Là nông thôn văn minh, nơi miền quê đang sống

Thứ hai - 05/02/2024 19:56 252 0
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay thật sự đã và đang mang lại kết quả rất tốt đẹp, được người dân khắp cả nước đón nhận. Bộ mặt nông thôn đất nước ta hiện nay từ miền xuôi đến miền núi cao đã thay da đổi thịt, mặc trên mình tấm áo mới, đời sống vật chất khá giả hơn, nhà cửa khang trang, đường làng rộng mở được rải thảm nhựa hoặc bê tông hoá; điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá… không thua kém thành phố. Đó chỉ mới là bước đầu của NTM, sau đó là NTM nâng cao, tiếp đến là NTM kiểu mẫu và sau đó sẽ là nông thôn văn minh, hiện đại, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn hoá, xã hội phát triển.
Là nông thôn văn minh, nơi miền quê đang sống
Có một vùng quê, hôm nay có thể gọi là một miền quê đáng sống. Đó là vùng quê xã Long Thành, huyện Yên Thành. Nơi đây vốn dĩ là một vùng đồng quê sâu sục, thấp trũng, lầy lội nhất huyện Yên Thành. Đường sá đi lại khó khăn, bùn lầy, bẩn thỉu. Cuộc sống của hơn 5300 hộ dân với trên 21.000 nhân khẩu, trong số này gần 1/2 là đồng bào theo đạo Thiên chúa giáo, họ sống chủ yếu dựa vào 573 ha đất gieo cấy mỗi năm 2 vụ lúa, vụ xuân ít nhiều có thu hoạch, vụ mùa thì bấp bênh vì mưa to, ngập úng gây mất mùa. Vì vậy ngày xưa ở đây là một miền quê nghèo nàn, lạc hậu nhất nhì huyện Yên Thành.
Hôm nay cũng miền quê này thật sự đã đổi đời, là một trong số 6 xã của tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xứng tầm nông thôn văn minh. Đi vòng quanh xã thật ngỡ ngàng từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Điện, đường, trường, trạm, nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường, nhà văn hoá, sân vận động, hàng cây xanh ven đường… không thua kém thành phố.
Đời sống người dân Long Thành ngày nay thực sự khá giả cả vật chất lẫn tinh thần, thu nhập bình quân trên 70 triệu đồng/người/năm. Năng suất lúa đạt cao nhất huyện Yên Thành (vụ xuân 78 tạ/ha, vụ hè thu 50 tạ/ha). Long Thành làng nghề phát triển khá, nhất là nghề mây tre đan, nghề nuôi và chế biến lươn. Riêng nghề nuôi và chế biến lươn vào loại nhất cả xứ Đông Dương, mỗi năm chế biến từ 1.200 – 1.500 tấn thịt lươn thành phẩm xuất bán ra thị trường cả trong và ngoài nước, thu về hàng trăm tỉ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho gần 200 đến 300 lao động thường xuyên có việc làm với mức thu nhập từ 4,5 – 5,0 triệu đồng/người/tháng.
Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao vào loại nhất huyện Yên Thành. Vùng quê này không những đổi đời về phát triển nông nghiệp, giao thông thuỷ lợi, văn hoá xã hội, làng nghề, vệ sinh môi trường… Ở ngay trung tâm xã còn có cả khu thương mại dịch vụ mua bán đủ loại hàng hoá từ vật tư phục vụ nông nghiệp, đến vật tư phục vụ xây dựng, điện nước, xăng dầu và nhiều loại mặt hàng phục vụ đời sống như: quần áo, thực phẩm đủ loại, nước uống, giải khát v.v… Về xã Long Thành hôm nay không chỉ riêng con em quê hương Long Thành đi làm ăn xa hoặc đi làm việc xa nhà, nay về thăm quê, mà cả những người khác có dịp về đây công tác cũng cảm nhận quê hương Long Thành ngày nay hoàn toàn đổi đời, một làng quê giàu có cả vật chất lẫn tinh thần, một làng quê xanh, sạch, đẹp, thật sự là một nông thôn văn minh, một miền quê đáng sống.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Đại hội toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam sáng ngày 26/12/2023 tại Hà Nội “… Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế, nông thôn ngày nay thực sự trở thành những miền quê đáng sống…”
Nông thôn văn minh là một khái niệm đã và đang trở thành mục tiêu phấn đấu của rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của nông thôn văn minh không chỉ đề cập đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn, mà còn liên quan đến việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, duy trì các giá trị văn hoá truyền thống của mỗi vùng quê
Để trở thành nông thôn văn minh, mong muốn này đã và đang được nhiều người quan tâm để hướng tới xây dựng nông thôn văn minh chính trên quê hương của mình. Trong bài viết này, chúng tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu thêm về những tiêu chí quan trọng của một nông thôn văn minhở một số quốc gia trên thế giới.
