Hiệu quả mô hình Sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm tại huyện Thanh Chương
Thứ năm - 09/01/2025 22:03240
Nghệ An là vùng trồng cam từ lâu, phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và được khẳng định là thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu. Nhiều giống cam được trồng lâu đời tại tỉnh Nghệ An có chất lượng cao với vị ngọt đặc trưng được người tiêu dùng ưu thích như cam xã Đoài, cam Vân Du, cam Valencia. Cây cam là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh Nghệ An với mục tiêu không chỉ phát triển thành sản phẩm hàng hóa đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn được gìn giữ, phát huy giá trị như một sản phẩm văn hóa của tỉnh. Thương hiệu “Cam Vinh” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp và bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2017 cho sản phẩm cam quả được sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên sau thời kỳ phát triển đỉnh cao những năm 2018 với diện tích lên đến hơn 6.000 ha thì trong 3 đến 4 năm trở lại đây diện tích sản xuất cam trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng giảm mạnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó chủ yếu nhất là người dân trồng cam trên địa bàn đều phát triển tự phát, đầu tư thâm canh chưa tuân thủ quy trình sản xuất, nguồn giống mua trôi nổi tiềm ẩn mầm bệnh cao chưa đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó lạm dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để sớm thu lợi nhuận đang đặt ra nhiều quan ngại đối với sản xuất cam. Do đó, vườn cam nhanh chóng già cỗi, thoái hóa, sâu bệnh hại tàn phá, chất lượng cam sản xuất ra không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hiệu quả kinh tế thấp không thể cạnh tranh với nhiều vùng cam mới hiện nay nên nhiều diện tích cam phải chặt bỏ để chuyển đổi sang cây trồng khác. Trong bối cảnh người tiêu dùng lo ngại về thực phẩm không an toàn, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ nổi lên như một phương pháp đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm, là bước đi cần thiết và kịp thời cho nền nông nghiệp hiện nay. Vấn đề thực phẩm không an toàn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy là không chỉ phá hủy môi trường mà còn đầu độc sức khỏe nhiều thế hệ. Tình trạng sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp như thuốc trừ sâu trong trồng trọt, chất kích thích tăng trưởng và kháng sinh trong chăn nuôi, sử dụng hóa chất công nghiệp trong chế biến thực phẩm và tình trạng ô nhiễm môi trường đang tác động xấu tới sức khỏe, niềm tin người tiêu dùng. Vì vậy, sử dụng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm và thương hiệu uy tín đang là một xu hướng tất yếu. Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống đồng bộ hướng tới thực hiện các quá trình với kết quả bảo đảm hệ sinh thái bền vững, thực phẩm an toàn, dinh dưỡng tốt, nhân đạo với động vật và công bằng xã hội, không sử dụng các hóa chất nông nghiệp tổng hợp và các chất sinh trưởng phi hữu cơ, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong hệ canh tác, chỉ được sử dụng các nguồn hiện có trong nông trại và các vật tư theo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất. Canh tác nông nghiệp hữu cơ giúp cải thiện, duy trì cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái nông nghiệp; hạn chế việc khai thác quá mức; gây ô nhiễm môi trường; giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên không thể tái tạo; sản xuất đủ lương thực có dinh dưỡng, không độc hại và chất lượng cao;… Ngoài ra, mô hình này còn đảm bảo, duy trì và gia tăng độ màu mỡ lâu dài cho đất; củng cố các chu kỳ sinh học, dinh dưỡng trong nông trại sao cho phù hợp với điều kiện địa phương;… Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm chất lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2022 và 2023, Ban quản lý Diễn đàn Thị trường nông nghiệp đã triển khai xây dựng mô hình “Sử dụng một số chế phẩm sinh học trong sản xuất cam đạt tiêu chuẩn hữu cơ gắn với quảng bá thương hiệu sản phẩm” tại xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. * Mục tiêu của mô hình: - Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất cho người dân, giúp người trồng cam thay đổi phương pháp canh tác, biết áp dụng kỹ thuật sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ đảm bảo an toàn, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao sức cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho người sản xuất. - Xây dựng thành công mô hình đạt tiêu chuẩn và được cấp giấy chứng nhận hữu cơ. - Giới thiệu, quảng bá sản phẩm cam hữu cơ cho thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến, người tiêu dùng có được sản phẩm cam đảm bảo an toàn và chất lượng. * Kết quả thực hiện mô hình: - Mô hình sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ được triển khai thực hiện tại xã Thanh Đức - huyện Thanh Chương với quy mô 05 ha trên vườn cam năm thứ 4 và đến cuối năm 2023 đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Trong quá trình thực hiện sang sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ đã sử dụng các chế phẩm sinh học để chăm bón cho cây cam như Đạm cá, Kali hữu cơ, chế phẩm Neb 26, chế phẩm khoáng Broblance, chế phẩm vi sinh VBIO - đa năng dinh dưỡng cây trồng, chế phẩm vi sinh VBIO - đa năng trị nấm, trừ sâu và xua đuổi côn trùng. Ngoài ra, tăng cường sử dụng phân chuồng được ủ hoai mục để bón cho cây cam. Qua kiểm tra đánh giá nhận thấy: Cây cam sinh trưởng phát triển tốt, chiều cao từ 2,4 - 3,0 m, đường kính tán cây bình quân 3,2m, bộ lá xum xuê, phiến lá dày, lộc xuân, hè, thu ra đều. Quả cam phát triển cân đối, đều, mẫu mã quả đẹp, khả năng giữ quả trên cây đến thời kỳ thu hoạch đạt cao. Trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên kiểm tra sâu bệnh hại và hướng dẫn các hộ xử lý trong đó ưu tiên biện pháp IPM, biện pháp sinh học, biện pháp thủ công, sử dụng các chế phẩm xua đuổi côn trùng, chế phẩm vi sinh để trị nấm nên sâu bệnh gây hại ít. Đặc biệt là trong mô hình đã sử dụng chế phẩm xua đuổi côn trùng nên sâu giảm đi đáng kể, đặc biệt là ruồi vàng hại quả không còn trên vườn cam.
Hộ anh Trần Điển Vi - xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương chăm sóc vườn cam
Trao giấy chứng nhận mô hình cam hữu cơ cho hộ anh Trần Điển Vi – xã Thanh Đức – huyện Thanh Chương
Từ khi chuyển sang sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ đến nay, vườn cam vẫn cho năng suất ổn định và đạt trung bình là 8,3 tấn/ha. Qua theo dõi, thống kê đánh giá cho thấy vườn cam mặc dù cho năng suất thấp hơn 1,3 tấn/ha so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, giá bán cam theo tiêu chuẩn hữu cơ cao hơn nhiều so với cam sản xuất theo truyền thống, cụ thể giá bán tại vườn đối với cam sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ là 50.000 đ/kg, còn cam sản xuất theo truyền thống khoảng 25.000 - 30.000 đ/kg. Ở mô hình cho tổng thu đạt 415 triệu đồng/ha/năm, còn sản xuất đại trà cho tổng thu đạt 288 triệu đồng/ha/năm. Sau khi trừ chi phí, mô hình cho lãi thuần khoảng 239 triệu đồng/ha/năm, đại trà cho lãi thuần khoảng 190 triệu đồng/ha/năm. Qua đây cho thấy sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên cùng đơn vị diện tích. Bên cạnh đó mô hình đã giúp người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, tạo ra sản phẩm cam hữu cơ an toàn, chất lượng cao. Sản xuất cam theo tiêu chuẩn hữu cơ đã từng bước giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm bằng cách sử dụng các chế phẩm vi sinh, sinh học giúp bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu biến đổi khí hậu, nâng cao sức khỏe cho chính người sản xuất, người tiêu dùng thông qua quá trình canh tác an toàn thân thiện với thiên nhiên. Nhìn chung hệ sinh thái vườn cam có sự thay đổi, môi trường sản xuất và môi trường sống được cải thiện. Sau khi mô hình cam được cấp giấy chứng nhận hữu cơ đã tiến hành thiết kế hộp đựng quả và in ấn tem truy xuất nguồn gốc để thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm. Đến giai đoạn thu hoạch chủ hộ thực hiện mô hình tham gia giới thiệu và quảng bá sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh; tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại,.... Nhờ vậy chủ mô hình đã liên kết với một số đại lý, cửa hàng thực phẩm sạch trong và ngoại tỉnh, đặc biệt là các thành phố lớn để tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.
Sản phẩm cam hữu cơ được giới thiệu quảng bá tại Hà Nội