Biện pháp phòng chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm vào mùa Hè
Thứ tư - 08/06/2022 21:211.4840
Trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng đã bắt đầu xuất hiện. Một số địa phương có nắng nóng cục bộ, nhiệt độ tăng cao và gây cảm giác oi bức. Khi thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, độ ẩm cao và tốc độ gió thấp sẽ làm hạn chế quá trình bốc hơi trên bề mặt da, từ đó làm giảm hiệu quả thoát nhiệt.
Đồng thời khi thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ làm cho vật nuôi giảm sức đề kháng, một số trường hợp dẫn đến rối loạn về khả năng điều hòa thân nhiệt, tuần hoàn, hô hấp và tiêu hóa thức ăn. Đây là một trong những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển và sức sản xuất của vật nuôi. Để hạn chế những tác động bất lợi do nắng nóng gây ra đối với đàn vật nuôi trong mùa Hè người chăn nuôi cần chủ động thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau: 1. Về chuồng trại: - Cần đảm bảo có độ thông thoáng và đối lưu không khí tốt (đối với các chuồng hở, thông thoáng tự nhiên). Với chuồng trại cũ, thấp cần tiến hành cơi nới để tăng chiều cao, tạo thêm các ô thông gió chuồng nuôi trước mùa nắng nóng. Những hộ chăn nuôi có điều kiện tổ chức chăn nuôi bằng hệ thống chuồng kín sẽ đảm bảo được tiểu khí hậu chuồng nuôi, nhất là nhiệt độ cho từng loại vật nuôi ở các giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau, đặc biệt là trong chăn nuôi gà, gia súc sinh sản và cho sữa. - Cần tiến hành kiểm tra lại các hệ thống cấp nước cho khu chăn nuôi như: bể chứa, đường ống dẫn, van uống tự động đảm đảm bảo vận hành tốt nhất; che chắn thêm bồn chứa nước nhất là bồn inox trên cao, bị chiếu nắng cả ngày tránh làm nước uống quá nóng dẫn đến vật nuôi không uống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, khả năng tiêu hóa thức ăn của chúng. - Những lúc thời tiết nắng nóng cục bộ, bất thường, kéo dài, nhiệt độ lên cao cần tiến hành một số giải pháp bổ sung để đảm bảo nhiệt độ cho tiểu khí hậu chuồng nuôi như: Sử dụng lưới đen che nắng cho mái lợp bằng tôn hoặc fibro xi-măng bằng cách làm khung giàn, sau đó gắn lưới che lên khung giàn, khoảng cách từ mái chuồng nuôi đến lưới che trong khoảng từ 80 -150 cm; lắp thêm hệ thống phun nước làm mát mái và làm mát trong chuồng nuôi dạng phun sương, bố trí thêm quạt đẩy sẽ giúp giảm nhiệt tức thì cho mái và chuồng nuôi. 2. Về mật độ nuôi: - Đối với lợn:Giảm mật độ nuôi nhốt đối với lợn nái 3 – 4 m2/con, lợn thịt là 2 m2/con. - Đối với trâu, bò, dê:Mật độ nuôi nhốt đối với trâu bò thịt: 5 - 6 m2/con, dê 1,8 - 2 m2/con. - Đối với gia cầm:Cần giảm mật độ tối đa, không nhốt quá nhiều trong cùng ô chuồng như: Đối với gà con úm 50 - 60 con/m2; đối với gà 0,5 - 1 kg: nhốt 8 - 12 con/m2; đối với gà 2 - 3 kg: nhốt 3 - 5 con/m2. 3. Về nuôi dưỡng - Đối với lợn: Cho đàn lợn ăn khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng loại lợn và theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển khác nhau. Cần đảm bảo đủ nước uốngsạch và mát, bổ sung thêm men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống cho đàn lợn, nhất là lợn con sau cai sữa và lợn nái mang thai. - Đối với trâu, bò, dê: Cho ăn đủ no từ 30 - 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 - 1 kg thức ăn tinh, 20 - 30 gam muối ăn để đảm bảo sức khoẻ cho con vật.Cho trâu bò, dêuống đủ nước sạch, mát, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt. - Đối với gia cầm: Cho đàn gia cầm ăn khẩu phần đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng hướng sản xuất khác nhau. Cung cấp đủ nước uốngsạch và mát, bổ sung GlucoKC, chất điện giải… để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng.Hàng ngày, cho gà ăn sớm, tránh cho ăn vào thời điểm nhiệt độ chuồng nuôi lên cao, nóng bức, ăn xong treo máng ăn lên cho thoáng chuồng nuôi nhằm giảm nhiệt độ chuồng nuôi. 4. Về chăm sóc - Đối với đàn lợn: Hàng ngày cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn lợn, nhất là đàn lợn con, lợn nái mang thai để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp bất thường xảy ra. Tắm cho lợn thịt 1 – 2 lần/ngày, đối với lợn nái nuôi con và lợn nái mang thai cần tắm chải nhẹ nhàng cho lợn mẹ, tránh tác động cơ học mạnh cũng như làm ẩm ướt chuồng úm, chỗ nằm của đàn lợn con. - Đối với trâu, bò, dê: Nên tắm chải cho trâu bò 1 - 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể. Nếu chăn thả cần tiến hành vào sáng sớm hoặc chiều muộn: Buổi sáng cho trâu bò, dê đi chăn thả sớm; buổi chiều chăn thả muộn để tránh những lúc nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao dễ mắc say nắng và cảm nóng. Buổi trưa nên cho trâu bò nghỉ ngơi ở những nơi có cây xanh bóng mát. - Đối với gia cầm: Hàng ngày cần theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia cầm, nhất là đàn gà đẻ, gà con nuôi úm để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp bất thường xảy ra. Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng và cung cấp nước sạch, mát đủ cho gà uống tự do.Đối với gà đẻ rất dễ chết vào những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo, cho ăn thêm các loại rau xanh, củ quả, đồng thời tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Gluco KC, chất điện giải… 5. Công tác vệ sinh thú y phòng bệnh: - Hàng ngày cần thực hiện tốt việc vệ sinh, làm sạch chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, thu gom và xử lý chất thải bằng hệ thống biogas, ủ phân vi sinh hoặc dùng đệm lót sinh học nhằm hạn chế tối đa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát tán mầm bệnh trong chăn nuôi. - Trong thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An dịch bệnh trên đàn vật nuôi xảy ra tương đối phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Trong đó có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đang tái bùng phát tại nhiều địa phương. Đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và khó kiểm soát. Vì vậy, người chăn nuôi cần nghiêm túc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và môi trường xung quanh theo khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành và địa phương. - Sử dụng vắc xin phòng bệnh theo quy trình cho đàn gia súc, gia cầm như: Phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng, suyễn, viêm phổi (đối với đàn lợn); Lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng trâu bò; THT, LMLM, đậu dê; Newcastle, tụ huyết trùng, Gumboro, đậu, IB (đối với đàn gà); - Đối với chuồng nuôi vừa xảy ra dịch bệnh: Tiến hành quét dọn, thu gom toàn bộ rác, chất thải chăn nuôi, phân, chất độn chuồng và tiêu hủy bằng cách đốt. Vệ sinh cơ học toàn bộ chuồng nuôi và khuôn viên trại; phun thuốc sát trùng 1 lần/ngày toàn bộ chuồng nuôi, khuôn viên trại, khu vực nhà ở cho công nhân,…bằng các thuốc sát trùng như: Benkocid, Omnicide, Han Iodine, Virkon, Povi dine theo hướng dẫn của Nhà sản xuất. Rải vôi bột hoặc phun dung dịch vôi 1% lên toàn bộ bề mặt chuồng trại như nền chuồng, lối đi, hành lang, cổng trại, đường vào trại…đảm bảo bề mặt phải được phủ trắng vôi. Tất cả các dụng cụ chăn nuôi, quần áo bảo hộ sử dụng 1 lần nên tiêu hủy bằng cách đốt. Đối với một số dụng cụ chăn nuôi như ủng, lồng úm,máng ăn, máng uống, dụng cụ vệ sinh, thu gom chất thải…phải cọ rửa sạch và phun thuốc sát trùng ít nhất 2 lần. Toàn bộ cây bụi, cỏ dại trong trại và khu vực xung quanh phải được chặt bỏ và đốt cháy hoàn toàn; cần nạo vét, khơi thông cống rãnh, sử dụng vôi bột rải lên toàn bộ bề mặt cống rãnh. Có biện pháp diệt ruồi muỗi, diệt chuột và các côn trùng khác. Trong thời gian tới, dự báo thời tiết nắng nóng còn tiếp tục xảy ra. Chính vì vậy, các hộ chăn nuôi cần có kế hoạch, chủ động bố trí các giải pháp chống nóng phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế, nhằm giúp cho việc chăn nuôi được thuận lợi, đảm bảo được sức sản xuấtcũng như khả năng sinh trưởng và phát triển của đàn vật nuôi một cách tốt nhất./.
Chuồng nuôi trâu vỗ béo, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát tại hộ Anh Trần Minh Tiến - Bản Mét, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, Nghệ An Văn Thắng- Trung tâm Khuyến nông-nguồn TSKN