Thứ nhất: Yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của nông thôn văn minh là việc đầu tư nhiều vào hạ tầng cơ sở, đó là các phần việc: xây dựng và cải thiện hệ thống giao thông đường làng, ngõ xóm… rộng rãi, thông thoáng, xanh, sạch, đẹp. Có hệ thống điện phục vụ sản xuất và dân sinh, có công trình nước sạch và các dịch vụ công cộng khác… Có hạ tầng cơ sở tốt sẽ giúp nông dân dễ dàng tiếp cận các thị trường cung cấp dịch vụ tốt hơn cho cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Thứ hai: Đầu tư nhiều vào công tác giáo dục, đào tạo và đây chính là yếu tố quyết định tương lai của một nông thôn văn minh. Chỉ khi nào các thế hệ trẻ ở nông thôn được học hành đầy đủ, được đào tạo nghề nghiệp, được trang bị các kiến thức khoa học kỹ thuật về các ngành nghề chuyên môn cho lao động nông nghiệp, từ đó sẽ cải thiện được năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản và hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Thứ ba: Một nông thôn văn minh không nhất thiết hoàn toàn lệ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Việc phát triển đa dạng các ngành nghề kinh tế trong nông thôn sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và tạo ra cơ hội sản xuất kinh doanh mới cho cư dân nông thôn có nhiều việc làm mới, thu hút nhiều lao động, tăng nguồn thu nhập, làm giàu quê hương…
Thứ tư: Bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp, không khí trong lành bằng các biện pháp cụ thể, như: không đốt rơm rạ, cây cối; không vứt bỏ bừa bãi rác thải các loại; không xả thải nước bẩn; không sử dụng các loại phân bón chưa được ủ hoai mục; hạn chế sử dụng phân hoá học, nhất là đạm và thuốc phòng chống sâu bệnh… Tất cả những việc làm này sẽ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí… làm ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng. Bảo vệ tốt tài nguyên, như: quản lý và sử dụng đất đai hợp lý, khoa học; quản lý tốt nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, nước cho sinh hoạt; quản lý chặt chẽ tài nguyên cát, sỏi, đất đá trên địa bàn để không gây ô nhiễm môi trường, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái…
Thứ năm: Duy trì và thúc đẩy giá trị văn hoá lịch sử của cộng đồng. Đó là việc bảo vệ và phát huy các truyền thông, tiếp tục và các di sản văn hoá ở mỗi làng, bản, địa phương. Mọi người dân cần được khuyến khích tham gia vào các hoạt động văn hoá, nghệ thuật vốn có ở địa phương và tiếp thu có chọn lọc văn hoá của các vùng miền khác, từ đó thúc đẩy sự đa dạng và làm giàu thêm bản sắc văn hoá trong xã hội nông thôn ngày càng phát triển.
Tóm lại, nông thôn văn minh là một mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển của nhiều quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, cần phải đảm bảo rằng nông thôn có đủ điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất về văn hoá, giáo dục, kinh tế đa dạng, bảo vệ môi trườn, tài nguyên và duy trì các giá trị văn hoá lịch sử… Chỉ khi nào các yếu tố này hoạt động cùng nhau, nông thôn văn minh mới có thể trở thành hiện thực, mang lại cuộc sống tốt đẹp và thịnh vượng cho cộng đồng dân cư và nơi đây thực sự trở thành những miền quê đáng sống.
Doãn Hạnh Lâm - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây