Hiểu biết về thiếu hụt và mất cân bằng khoáng trong chăn nuôi

Thứ ba - 23/04/2019 21:37 5.898 0
Trong thực tế hiện nay, người chăn nuôi gia súc, gia cầm thường ít quan tâm nhiều đến sự thiếu hụt và mất cân bằng về khoáng. Nhưng thực chất khoáng có vai trò hết sức quan trọng đến đời sống vật nuôi, ngoài việc sử dụng thức ăn có đầy đủ các chất dinh dưỡng thì việc sử dụng các chất khoáng theo tỷ lệ thích hợp sẽ một phần tác động, quyết định đến chất lượng, sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm.
Hiểu biết về thiếu hụt và mất cân bằng khoáng trong chăn nuôi
Đặc biệt, vai trò sử dụng chất khoáng để chăn nuôi hiện nay đã trở thành một trong những vấn đề được chú trọng đối với chiến lược phát triển ngành chăn nuôi hàng hoá chất lượng cao.
Khoáng là những yếu tố thiết yếu trong khẩu phần thức ăn của gia súc, chức năng của khoáng được thể hiện trong việc cấu tạo nên tổ chức cơ thể như: Can xi, Photpho, Magie, Fluorine và Silic để tạo xương và răng, Photpho và Lưu huỳnh tạo nên cơ bắp và protein. Khoáng có chức năng hoạt động như những chất điện giải để đảm bảo cho áp suất thẩm thấu và sự cân bằng toan - kiềm đúng cho các dịch và tổ chức của cơ thể như Natri, Kali, Clo, Canxi và Magie. Đồng thời khoáng còn có chức năng xúc tác hệ thống men và hocmon cần cho quá trình trao đổi chất như sắt, đồng, kẽm, Mangan, Selen và iot,...
 Một nguyên tắc chung là những chất khoáng cần thiết cho chức năng cấu tạo cơ thể và cân bằng dịch thể đòi hỏi lượng lớn trong khẩu phần gọi là khoáng đa lượng, những chất khoáng cần cho chức năng xúc tác hệ thống men và hocmon chỉ cần một lượng nhỏ nên gọi là nguyên tố vi lượng. Một thực tế thấy rằng sự thiếu hụt hay mất cân bằng các chất khoáng này trong khẩu phần được khống chế bằng một quá trình sinh lý tự điều chỉnh. Tuy nhiên, nếu thiếu hụt kéo dài thì cơ chế tự điều chỉnh cũng sẽ cạn kiệt gây ra bệnh lý. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi gia súc, gia cầm, mức sản lượng và chất lượng chung của khẩu phần thức ăn.
 Hiện tượng gia súc, gia cầm thiếu khoáng trong chăn nuôi hiện nay thường gặp ở gia súc, gia cầm cao sản nuôi thâm canh, những gia súc, gia cầm này thường mắc bệnh cấp tính do thiếu Canxi, Magiê hay năng lượng vào các thời điểm có nhu cầu sinh lý cao. Còn những gia súc khoẻ, triệu chứng thiếu khoáng phát triển từ từ do cơ chế tự điều chỉnh bị cạn kiệt, nên bản thân các chứng thiếu khoáng biểu hiện như những bệnh gầy sốt mãn tính. Chúng ta thường gặp gia súc, gia cầm thiếu hụt và mất cân bằng về một số loại khoáng cơ bản sau:
Canxi (Ca) và Photpho (P): Là những loại khoáng có nhiều nhất trong cơ thể gia súc, gia cầm. Nếu khẩu phần cung cấp một hay cả hai loại khoáng này không đủ thì Ca và P sẽ phải được huy động từ xương vào trong máu qua con đường trao đổi chất phức tạp. Triệu chứng của thiếu 1 trong 2 loại khoáng này tương tự nhau như bỏ ăn và gầy yếu, giảm sinh sản, xương và răng không bình thường dẫn đến dáng đi cứng đờ, xương giòn dễ gãy. Thiếu Ca và P ở gia súc non đang lớn dẫn tới xương không can xi hoá được bình thường làm sưng các đầu của xương và ống chân có thể làm chân cong lên gọi là bệnh còi xương. Thiếu Ca và P có thể ảnh hưởng tới tất cả gia súc, nhưng ở Bò thiếu P đặc biệt quan trọng, tính thèm ăn thay đổi dẫn tới thèm ăn nhai những vật lạ gây ra “chứng ăn dở”. Ở gà thiếu Ca, P gà còi cọc, xù lông, sũ cánh hay mổ cắn nhau. Gà con mới nở xương mềm, mỏ mềm, chân khuỳnh ra, ngón chân bị uốn cong, đầu xương, khớp xương sưng to, dẫn đến bại liệt và chết. Gà đẻ thì vỏ trứng mềm, mỏng hoặc không có vỏ, sau ngừng đẻ, …vv
Natri (Na): Có nhiều trong dịch thể và xương, thiếu Na có thể ảnh hưởng tới tất cả gia súc nhưng có ý nghĩa nhất là gia súc tiết sữa và gia súc làm việc quá sức ở nhiệt độ cao nên mất dịch thể và Na do ra nhiều mồ hôi. Triệu chứng đầu tiên ở Bò sữa là thèm ăn muối, biểu hiện liếm đất, gỗ và liếm lưng nhau, uống nước tiểu, tiếp theo là giảm ăn và giảm sản lượng sữa, gầy yếu nói chung. Gia súc cao sản có nguy cơ nhiều nhất bị thiếu Na, những gia súc này thiếu Na có thể gây chết.
Sắt (Fe): Đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu, nếu thiếu sắt thì cơ thể gia súc sẽ bị thiếu máu. Đặc biệt sắt là nguyên tố rất quan trọng đối với lợn con dưới 30 ngày tuổi, do sữa của lợn mẹ chứa rất ít sắt, vì thế cần bổ sung sắt đầy đủ nếu không lợn con sẽ thiếu máu.
Kẽm (Zn): Kẽm là thành phần của một số men quan trọng. Sự tích tụ của muối cacbonat phải nhờ vào tác dụng của các men này, do đó kẽm cũng ảnh hưởng đến quá trình hình thành xương, vỏ trứng. Chẳng hạn ở gà thiếu kẽm, gà sẽ chậm phát triển, ăn kém do tính thèm ăn giảm, lông mọc kém, da hoá sừng, xương chân mềm, dày lên và co ngắn lại. Ở gà đẻ thì tỉ lệ chết phôi cao, con nở sinh trưởng kém, lông mọc chậm.
Đồng (Cu): Cần cho quá trình tạo máu vì Cu là thành phần của một loại protein cú vai trò vận chuyển sắt trong cơ thể, nên thiếu Cu cũng có thể gặp phải tình trạng vật nuôi thiếu máu. Đồng thời Cu cũng có vai trò trong việc phát triển xương, sắc tố cho lông. Thực tế thiếu Cu hay gặp ở gia súc nhai lại, triệu chứng lâm sàng thường thấy là thiếu máu, chậm lớn, ỉa chảy mãn tính, xương giòn, truỵ tim sau khi vận động, mất sắc tố lông đặc biệt ở xung quanh mắt và lông phát triển thưa, dựng ngược. Đối với Dê, Cừu thiếu Cu khi có chửa sẽ đẻ con tổn thương, dị dạng cột sống.
Coban (Co): Loài gia súc nhai lại cần Co để tổng hợp Vitamin B12 trong dạ cỏ và Co dự trữ trong gan và thận. Nếu thiếu Co gây ra triệu chứng lâm sàng như bỏ ăn, gầy yếu, cuối cùng gia súc kiệt sức và chết.
Iốt: Cần cho hormon của tuyến giáp để điều khiển quá trình oxy hoá ở tế bào. Thiếu iốt gây thiểu năng tuyến giáp và làm giảm tỷ lệ trao đổi chất cơ bản cũng như các triệu chứng khác. Triệu chứng chủ yếu của thiếu iốt là bệnh bướu cổ (sưng tuyến giáp), những biểu hiện lâm sàng chủ yếu là tỷ lệ thai chết lưu cao và gia súc mới đẻ yếu, rụng lông toàn bộ hay từng phần và tuyến giáp sưng nhiều mức khác nhau. Động vật sống sót khỏi bệnh nhưng có thể bị bướu cổ từng phần và kéo dài.
 Một khó khăn lớn nhất để khồng chế hiện tượng thâm hụt và mất cân bằng về khoáng là quyết định xem bệnh thiếu khoáng có ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm hay không vì triệu chứng lâm sàng ít khi điển hình và tương tự triệu chứng lâm sàng của các bệnh gây gầy yếu khác. Vì thế để xác định và phòng chống sự thiếu hụt và mất cân bằng về khoáng cần phải có sự hỗ trợ của cán bộ thú y để thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết. Biện pháp duy nhất sau khi đó chẩn đoán là điều chỉnh khẩu phần và cho gia súc, gia cầm mắc bệnh uống những loại khoáng bị thiếu. Hiện nay có nhiều phương pháp khác nhau để khắc phục như bổ sung vào nguồn nước uống, đá liếm, trộn hỗn hợp khoáng tự do, cho uống thuốc hoặc tiêm. Cách làm phổ biến nhất là chế hỗn hợp các loại khoáng để cung cấp tự do, tăng khẩu vị đảm bảo cung cấp đủ lượng khoáng cho gia súc. Hiện có nhiều hỗn hợp khoáng như vậy trên thị trường và việc lựa chọn phụ thuộc vào chi phí và khả năng kiếm được, nhưng chú ý phải luôn có hướng dẫn chuyên môn của cán bộ thú y hoặc các nhà dinh dưỡng học.
 Thiếu hụt và mất cân bằng về khoáng không gây hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại lớn về kinh tế như những dịch bệnh khác, nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả trong chăn nuôi, nhất là đối với gia súc, gia cầm ở mức sản xuất cao hoặc nuôi nhốt và cho ăn. Người chăn nuôi cần hiểu biết rõ về tác dụng của khoáng để có biện pháp khắc phục hiệu quả, góp phần đem lại thành công trong chăn nuôi./.

Cao Tuấn - nguồn TSKN
Trung tâm khuyến nông Nghệ An

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
anh-nam-1.jpg Lon-ban-dia-Ho-Ong-Dieu-tai-huyen-Que-phong-2.jpg rau-thom-2.jpg a1-5.jpg a7-6.jpg a1-4.jpg a8-6.jpg a4.jpg a5-3.jpg a6-4.jpg a2-3.jpg a12-3.jpg Nam-Nghia-1.jpg a8-2.jpg a9-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây