Bén duyên chăn nuôi bò từ năm 1980 nhưng do hình thức chăn nuôi trước đó chủ yếu là thả rừng, đồi, kỹ thuật còn non kém, vốn đầu tư không có nên hiệu quả kinh tế không cao. Nhưng vì đam mê nên Bác Thành vẫn duy trì đưa đối tượng nuôi này để phát triển kinh tế cho gia đình mình. Năm 2019, do định hướng của xã phát triển rừng trồng keo nên diện tích chăn thả rông không còn nữa, bác quyết định tìm hiểu để chuyển đổi phương thức chăn nuôi thả sang nuôi nhốt. Từ nguồn vốn tích lũy và vay mượn anh em, họ hàng bác Thành mạnh dạn đầu tư gần 300 m2 chuồng trại nuôi bò và 200 m2 chăn thả, mục đích nuôi sinh sản theo phương thức bán chăn thả. Thời điểm cao nhất tổng đàn bò sinh sản của gia đình Bác tới 10 con, chủ yếu là giống bò lai Sind. Bác cũng là một trong những hộ có nhiều bò sinh sản nhất xã, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định từ bán bò giống.
Theo bác Thành, mặc dù nuôi bò vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian nuôi tương đối dài, tuy nhiên vật nuôi này mang lại kinh tế ổn định hơn so với nhiều vật nuôi khác. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cung cấp hàng ngày cho đàn bò cũng đơn giản, chủ yếu là cỏ cắt ngoài đồng. Với ưu thế nơi bác sinh sống có diện tích ruộng nhiều nên gia đình bác đã thầu 2 ha đất để trồng cỏ voi, vì thế thức ăn luôn dồi dào, chủ động nên đàn bò sinh trường, phát triển tốt.
“Buổi sáng tôi đi cắt cỏ, đến trưa cho bò ăn, buổi chiều tiếp tục cắt thêm cỏ đợt 2. Những ngày trời mưa không đi cắt cỏ được, tôi lấy cỏ khô dự trữ sẵn để cho bò ăn”, bác Thành nói và cho biết thêm, đàn bò được bác nuôi nhốt trong chuồng nên không tốn nhiều công chăm sóc. Đối với bò sinh sản và bò thịt, ngoài cỏ tươi ăn hàng ngày, bác còn ủ chua thức ăn thô xanh dành cho bò vào nhãng ngày mưa gió. Với bò giống, sau khi nuôi 8 tháng thì bác bắt đầu xuất bán, giá bán giao động từ 14- 15 triệu đồng/con. Mỗi năm bác xuất bán từ 8- 10 con bò giống sau khi trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng. Để bảo vệ đàn bò khỏe mạnh vấn đề xử lý môi trường chuồng trại được bác đặt lên hàng đầu. Hàng ngày gia đình bác tiến hành vệ sinh, chùi rửa chuồng trại sạch sẽ, chất thải từ chăn nuôi được bác thu gom vào một chỗ, tiến hành ủ để bán cho các nhà vườn trên điạ bàn. Đối với phòng bệnh, bác tuân thủ lịch tiêm phòng định kỳ 3 loại vacxin gồm tụ huyết trùng, viêm da nổi cục, lở mồm long móng cho đàn bò sinh sản. Việc tiêm phòng đầy đủ giúp đàn bò có sức đề kháng tốt nên bác rất yên tâm trong việc chăn nuôi. Bên cạnh đó Bác chia sẻ thêm: “Từ trước đến nay đàn bò của tôi chưa xảy ra tình trạng bệnh dịch tràn lan, chỉ xuất hiện tình trạng bỏ ăn. Đàn bò được tôi theo dõi hàng ngày, khi phát hiện cá thể bò nào có vấn đề tôi báo ngay cho cán bộ thú y xã xuống kiểm tra và trị bệnh, sau 2 - 3 ngày bò đã khỏe”. Nhờ làm tốt công tác phòng bệnh cho đàn bò, cộng với nguồn thức ăn có sẵn, tận dụng từ phụ phẩm nông nghiệp nên đàn bò con nào cũng lớn nhanh. Ngoài nuôi bò sinh sản để bán giống, bác còn là một trong những đầu mối cung cấp giống bò thịt cho các huyện Diễn Châu và Quỳnh Lưu. Trung bình mỗi tháng 1 chuyến, mỗi chuyến như vậy bác gom khoảng 10 - 15 con, hầu hết bò thịt được bác thu mua ở trong huyện và các huyện lân cận. Sau khi gom về bác sẽ lưu giữ đàn bò trong vòng 3- 5 ngày rồi mới xuất bán, mỗi con có lãi từ 300.000 - 500.000 đồng, như vậy mỗi chuyến bác sẽ thu lãi 4- 5 triệu đồng. Tổng thu mỗi năm từ nuôi bò sinh sản và kinh doanh bò thịt dao động từ 140 - 150 triệu đồng.
Chị Phạm Thị Mai Hiên, cán bộ công chức nông nghiệp xã Thọ Hợp cho biết: "Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của hộ bác Trương Công Thành trú tại xóm Thọ Sơn đem lại hiệu quả kinh tế cao, khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Xã tiếp tục vận động, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình nuôi bò sinh sản cùng như bò thịt để phát triển kinh tế, triển khai các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh trên đàn vật nuôi.
Có thể khẳng định, nuôi bò nhốt là hướng chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai tại địa phương. Tuy nhiên, để phát huy và khai thác có hiệu quả thế mạnh của địa phương cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc xác định mục tiêu phát triển bền vững, tuyên truyền, kết nối thị trường để người dân yên tâm sản xuất./.
Khu chăn nuôi bò hộ bác Trương Công Thành
Ủ thức ăn xanh giữ trữ cho bò
Lệ Hằng: Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN