Thứ bảy, 23/11/2024, 00:48

Hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho người dân Quỳ Hợp

Thứ tư - 08/06/2022 21:44 972 0
 Thời gian qua, nhiều mô hình khuyến nông phù hợp, thiết thực được triển khai ở huyện miền núi Quỳ Hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, một số cách làm đã và đang được nhân ra diện rộng, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho người dân Quỳ Hợp

Thay đổi tập quán nhờ vịt bầu Quỳ thương phẩm

Hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho người dân Quỳ Hợp ảnh 1
Vịt bầu Quỳ là giống vịt bản địa có phẩm chất thịt, trứng thơm ngon, bổ dưỡng hơn các loại vịt khác, được thị trường ưa chuộng hiện đang được bảo tồn, phát triển tại Quỳ Hợp. Ảnh: Thanh Phúc

Vịt bầu Quỳ - giống bản địa, có khả năng sinh sản và cho chất lượng thịt, trứng thơm ngon, độ dinh dưỡng cao, từng được nuôi phổ biến ở vùng Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Song do tập quán chăn nuôi của bà con còn manh mún, nhỏ lẻ, việc tiêm phòng chưa tuân thủ khuyến cáo nên hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, vì giống vịt này nhỏ, chậm lớn hơn các loại vịt lai nên cũng dần mai một.

Để bảo tồn giống vịt bầu Quỳ và chuyển giao phương thức chăn nuôi vịt hiệu quả cho các hộ nông dân, năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quỳ Hợp phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình nuôi vịt bầu Quỳ thương phẩm tại xã Châu Đình. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 6/2021, quy mô 500 con, với sự tham gia của 3 hộ dân bản Cáng. Các hộ được hỗ trợ về con giống, thức ăn, thuốc thú y, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách xây dựng chuồng trại, vệ sinh sát trùng và các biện pháp phòng bệnh cho vịt theo hướng an toàn sinh học.

Hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho người dân Quỳ Hợp ảnh 2
Mô hình chăn nuôi vịt bầu Quỳ thương phẩm giúp nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi tập trung quy mô, hàng hoá. Ảnh: Thanh Phúc

Bà Vi Thị Tâm, một hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, chăn nuôi của gia đình chủ yếu theo phương thức truyền thống, chăn thả tự nhiên, ít khi phòng bệnh nên hiệu quả không cao. Nay, tham gia mô hình, được tiếp cận với kiến thức chăn nuôi an toàn, được “cầm tay chỉ việc” từ cách làm chuồng, cách vệ sinh, cách tiêm phòng vắc xin… và áp dụng vào thực tiễn thì thấy hiệu quả hơn hẳn. Vịt sinh trưởng, phát triển tốt, không mắc bệnh, không chết yểu”.

Sau 3 tháng, tỷ lệ vịt sống đạt 95%; trọng lượng trung bình đạt từ 2,2 kg/con; giá bán 80.000-90.000 đồng/kg, mô hình thu lãi gần 30 triệu đồng. Bà Lê Thị Ngọc - chuyên viên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: “Cái được lớn nhất của mô hình là thay đổi phương thức chăn nuôi, đồng thời giúp duy trì, bảo tồn và phát triển nguồn giống vịt địa phương. Hiện mô hình đã kết thúc nhưng được bà con nhiều địa phương trong huyện nhân ra diện rộng, nhất là các xã: Châu Quang, Châu Cường, Châu Thành...”.

Phá thế độc canh từ phương pháp trồng xen

Hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho người dân Quỳ Hợp ảnh 3
Mô hình trồng xen cây họ đậu trong diện tích mía nguyên liệu đang được nhân rộng ở Quỳ Hợp. Ảnh: Thanh Phúc

Những năm gần đây, mía là cây trồng đem lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Quỳ Hợp nhưng do độc canh nên diện tích trồng mía chưa thực sự phát huy tối đa hiệu quả. Mặt khác, việc trồng mía trong thời gian dài đã khiến cho đất trở nên cằn cỗi, giảm năng suất cũng như chất lượng cây mía.

Với mục tiêu bảo đảm phát triển bền vững các vùng nguyên liệu mía, năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với huyện Quỳ Hợp triển khai mô hình “Trồng xen cây họ đậu trong ruộng mía trồng mới” tại xóm Đại Thành, xã Văn Lợi với quy mô 4 ha, 5 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 100% giống lạc, một phần giống mía, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, được hướng dẫn kỹ thuật, quy trình từ gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch.

Sau hơn 3 tháng xen canh, kết quả nghiệm thu cho thấy, năng suất lạc L27 thu đạt 1,5 tấn/ha, với giá bán 30.000 đồng/kg thì người dân còn có nguồn thu khoảng 45 triệu đồng/ha/vụ, trừ chi phí còn lãi khoảng gần 20 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, nhờ xen canh nên đất tơi xốp, màu mỡ, giữ được độ ẩm và hạn chế cỏ dại, giúp người dân có thêm nguồn thu để “lấy ngắn nuôi dài”.

Hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho người dân Quỳ Hợp ảnh 4
 

Không những gia tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích mà mô hình trồng xen còn giúp cải tạo đất trồng mía, phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy mới được thực hiện với quy mô nhỏ, song cách làm này thực sự đã mở ra hướng mới cho bà con trồng mía để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, và quan trọng hơn là dần thay đổi thế sản xuất độc canh truyền thống. Hiện tại, mô hình đã được nhân ra diện rộng ở nhiều địa phương vùng nguyên liệu mía như: Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Tam Hợp, Hạ Sơn...

Nuôi giun quế để chăn nuôi sạch

Cuối năm 2021, hưởng lợi từ mô hình “Nuôi giun quế làm thức ăn cho gà”, anh Võ Văn Dũng, xóm Xuân Đình, xã Châu Đình, được hỗ trợ giống và kỹ thuật nuôi giun quế cùng 300 con gà giống 1 ngày tuổi, một phần thức ăn, vắc xin phòng bệnh cho gà. Trên diện tích 150m2 chuồng nuôi giun, đều đặn 45 ngày cho thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa 150 kg giun quế, vừa làm thức ăn cho đàn gà 300 con, vừa có bán ra thị trường với giá 100.000 đồng/kg.

Hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho người dân Quỳ Hợp ảnh 5
Trước áp lực giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã, mô hình nuôi giun quế khẳng định hiệu quả "kép" vừa chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi chất lượng, vừa đảm bảo chăn nuôi sạch. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Dũng chia sẻ: “Trước, thức ăn cho gia cầm phụ thuộc vào cám công nghiệp và lúa, ngô; còn giờ được hưởng lợi từ mô hình khuyến nông, tôi đã nắm bắt kỹ thuật nuôi giun quế nên thức ăn cho gà hoàn toàn chủ động, còn có giun quế xuất bán cho các hộ chăn nuôi khác. Phân gà làm thức ăn cho giun, giun làm thức ăn cho gà tạo thành vòng tròn khép kín, vừa tận dụng được chất thải, vừa đảm bảo yếu tố môi trường. Đặc biệt, gà ăn giun quế, vừa là thức ăn tự nhiên, giàu chất dinh dưỡng, nhanh lớn, thịt chắc, thơm ngon và sạch nên được thị trường ưa chuộng”.

Ước tính sau 1 năm mô hình cho doanh thu khoảng 175 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Ngoài ra, phân giun dùng để bón cây ăn quả, rau sạch, phân viên nén dùng để bón hoa lan, hoa hồng, cây cảnh… rất hiệu quả.

Hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho người dân Quỳ Hợp ảnh 6

Trừ chi phí đầu tư ban đầu, mỗi năm, mô hình nuôi giun quế đem lại nguồn thu nhập khoảng 50 triệu đồng/150m2. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Trịnh Hữu Hiển - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: “Các mô hình được thực hiện trên địa bàn huyện đã mang lại một hướng đi mới cho bà con trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài hiệu quả về kinh tế thì việc thay đổi tư duy, tập quán trong sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực: Thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi theo hướng tập trung, hàng hoá; biết áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi; chủ động thức ăn trong chăn nuôi, hướng đến chăn nuôi sạch, an toàn; biết trồng xen canh, đa canh để cải tạo đất, phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Có thể đánh giá, các mô hình đã mở ra sinh kế bền vững cho bà con các địa phương miền núi ở Quỳ Hợp”.

Thanh Phúc - nguồn baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây