơi rụng trên ruộng và sau thu hoạch. Đối với nhện lông nhung phải thường xuyên theo dõi khi nhện mới phát sinh kịp thời ngắt bỏ những lá, cành bị nhện để giảm mật độ,...
- Tưới nước diệt nhện: Sử dụng vòi tưới phun (càng mạnh càng tốt) lên lá, đặc biệt là mặt sau của lá cho các loại cây như cây rau màu, cây cảnh, cây công nghiệp, cây ăn quả,...có tác dụng rửa trôi nhện làm cho nhện chết vừa bổ sung nước cho cây phát triển, nhất là vào mùa nắng hạn.
- Bảo vệ thiên địch: Bảo vệ các loài bắt mồi ăn thịt như bọ rùa đen nhỏ, bọ cánh ngắn đen nhỏ, nhện chăng lưới nhỏ, ấu trùng loài cánh gân, nhện ăn thịt Phytoseiulus, Amblyseius, Typhlodromus, Mexecheles,...
- Điều tra phát hiện: Phải thường xuyên thăm đồng, vạch lá kiểm tra nhện. Do nhện có kích thước nhỏ mắt thường khó nhìn thấy và triệu chứng của nhện rất dễ nhầm lẫn với triệu chứng bệnh do virus gây ra hoặc do khô hạn, lá vàng sinh lý, cây còi cọc do chăm sóc kém,...Vì vậy để nhận biết trên cây trồng có nhện cần phải:
+ Đối với cây trồng cạn (rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp,…): Xem màu sắc của lá, vỏ quả (lá biến vàng, hơi cứng, lá quăn, khô mép lá, vỏ quả bị nám,...) và phải sử dụng kính lúp cầm tay có độ phóng đại 10 lần trở lên, kính hiển vi để quan sát hoặc có thể dùng một tờ giấy trắng áp sát vào mặt lá nghi có nhện rồi ép nhẹ trên tờ giấy (mở ra nếu trên tờ giấy trắng xuất hiện những vệt đỏ, vàng hoặc dịch nước đó là các con nhện bị chết để lại các vệt dịch của nó trên giấy) thì chứng tỏ lá đã bị nhện gây hại. Căn cứ vào số "vết máu" trên giấy để xác định mật độ và mức độ gây hại của nhện để có các biện pháp phòng trị kịp thời.
+ Đối với lúa: Kiểm tra kỹ vào thời kỳ lúa kết thúc đẻ nhánh trở đi, đặc biệt là thời kỳ trước trỗ một tuần (cắt dảnh lúa có triệu chứng nghi do nhện “vết cạo gió” dùng dao sắc tách bẹ lá lúa, dảnh lúa rồi đưa vào kính lúp soi nổi, kính lúp có độ phóng đại lớn,…kiểm tra nhận biết nhện, trứng nhện).
 - Sử dụng thuốc BVTV trừ nhện: Khi nhện phát sinh với mật số cao có nguy cơ ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng cần phải sử dụng thuốc BVTV để phun trừ, đặc biệt trong những tháng trời nắng nóng khô hạn.
+ Đối với nhện ghé hại lúa: Chú ý giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh (40-50 ngày sau trồng) khi thấy ruộng có 3-5% số dảnh có bẹ lá xuất hiện vết cạo gió hoặc vết màu nâu đen hình chữ nhật chạy dọc bẹ lá) và trước trổ 5-7 ngày khi có triệu chứng gây hại của nhện gié (3-5% bẹ lá đòng có vết cạo gió hoặc vết màu nâu đen chạy dọc, hoặc 3-5% lá đòng ở bên trong chuyển sang màu hơi thâm nâu) bằng một trong các loại thuốc sau:
* Hoạt chất Abamectin (Abatimec 3.6EC, Reasgant 3.6EC, Silsau 4EC,...); Hoạt chất Emamectin benzoate: (Angun 5WG, Tasieu5WG, Starrimec 40EC,...); Hoạt chất Quinalphos (Kinalux 25EC);
 + Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp,... Ngoài các thuốc nêu trên sử dụng các loại thuốc có hiệu lực cao trừ nhện sau:
* Hoạt chất: Petroleum spray oil (Dầu khoáng DS 98.8EC),…;   H/C: Pyridaben 15% + Imidacloprin 2,5% (USA TABON 17,5WP);  H/C Diafenthiuron (Asian Gold 500SC, Pesieu 500SE,); H/C: Quinalphos 230g/l + Lambda-cyhalothrin 20g/l (Supitoc 250EC); H/C: Hexythiazox:(Nisorun 5EC,….); H/C Propargite: (Comite 73EC,); H/C: Fenpyroximate (Ortus 5EC); H/C Fenbutatin oxide (Nilmite 550SC);
Chú ý: Khi sửng dụng thuốc BVTV cần thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng, đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì. Đối với nhện rất cần luân phiên các loại thuốc có hoạt chất khác nhau để hạn chế tính kháng thuốc của nhện và phải phun đều ướt toàn bộ 2 mặt của lá cây, với lúa phải phun ướt hết (lá, thân, bông) mới có hiệu quả cao (nhện có tính kháng thuốc rất nhanh, nếu sử dụng 1 loại thuốc liên tục từ 2-3 lần lập tức nhện sẽ kháng thuốc làm giảm hiệu quả phun trừ). 

                          Nguyễn Đình Hương - Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật
                                 Nguồn: Tập san Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây