Bệnh suyễn là một trong những bệnh hô hấp khá phổ biến trên đàn lợn nhất là đối với các giống lợn có năng suất cao, chăn nuôi theo quy mô lớn, mật độ cao, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi vẫn chưa quan tâm nhiều đến căn bệnh này và chưa có các biện pháp phòng bệnh một cách có hiệu quả. Để giúp các hộ chăn nuôi chủ động nắm bắt và xử lý tốt hơn bệnh suyễn trên đàn lợi, chúng tôi xin nêu cụ thể về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng và điều trị bệnh này như sau:
*Nguyên nhân gây bệnh: Bệnh chủ yếu do Mycoplasma gây racho lợn ở mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với lợn từ 1-3 tháng tuổi. Bệnh được coi là nguyên nhân tiên phát gây ra “Hội chứng hô hấp phức hợp ở lợn” với tỷ lệ mắc bệnh cao. Bệnh suyễn lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. *Triệu chứng: - Thể cấp tính: Lúc đầu triệu chứng nhẹ, khó phát hiện, lợn ốm thường rời đàn, đứng hoặc nằm ở góc chuồng, ăn kém, sốt nhẹ. Lợn thường hắt hơi vài ngày sau ho (thường ho mạnh lúc vận động hoặc lúc sáng sớm). Khi ho làm lợn co giật toàn cơ thể. Lợn thở khó, thở nhanh, thở khò khè, có khi ngồi như chó để thở, bụng thóp lại, mũi chảy nước. Bệnh tiến triển khoảng một tuần, tỷ lệ chết cao nếu điều kiện chăn nuôi kém. - Thể mãn tính: Lợn ho từng tiếng một hoặc từng hồi. Ho kéo dài hàng tuần, có thể ho liên miên, thở khó, thở nhanh, khò khè về ban đêm, thân nhiệt 39 – 40oC. Tỷ lệ chết tuy không cao nhưng đàn lợn mắc bệnh hầu hết còi cọc, sinh trưởng và phát triển chậm. *Phòng bệnh:Đối với bệnh này việc phòng bệnh được xem là then chốt để hạn chế lợn mắc bệnh. Người chăn nuôi cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi An toàn sinh học, chú trọng làm tốt công tác vệ sinh, làm sạch và khử trùng chuồng nuôi bằng các hóa chất sát trùng như: Vikon S, BenKocid, Omnicide, Han Iodine, Povi dine định kỳ và thường xuyên theo hướng dẫn của Nhà sản xuất. Nên thực hiện chế độ chăn nuôi “tất cả cùng vào” và “tất cả cùng ra”. Trong chăn nuôi chuồng trại phải thông thoáng và sạch sẽ. Tránh thả lợn với mật độ cao và giảm thiểu thả nhiều giống, nhiều đàn trong cùng một ô chuồng, hạn chế thấp nhất các stress.Khi lợn có dấu hiệu bệnh phải sớm cách ly để xử lý. Chỉ mua lợn giống từ những cơ sở giống an toàn dịch bệnh, tốt nhất là các hộ chăn nuôi nên tự sản xuất con giống để kiểm soát tốt dịch bệnh từ ban đầu. Người chăn nuôi cần kết hợp sử dụng vắc xin để tăng hiệu quả phòng bệnh: Hiện nay có nhiều vắc xin để phòng bệnh suyễn cho lợn như SUVAXYN RESPIFEND–MH, RESPIURE, HYORESP, RES-VAC… Tiêm bắp 2 lần: Lần thứ nhất lúc 2-4 tuần tuổi; lần thứ hai lúc 5-6 tuần tuổi. *Điều trị:Khi phát hiện lợn mắc bệnh người chăn nuôi cầncách ly những con ốm để tránh lây lan. Dùng các loại kháng sinh như: Tylosin, Spiramycin, Erythromycin, Tiamutin, Enrofloxacin, Marbofloxacin, Florfenicol. Liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Liệu trình từ 5 – 7 ngày.Kết hợp chữa triệu chứng: Hạ sốt bằng AnaginC kết hợp dùng Ephedrin (để lợn dễ thở), Bromhexin để long đờm. Trợ sức trợ lực bằng cafein, B1, Cattosal cho con vật. Có thể nói hiện nay đàn lợn có tỷ lệ mắc bệnh suyễn khá cao, đây là bệnh khó điều trị; gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và hiệu quả kinh tế của người chăn nuôi. Chính vì vậy, việc nhận biết được nguyên nhân và cách phòng trị bệnh là rất quan trọng, nhằm giúp cho đàn lợn khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt hạn chế tối đa tỷ lệ còi cọc, chậm lớn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi./.
Lợn bị bệnh thở rất khó khăn
Tiêm phòng vắc xin suyễn lợn Văn Thắng - Trung tâm KNNA