Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và phẩm chất thịt lợn
Thứ ba - 23/04/2019 21:2810.8360
Hiện nay, chăn nuôi lợn nói chung và lợn thịt nói riêng đang có những thuận lợi nhất định đó là các yếu tố về con giống, vắc xin phòng bệnh và dinh dưỡng thức ăn được cung cấp từ các Viện, Trung tâm nghiên cứu, các công ty doanh nghiệp đảm bảo uy tín và chất lượng cao.
Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang ở mức cao trên 50.000đ/kg đang giúp cho các nhà chăn nuôi lợn đảm bảo có lãi cao và chăn nuôi ổn định. Với người chăn nuôi giá lợn hơi tăng lên sẽ giúp bà con phấn khởi và yên tâm đầu tư, Thế nhưng với người tiêu dùng giá cả và chất lượng thịt là hai vấn đề quan trọng khi lựa chọn thực phẩm và khách hàng sẽ quyết định mua khi thấy rằng là hợp lý. Chính vì vậy, người chăn nuôi với vai trò là nhà sản xuất ra sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho khách hàng của mình thì ngoài việc chú trọng tạo ra năng suất cao thì cần phải quan tâm tạo ra chất lượng sản phẩm thịt lợn cao, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về lựa chọn thực phẩm. Với ý nghĩa như vậy, chúng tôi xin chia sẻ một số thông tin về các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng thịt lợn để bà con tham khảo và áp dụng.
1. Giống
-Giống được xem là tiền đề trong chăn nuôi lợn, các giống khác nhau thì có năng suất và chất lượng thịt khác nhau.
-Về năng suất, các giống lợn ngoại có tốc độ sinh trưởng phát triển nhanh hơn các giống lợn nội.
-Hầu hết các giống lợn nội có tỷ lệ mỡ cao, tỷ lệ nạc thấp chỉ từ: 35-40%, trong khi các giống lợn ngoại nhập cho tỷ lệ nạc rất cao đạt từ 50-60%. Tuy nhiên, các giống lợn nội thường có vị thơm ngon, thớ cơ nhỏ, mịn hơn.
Vì thế, đối với điều kiện chăn nuôi ở nước ta cần phải phối hợp nhiều giống để con lai có năng suất cao và phẩm chất thịt tốt, đồng thời có khả năng sử dụng nguồn thức ăn sẳn có của địa phương và khả năng chống đỡ bệnh tật cao.
2. Sức khỏe và khối lượng ban đầu
Sức khỏe và trọng lượng cai sữa lợn con ảnh hưởng chủ yếu đến năng suất chăn nuôi. Nếu sức khỏe lợn con theo mẹ trong giai đoạn bú sữa kém như thiếu máu, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, còi cọc... thì đến giai đoạn nuôi thịt lợn sẽ tăng trọng kém.
3. Giới tính
- Đối với lợn đực nuôi không thiến thì khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh hơn, tỷ lệ thân thịt cao hơn và chuyển đổi thức ăn hiệu quả hơn lợn cái. Tuy nhiên, mùi trong thịt xuất hiện khi lợn đực trưởng thành. Ngày nay lợn sinh trưởng nhanh hơn và được giết thịt sớm hơn, bởi vậy vấn đề mùi hôi cũng được giảm đáng kể.
- Trong quá trình nuôi cả lợn đực và lợn cái khi đến tuổi trưởng thành đều giảm khả năng tăng trọng và dẫn tiêu tốn thức ăn cao. Đây là yếu tố ảnh hưởng đến chi phí thức ăn trong chăn nuôi vì thế người chăn nuôi cần linh hoạt để chủ động quyết định thời gian nuôi vỗ béo và thời điểm xuất chuồng cũng như phương pháp cho ăn để tiết kiệm được chi phí về thức ăn và nâng cao chất lượng thịt xẻ trong chăn nuôi lợn.
4. Ngoại cảnh
Yếu tố ngoại cảnh có tác động trực tiếp đến đàn lợn nuôi, các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm của tiểu khí hậu chuồng nuôi tác động đến khả năng ăn vào, tiêu hóa, hấp thu và sức khỏe đàn lợn.
-Nhiệt độ và ẩm độ thích hợp thì lợn ăn tốt, tỷ lệ tiêu hóa cao, tích lũy cao, sinh trưởng phát triển nhanh và cho năng suất cao. Nếu chuồng nuôi nóng quá lợn sẽ ăn ít, khả năng tiêu hóa kém, giảm tăng trọng. Còn khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, vào mùa đông trời rét cơ thể lợn phải tiêu hao nhiều năng lượng, chi phí cao.
- Nhiệt độ tiểu khí hậu chuồng nuôi từ 22-270C, ẩm độ 65-70% là thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của lợn thịt.
5. Thời gian và chế độ nuôi
-Khi thời gian nuôi dài, lợn có trọng lượng cao hơn nhưng tiêu tốn nhiều thức ăn, tốn nhiều công chăm sóc, chi phí chuồng trại và các chi phí khác cao, quay vòng vốn dài và khả năng tích mỡ trong thân thịt cao.
-Nếu lợn được ăn nguồn thức ăn dinh dưỡng tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phương pháp chế biến phù hợp, không sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, tăng cường sử dụng các chế phẩm vi sinh có lợi, có nguồn gốc tự nhiên phù hợp với các giai đoạn sinh trưởng phát triển của chúng thì làm cho năng suất và chất lượng thịt sẽ cao đáp ứng được yêu cầu về an toàn thực phẩm trong chăn nuôi lợn hiện nay.
6. Quản lý
Quản lý đàn, trang trại và cơ sở chăn nuôi là một yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thành công cho chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, việc này tại các nông hộ nhỏ lẻ vẫn còn có tâm lý chủ quan, chưa được quan tâm và thực hiện tốt dẫn đến khó kiểm soát khu vực chăn nuôi, phương tiện và yếu tố con người ra vào. Từ đó làm cho môi trường chăn nuôi tiềm ẩn nhiều mối nguy về dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế. Nếu làm tốt được vấn đề này thì tạo môi trường sống tốt, ít dịch bệnh, vật nuôi phát triển tốt, ít dịch bệnh từ đó giảm nguy cơ lạm dụng kháng sinh trong điều trị bệnh góp phần giảm chi phí thuốc thú y, tăng cơ hội tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn.
Với những ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất và chất lượng thịt lợn chúng tôi thiết nghĩ người chăn nuôi cần thay đổi trong cách thực hành chăn nuôi lợn thịt để vừa giúp các nhà chăn nuôi có lãi, đồng thời cung cấp cho thị trường những sản phẩm thịt lợn chất lượng, tạo niềm tin cho khách hàng như là một giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững trong thời gian tới./.