Nhân rộng mô hình sinh kế các loài cây đặc sản, dược liệu gắn với bảo vệ rừng tự nhiên tại huyện Quế Phong
Chủ nhật - 11/09/2022 21:591.0460
Quế Phong là huyện có những loài cây đặc sản, dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế hàng hóa cao như các loài cây Lùng, Chè hoa vàng, Bon bo và Mét.
Cây Lùng tên khoa học là Bambusa longgispiculata được coi là “vàng xanh” của huyện, chỉ có phân bố rất hẹp tại một số vùng thuộc tỉnh Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An. Tại Nghệ An chỉ có một số vùng của 6 xã tại huyện Quỳ Châu và Quế Phong. Do đặc tính thân dẻo, lóng dài nên cây Lùng rất được ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao làm hàng mây tre đan xuất khẩu, tăm hương… mỗi ha Lùng hàng năm cho thu nhập trung bình khoảng 15- 20 triệu đồng, cao gấp 2-5 lần so với các cây gỗ khác như Keo. Cây Chè hoa vàng Quế Phong tên khoa học là Camellia Quephongensis Ninh et Hakoda thuộc Chi Trà (Camellia), họ Chè (Theaceae) là loài cây đặc hữu làm dược liệu, đồ uống chữa bệnh có giá trị rất cao (khoảng 4 triệu đồng/ kg hoa khô) sinh trưởng, phát triển trong rừng thứ sinh. Cây Bon bo tên khoa học là Alpinia blepharocalyx Kschum thuộc chi Riềng (Alpinia), họ Gừng (Zinggiberaceae) là loài cây dược liệu, sinh trưởng tốt dưới tán rừng tự nhiên nghèo, giữ đất, giữ nước, phòng hộ, mang lại giá trị thu nhập bình quân 8-10 triệu đồng/ ha/ năm. Cây Mét là loài cây LSNG thích hợp cho phát triển các loại sản phẩm ván ép, ván ghép thanh làm đồ nội thất cao cấp, xuất khẩu. Mét còn là cây phòng hộ, BVMT tốt, nhất là phòng hộ hồ đập thủy điện, chống xói lở ven sông, khe suối. Được sự tài trợ của Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ môi trường toàn cầu, Trung tâm tư vấn phát triển lâm nghiệp Nghệ An phối hợp với UBND huyện Quế Phong, UBND 2 xã Đồng văn, Thông Thụ thực hiện dự án “Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây Chè hoa vàng, cây Lùng, cây Mét và cây Bon bo nhằm giảm áp lực lên đa dạng sinh học (ĐDSH) và chức năng hệ sinh thái rừng tại các xã vùng đệm Đồng Văn, Thông Thụ, khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An”. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 01/2022 đến tháng 6/2024. Mục tiêu lâu dàicủa dự án là phát triển có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật và tổ chức sản xuất từ các loài cây Chè hoa vàng, Lùng, Mét và Bon bo để nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS, góp phần BVR, bảo tồn ĐDSH tại hai xã vùng đệm ưu tiên Đồng Văn, Thông Thụ huyện Quế Phong, khu DTSQ Tây Nghệ An. Trước mắt dự án cần đạt được 3 mục tiêu sau đây: - Nâng cao kiến thức năng lực phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS các xã Đồng Văn, Thông Thụ, huyện Quế Phong: Khoanh nuôi, bảo vệ, trồng bổ sung, khai thác bền vững rừng Lùng; Bảo tồn và phát triển, khai thác bền vững cây Chè hoa vàng Quế Phong gắn với BVR tự nhiên; Bảo tồn và phát triển khai thác bền vững cây Bon bo gắn với bảo vệ, làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt; Phát triển cây Mét tạo sinh kế và tăng khả năng phòng hộ cho khu vực ven hồ Thủy điện Hủa Na. - Nhân rộng thành công 5 loại mô hình sinh kế tại xã Đồng Văn, Thông Thụ: Khoanh nuôi bảo vệ, làm giàu, khai thác bền vững 1.494,3 ha rừng Lùng. Bảo tồn, phát triển, khai thác bền vững cây Chè hoa vàng Quế Phong gắn với BVR tự nhiên, diện tích 135,3 ha. Bảo tồn và phát triển cây Bon bo gắn với BVR, làm giàu rừng tự nhiên nghèo kiệt, diện tích 92,6 ha. Phát triển cây Mét diện tích 20 ha . Phát triển Quỹ vay vốn quay vòng. Số hộ tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án là 421 hộ. - Kết quả, kinh nghiệm về nhân rộng mô hình sinh kế bền vững của dự án từ các loài cây: Lùng, Chè hoa vàng, Mét, Bon bo và phát triển Quỹ vay vốn quay vòng phát triển sinh kế được sẻ chia trong cộng đồng, các bên liên quan, tư liệu hóa và đề xuất kiến nghị lên chính quyền các cấp, các sở ngành liên quan và đóng góp vào kết quả thành công chung của Dự án BR. Để đạt được mục tiêu trên, dự án có nhiều hoạt động như: Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ gia đình tham gia mô hình, cán bộ địa phương. Hỗ trợ cán bộ kỹ thuật tư vấn, chỉ đạo. Về Tài chính Dự án hỗ trợ kinh phí cho 421 hộ xây dựng các loại mô hình sinh kế cần nhân rộng phát triển, bao gồm hỗ trợ trực tiếp và thành lập Quỹ vay vốn quay vòng (thông qua Hội liên hiệp Phụ nữ 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ để thiết lập Quỹ vay vốn quay vòng phát triển sinh kế lâu dài cho cộng đồng). Tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, chia sẻ bài học kinh nghiệm và xây dựng các quy trình quy phạm, đề xuất kiến nghị chính sách để nhân rộng mô hình sinh kế. Dự án còn hỗ trợ công tác Quản lý như thành lập Ban giám sát cộng đồng, thành lập Tổ hợp tác để gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đầu ra cho người dân trên địa bàn; kết nối các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm…. Năm 2022, dự án bắt đầu triển khai các hoạt động như thành lập Ban điều hành, lựa chọn nhóm chuyên gia, tổ chức hội nghị khởi động dụ án, tập huấn kỹ thuật, ký kết hợp đồng hỗ trợ với các hộ gia đình, chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ gia đình nhân rộng các mô hình sinh kế. Nguyễn Thành Nhâm Trung tâm Tư vấn phát triển Lâm nghiệp Nghệ An, Trưởng Ban điều hành Dự án