Thứ tư, 13/11/2024, 17:47

Góc nhìn từ các mô hình chăn nuôi gia cầm hiểu quả

Thứ ba - 23/04/2019 21:30 2.166 0
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với hơn 3 triệu dân. Thực tế cho thấy, những năm gần đây ngành chăn nuôi đã và đang được tỉnh rất quan tâm và chú trọng, với tổng đàn trâu 287, 800 nghìn con, đàn bò 463,248 nghìn con, đàn lợn 889,3 nghìn con, gia cầm 22.600 nghìn con; có trên 460 trang trại, gia trại chăn nuôi; diện tích trồng cỏ phục vụ chăn nuôi trên 16.585 ha và có xu thế tăng dần diện tích.
Góc nhìn từ các mô hình chăn nuôi gia cầm hiểu quả
Với tiềm năng sẵn có như đất đai, lao động, giao thông, ... sẽ là lợi thế để Nghệ An đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Chủ trương ngành nông nghiệp của tỉnh đang phấn đấu chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ, phấn đấu đến năm 2020: Trồng trọt 47,9 %, chăn nuôi 47,8 % và dịch vụ 4,3 %. Riêng đối với chăn nuôi gia cầm, tỉnh Nghệ An có đàn gia cầm nằm trong tốp đầu cả nước, ước đạt trên 22 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 28.946 tấn. Tuy số lượng gia cầm lớn nhưng vẫn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, số trang trại gia cầm lớn chỉ khoảng gần 40 trang trại. 
Để góp phần thúc đẩy chăn nuôi gia cầm phát triển, trong thời gian qua, hoạt động khuyến nông cũng đã chú trọng đến các mô hình chăn nuôi. Tính khoảng 5 năm trở lại đây, khuyến nông đã triển khai 9 dạng mô hình chăn nuôi gia cầm, 136 điểm trình diễn ở 21 huyện thành thị trên địa bàn tỉnh (gia cầm nuôi chính vẫn là gà) với quy mô: 44.000 con gà, 306 hộ tham gia, kinh phí trên 4 tỷ đồng. Điển hình một số dạng mô hình chăn nuôi gia cầm hiệu quả, tính nhân rộng cao đó là: Mô hình nuôi gà thịt Đông Tảo lai hướng Gap: Quy mô 7.300 con, 72 hộ tham gia ở 8 huyện trên địa bàn tỉnh, trọng lượng bình quân 2,2 kg/ con, lãi tăng 25% so với đại trà. Mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học và nuôi gà thịt theo hướng VietGap có sử dụng đệm lót sinh học: Quy mô 22.600 con, 117 hộ tham gia ở 21 huyện trên địa bàn tỉnh, giống gà Tiên Yên, gà mía, gà lông màu, gà đạt trọng lượng bình quân 2,0kg/con tỷ lệ sống 96%, lãi tăng 30% so với đại trà. Nuôi gà Ai cập sinh sản an toàn sinh học có sử dụng đệm lót: Quy mô 1.700 con, 7 hộ tham gia ở 3 huyện trên địa bàn tỉnh, gà đạt trọng lượng bình quân > 1,5kg/, tỉ lệ đẻ 75%, lãi tăng 22% so với đại trà. Riêng năm 2018, đang xây dựng 2 mô hình: Nuôi gà thịt giống mới theo Hướng VietGap có sử dụng đệm lót sinh học (giống gà chọi lai, mía lai): Quy mô 2.100 con, 10 hộ tham gia ở 3 huyện trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ sống đạt bình quân 96%. Nuôi gà bằng thức ăn thảo dược (giống gà chọi lai): Quy mô 800 con, 3 hộ tham gia ở 1 huyện (Nam Đàn), tỷ lệ sống đạt 96%. Ngoài ra, khuyến nông còn phối hợp với các đơn vị, tổ chức dự án để triển khai các mô hình chăn nuôi gia cầm như: Từ nguồn kinh phí BIDV: Xây dựng mô hình nuôi gà thịt ATSH, gà sinh sản (giống gà ri, gà ai cập), quy mô 5.000 con, 45 hộ tham gia với 8 điểm trình diễn thuộc 4 huyện: Quỳ Châu, Quế phong, Tương dương, Kỳ sơn, lãi tăng 20% so với đại trà. Từ nguồn kinh phí dự án Jica: Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thả vườn đồi, gà sinh sản có máy ấp trứng, quy mô 4.500 con, 55 hộ tham gia với 3 điểm trình diễn thuộc 4 huyện: Tương dương, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu bằng giống gà ri, gà Ai cập, lãi tăng 18 - 20% so với đại trà.
Từ kết quả trên cho thấy các mô hình chăn nuôi gia cầm cơ bản thành công, có sức lan toả lớn và cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể được đánh giá đó là:
- Mô hình nuôi gà thịt, gà sinh sản đều có thể áp dụng được trên tất cả các địa bàn từ Đồng Bằng đến Trung du, miền núi. Người dân đều dễ nắm bắt phương thức, kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc và cách phòng trị bệnh để chăn nuôi có hiệu quả.
- Các Giống gà nuôi thịt, sinh sản hiện nay cơ bản phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như thời tiết khí hậu, nếu nuôi tốt thì có tỉ lệ nuôi sống cao, tăng trọng nhanh, thời gian nuôi ngắn, chu kỳ quay vòng vốn ngắn, lợi nhuận cao, sau khi trừ các chi phí, công lao động thu được lãi từ 30 - 45.000đ/con, lãi tăng 15 - 30% so với đại trà. 
- Từ việc xây dựng mô hình đã giúp người nuôi gia cầm có cơ hội tiếp cận nhanh các tiến bộ KHKT về giống, kỹ thuật nuôi dưỡng theo hướng an toàn sinh học, VietGap, đặc biệt nuôi gà có sử dụng đệm lót sinh học nên giảm được mùi hôi thối, giảm bệnh tật dẫn đến giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, từ hiệu quả của các mô hình chăn nuôi gà đem lại, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn đáng quan tâm đó là: Các mô hình phát triển chăn nuôi gia cầm còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có mô hình lớn do khuyến nông hỗ trợ, chủ yếu là tự phát. Chính vì chăn nuôi nhỏ lẻ nên nguy cơ dịch bệnh lớn, không kiểm soát được vệ sinh thú y (đây là khó khăn nhất người chăn nuôi gặp phải) nên hiệu quả kinh tế đem lại thường thấp. Các giống gia cầm nuôi tại các hộ dân chưa thực sự đa dạng, có hiện tượng lai tạp lẫn lộn nhiều. Chưa có nhiều mô hình nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao hoặc các tiến bộ KHKT được đưa vào ứng dụng lại thường đơn lẻ, thiếu đồng bộ nên chăn nuôi chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mặt khác, công tác dự báo thị trường còn thiếu và yếu, chưa có sự liên kết chuỗi trong chăn nuôi gia cầm nên hiệu quả giá trị gia tăng không cao, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Để chăn nuôi gia cầm phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo an toàn sinh học và vệ sinh môi trường, giúp người chăn nuôi có thu nhập ổn định, tăng đàn, phát triển chăn nuôi bền vững. Dưới góc độ của những người làm công tác khuyến nông, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp trọng tâm đó là: 
- Tăng cường xây dựng các mô hình khuyến nông và tập huấn, đào tạo nghề chăn nuôi gia cầm để chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT về giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc và phòng trị dịch bệnh, nhất là giống gia cầm.
- Phát triển chăn nuôi gia cầm phải theo hướng trang trại, gia trại quy mô lớn tập trung, có sự kiểm soát chặt chẽ về thú y. Chăn nuôi phải theo hướng an toàn sinh học hoặc VietGap và các mô hình chăn nuôi phải gắn với liên kết theo chuỗi giá trị khép kín để giảm chi phí, giá thành đầu vào, tăng hiệu quả trong chăn nuôi. Đặc biệt đã xây dựng mô hình thì bắt buộc phải gắn với liên kết chuỗi giá trị, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi.
- Đẩy mạnh tuyên truyền cho người chăn nuôi không sử dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm sạch để tăng tính cạnh trạnh như: gà đồi Thanh Chương, Vịt bầu Quỳ Châu,... Chú trọng quan tâm đến phát triển chăn nuôi các giống gia cầm bản địa có giá trị kinh tế cao.
- Chú trọng ứng dụng kỹ thuật - công nghệ cao trong chăn nuôi gia cầm, nhất là công tác quản lý giống, thức ăn, sử dụng các kỹ thuật chăn nuôi hiện đại như hệ thống chuồng kín, hệ thống máng ăn, máng uống nước tự động, hệ thống xử lý môi trường, các chế phẩm sinh học để tăng năng suất, giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Thực hiện tốt công tác giết mổ, sơ chế, bảo quản sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; xây dựng cơ chế chính sách, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm đối tác liên kết tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi công nghệ cao trên cơ sở Nhà nước, doanh nghiệp đồng hành cùng người chăn nuôi.
Có thể nói, chăn nuôi gia cầm hiện nay đang là hướng đi hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, người chăn nuôi phải có ý thức chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; đẩy mạnh việc học tập và ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi hiện đại, thực hiện tốt công tác vệ sinh phòng bệnh để giảm rủi ro, thiệt hại; chủ động liên kết chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi./.

                                                   Cao Tuấn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây