Cần thực hiện tốt phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Thứ ba - 23/04/2019 21:50 863 0
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn lợn trên 900.000 con lợn (đứng thứ 5 cả nước) với 120 trang trại chiếm 11,2% tổng đàn lợn, khoảng trên 295 ngàn hộ nuôi lợn nhỏ lẻ chiếm 70,3% tổng đàn, có 56 cơ sở giết mổ tập trung chiểm 20 % số lượng lợn giết mổ, còn lại chủ yếu là trên 1.000 hộ giết mổ nhỏ lẻ từ 1 - 3 con lợn/ngày.
Cần thực hiện tốt phòng bệnh dịch tả lợn Châu Phi
Tuy nhiên phương thức chăn nuôi hiện nay ở các địa phương chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ, nên việc quản lý, kiểm soát dịch bệnh là một trong những vấn đề hết sức khó khăn, nhất là việc lưu thông vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn từ các tỉnh khác qua tỉnh Nghệ An hàng ngày là rất lớn, nên khi có dịch bệnh trên lợn thì nguy cơ xâm nhiễm bệnh và lây lan ra diện rộng là rất cao. Do vậy người chăn nuôi cần phải hiểu và nhận thức sâu sắc mức độ nguy hiểm của bệnh này để có giải pháp phòng chống hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây nên.
Dịch tả lợn Châu Phi (Pestis Africana suum- African swine fever) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở lợn (lợn nhà và lợn rừng) do Myxovirrus chứa ADN gây ra. Tỷ lệ ốm và chết rất cao, lên tới 100%. Bệnh đặc trưng bởi các biến đổi viêm xuất huyết tràn lan đường tiêu hóa, hạch lâm ba, thận và thâm tím da phần lớn cơ thể của lợn.
Virus gây dịch tả lợn Châu phi tồn tại trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh, virus sống được rất lâu ở môi trường bình thường, trong dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt và các sản phẩm từ thịt chưa nấu chín trong 3-6 tháng, sống được trong máu khô 70 ngày và có thể tồn tại và giữ nguyên độc lực tới 6 năm nếu được bảo quản lạnh, ở nhiệt độ phòng cũng được 4 - 5 tuần, trong lách lợn nếu ở 370C được 22 ngày, ở 560C chúng sống tới 180 phút, trong phân ẩm nhão tồn tại tới 122 ngày, trong nước tiểu 45 ngày… Tuy nhiên, virus chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 500C, 20 phút trong nhiệt độ 600C, 2 phút trong nhiệt độ 900C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 1000C, trong điều kiện axit (pH= 5,3) chúng chỉ tồn tại không quá một phút (99% chết trong 15 - 20 giây). Các chất khử trùng truyền thống như  Formol 1,5%- 2%, NaOH 3-4%, nước vôi 20% đều có khả năng tiêu diệt virus cường độc. Với hoạt chất Iodine, Benzalkonium, B.K.Vet, Vinadin, Benkocid, Virkon.S đều có thể sử dụng để thực hiện công tác tiêu độc khử trùng. 
Bệnh dịch tả lợn Châu phi có thể xảy ra quanh năm. Lợn ở mọi lứa tuổi đều dễ dàng bị bệnh. Con đường truyền lây thông qua hô hấp, tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm virus như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm virus, kể cả con người bằng cách này hay cách khác đã tiếp xúc với mầm bệnh sẽ mang và phát tán mầm bệnh. Hoặc từ sản phẩm lợn chế biến mang mầm bệnh, vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve mòng, côn trùng, gặm nhấm, chim di cư, …).
Biểu hiện của bệnh: Thời gian ủ bệnh thường 5- 10 ngày. Bệnh xuất hiện đột ngột. Lợn sốt cao, sốt tới 41- 42 0c, kéo dài liên tục trong 4 ngày liền. Trong thời gian lợn sốt cao, lợn vẫn ăn uống, đi lại bình thường như lợn hoàn toàn khỏe mạnh, nếu không để ý dễ nhầm lẫn. Bệnh này biểu hiện 4 thể bệnh:
+ Thể quá cấp: ít gặp, biểu hiện đột ngột sốt cao 42 0c, kéo dài 2-3 ngày tối đa 4 ngày rồi chết.
+ Thể cấp tính: biểu hiện ốm đột ngột, sốt cao 42 0c với thể trạng hoàn toàn bình thường. Lợn bỏ ăn và bắt đầu ho, khó thở, nhịp tim, nhịp thở tăng mạnh. Trên da mềm phần đầu, bụng,… xuất hiện nhiều nốt xuất huyết và nhanh chóng biến thành màu tím thâm bị hoại tử có dịch rỉ. Trước khi chết khoảng 48 giờ, lợn bệnh mệt mỏi, ủ rũ, lờ đờ, nằm bẹp, đi lại khó khăn, xuất hiện tiêu chảy hoặc táo bón…
+ Thể mãn tính: Biểu hiện triệu chứng cũng giống như thể cấp tính nhưng mức độ biểu hiện yếu hơn và chủ yếu rối loạn hô hấp và tiêu hóa. Tỷ lệ chết 30- 50%.
+ Thể ẩn bệnh (mang trùng): Những lợn bệnh qua khỏi cơn cấp tính và mãn tính đều mang trùng gây bệnh, trở thành lợn khỏe mang trùng trong một thời gian rất dài. Tuy nhiên, những lợn này đôi lúc có các triệu chứng ho hen, sốt ngắt quãng, chảy ken mắt, chảy nước mũi rất giống các biểu hiện của cúm lợn.
Bệnh tích thường thấy khi mổ khám: Máu chảy ra từ lỗ tự nhiên: mũi, miệng, hậu môn; Tim, cơ tim, vành tim xuất huyết; Lách sưng to, xuất huyết và nhồi huyết; Gan sưng to, xuất huyết; Phổi xuất huyết, khí quản phế quản chứa bọt; Dạ dày xuất huyết; Thận xuất huyết; Hạch lâm ba sưng, xuất huyết; Ruột non, ruột già xuất huyết; Bàng quang phù xuất huyết, …
Bệnh dịch tả lợn Châu phi hiện nay chưa có vacxin và thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy công tác chủ động ứng phó, ngăn chặn sự xâm nhập lây lan mầm bệnh từ ngoài vào là hết sức quan trọng. Một số nội dung trọng tâm cần lưu ý: 
Một là: Các ban, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 07/CT-UBND ngày 22/2/2019 của UBND tỉnh Nghệ An,Quyết định 5817/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn toàn tỉnh. 
Hai là: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến mọi người dân, nhất là đối với người chăn nuôi phải thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, kịp thời phát hiện và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để kiểm soát, xử lý khi có dịch bệnh xẩy ra. Đáng lưu ý là bệnh tả Châu Phi không lây sang người, nếu không may ăn phải con lợn nhiễm bệnh mà thịt đã được nấu chín (luộc, xào, nướng…) thì vẫn an toàn. 
Ba là: Thực hiện tốt nguyên tắc 5 không: Không dấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn nghi ngờ bị bệnh; Không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa, mất vệ sinh.
Bốn là: Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, giết mổ lợn để khống chế, ngăn chặn nguy cơ lây lan nguồn bệnh. Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại, trang trại cần tăng cường sát trùng chuồng nuôi cả bên trong và bên ngoài, lối đi, khu vực xung quanh, khu xử lý lợn chết,… Cổng ra vào xuất, nhập lợn phải có hố sát trùng và máy phun thuốc sát trùng; Phương tiện ra vào vận chuyển lợn, thức ăn, dụng cụ chăn nuôi,... cần phải được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào khu vực nuôi. Hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi khi không cần thiết, có biện pháp diệt côn trùng, chuột, không cho chó, mèo, gà, vịt vào khu vực nuôi lợn. Chủ động quản lý, chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh bằng vacxin đối với các bệnh do virus như: Dịch tả, Tai xanh (PRRS), Lở mồm long móng,…, đồng thời có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B, Beta glucan,… để tăng cường sức đề kháng cho lợn.
Có thể nói rằng, bệnh dịch tả lợn Châu phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và đang có nguy cơ lây lan nhanh ra nhiều tỉnh trong cả nước. Do vậy các địa phương, nhất là người chăn nuôi cần chủ động thực hiện nghiêm túc, triệt để đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch để hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm bệnh trên lợn và gây thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi./. 


                                             Cao Tuấn - nguồn TSKN
 
 
 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây