Nghệ An sẽ phục hồi vùng nguyên liệu cam như thế nào
Thứ tư - 27/12/2023 23:049070
Là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, cam Vinh tại các huyện có thời điểm lên tới trên 6.300 ha. Tuy nhiên, vài năm lại đây, do bị nhiễm bệnh và không hiệu quả nên bất đắc dĩ, người dân buộc phải phá bỏ mất gần 2/3 diện tích phải đầu tư nhiều công của mới có được. Sau khi phá bỏ cam, người dân đã và đang trồng cây khác thay thế nhưng về lâu dài sẽ phải từng bước phục hồi vùng nguyên liệu cam. Đơn giản là thương hiệu cam Vinh không thể mất…
Thăng trầm các “thủ phủ” vùng cam xứ Nghệ An Cam Vinh là thương hiệu nổi tiếng của nông nghiệp Nghệ An, hiện đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ và truy xuất nguồn gốc tại về các vùng trồng các huyện. Mấy năm trước, sở dĩ cây cam phát triển, mở rộng rất nhanh là do được trồng trên các vùng đất tiền thân là các công ty Nông trường đứng chân. Đó là vùng cam Phủ Quỳ với các Nông trường 1/5, Cờ đỏ, 19/5, Đông Hiếu ở Nghĩa Đàn; Công ty Nông nghiệp Xuân Xuân Thành và 3/2 ở Quỳ Hợp; Nông trường Bãi Phủ ở phía Tây Anh Sơn và Con Cuông; Nông trường An Ngãi, Sông Con ở Tân Kỳ.
Vườn cam trồng và bảo vệ theo quy trình hữu cơ
Theo Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh, năm 2015, Nghệ An mới có khoảng vài ngàn ha thì đến cuối năm 2020 diện tích đã tăng bật hơn gấp đôi với 4.735 ha. Đến đầu năm 2022, cả tỉnh có khoảng 6.300 ha cam, trong đó nhiều nhất là Quỳ Hợp với trên 4.000 ha, Nghĩa Đàn gần 1.500 ha, chiếm 70% diện tích cả tỉnh.
Tuy nhiên, do mở rộng diện tích quá nhanh và không kiểm soát được chất lượng nguồn giống, kèm theo đó là các loại sâu bệnh trên cây cam nên từ năm 2016, nhiều lô cam ở Quỳ Hợp đã có dấu hiệu bị nhiêm bệnh greening (bệnh vàng lá). Về xã Minh Hợp, một trong những thủ phủ vùng cam Quỳ Hợp, chúng tôi được ông Ngô Xuân Hiến- xóm trưởng xóm Minh Hồ cho biết: thời điểm cao nhất, xã có gần 2.000 ha cam, trong đó riêng xóm Minh Hồ gần 600 ha đất canh tác đều trồng cam. Do bị sây bệnh nên từ năm 2020 lại đây, toàn bộ diện tích cam của xóm đã bị chặt bỏ. Từng là hộ trồng nên ông cho rằng cam cho thu nhập cao nhưng đầu tư cũng lớn và phải chăm sóc đảm bảo quy trình thì mới bền vững.
Trong khi đó xã Nghĩa Xuân bên cạnh mặc dù diện tích thời điểm cao nhất chỉ có 325 ha cam nhưng không ít gia đình vỡ nợ, phá sản vì cam. Bà Lô Thị Nguyệt- Chủ tịch Hội nông dân Nghĩa Xuân cho biết: so với Minh Hợp, cam ở Nghĩa Xuân trồng sau và thời điểm cam đã nhiễm bệnh nên nhiều gia đình đầu tư xong giai đoạn thiết kế cơ bản, chỉ khai thác được vài vụ là bị bệnh nên cam không ra quả, thậm chí có vườn cam mới thiết kế nhưng sâu bệnh nên buộc phải chặt bỏ. Chu kỳ thiết kế của cam 4 năm và đầu tư khoảng 400 -700 triệu/ha và từ năm thứ 4 trở đi mới cho thu hoạch nhưng cây bị bệnh và phải chặt bỏ thì mất trắng, vỡ nợ là phải.
Tình hình tại các vùng “thủ phủ” cam Vinh khác tại Nghĩa Đàn, Con Cuông và Tân Kỳ cũng tương tự. Ông Lâm Văn Thắng- Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn cho biết: với lợi thế về đất đai màu mỡ, thời điểm cao nhất cả vùng Thái Hòa và Nghĩa Đàn có 1.500 ha cam. Tuy nhiên, vài năm lại đây do sâu bệnh, Nghĩa Đàn đã chặt bỏ gần 800 ha và huyện chỉ còn 175 ha tại Nghĩa Bình, Nghĩa Thành và Nghĩa Hồng. Diện tích cam còn lại không nhiều nhưng cũng đang có dấu hiệu nhiễm bệnh, năng suất giảm dần và dự kiến cũng phải phá bỏ để trồng cây khác.
Trong khi đó, ông Lô Văn Lý- Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT Con Cuông cho hay: cam được coi là cây thoát nghèo và làm giàu của huyện. Thời điểm cao nhất, huyện có 400 ha cam nhưng nay bị sâu bệnh chỉ còn 170 ha và chỉ một nửa trong số đó là cho thu hoạch và năng suất đã giảm dần.
Đại diện Phòng trồng trọt, Chi cục trồng trọt và BVTV tỉnh qua kiểm tra đánh giá hiện trang các vùng cam cho biết: các vùng cam Nghệ An bị sâu bệnh do nhiều nguyên nhân, trong đó lớn nhất là do giống và chăm sóc không đúng quy trình. Hiện tượng cam bị bệnh thoái hóa đầu tiên xuất hiện ở Quỳ Hợp sau đó lan sang các huyện khác và mới đây là Yên Thành. Vài năm đầu, sau giai đoạn kiến thiết cam cho năng suất cao, nhưng sau đó giảm dần và rụng quá. Cá biệt vùng cam ở Tân Kỳ, thời gian đầu cho quả ngọt nhưng sau đó quả chua nên rất khó bán…
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia nông nghiệp Doãn Trí Tuệ chia sẻ: nếu giống đảm bảo và chăm sóc đúng quy trình thì chu kỳ khai thác từ 12 đến 15 năm nhưng tại Quỳ Hợp và các huyện mới được khoảng 10 năm. Nguyên nhân là do khâu giống đầu vào bị thả nổi chưa được kiểm soát. Do thấy lợi ích về kinh tế nên thay vì tìm mua giống tại các cơ sở sản xuất, công ty có uy tín thì các nhà vườn tự chọn, ghép giống và không biết vùng nào có bệnh, vùng nào không nên đến thế hệ F4, F5 thì cam bắt đầu thoái hóa, nêu có bệnh thì lây lan nhanh... Bên cạnh đó, quy trình đầu tư chăm sóc chưa chuẩn, khai thác bằng các chất kích tăng trưởng để ra hoa, đậu quả nên chỉ được 2-3 vụ và cây bị suy kiệt nên dễ nhiễm bệnh...
Phục hồi vùng nguyên liệu cam theo hướng bền vững Ông Phan Duy Hải- Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: đến nay, có 4.537,27 ha bị phá bỏ, trong đó chủ yếu là ở các “thủ phủ” cam là thiệt hại lớn và bài học lớn với nông nghiệp tỉnh ta. Hiện tại, do độ dinh dưỡng và sây bệnh trong đất chưa được xử lý dứt điểm, phải tập trung xử lý để diệt được mầm bệnh dịch trong đất thì mới tính chuyện trồng lại hoặc trồng mới.
Mặt khác, các chính sách hỗ trợ của tỉnh tối đa cũng chỉ hỗ trợ bà con 50% giống và vật tư phân bón nên chỉ có những hộ, mô hình chủ động được nguồn giống, vốn, kỹ thuật mới đầu tư trồng lại. Trước mắt, phải chấp nhận các hiện trạng mà bà con nông dân đang triển khai tại các vùng cam bị phá bỏ là trồng mía, trồng ngô sinh khối, dứa... Phải lấy ngăn nuôi dài và cố gắng trong khoảng 2-3 năm tới, tỉnh sẽ ban hành được quy trình canh tác chuẩn cho địa bàn tỉnh và đất phục hồi thì mới trồng mới, phát triển lại diện tích. Theo các chuyên gia, để tăng độ phì nhiêu cho đất, lý tưởng nhất vẫn là trồng các loại cây họ đậu hay ngô để đất mau phục hồi, hạn chế trồng keo…Hiện tại, sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng cây cam trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT đã giao Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tham mưu xây dựng đề án phục hồi cam để xin ý kiến các sở ngành và tỉnh trong thời gian tới.
Thực tế, theo khảo sát của chúng tôi tại các vùng cam bị phá bỏ cũng cho thấy, người dân chủ yếu trồng mía, trồng ngôi sinh khối, dứa, bưới và một số ít đất dốc thì chuyển sang trồng keo lai. Ông Ngô Xuân Hiến- Trưởng thôn Minh Hồ, xã Minh Hợp cũng cho biết: mặc dù thiệt hại nặng và buộc phải chặt bỏ cam nhưng người dân xóm Minh Hồ nói riêng và xã Minh Hợp cũng thích ứng khá nhanh. Gia đình ông có 2 ha cam bị chặt bỏ, nay chuyển sang trồng mía. Trong số gần 600 ha cam của xóm trước đây, 400 ha đã trồng mía và hộ trồng sớm nhất đã cho thu hoạch vụ thứ 3, thu nhập khoảng 80 triệu/ha/năm; gần 200 ha trồng ngô sinh khối, do có hệ thống bơm tưới nên mỗi năm làm 3- 4 lứa ngô, lãi đạt từ 60-70 triệu/ha/năm.
Ông Lâm Văn Thắng- Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Nghĩa Đàn bổ sung: trồng mía và ngô sinh khối đều cho giá trị thu nhập ngang nhau, bình quân 70 - 80 triệu/ha/năm. Trong khi đầu tư cho cam, phải mất 400- 500 triệu/ha và sau 4 năm kiến thiết mới cho thu hoạch thì trồng mía, ngô chỉ 1 năm là thu hoạch, giá trị từ 50-70 triệu/ha nhưng, tính gộp 4 năm thì giá trị từ 280-300 triệu/ha là tạm được.
Từ thực tế chỉ đạo chuyển giao mô hình tạo sinh kế cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đinh Xuân Lãm- Trường Phòng Dân tộc Tân Kỳ cho biết: cam từng là cây giảm nghèo và vươn lên làm giàu cho bà con, trong đó có đồng bào thiểu số. Tuy nhiên, cam là cây trồng đầu tư ban đầu lớn và kỹ thuật chăm sóc khá tỷ mẩn... Vì vậy, đối với các huyện miền núi, chỉ các hộ, gia trại có điều kiện thì mới trồng cam, còn lại đồng bào dân tộc thiểu số trồng thì nên chọn các cây trồng dễ tính như mía, dứa hoặc ngô sinh khối vì đầu tư ban đầu không lớn, đầu ra đảm bảo.
Bên cạnh chuyển đổi cây trồng trên diện tích cam đã bị phá bỏ, theo chúng tôi một định hướng để giữ vững diện tích và thương hiệu cam Vinh là trồng và chăm sóc cam theo quy trình hữu cơ an toàn. Ông Nguyễn Văn Hà- Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh cho biết: qua kiểm tra, hiện có các mô hình đang trồng hữu cơ khá thành công tại một số vườn cam còn lại ở Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Thanh Chương. Cụ thể, đó là mô hình cam xã Đoài lòng vàng của anh Bùi Văn Trọng ở xóm Châu Thành, xã Tam Hợp (Quỳ Hợp). Trong khi hàng chục ha cam của xã bị thoái hóa buộc phải chặt bỏ thì mô hình cam của anh Trọng, chỉ với 1 ha do được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, phân bón là chế phẩm chế biến từ xác thủy hải sản và bột cá; chỉ dùng chế phẩm sinh học để trừ bệnh, không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên cam phát triển khá tốt và được 10 năm, mỗi năm thu hoạch gần 30 tấn quả, giá từ 30-50.000 đồng/kg.
Tương tự, mô hình trên 1 ha cam của anh Nguyễn Viết Thành ở xóm Tân Thành, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Đàn) cũng chăm sóc theo quy trình hữu cơ, dùng phân bón là chế phẩm hải sản, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, cam được “mắc màn” từ khi ra quả nên vẫn trụ vững đến 10 năm, sản phẩm hiện tại của gia đình anh đã được xã làm hồ sơ đề nghị UBND huyện công nhận đạt chuẩn Ocop năm 2023.
Ông Phan Duy Hải- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV chia sẻ: trồng, chăm sóc cam theo quy trình hữu cơ, an toàn là định hướng lớn của tỉnh. Hiện tại, cùng với chỉ đạo xử lý, ngắt nguồn bệnh trên cây cam và trong lòng đất, Chi cục đang tham mưu cho tỉnh ban hành Quy trình canh tác cam IPHM riêng cho Nghệ An, kiểm soát chặt khâu giống khi phục hồi, tái trồng lại cam; trồng vùng nào thì phải an toàn, bền vững... Bệnh greening (vàng lá) hay thối rễ làm cam rụng quả là bệnh virus khá phức tạp, hiện chưa có thuốc đặc trị. Các tỉnh bản đi sau rút kinh nghiệm phát triển cam ở Nghệ An nên đầu tư bài bản, hiệu quả và đây là bài học mà chúng ta cần nhận ra khi đầu tư phục hồi vùng nguyên liệu cam Vinh tới đây./.