Hiệu quả từ một số mô hình khuyến ngư trên địa bàn Nghệ An năm 2019

Thứ sáu - 21/02/2020 03:01 671 0
Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những hình thái thời tiết cực đoan, biểu hiện ngày càng rỗ nét của biến đổi khí hậu như: Quy luật các mùa đã thay đổi, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm tăng, mưa tập trung và kéo dài nhiều đợt dẫn đến xuất hiện dịch bệnh trên tôm nuôi giai đoạn đầu vụ, một số trận mưa lũ kéo dài và cục bộ gây ngập úng ...
Hiệu quả từ một số mô hình khuyến ngư trên địa bàn Nghệ An năm 2019

Khắc phục những khó khăn trên, Trung tâm khuyến nông tỉnh đã chỉ đạo xây dựng thành công 06 dạng mô hình thủy sản tại 6 điểm với 16 hộ tham gia trình diễn. Từ nguồn vốn Trung tâm khuyến nông Quốc gia thông qua Hợp đồng số 88/HĐ-TTKN ngày 2/5/2019 với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thanh hóa, triển khai 01 mô hình nuôi thương phẩm cá Chẽm trong ao gắn với tiêu thụ sản phẩm, quy mô 1.0 ha tại Phường Quỳnh dị, thị xã Hoàng mai gồm 05 hộ tham gia.

Cùng với đó, Trung tâm cũng đã chỉ đạo thành công 05 dạng mô hình khuyến ngư từ nguồn ngân sách tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ mô hình là gần 600 triệu đồng với 11 hộ tham gia. Cụ thể là mô hình Nuôi cá lóc chuyên canh mật độ cao gắn với bao tiêu sản phẩm, quy mô 0,2 ha, tại huyện Quỳnh lưu, mô hình nuôi cá trắm chép giòn lồng nhựa trong hồ đập, quy mô 03 lồng (30 m3 /lồng), tại TX Thái hòa, mô hình nuôi cá trắm chép giòn trong lồng, quy mô 04 lồng (20 m3 /lồng), tại huyện Con cuông, mô hình Sản xuất tôm nõn Cửa lò bằng công nghệ máy sấy và đóng gói hút chân không, quy mô 02 hộ, tại TX Cửa lò, 01mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong lồng nổi bằng cồng nghệ Biofloc vụ đông năm 2019.
Đến thời điểm này tất cả các mô hình đều đã được nghiệm thu và một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Nổi bật nhất là mô hình Nuôi cá lóc chuyên canh mật độ cao gắn với bao tiêu sản phẩm, quy mô 0,2 ha, tại 02 hộ là ông Bùi Văn Thỏa, xóm 11, quy mô 0,14 ha và ông Hồ Công Trung xóm 9, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, quy mô 0,06 ha. Sau gần 06 tháng nuôi, cỡ cá bình quân đạt  800 g/con, tỷ lệ sống 65%, với giá bán 50.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mô hình cho thu lãi gần 300 triệu đồng.
Mô hình thứ hai phải kể đến là mô hình nuôi cá trắm chép giòn lồng nhựa trong hồ đập, quy mô 03 lồng (30m3 /lồng), tại xóm 16, xã Nghĩa Thuận, TX Thái Hòa thả giống tháng 4/2019, số lượng cá thả 360 con, cỡ cá thả 1,5 kg/con. Thu hoạch tháng 11/2019 cỡ cá trắm đạt 3,5 - 4.0kg/con, cá chép đạt 2,8 - 3,3 kg/con, tỷ lệ sống đạt 98%, với giá bán bình quân 150.000đ/kg sau khi trừ chi phí mô hình cho thu lãi gần 40 triệu đồng và mô hình nuôi cá trắm chép giòn trong lồng, quy mô 04 lồng (20 m3 /lồng), tại bản Làng Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông với 04 hộ tham gia, thả giống tháng 6/2019, số lượng giống thả 320 con. Thu hoạch tháng 12/2019, cỡ bình quân cá đạt 3.0 kg/con, tỷ lệ sống 100%. Với giá bán 130.000 đồng/kg mô hình cho thu lãi 47 triệu đồng. Từ kết quả của 02 mô hình nuôi cá trắm, chép trong lồng nói trên cho thấy thời gian nuôi từ 5-7 tháng khi (nuôi ao) xuống 3-5 tháng, hệ số thức ăn (FCR) từ 2,3 (nuôi ao) giảm xuống còn 2,0 cả 04 hộ nuôi đều có lãi từ 40 - 47 triệu đồng. Đặc biệt là rất thuận tiện trong quá trình thu hoạch, có thể thu tỉa hoặc thu toàn bộ mà độ dai, giòn của thịt cá vẫn không thay đổi, một hiện tượng thường thấy khi nuôi trong ao. Thành công này đã mở ra một hướng mới trong nuôi cá trắm giòn chép giòn.
Tiếp đó là mô hình Sản xuất tôm nõn bằng công nghệ máy sấy và đóng gói hút chân không, quy mô 02 hộ, tại hộ Bà Mai Thị Lý, phường Nghi thủy và hộ Bà Nguyễn Thị Hường, phường Nghi Hòa, TX Cửa lò. Hiệu quả kinh tế đạt 33 triệu đồng/1 mẻ sản xuất. Sản phẩm thể hiện nhiều ưu việt so với sản xuât truyền thống trước đây khi người dân sấy bằng than tổ ong và than hoa. Sản phẩm sấy theo phương pháp mới này đảm bảo vệ sinh ATTP, được đóng gói đảm bảo mỹ thuật và an toàn. Giảm công lao động, tiết kiệm nhiên liệu và đặc biệt là thay thế than tổ ong trong sản xuất góp phần bảo vệ môi trường. Từ thành công của mô hình đã góp phần làm phong phú và đa dạng hơn các chủng loại thực phẩm phục vụ cho du khách mọi miền mua làm quà khi về với Thị xã biển Cửa lò.
Ngoài ra, phải kể đến là thành công của mô hình nuôi nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trong lồng nổi bằng cồng nghệ Biofloc vụ đông năm 2019. Triển khai tại hộ bà Hoàng Thị Hằng, xã Diễn Hải, Diễn Châu, với quy mô 350 m3 lồng, thả giống ngày 28/10/2019, số lượng giống thả 105.000 con tôm thẻ chân trắng cỡ P15. Sau 60 ngày thả nuôi tôm đạt kích cỡ bình quân 80 con/kg, tỷ lệ sống 85%, với giá bán 180.000đồng/kg sau khi trừ chi phí mô hình cho thu lãi trên 100 triệu đồng. Từ thành công này có thể khẳng định là đối với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của Nghệ An trong vụ đông nhiệt độ thấp thì nếu những vùng được quy hoạch cho phép nuôi như: Diễn trung, Diễn hải huyện Diễn châu … Nếu người nuôi tôm có đầu tư cơ bản (xây dựng lồng, có mái che …) thì có thể đưa vào nuôi, mặt khác kết quả mo hình cũng cho thấy là nuôi vụ này giá tôm thương phẩm cao và ổn định hơn vụ 1 hàng năm.
Từ những thành công của các mô hình khuyến ngư trong năm 2019 có thể thấy: Các mô hình phải được xây dựng từ yêu cầu của thực tiễn sản xuất (mô hình gắn với tiêu thụ sản phẩm, mục tiêu nông thôn mới, thích ứng với biến đổi khí hậu,…). Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới hiệu quả, người dân được chọn tham gia phải có sự say mê, cầu thị và có đủ nguồn kinh phí đối ứng. Sau khi kết thúc mô hình cần được các nhà quản lý, các nhà chuyên môn và bà con ngư dân tổng kết, đánh giá đầy đủ để có tham mưu, điều chỉnh trong triển khai mô hình của năm tiếp theo và nhân ra diện rộng.   

                                                Trần Trung Thành - nguồn TSKN

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây