Thứ ba, 21/01/2025, 23:43

Mục tiêu và giải pháp tổ chức sản xuất trồng trọt vụ Đông năm 2023

Thứ tư - 30/08/2023 20:43 1.046 0
Mục tiêu và giải pháp tổ chức sản xuất trồng trọt vụ Đông năm 2023

 

Sản xuất vụ Đông 2022 diễn ra trong điều kiện thời tiết bất thuận, đầu vụ gieo trồng chịu ảnh hưởng liên tiếp bởi các đợt mưa lớn, hoàn lưu bão, gió lốc đã gây thiệt hại cho một số diện tích rau màu các loại, cây công nghiệp, cây ăn quả. Bên cạnh đó, giá vật tư phân bón tăng cao đã ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư sản xuất vụ Đông. Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự cố gắng nỗ lực của người dân trong việc khắc phục thiên tai, đầu tư sản xuất nên vụ Đông đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Sản lượng và năng suất các cây trồng đều tăng so với kế hoạch và tăng so với vụ Đông 2021. 
Vụ đông năm 2023, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ, sẽ có khoảng 01 - 02 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Trung Bộ, hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, mưa đá trong giai đoạn chuyển mùa trùng với thời điểm gieo trồng, nên nguy cơ cao gây thiệt hại và ảnh hưởng đến sản xuất các cây trồng vụ Đông. Đồng thời, nguồn nhân lực lao động sản xuất thiếu do xu hướng chuyển dịch sang ngành nghề khác, chất lượng nhân lực thấp do già hóa. Nguy cơ chuột, sâu keo mùa thu và các đối tượng cào cào, châu chấu, rệp, sâu xanh, sâu khoang, ... tiềm ẩn phát sinh gây hại. Hệ thống thủy lợi tuy đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhưng vào mùa mưa lũ vẫn chưa đảm bảo khả năng tiêu thoát nước kịp thời. Công tác xúc tiến thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn gặp khó khăn. Đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp còn thiếu ổn định,... Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch mà ngành đã đặt ra cho vụ Đông năm 2023.
I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU
1.1. Phương hướng
- Tập trung chỉ đạo phấn đấu sản xuất đạt mức cao nhất về diện tích, năng suất, sản lượng theo kế hoạch đề ra với phương châm sản xuất an toàn và phát huy mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, có hiệu quả kinh tế cao, gia tăng giá trị sản xuất, góp phần quan trọng vào hoàn thành kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2024. Trong đó, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh mở rộng diện tích cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao (Cây ngô lấy hạt, ngô sinh khối, ngô thu hoạch bắp tươi. Cây rau đẩy mạnh diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đảm bảo sản phẩm an toàn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và hình thành các vùng chuyên canh).
- Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và ổn định sản xuất.
1.2. Mục tiêu
Toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 35.185 ha cây trồng vụ Đông các loại (Ngô, lạc, rau đậu các loại, khoai lang, khoai tây). Trong đó, diện tích trên đất bãi ven sông khoảng 7.765 ha, diện tích đất màu ven biển khoảng 4.518 ha, diện tích trên đất lúa 2.850 ha và diện tích trên đất màu đồng khoảng 20.052 ha. Mục tiêu phấn đấu về diện tích, năng suất, sản lượng của các cây trồng như sau:
TT Loại cây trồng Diện tích (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn)
1 Cây ngô 19.500    
  Trong đó: Ngô trên đất 2 lúa 2.100    
1.1 Cây ngô lấy hạt 14.500 48,5 70.325,0
1.2  Ngô lấy thân lá làm thức ăn cho bò 5.000 320,0 160.000,0
2 Cây lạc 1.400 26,5 3.710,0
3 Rau đậu các loại 12.600 140,0 176.400,0
   Trong đó: Diện tích rau trên đất lúa 548 140,0 7.672,0
4 Khoai lang 1.390 70,0 9.730,0
  Trong đó: Diện tích khoai lang trên đất lúa 202 70,0 1.414,0
5 Khoai tây 295 190,0 5.605,0
   Trong đó: Diện tích khoai tây thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm 225 190 4.275,0
II. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
2.1. Giải pháp bố trí vùng sản xuất   
Định hướng xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu sản xuất các cây trồng sát với tình hình thực tế, bố trí các vùng sản xuất an toàn gắn với thị trường tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
- Đối với sản xuất trên đất lúa: Bố trí sản xuất trên những vùng chủ động tưới tiêu, thoát nước tốt nhằm sản xuất an toàn và đảm bảo thời vụ lúa Xuân năm sau. Ưu tiên sử dụng các loại cây trồng có giá trị như bầu bí, dưa chuột, ... hoặc ngô sinh khối, ngô thu hoạch bắp tươi và lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn để gieo trồng.
- Với những vùng chuyên canh sản xuất các loại rau, củ, quả, cần tập trung chỉ đạo, tuyên truyền để thúc đẩy mở rộng diện tích các loại rau củ quả an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ,... Đồng thời cần có dự báo nhu cầu thị trường để phát triển diện tích từng giống rau gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
2.2. Giải pháp về kỹ thuật
2.2.1. Bố trí cơ cấu giống và thời vụ
a. Thời vụ:
* Cây ngô:
- Trên đất 2 lúa:
+ Chỉ đạo sản xuất theo vùng tập trung để thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chủ động tưới tiêu nước. Khuyến cáo trồng ngô sinh khối, ngô thu hoạch bắp tươi và sử dụng giống ngắn ngày.
+ Tiến hành làm đất và gieo trồng ngô sau khi thu hoạch lúa Hè thu. Phải căn cứ vào thời gian sinh trưởng của giống, mục đích trồng ngô lấy hạt, ngô sinh khối hay ngô thu hoạch bắp tươi để bố trí thời vụ thích hợp nhằm đảm bảo thời vụ lúa Xuân năm sau; tùy vào điều kiện thực tế từng địa phương và có thể kết thúc gieo trồng trước 30/9.
- Trên vùng đất cát ven biển thoát nước tốt, vùng đồi vệ, vùng lúa cao cưỡng chuyển sang làm màu: Tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đất đủ ẩm, … tiến hành gieo trồng ngay và kết thúc gieo xong trước ngày 20/9.
- Trên vùng đất màu bãi ven sông: Căn cứ vào thực tế tại địa phương và tình hình thời tiết hết mưa lụt mới tiến hành gieo trồng.
* Cây lạc: Kết thúc gieo trồng trước ngày 10/9.
* Cây rau các loại:
- Trên đất 2 lúa, căn cứ thời gian sinh trưởng của từng loại rau và tình hình thời tiết để gieo trồng, yêu cầu thu hoạch trước ngày 05/01/2023 để không ảnh hưởng đến thời vụ lúa Xuân năm sau.
- Trên những diện tích đất màu, tuỳ từng loại cây như rau ăn lá, rau lấy củ, rau lấy quả, … có thể trồng từ đầu tháng 9 trở đi và gieo trồng nhiều lứa/vụ.
* Cây Khoai lang: Trồng từ 10/9 - 05/10. Trên đất lúa, kết thúc trồng trước ngày 15/9 để đảm bảo lúa Xuân năm sau.
* Cây khoai tây: Trồng từ ngày 01-10/11.
* Cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm: Rà soát lại diện tích chưa thực hiện, chuẩn bị tốt giống cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, … tranh thủ lúc thời tiết thuận lợi, tập trung trồng mới hoàn thành kế hoạch 2023 đề ra và chuẩn bị nhân giống phục vụ trồng mới kế hoạch năm 2024.
b. Cơ cấu giống:
* Cây ngô:                                        
- Mỗi địa phương lựa chọn cơ cấu từ 4 - 6 loại giống với phương châm ưu tiên sử dụng các giống có tiềm năng năng suất cao, chất lượng, có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh. Ưu tiên sử dụng những giống ngô chuyển gen nhằm hạn chế gây hại của sâu keo mùa thu.
+ Cây ngô trồng lấy hạt, sử dụng các giống chủ lực như: DK6919S, NK66Bt/GT, LVN14, CP511,  …
+ Các giống ngô có sinh khối lớn như: NK7328, …
+ Ngô lấy bắp ăn tươi sử dụng các giống: HN68, MX6, …
- Đối với các diện tích ngô trên đất 2 lúa và đất bãi ven sông suối dễ xẩy ra ngập lụt: Ưu tiên sử dụng các giống ngô lấy bắp ăn tươi, ngô sinh khối.
- Những vùng trồng ngô sinh khối có hợp đồng thu mua với các đơn vị bao tiêu sản phẩm: Sử dụng các giống ngô có sinh khối lớn, căn cứ vào hợp đồng thu mua và thời gian sinh trưởng của giống để lựa chọn thời gian gieo trồng thích hợp nhằm đảm bảo đúng tiến độ thu hoạch.
* Cây lạc: Sử dụng giống L14, L23, L26, TB 25, sen lai 75/23, TK10, L20, ...
* Cây khoai lang: Sử dụng các giống: Khoai lang KLC266, KL20-209,K4,…
* Cây khoai tây: Có thể sử dụng các giống khoai tây Atlantic, Marabel, Diamant, Solara,...(phải có kế hoạch chuẩn bị nguồn giống chất lượng),...
* Các loại rau:Trên cơ sở đất đai, điều kiện từng vùng, quy trình kỹ thuật đã được tập huấn, các mô hình đã được xây dựng và đánh giá có hiệu quả,... để lựa chọn các giống rau thích hợp cho từng vùng, từng địa phương và có dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ để mở rộng diện tích. Có thể sử dụng các giống rau như:
- Rau lấy lá, hoa:
+ Rau cải: Cải ngọt, cải bẹ dưa, cải bẹ mào gà, cải bó xôi, cải ngồng,...
+ Bắp cải: KK cross, Thúy Phong,...
+ Súp lơ: Mantop, Green Magic, Thanh Hoa,...
- Rau lấy củ:
+ Cà rốt: Takii 103, Takii 108, Takii 444,...
+ Su hào: Worldcol B52, Winner
- Rau lấy quả:
+ Bí xanh: Bí xanh số 1, Nova 209, An Điền 686,...
+ Cà chua: Savior, VT10, NH 2764, C95, Tre việt 10,...
+ Dưa chuột: PC4, PN- 636, VL-639, Kichi 207,…
2.2.2. Phân bón
Bón đủ, bón đúng theo hướng dẫn của quy trình thâm canh từng giống đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển tốt để khai thác tối đa tiềm năng năng suất của các giống. Sử dụng phân bón cần lưu ý:
- Thực hiện nguyên tắc bón phân cân đối; Tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học hoặc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để ủ phân hữu cơ bằng các chế phẩm sinh học,... giúp cây trồng dễ hấp thu, cho sinh trưởng, phát triển khoẻ chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, đồng thời cải tạo tính chất đất.
- Để giảm thất thoát phân do mưa lớn: nên chọn thời điểm bón tuỳ theo điều kiện thời tiết, từng chân đất và đối tượng cây trồng cụ thể theo quy trình từng cây.
2.2.3. Công tác Bảo vệ thực vật
- Xây dựng phương án theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng: Đặc biệt chú ý các đối tượng sâu, bệnh hại chính như: Chuột, châu chấu, sâu keo mùa thu hại ngô; bọ trĩ, sâu xanh, sâu tơ, rệp các loại, bệnh sương mai, mốc sương, thán thư, đốm lá, héo xanh vi khuẩn, ... hại rau màu.
- Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc có nguồn gốc sinh học để phòng trừ theo nguyên tắc 4 đúng.
2.2.4. Công tác thủy lợi
- Tổ chức tốt công tác thủy lợi bằng việc tu sửa, nạo vét kênh mương, công trình, thiết bị cơ điện, nạo vét kênh dẫn, bể hút các trạm bơm. Đảm bảo 100% các máy và công trình đều vận hành tốt phục vụ sản xuất.
- Có phương án chủ động ứng phó khi xẩy ra mưa lớn, lũ gây ngập úng. Giải quyết tốt nhu cầu nước tưới cho cây rau và ngô trên đất 2 lúa (nhất là thời kỳ ngô trổ cờ, phun râu).
2.3. ng dụng các tiến bộ KHCN; nhân rộng các mô hình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ
Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, KHCN, cơ giới hóa trong sản xuất và các quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ trên rau, củ, quả các loại... Duy trì và phát triển các diện tích rau củ quả an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, các mô hình sản xuất trong nhà lưới, nhà màng,.... Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu các mô hình đạt kết quả tốt, các tiến bộ kỹ thuật đã được khẳng định, để nông dân hiểu và thực hiện.
2.4. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
- Các địa phương căn cứ vào các chính sách hiện hành cũng như trích ngân sách của địa phương để hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp kiểu mới.
- Các địa phương căn cứ vào kế hoạch sản xuất để giới thiệu sản phẩm, tích cực trong việc kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân vào liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng thêm phương thức kinh doanh, bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.
2.5. Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm trong sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... tại các địa phương.
- Tổ chức quản lý tốt vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc BVTV,...) trên địa bàn mình đúng theo các quy định của Nhà nước.
2.6. Giải pháp cơ chế chính sách
 - Thực hiện đầy đủ các chính sách của Chính phủ và UBND tỉnh gồm: Hỗ trợ giống, tưới, máy nông nghiệp, hỗ trợ tập trung ruộng đất, hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo chuỗi, sản xuất nông sản ứng dụng CNC trong nhà lưới nhà màng, chứng nhận sản phẩm nông nghiệp an toàn theo các tiêu chuẩn, xây dựng wensite, hỗ trợ tiêu thụ,...trên địa bàn tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021. Chính sách hỗ trợ nông dân có cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để khôi phục sản xuất theo Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 05/6/2017. Chính sách hỗ trợ đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sở chế bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ 50% chi phí giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX,…theo Nghị Quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 của HĐND tỉnh Nghệ An. Hỗ trợ trồng ngô, rau, màu các loại trên đất lúa và sản xuất khoai tây có liên kết bao tiêu sản phẩm trong vụ Đông 2023 theo chủ trương của UBND tỉnh tại văn bản số 6404/UBND-NN ngày 03/8/2023.
- Ngoài chính sách của tỉnh đề nghị UBND các huyện, thành, thị cần chủ động trích ngân sách địa phương, khai thác tối đa mọi nguồn lực để thực hiện các chính sách của địa phương, hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, đặc biệt là mở rộng mô hình có hiệu quả.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
3.1. Sở Nông nghiệp và PTNT
- Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phối hợp với các ngành, các địa phương, các tổ chức trong việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án sản xuất vụ Đông. Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo việc sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản phẩm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Sở và các đơn vị ngành hàng liên quan thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra.
3.2. UBND các huyện, thành phố, thị
 - Trên cơ sở Đề án sản xuất cây trồng vụ Đông 2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT, căn cứ vào đặc điểm địa hình, đất đai, khí hậu và trình độ thâm canh, … của địa phương để xây dựng kế hoạch, đề án sản xuất vụ Đông cụ thể, sát với thực tế nhằm phát huy tối đa các lợi thế sẵn có. Đề án, kế hoạch phải thể hiện sự phấn đấu cao, các chỉ tiêu phải vượt trội và các giải pháp tổ chức chỉ đạo thực hiện phải tích cực, quyết liệt để đảm bảo giành thắng lợi.
- Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước và công tác chỉ đạo sản xuất ở địa phương trên các phương diện.
- Đầu mối mời gọi các tổ chức, cá nhân vào xây dựng, mở rộng các mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm; Hướng dẫn, tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng thêm phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử nhằm kết nối, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Dự báo nhu cầu thị trường để có phương án sản xuất rải vụ thích hợp, phát triển mở rộng diện tích nhất là các loại rau, củ, quả đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn, hình thành các vùng rau chuyên canh gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm nhằm ổn định đầu ra cho nông dân.
- Phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV để hướng dẫn, tuyền truyền các tổ chức, cá nhân về các thủ tục đăng ký mã số vùng trồng theo quy định tại Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hàng năm xây dựng kế hoạch cấp mã số vùng trồng theo hướng dẫn và thực hiện phân kỳ cấp mã số vùng trồng cho từng đối tượng cây trồng có nhu cầu theo hướng dẫn số 305/SNN-QLKTKHCN ngày 07/02/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Phối hợp với các Chi cục thống kê để thống kê, thống nhất số liệu định kỳ báo cáo tiến độ sản xuất về Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật để tổng hợp tham mưu Sở báo cáo UBND tỉnh và Cục Trồng trọt. Trường hợp cần thiết và đột xuất Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật sẽ có công văn gửi các địa phương.
3.3. Các ngành và đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội
- Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT: Tạo mọi điều kiện thuận lợi, đơn giản cho nông dân được vay đủ vốn để phục vụ sản xuất.
- Đối với các tổ chức chính trị xã hội: Căn cứ chức năng nhiệm vụ chính trị của mình xây dựng chương trình hành động thiết thực để lãnh đạo các cấp hội vận động hội viên, đoàn viên tham gia thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ Đông 2023.
3.4. Các đơn vị cung ứng, doanh nghiệp, Hợp tác xã
- Các đơn vị cung ứng giống và vật tư, phân bón, Thuốc BVTV: Căn cứ vào Đề án sản xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT để chủ động ký hợp đồng và chuẩn bị đủ vật tư nông nghiệp về giống, phân bón, thuốc BVTV, ... đảm bảo chất lượng, đúng cơ cấu đã được phê duyệt trong Đề án này, cung ứng kịp thời phục vụ tốt nhất cho sản xuất.
- Các doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm cần tăng cường mở rộng các mô hình liên kết và bao tiêu các sản phẩm cây trồng vụ Đông với nông dân hoặc tổ chức đại diện nông dân như Hợp tác xã để ổn định đầu ra, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Vụ Đông năm 2023 là vụ sản xuất sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức như thiên tai (bão lụt); các loại dịch hại có nguy cơ phát sinh gây hại nặng như: chuột, sâu keo mùa thu, ... Do đó, để đảm bảo giành được thắng lợi, Sở Nông nghiệp và PTNT kính đề nghị UBND tỉnh: Ban hành Chỉ thị về tăng cường sản xuất vụ Đông năm 2023 để huy động các nguồn lực, tập trung chỉ đạo hoàn thành thắng lợi sản xuất Đông năm 2023. Chỉ đạo các ngành, các cấp và UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác chỉ đạo một cách quyết liệt, thường xuyên như: Ban hành các văn bản chỉ đạo; Thành lập ban chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây trồng vụ Đông; Đồng thời trích ngân sách huyện để khuyến khích, hỗ trợ nông dân trong sản xuất. Các cơ quan thông tin đại chúng: Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn dành thời lượng ưu tiên cho công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông thôn, các biện pháp kỹ thuật trong vụ Đông 2023. Đặc biệt, Sở Nông nghiệp và PTNT rất mong nhận được sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBMTTQ, các Đoàn thể, UBND Tỉnh, sự phối hợp tạo điều kiện của các ngành, các huyện, thành, thị và sự hưởng ứng nhiệt tình của nông dân trên toàn tỉnh nhằm mục tiêu đạt được kết quả cao trong vụ Đông 2023./.

                                    
                                             
Trích ĐA tổ chức sản xuất trồng trọt vụ Đông năm 2023 – SNN

                                                                      Cao Tuấn – Trung tâm Khuyến nông
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
35.jpg 36.jpg 34-2.jpg a123.jpg a125-1.jpg 02.png 06.png 09.png 05-2.png 04.png 07-2.png a22.jpeg a23-1.png 12.jpg 14-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây