Tăng cường đầu tư để ổi Lê Đài Loan ở Nghĩa Đàn phát triển bền vững
Thứ tư - 30/10/2024 03:082200
Tình cờ bén duyên với vùng đất bazan ở Nghĩa Đàn cách đây 14 năm, giống ổi Lê có nguồn gốc từ Đài Loan đã trở thành 1 trong những cứu cánh cho giai đoạn suy thoái của vùng cây ăn quả lớn nhất Nghệ An là Phủ Quỳ. Không những thế, sau hơn 10 năm trồng và chăm sóc, ổi lê Đài Loan đã chứng minh là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với bà con địa bàn miền núi.
Cây trồng dễ và hiệu quả kinh tế cao Theo nhiều người dân Nghĩa Đàn cho biết, những cây ổi Lê Đài Loan đầu tiên được ông Dương Quốc Oai ở xóm Đông Nam, xã Nghĩa Sơn đưa về trồng thử vào năm 2011. Khi đó, cũng như nhiều nông dân khác, ông Oai cũng đứng trước tình trạng bế tắc, lúng túng vì trồng 1 số cây nhưng chưa hiệu quả và mang ổi Lê Đài Loan về trồng thử nghiệm. Thật bất ngờ, chỉ sau 2 năm chăm sóc, giống cây ổi Lê phát triển thuận lợi và mang lại hiệu quả khi vụ thu hoạch đầu tiên, quả ngon và ít sâu bệnh so với giống ổi bản địa. Từ thành công của mô hình trên, Hội nông dân huyện, xã động viên và tiếp sau đó là được Trung tâm Khuyến nông tỉnh về khảo sát và tìm cơ sở sản xuất giống có uy tín mua giống về tặng bà con hộ nghèo nên diện tích được nhân rộng. Ông Nguyễn Hữu Quý- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn bộc bạch thêm: ban đầu do mới trồng nên ông Oai cũng như các hộ đang trồng trên đất vốn trồng loại cây ăn quả khác nên khá tốt. Sau đó thấy ổi phát triển tốt và hiệu quả cao nên một số hộ còn chuyển đổi sang vùng đất cằn như đất đồi, thậm chí đất trồng cam, quýt PQ nay thoái hoá, không còn hiệu quả. Từ những mô hình đầu tiên, người dân xã Nghĩa Sơn với sự năng động đã mạnh dạn thuê, mướn đất xã khác trồng ổi Lê Đài Loan. Tổng diện tích ổi của bà con xã đã xấp xỉ gần 150 ha hổi. Giống ổi Lê Đài Loan là giống cây ăn quả ngắn ngày dễ trồng và không kén đất nên khá phù hợp với các hộ nông dân có mức thu nhập trung bình. Nếu mỗi ha trồng từ 500-700 gốc, giống khoảng 25-30 ngàn/cây nên chi phí giống chỉ vài triệu đồng. Sau 2 năm, khi ổi bắt đầu ra quả thì các hộ mua bao bọc quả. Đại diện Hội nông dân xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) cũng cho biết: khác với cam hay buởi, ổi Lê Đài Loan có lợi thế là dễ trồng, không kén đất và chi phí đầu tư, chăm sóc cũng không quá lớn, phù hợp với hộ thu nhập trung bình. Nếu chăm sóc tốt và thu hoạch vào thời điểm giá bán tốt (từ 20 -30 ngàn đồng/kg), chỉ cần mỗi năm 2 lứa quả, bình quân đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình được 300 triệu/ha. Sau khi trừ các chi phí khoảng 30%, mỗi ha ổi Lê Đài Loan cho lãi ròng từ 130-150 triệu/năm là mức mà không phải cây trồng nào cũng có được so với mức đầu tư. Vì thế, từ mô hình đầu tiên ở xã Nghĩa Sơn, hiện diện tích ổi Lê đã được nhân rộng ra các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Yên, Nghĩa Phú, thậm chí một số bà con Nghĩa Sơn còn thuê đất ở Thanh Hoá và các huyện khác của tỉnh để trồng ổi Lê Đài Loan… Theo các hộ dân, so với mít Thái Lan, Indoniexia hay cam, quýt PQ… nếu chăm sóc tốt thì chu kỳ khai thác của ổi Lê Đài Loan từ 10-15 năm. Thực tế cho thấy, các hộ trồng ổi Lê đầu tiên ở Nghĩa Sơn, đến nay đã được 14 năm nhưng vẫn đang khai thác. Huyện Nghĩa Đàn có 750 ha, trong đó phần lớn là diện tích trồng lứa đầu. Với năng suất khoảng 25 tấn/ha, mỗi năm Nghĩa Đàn cung cấp gần 2.000 tấn ổi Lê ra thị trường. Hiện nay, do ổi Lê Đài Loan dễ trồng và chi phí đầu tư thấp nên sau Nghĩa Đàn, bà con một số huyện, thị miền núi như Thái Hoà, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Tân Kỳ và bà con một số xã miền núi Quỳnh Lưu, Yên Thành… đã trồng và diện tích ổi Lê toàn tỉnh khảo sát sơ bộ cũng xấp xỉ 900 ha. Định hướng đầu tư và chăm sóc để phát triển bền vững Mới đây, khi được hỏi về các nông sản tiêu biểu Nghệ An, đại diện Công ty CP Xuất khẩu kỹ nghệ nông sản Nghệ An Agrimex thẳng thắn: hiện chỉ có sản phẩm ổi Lê Đài Loan là cây ăn quả thành công và ghi được dấu ấn trên thị trường cây quả hiện nay. Mặc dù chưa xuất khẩu được nhưng ổi Lê Đài Loan được bày bán phổ biến trên các kệ hoa quả từ trong chợ cho đến các quầy bán hoa quả tiện lợi. Với lợi thế giá vừa phải, trong đó thấp nhất là 10 ngàn đồng/kg và cao nhất 30 ngàn đồng/kg và hiện tại sản phẩm khá an toàn nên được người tiêu dùng yên tâm chọn. Ông Lâm Văn Thắng- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghĩa Đàn cho biết: sau 10 năm, diện tích ổi Đài Loan trên địa bàn huyện từ vài ha tại Nghĩa Sơn, nay đã có mặt tại 4-5 xã và tổng diện tích lên tới 750 ha. Sở dĩ diện tích ổi Lê Đài Loan trên địa bàn huyện tăng nhanh là do các diện tích cây ăn quả và cây có múi vài năm lại đây bị sâu bệnh, suy thoái nên người dân chặt bỏ để trồng thay thế. Do diện tích khá lớn và sản lượng khá nhiều nên để chủ động về đầu ra, huyện đang định hướng bà con cách chăm sóc và thu hoạch ổi đúng thời vụ để quả có chất lượng cao, thơm ngon, tạo uy tín. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo UBND các xã và động viên các hợp tác xã xây dựng hồ sơ sản phẩm ổi đạt chuẩn ocop. Hiện ổi Lê Đài Loan trồng tại địa bàn Nghĩa Lâm và Nghĩa Sơn được công nhận đạt chuẩn Ocop vào năm 2020 và 2023. Hiện nay, với lợi thế là sản phẩm mới, sản xuất theo quy trình hưu cơ, an toàn nên sản phẩm ổi Lê Đài Loan tại Nghĩa Đàn được thị trường nội tỉnh ưa chuộng và sản phẩm của một số xã như Nghĩa Sơn, Nghĩa Lâm đã có mặt tại các thị trường lớn như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Xuân Trọng - Hội nông dân xã Nghĩa Phú cho hay: dù trồng sau nhưng Nghĩa Phú hiện có hơn 70 ha ổi Lê Đài Loan. Từ lứa ổi đầu tiên vào trồng đã được 10 năm, có mô hình hiệu quả nhưng có gia đình chăm không tốt nên buộc phải chặt bỏ để trồng mía hoặc trồng mới lại. So với cây trồng khác, ổi Lê dễ trồng nhưng để có quả ngon và được giá là tuỳ thuộc vào cách chăm của từng hộ. Trao đổi với chúng tôi, Ông Vũ Quốc Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: sau cây cam thì ổi Lê có lẽ là cây trồng phù hợp với đất Nghĩa Đàn và Phủ Quỳ nhất. Đây là lý do chỉ sau mấy năm, diện tích ổi Lê Đài Loan mở rộng rất nhanh trên địa bàn và trở thành sản phẩm chủ lực, ngon nhất trong số các địa phương trồng ổi Đài Loan. Giống ổi này chịu được hạn nhưng gặp thời tiết nắng hạn dài ngày thì phải tưới nước và tốt nhất là nên dùng phân hữu cơ, kết hợp phân gà kết hợp phân vi sinh bón thì cây và quả sẽ đẹp, chất lượng hơn. Hạn chế dùng phân vô cơ và từ khi có hoa, phải dùng bao bọc hợp quy chuẩn để gói, bọc quả để an toàn và hạn chế sâu bệnh. Khi thu hoạch quả cần chú ý thời điểm ít mưa hoặc hanh sa vào cuối năm thì ổi sẽ ngọt và được giá hơn. Hiện nay các sản phẩm ổi Lê Đài Loan hiện chỉ dùng ăn tươi và chưa có chế biến sâu. Vì thế, một mặt huyện Nghĩa Đàn tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư sản xuất an toàn, đa dạng hoá mẫu mã, bao bì để vào các chuỗi siêu thị, phân phối hoa quả lớn; đồng thời kết nối với các huyện có diện tích ổi Lê Đài Loan lớn để kiến nghị tỉnh hỗ trợ tìm kiếm, kết nối để kêu gọi doanh nghiệp vào định hướng bà con phát triển vùng nguyên liệu ổi Lê bền vững để tạo tiền đề kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư dây chuyền chế biến nước ép để thu mua cho bà con. Đây là loại thức uống giàu chất sinh dưỡng và có lợi cho sức khoẻ nhưng chưa được đầu tư chiều sâu. Chúng tôi nhận thấy, hiện giống ổi Lê Đài Loan đang phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng rút kinh nghiệm từ các cây trồng trước đó, các huyện nên định hướng giữ vững diện tích hiện tại, không ồ ạt mở rộng diện tích khiến “cung” là sản lượng quả vượt quá “cầu” dẫn đến ế ẩm, giá rẻ. Mặt khác, rút kinh nghiệm từ khâu quản lý giống cam, hiện nay, do nhu cầu giống mở rộng và chưa được kiểm soát nên có hiện tượng các nhà vườn, chủ mô hình dù chọn cây ổi tốt và quả đẹp nhất để chiết ghép thành giống nhưng cũng có cơ sở vì mục đích kiếm lời nên cung cấp giống chưa hẳn đảm bảo chất lượng. Vì vậy, cần khuyến cáo bà con lựa chọn cơ sở sản xuất giống uy tín để lấy giống đảm bảo chất lượng../.
Lãnh đạo Hội nông dân và các chủ mô hình trao đổi về sản phẩm ổi