Quỳnh Lưu xây dựng, phát triển mô hình nuôi gà đồi

Thứ hai - 20/04/2020 21:49 831 0
Vượt qua 40 km đường đất khá gồ ghề, chúng tôi đến gia trại của gia đình chị Nguyễn Thị Lan ở xóm Bắc Thắng, xã Tân Thắng. Không như hình dung của chúng tôi về một gia trại chăn nuôi thông thường, gia trại của chị Lan và anh Thiết (chồng) nhưng thực tế là không thấy chuồng trại đâu mà chỉ 1 khu chuồng nhỏ dành cho gà giống, còn lại gà nuôi được thả tự nhiên trong khuôn viên chừng hơn 2 ha rừng. 
   Quỳnh Lưu xây dựng, phát triển mô hình nuôi gà đồi
Tiếp chúng tôi, anh Thiết cho hay: vợ chồng từ Quỳnh Vinh lên đây lập gia trại từ năm 2008. Với diện tích trên 65 ha, gia đình anh trồng từ keo đến mía và nay là dứa. Khi làm vườn rừng, ban đầu, gia đình cũng chỉ mua một ít gà giống của bà con dân bản thả cho vui và do đất rộng nên cũng không làm chuồng nên đàn gà ban ngày đi kiếm ăn, tối về đậu ngủ trên cành cây. Do trại ở gần rừng nên gà nhà thường vào rừng kiếm thức ăn và ngược lại thi thoảng gà rừng cũng theo về gia trại kiếm mồi nên quá trình phối giống diễn ra tự nhiên sau đó. Thời gian đầu, thấy đàn gà nhà đẻ trứng nhỏ hơn bình thường nhưng ấp ra sinh trưởng tốt và không dịch bệnh nên gia đình mới nhớ sực là đã có sự lai tạo, chọn lọc tự nhiên giữa gà rừng và gà nhà. Từ đó về sau, thỉnh thoảng, anh Thiết mua con gà rừng nuôi thả để tạo giống.
 Do lai với gà rừng nên gà tại gia trại chị Lan bình quân chỉ từ 1,7-1,8 kg/con gà trống và gà mái thì 1,3-1,5 kg/con. Điều này bắt nguồn từ giống gà rừng chỉ từ 0,8-0,9 kg/con mái và gà trống lớn hơn 1 chút, khoảng 1 kg/con nên dù lai tạo cũng không to là mấy. Để có giống tốt, gia đình phải chọn con trống và mái đẹp nhốt riêng lấy trứng để ấp giống, số còn lại nuôi để bán thịt. Từ chỉ mấy chục con ban đầu, hiện nay gia trại đã có khoảng 350- 400 con gà giống.
Anh Thiết cho biết: gà giống rừng nên sống tự nhiên và không phải tiêm phòng thuốc thú y nhưng rất ít khi bị dịch bệnh, con nào chết chủ yếu do cắn, chọi nhau; gà thịt nuôi bình quân khoảng 10 tháng mới bán, thức ăn gà tự kiếm và cho thêm ngô, lúa nên thịt ngọt, thơm và chắc. Năm nay, gà được giá 150 ngàn/kg và nuôi theo kiểu gối vụ và hiện chỉ còn khoảng 200 con nên không có bán.
Từ mô hình của gia đình chị Lan, Trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu đã chọn và hỗ trợ thêm 20 cặp gà giống bố mẹ bản địa thả vào đàn gia đình chị Lan; đồng thời hướng dẫn thêm về kỹ thuật và hỗ trợ kinh phí mua thức ăn sau đó mua lại trứng ấp để nhân rộng. Năm 2019 là năm đầu tiên triển khai, gia đình đã xuất bán 1.000 quả trứng, trong đó một số trứng gà giống được khuyến nông mua lại để ấp lò và giao cho bà con các hộ khác nuôi. Cũng theo chính sách, có 350 con gà giống đã được giao cho bà con các xóm ở Tân Thắng nuôi và nhân rộng đàn. 
Mô hình thứ hai đang được Trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu hỗ trợ là gia trại gà của ông Nguyễn Văn Điền ở thôn 4, xã Quỳnh Thắng. So với mô hình chị Lan, với kinh nghiệm nuôi gia cầm hàng chụ năm, mô ông Điền đầu tư chuồng trại khá bài bản. Đến năm 2019, ông được khuyến nông hỗ trợ 30 con gà bố mẹ (26 mái và 4 trống) thả vào chung đàn với gia đình khoảng 200 con, sau khi nuôi được 6-7 tháng, lứa gà bố mẹ hỗ trợ đã đẻ trứng được 1 lứa.
So với mô hình chị Lan, gia trại của ông Điền mặc dù nuôi quy mô lớn hơn với 1 tổng đàn khoảng 500- 600 con giống, gà do chủ yếu thả trên đồi nên tiết kiệm được chi phí thức ăn. Ông Điền so sánh: nếu gà nuôi chốt, bình quân mất 1,0 kg thức ăn/kg thì gà nuôi thả chỉ mất 0,6 kg nên giảm được sức ép cho phí và đầu ra.
Quan sát thực tế chúng tôi nhận thấy, mặc dù nuôi thả trên đồi nhưng ông Điền thiết kế chuồng trại rất hợp lý và thật thoáng mát, mùa hè thì gà ở dưới gốc cây, mùa đông thì ở trong chuồng có đệm lót sinh học. Trong khuôn viên vườn đồi gần 3 ha, ông thiết kế thành gần 10 chuồng trại nhỏ để nuôi từng lứa cho phù hợp, mỗi chuồng trại lại bố trí chuồng 10 m2 lợp kín để gà đậu vào khi mưa gió.
Ông Điền cho biết: để có đàn gà giống đẹp như hiện nay, ông đã phải chọn lựa khá công phu, hàng năm trong số khoảng 600 gà hậu bị, ông chỉ chọn lựa 200 con tốt nhất để nuôi lấy trứng làm giống, số còn lại nuôi từ 6-8 tháng thì bán thịt.
Là người có kinh nghiệm nuôi gà nhiều năm và đã nuôi nhiều loại gà nhưng ông thấy mô hình mô hình gà đồi tại xã Quỳnh Thắng với thành phần là gà cỏ, gà ri, gà Lương Phượng lai với gà rừng là hiệu quả và tối ưu nhất nhất. Nếu nuôi gà đẻ siêu trứng hoặc siêu thịt, mỗi năm để trứng nhiều và trọng lượng nặng hơn nhưng chi phí thức ăn lớn, giá bán không cao. Trong khi đó nuôi gà đồi giống bản địa lai gà rừng chi phí thức ăn ít; cho nuôi do thả tự nhiên nên người nuôi có thể làm tranh thủ thời gian, không phải chịu áp lực về thức ăn, đầu ra và hạn chế được bệnh dịch.
 Đơn cử gia đình ông Điền nuôi đàn gà mái 200 con, trong đó mỗi năm đẻ từ 120-130 quả trứng/con, gà thịt nuôi dài hơn nhưng bù lại rất yên tâm vì đầu ra, giá bán luôn cao hơn từ 10-15% so với gà giống mới. Với mô hình nuôi khoảng 600 con/lứa và kết hợp lò ấp trứng, mỗi năm đàn gà đã cho ông Điền thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và là hình mẫu cho nhiều bà con nông dân vùng đồi. 
Ông Nguyễn Anh Hùng – Trạm trưởng Trạm khuyến nông Quỳnh Lưu cho biết: từ nền tảng là các mô hình gà đồi bản địa có chất lượng ở các xã vùng đồi phía Tây của huyện, từ năm 2019, bước đầu huyện Quỳnh Lưu dành kinh phí hỗ trợ 70% chi phí thức ăn và hỗ trợ về kỹ thuật bà con nông dân, theo dõi quá trình của đàn gà giống lai với gà rừng, gà bản địa tại các xã vùng đồi Quỳnh Thắng và Tân Thắng nuôi nhằm nhân rộng, mở rộng đàn. Nhờ đó, phong trào nuôi gà đồi tại các xã phía Tây phát triển khá nhanh.
Hiện nay, toàn huyện đã có đàn gà 1,22 triệu con, trong đó riêng vùng đồi 3 xã Quỳnh Thắng, Tân Thắng và Quỳnh Tân có khoảng 209 ngàn con, toàn huyện có  30 gia trại, trang trại nuôi gà quy mô từ 800-2.000 con/lứa, trong đó chủ yếu tập trung tại 3 xã vùng đồi. Từ năm 2020 này, Quỳnh Lưu bắt đầu triển khai “Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gà đồi Bến Nghè Quỳnh Lưu” và giao cho Trạm khuyến nông huyện từng bước triển khai xây dựng.
Hy vọng với sự hỗ trợ của huyện, nhãn hiệu gà đồi Bến Nghè ở Quỳnh Lưu sẽ được bảo tồn và nhân rộng hơn, tạo ra mô hình chăn nuôi mới theo hướng đảm bảo an toàn sinh học, từ đó tạo được thương hiệu sản phẩm gà thịt có giá trị hàng hóa, giúp bà con nông dân khai thác hiệu quả vùng đồi phía Tây huyện Quỳnh Lưu, tạo thêm việc làm và cải thiện thu nhập./.
                     
                                                                                          Nguyễn Hải
                                                                          Báo Nghệ An - nguồn TSKN
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
a4.jpg a8-6.jpg a5-3.jpg a2-3.jpg a6-4.jpg a1-4.jpg a7-6.jpg a13-1.jpg a9-1.jpg a15-3.jpg a10-1.jpg a7-2.jpg a11-3.jpg a12-3.jpg a8-2.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây