Phương hướng, mục tiêu và giải pháp tổ chức sản xuất trồng trọt vụ Xuân năm 2024 (Trích ĐA tổ chức sản xuất trồng trọt vụ Xuân năm 2024 – SNN)

Chủ nhật - 10/12/2023 21:55 864 0
Sản xuất vụ Xuân 2023 diễn ra trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường. Đầu vụ rét đậm rét hại kéo dài ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa sau gieo cấy; giữa và cuối vụ do tác động của El nino, nắng nóng kéo dài và các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra cục bộ ở một số địa phương như lốc xoáy, dông lốc làm một số diện tích cây trồng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các ban ngành từ tỉnh đến địa phương trong việc tổ chức chỉ đạo sản xuất và sự nỗ lực cố gắng của nông dân trong đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh hại nên vụ Xuân năm 2023 đã đạt được kết quả vượt trội, năng suất các loại cây trồng đều tăng so với kế hoạch, sản lượng lương thực có hạt đạt trên trên 01 triệu tấn.

 


Vụ Xuân năm 2024, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ, Dự báo hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì. Sẽ có những đợt không khí lạnh, nhưng khả năng hoạt động yếu; rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng ít hơn so với TBNN. Khu vực Bắc Trung Bộ sẽ còn nhiều ngày mưa rào và dông, có ngày xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa. Bên cạnh đó, tiềm ẩn nguy cơ một số đối tượng dịch hại phát sinh gây hại như: Chuột, bệnh đạo ôn, bạc lá vi khuẩn, đen lép hạt, nhện gié, ... trên cây lúa và sâu keo mùa thu trên cây ngô. Giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón tăng. Lực lượng lao động trong nông nghiệp ngày càng già hóa và giảm về số lượng do dịch chuyển sang các ngành nghề khác có thu nhập ổn định hơn. Các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, bao tiêu sản phẩm ổn định cho người dân còn ít và chủ yếu theo mùa vụ,... Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà ngành đã đặt ra cho vụ Xuân năm 2024.
I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU
1.1. Phương hướng
- Xây dựng kế hoạch, bố trí cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống và thời vụ hợp lý, phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng. Linh động, quyết liệt và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tập trung chỉ đạo sản xuất; khai thác tối đa và phát huy cao mọi nguồn lực để vụ Xuân 2024 đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng, đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả cao.
- Tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất an toàn thực phẩm (VietGap, hữu cơ,...), ứng dụng công nghệ cao, KHKT trong sản xuất trên các loại cây trồng,... để từng bước xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản của tỉnh.
- Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử để ổn định, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ.
1.2. Chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất vụ Xuân 2024
1.2.1. Sản xuất lương thực
Với mục tiêu phấn đấu của ngành Nông nghiệp và PTNT về sản lượng lương thực năm 2024 khoảng 1.200.000 tấn. Trong đó, vụ Đông 2023 sản lượng ước đạt 75.175 tấn (Diện tích cây ngô ước đạt 15.500 ha; năng suất ước đạt 48,5 tạ/ha; sản lượng ước đạt 75.175 tấn). Mặt khác, vụ Hè Thu - Mùa 2024 luôn phải đối mặt rất nhiều khó khăn như thời tiết, sâu bệnh, năng suất thấp. Do đó, vụ Xuân 2024 phải phấn đấu đạt 703.625 tấn lương thực. Cụ thể chỉ tiêu phấn đấu về diện tích, năng suất, sản lượng của các cây trồng trong vụ Xuân 2024 như sau:   
Cây lương thực
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Cây lúa 90.500 67,98 615.250
1.1 Lúa lai 41.000 74,0 303.400
1.2 Lúa thuần 49.500 63,0 311.850
Trong đó:   47.500 68,0 323.000
Lúa chất lượng (cả lúa lai và lúa thuần)
2 Cây ngô 19.500    
2.1 Ngô lấy hạt 17.500 50,5 88.375
2.2 Ngô sinh khối 2.000 350,0 70.000
Tổng cộng 109.000   703.625

1.2.2. Các cây trồng ngắn ngày khác
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Cây Lạc 8.600 27,5 23.650
2 Rau các loại 12.000 167,0 200.400
3 Khoai lang        1.400 80,0 11.200

 1.2.3. Cây nguyên liệu
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Trồng sắn nguyên liệu 10.000 280 280.000
2 Tổng diện tích mía cả năm 21.000 580 1.218.000
1.2.4.  Sản xuất giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm
Chuẩn bị đủ giống đảm bảo chất lượng để phục vụ cho kế hoạch trồng mới năm 2024 các cây chè, cam, bưởi, …
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
2.1. Bố trí thời vụ và cơ cấu giống
2.1.1. Cây lúa
a. Thời vụ: Vụ Xuân phải đảm bảo lúa trỗ an toàn, khung thời vụ bố trí cho vụ Xuân chính vụ như sau: Đại trà diện tích gieo mạ từ 01 - 15/01/2024 (từ 20/11/2023 ÂL đến 05/12/2023 ÂL); cấy sau khi mạ 20 ngày tuổi (mạ có 2,5 – 3,0 lá thật).
- Phải căn cứ thời gian sinh trưởng của các giống để bố trí lịch gieo mạ phù hợp để lúa tập trung trỗ từ 20/4 - 30/4/2024.
- Đối với những vùng có tập quán gieo thẳng thì bố trí gieo muộn hơn từ 5 - 7 ngày so với lịch gieo mạ đối với khung thời vụ nêu trên.
Lưu ý:
- Tập trung chỉ đạo gieo mạ có che phủ nilon 100% diện tích để chống rét, chống chuột đồng thời chống rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh lùn sọc đen. Trong thời gian rét đậm, rét hại không bón thúc đạm cho mạ, hạn chế tối đa việc gieo thẳng lúa để hạn chế lúa chết rét.
- Cấy mạ đúng tuổi (đủ số lá quy định) và dừng gieo cấy vào những ngày có nhiệt độ thấp dưới 15oC (rét đậm, rét hại).
- Tuân thủ nghiêm túc lịch thời vụ để lúa trỗ an toàn, không gặp rét.
b. Cơ cấu giống
- Chỉ đưa vào cơ cấu các giống lúa đã được công nhận chính thức, công nhận lưu hành và làm mô hình có kết quả tốt tại Nghệ An. Đưa nhanh các giống lúa vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng gạo khá trở lên; ưu tiên phát triển mở rộng diện tích các giống lúa chất lượng cao làm hàng hóa để nâng cao hiệu quả sản xuất.                  
- Mỗi địa phương nên chọn 03 - 05 giống lúa lai và 03 - 05 giống lúa thuần chủ lực; Mỗi xã chỉ nên chọn tối đa 3 giống (trừ những vùng đặc thù). Trên cùng một xứ đồng chỉ gieo cấy 01 hoặc 02 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và phải cấy xong trong vòng 2 - 3 ngày để thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại.
- Đối với những giống có năng suất cao, gạo chất lượng, dễ nhiễm sâu bệnh và mẫn cảm với thời tiết, cần có giải pháp kỹ thuật đồng bộ để đảm bảo an toàn sản xuất.
- Cơ cấu các giống lúa vụ Xuân 2024 với các giống chủ lực sau:
* Giống lúa thuần: VNR 20, TBR 225, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8, ADI 168, HD11, LTH31.
* Giống lúa lai: Thái xuyên 111, Phú ưu 978, VT 404, Long hương 8117, VT868.
Ngoài các giống lúa nêu trên, tùy điều kiện đặc thù của từng địa phương, từng tiểu vùng sinh thái, UBND các huyện, thành, thị có thể lựa chọn đưa vào cơ cấu các giống lúa có trong.
2.1.2. Cây ngô
- Tập trung gieo từ 04/02 đến 28/02/2024.
- Căn cứ vào đặc điểm tình hình, chân đất, thời gian sinh trưởng, mục đích sử dụng, khả năng thâm canh của địa phương để lựa chọn các giống ngô phù hợp.
- Mỗi địa phương lựa chọn cơ cấu không quá 03-05 giống ngô lai và 02 giống ngô nếp, ưu tiên sử dụng các giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh, nhất là sâu keo mùa thu, với các giống chủ lực sau: DK6919s, NK7328, CP 511, NK66Bt/GT, LVN14, MX10, HN 68,… Ngoài các giống trên có thể lựa chọn các giống ngô có trong phụ lục 03.
2.1.3. Cây lạc:
- Tranh thủ đất đủ ẩm, trời ấm và tiến hành gieo từ 25/01/2024, kết thúc gieo trước ngày 25/2/2024. Riêng các vùng trung du, miền núi, vùng đất cao dễ gặp hạn sớm phải gieo trồng sớm hơn để đề phòng gặp nắng hạn cuối vụ.
- Sử dụng các giống Sen Nghệ An (75/23), L14, L23, L26, TB25, L20, TK 10, 20.
2.1.4. Rau các loại: Tranh thủ gieo trồng khi có quỹ đất và điều kiện thời tiết thuận lợi. Có thể sử dụng các giống rau như:
+ Rau cải: Cải ngọt, cải bẹ dưa, cải bẹ mào gà, cải bó xôi, cải ngồng,...
+ Bí xanh: Bí xanh số 1, Nova 209, An Điền 686,...
+ Dưa chuột: PC4, PN- 636, VL-639, Kichi 207,…
+ Mướp ngọt: Hương Việt, Thanh Hoa,…
+ Mướp đắng: Hạt giống lai F1 Palee, Trái Xanh F1 TV-208, …
+ Dưa hấu: Super Hoàn Châu, Super Man, Phù Đổng, Trang Nông 1096, AD779, VT448,…
2.1.5. Cây mía nguyên liệu:
- Có thể trồng từ tháng 11 năm nay đến hết tháng 3 năm sau, nhưng thời vụ tốt nhất là từ 01/2 đến 15/3/2024.
- Sử dụng các giống như:  KK3, LK9211, QĐ159, …
2.1.6. Cây sắn nguyên liệu: Gieo trồng từ tháng 1 đến ngày 15/3/2024. Có thể sử dụng các giống như: KM94, KM140,…
2.2. Về phân bón
- Bón đủ liều lượng, đúng loại và thời điểm cho từng loại cây trồng, đất, mùa vụ và cân đối. Phối hợp với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực phân bón để đẩy mạnh phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, xây dựng mô hình sản xuất.
- Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân chuyển dần sang sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, thực hiện ủ phân hữu cơ bằng phế phụ phẩm nông nghiệp kết hợp với các chế phẩm sinh học nhằm hạn chế việc lạm dụng phân bón hóa học, tăng khả năng chống chịu cho cây, giúp cải tạo tính chất đất, giảm chi phí đầu vào, đảm bảo an toàn với môi trường, vật nuôi và sức khỏe con người.
2.3. Công tác Bảo vệ thực vật
- Tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, kiểm tra, giám sát công tác phòng trừ sinh vật gây hại cây trồng. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và phòng chống sinh vật gây hại như: Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), ba giảm ba tăng, SRI, canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, ...
- Tập trung hướng dẫn quản lý hiệu quả đối với cỏ dại, ốc bươu vàng và chuột ngay từ đầu vụ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến điều kiện thời tiết ở các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng, diễn biến phát sinh dịch chính trên đồng ruộng như: bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, bạc lá vi khuẩn, nhện gié, rầy, sâu cuốn lá nhỏ,.... hại lúa, sâu keo mùa thu hại ngô, để chủ động áp dụng biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
2.4. Công tác thuỷ lợi
Xây dựng sớm phương án cấp nước phục vụ sản xuất vụ Xuân năm 2024; Đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi đang thi công, kịp thời tu sửa kênh mương, công trình, thiết bị cơ điện, nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm, đảm bảo 100% công trình sẵn sàng vận hành phục vụ sản xuất. Tập trung nạo vét, thông thoát hệ thống kênh tiêu bị bồi lấp, ách tắc, đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa, lũ. Chủ động trữ nước trong nội đồng khi có thông tin thời tiết bất lợi về nguồn nước. Tổ chức quản lý vận hành các hệ thống và các công trình thuỷ lợi phù hợp, hiệu quả; áp dụng phương pháp tưới Nông - Lộ - Phơi và ưu tiên tưới vào thời kỳ lúa làm đòng - trỗ bông. Có phương án chủ động đối phó khi hạn hán xẩy ra (nhất là vùng cuối kênh, vùng bán sơn địa và vùng miền núi).
2.5. Vệ sinh đồng ruộng, làm đất
- Làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng bằng cách cắt sạch cỏ bờ, tàn dư cây trồng; đẩy nhanh tiến độ cày lật đất trên diện tích không trồng cây vụ Đông, phơi ải nhằm tăng độ tơi xốp cho đất, tiêu diệt mầm mống sâu bệnh hại và cây lúa cỏ đã mọc trên ruộng; sử dụng vôi bột để khử chua và hạn chế nấm bệnh trên đồng ruộng; tăng cường công tác làm thủy lợi nội đồng, khơi thông dòng chảy, tổ chức diệt chuột.
- Với các chân ruộng thuộc nhóm đất thịt, không nhiễm phèn mặn việc làm đất có thể phơi ải kiệt. Đối với những chân thấp trũng chua phèn thực hiện "tiền ải non, hậu dầm ngấu".
2.6. Về ứng dụng các tiến bộ KHCN; nhân rộng các mô hình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ
- Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, KHCN, cơ giới hóa trong sản xuất và các quy trình sản xuất rau, củ, quả, chè,... an toàn theo tiêu chuẩnVietGAP, hữu cơ. Mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy để giải quyết vấn đề già hóa lao động trong sản xuất nông nghiệp.
- Duy trì, phát triển các diện tích rau củ quả an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, các mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, … Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình đạt kết quả tốt, các tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định.
2.7. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa
- Rà soát, đánh giá diện tích hồ đập và các vùng khác nếu không đủ nước tưới cho cả vụ sản xuất hoặc vùng sản xuất lúa không an toàn, hiệu quả kém để chuyển đổi sang trồng các cây có nhu cầu nước ít hơn như: Ngô, lạc, rau đậu các loại, các loại cây công nghiệp, cây ăn quả khác an toàn, hiệu quả hơn. Khuyến khích chuyển đổi cả 2 vụ để thuận lợi cho việc lựa chọn cây trồng thích hợp.
- Các địa phương căn cứ quy định tại Luật Trồng trọt và Nghị định 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 để xây dựng phương án, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của năm 2024 một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và tổ chức chỉ đạo quyết liệt để triển khai có hiệu quả ngay từ đầu vụ Xuân 2024.
2.8. Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và cấp mã số vùng trồng
a. Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
- Các địa phương căn cứ vào các chính sách hiện hành cũng như trích ngân sách của địa phương để hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết, giới thiệu sản phẩm, tích cực trong việc kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới. Duy trì các mô hình liên kết đã có; xây dựng các mô hình liên kết mới; Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình liên kết sản xuất có hiệu quả để duy trì và nhân rộng.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng thêm phương thức kinh doanh, bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.
b. Cấp, quản lý mã số vùng trồng
- Thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với các mã số vùng trồng đã được cấp theo Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.
- Kiểm tra, thẩm định các tiêu chí theo quy định của các vùng trồng đề nghị cấp mới. Tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ chuyên môn cấp huyện, xã; các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, thiết lập vùng trồng theo quy định.
2.9. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp
- Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước, thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... tại các địa phương theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước. Đảm bảo hàng hoá phục vụ sản xuất, lưu thông trên thị trường có chất lượng tốt, giá cả hợp lý phục vụ kịp thời kế hoạch sản xuất đề ra.
- Các địa phương tổ chức quản lý vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV,...) trên địa bàn mình theo đúng các quy định hiện hành của nhà nước.
2.10. Cơ chế chính sách
- Thực hiện đầy đủ các chính sách của Chính phủ và UBND tỉnh về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các chính sách khác về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh của UBND tỉnh.
- UBND các huyện, thành, thị cần chủ động trích ngân sách địa phương, khai thác tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các chính sách của địa phương, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng các mô hình có hiệu quả.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
3.1. Sở Nông nghiệp và PTNT
Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn Tỉnh về nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Phối hợp với các ngành, các địa phương, các tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án sản xuất vụ Xuân 2023. Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản phẩm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh. Chỉ đạo, kiểm tra và giám sát các đơn vị chuyên môn của Sở thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ và chủ động khâu nối, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng như: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An,… và các địa phương xây dựng các chương trình tuyên truyền hướng dẫn, khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh hại do cơ quan chuyên môn đề ra.
3.2. Các tổ chức chính trị xã hội
Căn cứ nhiệm chức năng nhiệm vụ chính trị của mình xây dựng chương trình hành động thiết thực để lãnh đạo các cấp hội vận động hội viên, đoàn viên tham gia thực hiện tốt Đề án sản xuất vụ Xuân 2024.
3.3. Đối với UBND các huyện, thành, thị
 - Trên cơ sở Đề án sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT, căn cứ vào đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu, trình độ thâm canh sản xuất,... của địa phương để xây dựng và triển khai thực hiện Đề án sản xuất vụ Xuân 2024 cụ thể, sát với thực tế của địa phương nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có. Đề án, kế hoạch phải thể hiện sự phấn đấu cao, các chỉ tiêu phải vượt trội, các giải pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện phải tích cực để đảm bảo sản xuất an toàn và hiệu quả cao.
- Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước và công tác chỉ đạo sản xuất ở địa phương trên các phương diện. Thành lập Ban chỉ đạo sản xuất vụ Xuân cấp huyện; Phân công lãnh đạo UBND huyện, lãnh đạo các phòng, ban phụ trách chỉ đạo và chịu trách nhiệm cụ thể từng xã, cụm xã, phường, thị trấn. Đầu mối mời gọi các tổ chức, cá nhân vào xây dựng, mở rộng các mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ Xuân. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng thêm phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm kết nối, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
3.4. Các đơn vị cung ứng, doanh nghiệp, HTX
Căn cứ vào Đề án sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT để chủ động ký hợp đồng và chuẩn bị đủ vật tư nông nghiệp về giống, phân bón, thuốc BVTV, ... đảm bảo chất lượng, đúng cơ cấu đã được phê duyệt, cung ứng kịp thời phục vụ tốt nhất cho sản xuất. Các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm cần tăng cường mở rộng các mô hình liên kết và bao tiêu các sản phẩm cây trồng với nông dân hoặc tổ chức đại diện nông dân như HTX để ổn định đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Vụ Xuân 2024 là vụ sản xuất sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như: rét đậm, rét hại, các loại sâu bệnh có nguy cơ phát sinh gây hại nặng,... Do đó, để dành thắng lợi cho sản xuất vụ Xuân 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT kính đề nghị UBND tỉnh: Ban hành Chỉ thị về tăng cường sản xuất vụ Xuân năm 2024 để huy động các nguồn lực, tập trung chỉ đạo sản xuất thắng lợi. Chỉ đạo các cấp, ngành, các đơn vị chuyên môn và UBND các huyện, thành, thị tập trung chỉ đạo, đôn đốc, nhất là chỉ đạo thực hiện nghiêm túc lịch thời vụ, cơ cấu giống và có các cơ chế chính sách hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật đã được quy định tại Đề án nhằm đảm bảo vụ Xuân đạt kết quả cao nhất; Thành lập ban chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ Xuân; Đồng thời trích ngân sách huyện để khuyến khích, hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ và quảng bá các sản phẩm nông nghiệp. Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn dành thời lượng ưu tiên cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, các biện pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ sản xuất trong vụ Xuân năm 2024. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp và tạo điều kiện của các ngành, các huyện, thành, thị và sự hưởng ứng nhiệt tình của nông dân trên toàn tỉnh để sản xuất vụ Xuân năm 2024 đạt kết quả tốt nhất./.


             
                                                                 Cao Tuấn - Trung tâm Khuyến nông
                                                                     Nguồn: Tập san Khuyến nông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây