Thứ ba, 21/01/2025, 07:28

Cách làm hay giúp nông dân Nghệ An gieo cấy vụ xuân kịp thời vụ, tiết kiệm chi phí

Thứ tư - 24/01/2024 20:40 593 0
 Vụ cấy năm nay ở nhiều vùng quê Nghệ An, nông dân thay vì thuê thợ cấy đã lập các tổ đổi công cho nhau, vừa đảm bảo lịch thời vụ lại tiết kiệm chi phí sản xuất.
Cách làm hay giúp nông dân Nghệ An gieo cấy vụ xuân kịp thời vụ, tiết kiệm chi phí
bna-giup-7942.jpg
Xã Châu Tiến thành lập nhiều tổ đổi công cấy giúp nhau kịp thời vụ. Ảnh: Thanh Phúc

Bước vào vụ xuân năm nay, chị em bản Ban xã Châu Tiến (Quỳ Châu) đã lập ra các tổ cấy đổi công, mỗi tổ 4-5 hộ trong bản. Theo đó, mỗi hộ ít nhất 1 lao động tham gia, họ giúp nhau từ khâu làm đất đến khâu xúc mạ và cấy lúa.

Chị Vi Thị Hồng Quỳnh, một người dân bản Ban, xã Châu Tiến cho biết: “Tổ đổi công của chúng tôi gồm 3 gia đình, có mối quan hệ ruột thịt với nhau. Chúng tôi giúp nhau luân phiên từ nhà này sang nhà kia. Chẳng hạn hôm nay, 3 người phụ nữ trong tổ biết cấy thì tập trung cấy cho 1 nhà còn 3 người đàn ông biết cày, bừa thì tập trung làm đất cho một nhà khác. Cứ thế cho đến khi công việc cấy hái của tất cả các gia đình trong thôn bản cùng hoàn thành đúng dịp mùa vụ”.

Không chỉ ở bản Ban mà mô hình đổi công này khá phổ biến ở Châu Tiến cũng như các địa phương khác ở Quỳ Châu. Vào vụ cấy, trên các thửa ruộng luôn có 3-5 người. Người xúc mạ, người rải mạ, người cấy… nhờ thế, chỉ cần 1 buổi là đã xong ruộng.

bna-doi-1-2449.jpg
                                        Mỗi tổ trung bình từ 3-5 người tham gia. Ảnh: Hoài Thu

Chị Lò Thị Huyền, một người dân bản Kẻ Lè, xã Châu Hội cho biết: “Ở bản, giờ con em đi làm ăn xa cả, lao động trẻ không còn mấy ai. Do đó, các gia đình trong bản phải làm giúp nhau thì mới nhanh được”.

Nếu như các năm trước, vào vụ cấy lúa xuân, thời điểm này, chị Đinh Thị Anh (Thôn Tường Dinh, xã Đại Đồng, Thanh Chương) phải chạy đôn, chạy đáo thuê người cấy. Năm nay, chị vừa sinh con, không thể cáng đáng việc đồng áng nên chồng chị là anh Lê Văn Sơn tham gia tổ đổi công trong xóm. Anh không biết cấy nhưng lại biết cày, bừa, vãi phân, xúc mạ nên anh đổi công cho các gia đình khác để họ đi cấy cho nhà mình. Nhờ đó, đến nay, 4 sào ruộng của anh đã cấy xong.

bna-4-2068.jpg
Ở miền xuôi, các tổ đổi công thường đông hơn, có thể là người trong xã, trong xóm cũng có nhiều tổ là anh em trong gia đình. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Sơn cho biết: “Vợ vừa sinh con, nhà neo người, đi thuê cấy 4 sào cũng tốn tiền triệu. Với lại, thời điểm giáp Tết, việc thuê thợ cấy cũng không hề dễ; thợ cấy ăn công nhật, công khoán nên nhiều khi họ làm ẩu, cấy không đúng kỹ thuật. Nhờ đổi công, ruộng cấy kịp thời vụ, đảm bảo kỹ thuật lại tiết kiệm được chi phí sản xuất”.

Mô hình đổi công cấy hiện nay không chỉ phổ biến ở các địa phương miền núi mà còn được nhân rộng ở các huyện miền xuôi. “Nông vụ tấn thời”, do đó, để kịp lịch thời vụ, chạy đua với nước tưới tiêu, tranh thủ thời tiết ấm áp trong khi lao động nông thôn ngày càng thiếu hụt.

bna-ghep-3-3322.jpg
Người thạo việc nào thì đảm nhận khâu đó, làm sao để vụ xuân kịp tiến độ. Ảnh: Hoài Thu

“Nhà làm 5 sào ruộng, con cái đi làm ăn xa cả, chỉ có hai ông bà. Có năm, ruộng cày bừa xong xuôi, chỉ việc cấy. Thế mà thuê mãi không ra người, nước khô, ruộng se, mạ già… Năm nay nhờ có tổ đổi công nên luân phiên giúp nhau không phải phụ thuộc vào thợ cấy”, ông Trần Đình Niêm (xóm Tiên Quánh, xã Đồng Văn, Thanh Chương) cho biết.

Vụ Xuân năm nay, xã Tân Sơn (Đô Lương) gieo cấy gần 300ha, trong số đó khoảng 50% là gieo thẳng, số còn lại bà con gieo mạ và cấy lúa. Để tiết kiệm chi phí sản xuất, các hộ trong xóm, trong xã đổi công cho nhau. Chỉ một số hộ nhân lực ít, hoặc bận việc kinh doanh, buôn bán nên mới phải thuê thợ cấy ở các xã lân cận.

Chị Hoàng Thị Thuý, xóm 1, xã Tân Sơn cho biết: “Vụ Xuân 2024, gia đình cấy 5 sào. Tiền thuê máy cày đất hết 700 ngàn đồng, ngoài ra còn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Và nếu thuê cấy thì 2 người, hết 800 ngàn đồng. Năm nay, nhờ đổi công nên tiết kiệm được gần 1 nửa chi phí”.

bna-6-5707.jpg
Mô hình tổ đổi công vừa giúp kịp thời vụ, tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng sự cố kết cộng đồng. Ảnh: Thanh Phúc

Canh tác lúa gạo vẫn là chủ lực ở nhiều địa phương trong tỉnh, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa phát triển kinh tế. Tuy nhiên, do lao động đi làm ăn xa nên ở nhiều địa phương xảy ra tình trạng thiếu lao động vào mùa vụ, đặc biệt là vào vụ cấy. Việc người dân lựa chọn cách làm đổi công lẫn nhau vừa đảm bảo kịp lịch thời vụ, vừa giúp giảm chi phí sản xuất, lại vừa tạo ra sự đoàn kết, sự gắn kết giữa các hộ gia đình trong cộng đồng.

Ông Lê Mỹ Trang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết: “Cấy đổi công là giải pháp hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương. Ngoài tiết kiệm chi phí sản xuất thì quan trọng là mùa vụ xuống giống được kịp thời, đồng bộ. Giúp cho việc chăm sóc cây lúa sinh trưởng đồng bộ, công tác phòng chống dịch bệnh cũng hiệu quả hơn”.

Thanh Phúc - Ngọc Khánh - nguồn baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây