Chủ nhật, 24/11/2024, 18:59

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao

Thứ ba - 17/10/2023 05:10 1.801 0
Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sạch ngày càng được người tiêu dùng chú trọng, nên việc xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng đang được người nông dân quan tâm hưởng ứng, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, dù mô hình chưa phổ biến và nhân rộng, tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ mô hình đem lại khá cao, sản phẩm lại an toàn cho người sử dụng.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao
Một trong số đó là mô hình canh tác dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Bác Võ Đình Thanh Khối Điện Biên- Phường Nghi Hương đã mở ra hướng phát triển nông nghiệp mới cho người dân trên địa bàn thị xã Cửa Lò. 

Sau khi thực hiện nhiều mô hình với các giống cây trồng, vật nuôi khác nhau nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn, bác Thanh bắt đầu tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt mà bác vốn đam mê và đã nghiên cứu học hỏi kỹ thuật trồng tại các địa phương, trên báo, trên mạng internet,…

Mô hình dưới lưới trong nhà màng hộ bác Bác Võ Đình Thanh Khối Điện Biên- Phường Nghi Hương- TX Cửa Lò

Dưa lưới là cây trồng ngắn ngày mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định, năng suất canh tác trên một đơn vị diện tích trong nhà màng cao. Khi trồng trong nhà màng thì sẽ hạn chế được sâu bệnh gây hại vì các cây trồng thuộc họ Dưa thường rất dễ bị sâu bệnh khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi. Nếu canh tác theo kiểu truyền thống (ngoài đồng ruộng) thì rất khó kiểm soát được sâu bệnh hại và tốn kém chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ. Bên cạnh đó, cây dưa lưới chỉ phù hợp vào mùa khô, còn mùa mưa thì không thuận lợi; tuy nhiên, khi canh tác trong nhà màng sẽ khắc phục được nhược điểm này vì không quá lệ thuộc vào tự nhiên (mùa mưa vẫn trồng được). Do đó, đảm bảo quá trình sản xuất được liên tục, không theo mùa vụ.

Đầu năm 2023, gia đình bác Võ Đình Thanh mạnh dạn đầu tư 300 triệu đồng nguồn vốn cho nhà màng, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hạt giống… trên diện tích 600m2 với thiết kế 3 khung nhà màng liền kề, đưa vào trồng 11 luống dưa, với khoảng 1.100 dây dưa lưới, tỷ lệ sống đạt 90%. Sau khi hạt dưa lưới được gieo từ 7 - 10 ngày, đã dần xuất hiện lá thứ 2, bác tiến hành tập trung chăm sóc. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên dưa lưới của bác Thanh phát triển tốt. Chỉ sau 75 ngày trồng, vườn dưa đã bắt đầu cho thu hoạch, trọng lượng bình quân từ 1,5 - 1,6 kg mỗi quả, tổng lượng ước đạt 1480kg, với giá bán khoảng 60.000 đồng/kg. Tổng doanh thu gần 90 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí hạt giống, phân bón, điện nước….và khấu hao nhà màng cho lãi ròng 40 triệu đồng/vụ.

Bác Thanh cho biết, quá trình sinh trưởng, phát triển của loại dưa lưới là 2,5 tháng, tương đương 75- 80 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, sau mỗi vụ thu hoạch thì dừng khoảng 2 tuần để vệ sinh nên có thể sản xuất 3"vụ" mỗi năm. Hiện nay, gia đình bác đã thu hoạch xong vụ 2 trong năm. Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới của bác Thanh có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, gia đình bác luôn thực hiện tốt chế độ dinh dưỡng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học nên đảm bảo sản phẩm an toàn để sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.

Bác Thanh chia sẻ thêm: "Đối với tôi, trồng dưa lưới không khó, cái khó là nguồn vốn đầu tư, nếu kiên trì, bền bỉ, chịu khó thì mô hình trồng dưa lưới mới đem lại kết quả như mong muốn. Bên cạnh đó, tôi còn quan tâm đến khâu chọn giống và học hỏi thêm trên internet những tiến bộ khoa học - kỹ thuật". Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón, lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới.

Tuy nhiên, việc trồng dưa lưới trong nhà màng cũng có những khó khăn nhất định. Đó là vốn đầu tư tương đối lớn, việc phát triển mô hình trồng dưa lưới đòi hỏi người trồng phải biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất mới để cho một vụ dưa đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình trồng dưa lưới của bác Thanh luôn tuân thủ quy trình được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, bồn cây, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch.
Đây là mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu. Đó cũng là cơ hội giúp nông dân, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng./.


                                        
    Lệ Hằng - Trung tâm Khuyến nông Nghệ An
                                              Nguồn: Tập san Khuyến nông Nghệ An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây