Tại sao nông sản sạch chưa vào được các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn

Thứ hai - 08/02/2021 03:01 820 0
Một câu hỏi có rất nhiều cá nhân và cơ sở sản xuất đặt ra, đó là: Tại sao nông sản sạch chưa vào được các siêu thị và các trung tâm thương mại ở Tỉnh ta?
Đây là một câu hỏi rất đúng với thực trạng hiện nay ở tỉnh ta về việc nông sản, sản xuất ra gọi là sạch nhưng khó hoặc chưa vào được các siêu thị hay các trung tâm thương mại lớn trong tỉnh để tiêu thụ.
Tại sao nông sản sạch chưa vào được các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn
Để trả lời câu hỏi trên, trước hết phải phân biệt rõ thế nào là nông nghiệp sạch hay nông sản sạch. Vì hiện nay không ít người chưa phân biệt được rõ ràng giới hạn giữa sản phẩm sạch và chưa sạch.
Nông nghiệp sạch cho ra sản phẩm sạch hay nông sản sạch, cách gọi nào cũng đúng cả.
Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay có 2 loại sản phẩm, một loại sản phẩm bình thường và một loại sản phẩm sạch. Trong loại sản phẩm sạch có 2 loại: sản phẩm an toàn và sản phẩm hữu cơ. Cụ thể các loại sản phẩm đó được hiểu như sau:
Sản phẩm thường: Là những sản phẩm sản xuất ra không kiểm soát được phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, nguồn nước tưới và chất kích thích sinh trưởng đã sử dụng trong quá trình sản xuất. Đây là sản phẩm phổ biến nhất hiện nay.
Sản phẩm an toàn: Sản phẩm sạch an toàn (GAP) là sản phẩm trong quá trình sản xuất ra sản phẩm đó có sử dụng mức độ và liều lượng cho phép sử dụng các loại giống (kể cả giống biến đổi gen, các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và chất kích thích sinh trưởng… Với mức độ rất hạn chế để khi kiểm tra sản phẩm thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn sạch bằng các tiêu chí cụ thể có số liệu chứng minh mức độ tồn dư của một số chất nào đó không đủ sức gây độc hại cho người, gia súc, gia cầm và trong quá trình sản xuất cũng không gây ô nhiễm môi trường.
Sản phẩm hữu cơ: Là sản phẩm trong quá trình sản xuất theo tiêu chuẩn của IFOAM (tổ chức bảo vệ quốc tế về nông nghiệp hữu cơ) quy định: Tuyệt đối không được phép sử dụng các loại phân bón hóa học, các loại thuốc trừ sâu hóa học, các loại chất kích thích sinh trưởng, các loại thuốc diệt cỏ dại, các giống cây trồng chuyển gen, biến đổi gen và phải được tưới bằng nước sạch và sản phẩm làm ra không được sử dụng các chất bảo quản bị cấm. Nếu đất trước đó có sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, thuốc diệt cỏ dại thì phải cách ly sau 3 năm mới được sử dụng để sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Như vậy, sản phẩm hữu cơ chỉ được sản xuất bằng các loại phân bón hữu cơ 100%, sử dụng các loại giống cây trồng tự nhiên, giống tự có, tưới nước sạch và được gieo trồng trên đất sạch.
Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu đang cố gắng làm ra sản phẩm sạch an toàn theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch GAP hay Global GAP.
Sản xuất nông nghiệp sạch an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP hay Global GAP bao gồm 12 nội dung chính, trong đó có 68 chỉ tiêu cụ thể người sản xuất phải tuân thủ. Các vật liệu và điều kiện sản xuất phải có lý lịch rõ ràng. Sản phẩm làm ra phải được kiểm tra, chứng minh bằng số liệu phân tích và phải được một đơn vị có năng lực, có chức năng chứng nhận đạt hoặc không đạt tiêu chuẩn sản phẩm sạch an toàn thì sản phẩm đó mới có giá trị và khi cần thiết có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ dễ dàng.
Sản xuất sản phẩm sạch ở tỉnh ta hiện nay có nhiều mô hình, nhỏ có, trung bình có và lớn cũng có. Nhưng vì sao sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, chưa vào được các siêu thị và các trung tâm thương mại lớn, có thể do mấy nguyên nhân sau:
Một: Về phía người sản xuất nói là sản phẩm sạch nhưng chưa hẳn là sạch do chưa thật sự hiểu và chưa nắm bắt đầy đủ quy trình kỹ thuật sản xuất sản phẩm sạch an toàn, nên trong quá trình sản xuất không tránh khỏi tình trạng sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chất kích thích sinh trưởng một cách tùy tiện.
Đặc biệt trong quá trình sản xuất ai là người chỉ đạo thực hiện đúng quy trình sản xuất được bắt đầu từ các công đoạn: Làm đất, bón phân, phòng trừ sâu bệnh,v.v… Tất cả đều có sổ nhật ký ghi chép lại đầy đủ, để khi cần thiết phải truy xuất nguồn gốc kiểm tra lại quy trình thực hiện. Việc làm này hiện tại chưa được thực hiện nghiêm túc, do nhận thức chưa đầy đủ của cả người sản xuất và cả người quản lý ở cơ sở sản xuất. Vì vậy mới có tình trạng nói là rau, củ, quả sạch nhưng chưa hẳn là sạch. Điển hình như ở vùng chuyên canh rau Diễn Thành (Diễn Châu) và Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu), bà con nông dân ở đây đang sử dụng vô tội vạ thuốc trừ sâu và chất kích thích sinh trưởng để phun cho rau.
Hai: Để xác nhận sản phẩm sản xuất ra sạch theo tiêu chuẩn Viet GAP hay Global GAP hoặc cao hơn nữa là sản phẩm hữu cơ thì người sản xuất hay cơ sở sản xuất phải đăng ký với Chi cục Trồng trọt và BVTV thuộc Sở NN&PTNT về quy mô diện tích, tên cây trồng, sản xuất theo quy trình nào, ai là người chịu trách nhiệm chính về chỉ đạo thực hiện,v.v… để Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cử cán bộ trực tiếp giám sát, theo dõi toàn bộ quy trình sản xuất từ khâu đầu tiên đến kết thúc sản xuất. Nếu thực hiện đảm bảo đúng quy trình sản xuất như đăng ký thì Chi cục Trồng trọt và BVTV cấp giấy chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn sản phẩm sạch theo tiêu chuẩn đăng ký và từ giấy xác nhận này, Sở Khoa học và Công nghệ mới cấp cho người sản xuất hoặc cơ sở sản xuất tem chỉ dẫn địa lý sản phẩm để sản phẩm có giá trị được lưu thông trên thị trường và khi cần thiết để truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng. Nhưng việc này thời gian vừa qua chưa được thực hiện nghiêm túc nên sản phẩm làm ra không đảm bảo độ tin cậy là sản phẩm sạch hay không sạch. Vì vậy khó tiêu thụ tại các siêu thị, các trung tâm thương mại và chính người sản xuất ra sản phẩm ấy phải gánh chịu thiệt thòi.
Ba: Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa 3 nhà, đó là Sở NN&PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, vừa là nhà khoa học, vừa là nhà quản lý với người sản xuất, cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp như các siêu thị, các trung tâm thương mại,v.v…
Để khuyến khích người sản xuất, cơ sở sản xuất ngày càng làm ra nhiều sản phẩm nông sản sạch phục vụ cho nhu cầu xã hội ngày càng cao, đề nghị:
Ngành NN&PTNT tăng cường mở nhiều lớp tập huấn về quy trình sản xuất nông nghiệp sạch an toàn (Viet GAP) và nông nghiệp sạch hữu cơ đến tận người sản xuất, cơ sở sản xuất ở tất cả các địa phương có đăng ký sản xuất sản phẩm sạch.
UBND Tỉnh cần giao nhiệm vụ cụ thể cho Sở NN&PTNT và Sở Khoa học và Công nghệ về việc chỉ đạo, theo dõi, giám sát các cơ sở sản xuất có đăng ký sản xuất sản phẩm sạch để giúp họ thực hiện đúng quy trình sản xuất, đảm bảo sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn sản phẩm sạch. Đồng thời giúp đỡ người sản xuất, cơ sở sản xuất được hưởng các cơ chế chính sách đã được UBND Tỉnh ban hành về việc hỗ trợ sản xuất sản phẩm sạch.
Khuyến khích các doanh nghiệp thương mại như các siêu thị, các trung tâm thương mại ở các địa phương liên kết với các cơ sở sản xuất nông sản sạch trong tỉnh để thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất. Làm được như vậy sẽ vừa đảm bảo được lợi ích cho doanh nghiệp, vừa lợi ích của người sản xuất, vừa khuyến khích, động viên người sản xuất, sản xuất ra nhiều nông sản phẩm sạch cho xã hội.

 
DOÃN TRÍ TUỆ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây