Thứ tư, 22/01/2025, 06:05

Ba cái tránh khi gieo cấy lúa Xuân

Thứ năm - 09/02/2023 20:28 1.398 0
Bà con nông dân ở các địa phương, nếu xuống đồng gieo cấy lúa xuân sớm hơn hay muộn hơn so với lịch thời vụ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) quy  định đều không tốt và rất dễ dẫn đến hậu quả khôn lường.
Ba cái tránh khi gieo cấy lúa Xuân
Việc tính toán thời vụ gieo cấy lúa xuân là cả một quá trình nghiên cứu tính chất đất đai; thời tiết khí hậu, thời gian sinh trưởng của mỗi một giống lúa trong vụ xuân và trình độ đầu tư thâm canh của bà con nông dân ở mỗi vùng miền. Trong đó yếu tố diễn biến của thời tiết trong suốt cả vụ lúa đông xuân từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau đóng vai trò quyết định nên gieo mạ và cấy lúa vào lúc nào cho từng giống lúa để không những dành thắng lợi cho vụ lúa xuân mà cả cho vụ lúa hè thu sau đó.
Thực hiện ba cái tránh:
Từ ngành nông nghiệp đến bà con nông dân khi quyết định thời vụ gieo cấy đều tính toán lợi hại đôi đường, chọn cái lợi, khắc phục và né tránh cái hại. Trong đó có cả tính toán, không những dành thắng lợi cho vụ lúa xuân mà cả cho cả vụ lúa hè thu kế tiếp sau đó. Vì vậy, cần cố gắng thực hiện 3 tránh.
Tránh thứ nhất: Không để mạ xuân chết vì rét, mạ xuân ở tỉnh ta năm nào cũng tập trung gieo từ ngày 10 đến 20 tháng 1 và năm nay cũng vậy. Tháng 1 là tháng giá rét nhất trong năm, nhiệt trung bình 180C, cao nhất 200C, thấp nhất 160C.Nhưng cũng có những ngày nhiệt độ không khí xuống 13 – 150C đặc biệt như năm nay nhiệt độ có lúc xuống 5-100C vào ban đêm, kéo dài nhiều ngày, trời âm u, thiếu ánh sáng, dễ gây chết mạ và lúa gieo sạ. Vì vậy mạ gieo xong cần được phủ kín nilon, cho nước vào ngập mặt luống mạ và hạn chế gieo sạ càng nhiều càng tốt.
Tránh thứ hai: Không để lúa trổ sớm vào tiết thanh minh (thanh minh năm 2023 vào ngày 5 tháng 4). Tiết thanh minh thường xuất hiện gió mùa đông bắc muộn tràn về, nhiệt không khí những ngày tiết thanh minh xuống thấp từ 18 – 200C, gió cấp 5,6. Lúa trổ sớm gặp thời tiết như thế này, chắc chắn hạt phấn hoa lúa sẽ chết, không thụ tinh được làm cho hạt lúa bị lép và cả bông lúa bầm đen, bà con nông dân gọi hiện tượng này là lúa bị bầm ruồi, lép lửng 100%, năng suất giảm nghiêm trọng có khi mất trắng.
Vụ lúa xuân năm nào, thời tiết ấm, ít có ngày rét đậm, rét hại và đáng lo sợ nhất là bà con nông dân tự động xuống đồng gieo cấy lúa quá sớm, trước lịch thời vụ do ngành nông nghiệp đề ra thì khả năng lúa trổ sớm gặp rét đậm tiết thanh minh là khó tránh khỏi. Như vụ lúa xuân hiện nay, theo lịch thời vụ gieo cấy lúa đã được ngành nông nghiệp từ tỉnh xuống huyện, thành, thị phổ biến đến tận người dân. Nhưng hiện nay, mặc dù chính quyền ở nhiều địa phương đã kiên quyết có các biện pháp can ngăn, bà con nông dân vẫn xuống đồng gieo cấy lúa trước thời vụ quy định từ 20 ngày trở lên. Điển hình nhất là Yên Thành, theo ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng NN & PTNT của huyện cho biết, đến ngày 13/1 toàn huyện đã gieo cấy được từ 7.700 – 8.000 ha/12.800 ha chỉ tiêu kế hoạch, đạt trên 60% và khả năng sẽ hoàn thành gieo cấy xong 100% trước Tết nguyên đán. Trong đó các xã gieo cấy sớm nhất và đã gieo cấy xong có: Vĩnh Thành, Long Thành, Nhân Thành, Khánh Thành, Mạ Thành, Thọ Thành...
Tại huyện Diễn Châu, theo ông Lê Thế Hiếu – Trưởng phòng NN & PTNT của huyện cho biết, toàn huyện đã gieo cấy được trên 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Minh Châu trên 600 ha, Nam Lâm 150 ha, Diễn Thái 150 ha và rải rác ở một số xã khác.
Tại huyện Quỳnh Lưu, theo ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, UBND huyện cử cán bộ kỹ thuật của Phòng NN & PTNT xuống từng xã cùng với UBND các xã, thị chỉ đạo bà con nông dân không vội vàng xuống đồng gieo cấy lúa xuân trước thời vụ quy định. Nhưng bà con nông dân vẫn xuống đồng gieo cấy và đến hôm nay đã gieo cấy trên 5000 ha, chiếm gần 70% tổng diện tích lúa cả vụ.
Không riêng gì 3 huyện nói trên, các huyện khác tuy chưa nhiều, nhưng cũng đã xuống đồng gieo cấy sớm trước lịch thời vụ quy định do tỉnh và huyện đề ra.
Tránh thứ ba: Không để lúa xuân trổ muộn sau tiết lập hạ (tiết lập hạ năm nay vào ngày 6 tháng 5). Tiết lập hạ ở Nghệ An thời tiết nắng nóng và gió Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh, nhiệt độ không khí trung bình hàng năm tháng này là 280C, cao nhất 320C, thấp nhất 260C. Nhưng, những năm gần đây nhiệt độ không khí sau tiết lập hạ có lúc lên đến 38 – 400C, kèm theo nắng nóng, ẩm độ không khí xuống dưới 50%. Lúa xuân trổ vào thời điểm này giảm cả năng suất và chất lượng cơm gạo. Lúa xuân trổ muộn sau tiết lập hạ còn làm ảnh hưởng rất lớn đến thời vụ gieo cấy vụ lúa hè thu kế tiếp sau đó.
Giải pháp tốt nhất:
Việc chống lại sự bất lợi của thiên tai, thời tiết không thể và chưa có giải pháp nào thực hiện thật sự có hiệu quả, mà chỉ có phòng chống bằng cách luồn lách, tránh ké bằng các giải pháp kỹ thuật và những kinh nghiệm rút ra từ thực tế sản xuất để áp dụng. Từ đó vụ lúa xuân ở Nghệ An hiện nay cần thực hiện tốt mấy giải pháp sau:
Một: Đảm bảo gieo cấy đúng lịch thời vụ do ngành nông nghiệp đã ban hành, cụ thể là:
Trà 1: gồm các giống lúa có thời gian sinh trưởng (TGST) từ 135 – 140 ngày, trà này chỉ có giống lúa lai Thái Xuyên 111, gieo mạ từ 5 – 10/1, cấy từ ngày 25 – 30/1/2023 (cấy từ ngày 4 – 9/1/2023 âm lịch), trà này chiếm tỉ lệ từ 5 – 7% và hiện nay bà con nông dân đã gieo cấy xong 100%.
Trà 2: gồm các giống lúa có TGST từ 130 – 135 ngày, chủ yếu các giống lúa lai như: Phú ưu 987, VT 404, Nhị ưu 986, Long Xuyên 8117... gieo mạ từ 11 – 15/1, cấy từ 1 – 5/2/2023 (cấy từ 11 – 14/1/2023 âm lịch). Trà lúa này đến nay cơ bản đã gieo cấy xong. Trà lúa này chiếm tỉ lệ 20 – 25%.
Trà 3: Gồm các giống lúa có TGST từ 125 – 130 ngày. Đây là trà lúa chủ yếu trong vụ đông xuân ở Nghệ An, chiếm tỉ lệ từ 50 – 60%; gồm các giống lúa thuần, như: VNR20, TBR225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, ADI 168, Vật tư NA6, HD111... Trà này gieo mạ từ 16 – 20/1, cấy từ 6 – 10/2/2023 (cấy từ 16 – 20/1/2023 âm lịch). Hiện nay đã gieo cấy xong.
Tóm lại, cho đến thời điểm này, nhiều địa phương trong tỉnh đã xuống đòng gieo cấy lúa xuân quá sớm trước lịch thời vụ quy định với xu thế diễn biến thời tiết như hiện nay và những tháng ngày sắp tới rất dễ để lúa trổ sớm vào tiết thanh minh thì năng suất sẽ giảm mạnh. Trước tình hình như vậy, đề nghị các địa phương và bà con nông dân: Loại lúa đã cấy sớm trước thời vụ quy định cần áp dụng các biện pháp như: sục bùn sâu quanh gốc lúa; nếu ruộng chủ động nước thì rút nước khô cạn, để ruộng nẻ chân chim 5 – 6 ngày, sau đó cho nước vào sâu 3 – 5 phân 1 – 2 ngày rồi lại tiếp tục rút nước để ruộng nẻ chân chim.
Loại lúa chưa cấy, mạ còn trên nương thì tháo dỡ hết nilon đang phủ kín luống mạ để cấy mạ vừa cứng cây, vừa giảm tốc độ ra lá (do mạ ở trong nilon có nền nhiệt cao, tốc độ ra lá nhanh, rút ngắn TGST).
Hai: Lúa gieo cấy sớm gặp thời tiết tháng 1,2, tối trời lạnh, sáng sớm sương mù nhiều, ẩm độ không khí cao, trưa và chiều có nắng ấm lúa càng tốt nhanh và cũng là điều kiện cho nấm bệnh đạo ôn gây hại trên lá lúa, rất khó tránh khỏi. Vì vậy, trên ruộng lúa gieo sạ dày cần cố gắng tỉa thưa, trên ruộng chưa cấy thì chỉ nên cấy ở mật độ 36 – 38 khóm/m2 đối với ruộng đất tốt, 40 – 42 khóm/m2 đối với ruộng đất kém màu, cấy 1 – 2 tẻ/khóm.
Đặc biệt thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn trên lá lúa. Phát hiện sớm, phòng trừ ngay khi vết bệnh mới xuất hiện bằng các loại thuốc đặc trị được Chi cục trồng trọt và BVTV giới thiệu hoặc do các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện khuyến cáo và mua ngay tại đó để vừa đảm bảo đúng thuốc, vừa được hướng dẫn cách sử dụng có hiệu quả.

                                            Doãn Trí Tuệ - Thành phố Vinh


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây