Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ anh Nguyễn Văn Nghệ đã được làm quen với các kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, trước đây gia đình anh chỉ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ nên thu nhập mang lại không cao. Nhận thấy chăn nuôi là lĩnh vực có nhiều tiềm năng, trong khi đất đai gia đình rộng rãi, năm 2004 anh bắt đầu nuôi lợn sinh sản. Lúc đầu chỉ nuôi vài con lợn sinh sản, một thời gian sau thấy hiệu quả, trên diện tích đất khoảng 2000 m2; anh vay vốn, đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại mở rộng quy mô nuôi lợn gồm khu chuồng lợn sinh sản, lợn hậu bị, lợn thịt, hệ thống máng ăn uống, quạt gió, hầm biogas... Đến nay gia trại của anh có 15 con lợn sinh sản, 180 - 220 con lợn thịt/năm. Hàng năm xuất bán, cung cấp cho thị trường khoảng từ 20 -24 tấn lợn với giá bán 50 - 62 triệu đồng/tấn, cho thu nhập 1 -1,5 tỷ đồng. Ngoài ra anh còn xuất bán lợn giống cho các khách hàng có nhu cầu, thu nhập khoảng 90 -120 triệu/năm. Hàng năm từ nguồn bán lợn thịt và lợn giống mang lại cho anh tổng thu gần 1,1 đến hơn 1,6 tỷ đồng/năm, sau khi trừ đi chi phí còn cho lãi khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi, anh Nghệ cho biết: Để có thành công trong chăn nuôi lợn, người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát chất lượng con giống, đảm bảo an toàn sinh học. Giống lợn anh chọn nuôi là lợn nái ngoại, áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Lợn con sinh ra sau cai sữa sẽ chuyển sang nuôi lợn thịt, vừa chủ động con giống, vừa đảm bảo an toàn dịch bệnh và mang lại hiệu quả cao. Đàn lợn được tiêm phòng vắc xin đầy đủ phù hợp theo từng lứa tuổi lợn như: Dịch tả lợn, tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm long móng, viêm phổ…. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, định kỳ thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại 1 tuần 1 lần; kiểm soát người, phương tiện ra-vào trang trại, xử lý chất thải bằng hầm biogas... Ngoài kinh nghiệm tích luỹ được qua quá trình chăn nuôi, đồng thời thông qua các chương trình tập huấn và tìm hiểu kiến thức qua các kênh thông tin đài, báo, internet… anh Nghệ còn tự phối trộn thức ăn cho lợn nái theo công thức học được. Đây cũng là cách làm hay vừa giảm chi phí chăn nuôi, vừa tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương.
|
|
|
Chăn nuôi lơn hộ anh Nguyễn Văn Nghệ- xã Bình Sơn |
Ông Nguyễn Văn Bình- Cán bộ nông nghiệp xã cho biết: Anh Nguyễn Văn Nghệ xóm Tân Bình là một hộ chăn nuôi sản xuất năng động, táo bạo. Trang trại nuôi lợn của anh đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy được lợi thế ở địa phương. Ngoài việc chú trọng phát triển kinh tế gia đình, anh còn là một xóm trưởng có trách nhiệm, nhiệt tình trong công việc, sẵn sàng chia sẻ kiến thức kinh nghiệm cho những ai muốn học hỏi và phát triển mô hình kinh tế trang trại.
Có thể nói chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt là một lĩnh vực vốn có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế và làm giàu. Tuy nhiên người chăn nuôi cần có hướng đi đúng đắn, mạnh dạn đầu tư, áp dụng những kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật để đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sự thành công của trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Nghệ đã một lần nữa khẳng định điều này. Mong rằng mô hình của anh phát triển hơn nữa, mang lại thu nhập cho gia đình và góp phần thúc đẩy kinh tế xã nhà.
Kim Dung-Trung tâm KN - nguồn TSKN