Trung tâm Khuyến nông Nghệ An tập trung nhân rộng mô hình khuyến nông
Thứ ba - 31/01/2023 21:206380
Mô hình trình diễn (gọi chung là mô hình) là một nội dung của chương trình, dự án, kế hoạch khuyến nông nhằm áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiến bộ quản lý có quy mô phù hợp để làm mẫu nhân ra diện rộng (Khoản 9 Điều 2 Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ Về Khuyến nông).
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong đó có công tác xây dựng mô hình, trong giai đoạn từ năm 2020 – 2022, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An đã xây dựng 93 mô hình trình diễn, trong đó có 81 mô hình ngân sách tỉnh, 12 mô hình ngân sách khuyến nông quốc gia. Riêng năm 2022, đã triển khai 39 mô hình, trong đó ngân sách tỉnh 26 mô hình, 06 mô hình ngân sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 7 mô hình ngân sách của Trung tâm Khuyến nông quốc gia. Mô hình chuyển đổi thâm canh chè theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn, thực hiện năm 2022 Các mô hình khuyến nông đã được tổ chức thực hiện thành công tại các địa phương, chuyển giao, nhân rộng vào sản xuất, góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác và tận dụng lợi thế và thế mạnh của từng địa phương. Cũng từ các mô hình này đã mang lại thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống của người dân cũng được nâng cao. Thông qua các mô hình, người dân địa phương có cơ hội tiếp cận, học hỏi cách làm hay, chia sẻ kinh nghiệm, từng bước nhân rộng, không chỉ tạo ra những thay đổi trong đời sống kinh tế của gia đình mà còn góp phần tích cực vào việc thay đổi diện mạo ở nông thôn. Có thể nói, vai trò và hiệu quả mà công tác xây dựng mô hình khuyến nông mang lại không hề nhỏ trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, tiến bộ quản lý mới đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có tồn tại, hạn chế mà đã kéo dài từ năm này qua năm khác, đó là nhiều mô hình xây dựng thành công nhưng nhân rộng vào sản xuất còn khiêm tốn, thậm chí có những mô hình không nhân rộng được. Mặc dù, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Nghệ An cũng đã có nhiều giải pháp khắc phục, thậm chí đã tổ chức các cuộc hội thảo bàn giải pháp về nhân rộng mô hình với sự tham gia của các lãnh đạo Sở, ngành, các địa phương và bà con nông dân. Về nguyên nhân thì có nhiều, nhưng trong đó có nguyên nhân là mô hình thường triển khai 1 lần, tại 1 địa điểm, xong mùa vụ, hết đầu tư thì xem như kết thúc mô hình, không có thực hiện nhắc lại, nên tính lan tỏa không cao. Trong khi đó, để thay đổi tập quán canh tác của người dân thì cần có thời gian cũng như sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ thường xuyên của cán bộ kỹ thuật và các cơ quan, ban ngành. Tuy nhiên, đây lại là quy định về công tác xây dựng mô hình, không thể thay đổi được. Để khắc phục hạn chế đó, năm 2023, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông đã bàn bạc tìm các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác nhân rộng mô hình, nhất là khắc phục nguyên nhân mô hình chỉ thực hiện 1 vụ, tại 1 địa điểm. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông sẽ tập trung các nguồn lực vào công tác nhân rộng mô hình, trong đó có sự lồng ghép, kết hợp các chương trình thông tin tuyên truyền như tập huấn, đào tạo, chuyên đề truyền thanh truyền hình …. gắn với mô hình. Các kết quả xây dựng mô hình năm nay là nội dung tập huấn, chuyên đề truyền thanh, truyền hình cho năm sau. Với sự kết hợp như vậy thì kết quả mô hình sẽ được chuyển giao thường xuyên, được nhắc lại nhiều lần và tăng tính lan toả tại các xã, địa phương có triển khai mô hình. Bên cạnh đó, cũng rất cần UBND các địa phương, hợp tác xã, bà con nông dân tích cực phối hợp, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch sản xuất cũng như lồng ghép các chương trình, chính sách của huyện, tỉnh và trung ương nhằm nâng cao hiệu quả công tác nhân rộng mô hình./. Nguyễn Hồng Giang – Trung tâm Khuyến nông
Nguồn: Tập san Khuyến nông