Cây mét giúp thoát nghèo cho người dân vùng cao huyện Con Cuông
Thứ ba - 09/03/2021 21:573.8970
Trồng mét không những góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống sạt lở đất ven đồi núi, ven khe, sông suối, mà còn góp phần xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc vùng cao ở huyện Con Cuông.
Từ nhiều năm nay, nghề trồng rừng nói chung, trồng mét nói riêng đã gắn bỏ và trở thành cây thoát nghèo của người dân ở đây. Cây mét có ở huyện miền núi Con Cuông từ thời xa xưa. Nhưng nó được trồng manh mún, nhỏ lẻ đủ để dùng vào việc làm nhà, đan lát,v.v… Những năm gần đây cây mét trở thành cây hàng hóa quan trọng của bà con dân bản huyện Con Cuông do nhu cầu xây dựng ở thành phố, đan lát đồ thủ công mỹ nghệ của các làng nghề sản xuất đũa, tăm tre, mét,v.v… Từ đó cây mét ngày càng có giá trị và hiện tại huyện Con Cuông đã có trên 3.000ha cây mét được trồng thành nhiều vùng tập trung ở các xã Bồng Khê, Chi Khê, Châu Khê, Đôn Phục,v.v… Gia đình ông Khô Văn Mắn ở bản Bãi Gạo xã Châu Khê vui vẻ nói với chúng tôi: Gia đình có 3ha đất đồi trước đây chuyên trồng keo. Năm 2005 khi thấy cây mét được giá, gia đình quyết định không trồng cây keo nữa, mà chuyển sang trồng cây mét. Theo ông Mắn, trồng cây mét không khó, trồng một lần thu hoạch 30 – 40 năm hoặc hơn nữa, nếu biết chăm sóc tốt thì ngày nào cũng có thu nhập. Chính nhờ có 3ha cây mét mà gia đình anh có thu nhập ổn định, nhà cửa được sửa sang lại khang trang, có tiền mua sắm trong nhà, mua xe máy đi lại và có tiền phục vụ con cái học hành đầy đủ. Còn gia đình ông Lô Văn Tiếp ở bản Khe Rạn xã Bồng Khê, ông cho biết: Sau một thời gian san lấp, cải tạo đất, gia đình ông trồng được 7ha cây mét. Sau 5 năm trồng, cây mét đã cho gia đình ông thu nhập bình quân 22 triệu đồng/ha chặt bán tại chỗ. Theo ông Tiếp, mét là cây dễ trồng, lại cho thu hoạch quanh năm từ việc thu măng mét đến thu hoạch cả cây mét, công việc cứ thế mà cả nhà làm quanh năm không hết, có những lúc phải thuê thêm nhân công để giúp thu hoạch khi có khách hàng đặt mua với khối lượng lớn. Ông Lô Văn Tiếp cho biết thêm: Từ 7ha mét, do bảo quản và chăm sóc tốt, cứ 5 – 6 ngày khai thác từ 300 – 400 cây mét. Không những mét của nhà ông, ông Tiếp còn mở đại lý thu mua thêm cây mét của các hộ gia đình khác nữa. Mét nhà và mét thu mua về được bán cho các thương lái từ các huyện vùng xuôi trực tiếp lên mua hết, nhất là trong mùa xây dựng có bao nhiêu mét cũng bán hết. Nhờ có cây mét mà gia đình ông Tiếp từ một hộ cận nghèo, nay đã trở thành hộ giàu có nhất ở xã Bồng Khê hiện nay. Ông Nguyễn Mạnh Thắng – Chủ tịch UBND xã Bồng Khê cho biết: Đến thời điểm này, mét đã trở thành cây trồng chủ lực ở địa phương về phát triển kinh tế, về xóa đói giảm nghèo, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương, bởi cây mét đem lại hiệu quả kinh tế gấp 3 – 4 lần trồng cây keo. Nếu trồng keo phải mất 7 năm mới cho thu hoạch với sản lượng khoảng 90 tấn/ha, tương đương 60 triệu đồng trong thời gian 7 năm, trừ hết các chi phí đã đầu tư vào sản xuất, còn lại trên dưới 30 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng mét đến năm thứ 6 trở đi, mỗi năm trung bình cho thu nhập 20 triệu đồng/ha, trừ hết chi phí sản xuất, vẫn còn lãi ròng 12 – 13 triệu đồng/ha/năm. Theo bà Hà Thị Hợi – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Con Cuông cho biết: Những năm gần đây, UBND huyện Con Cuông đặc biệt coi trọng phát triển và mở rộng diện tích trồng cây mét trên quy mô lớn với mục tiêu xác định mét là cây trồng vừa góp phần xói lở đất, nhất là vùng ven sông suối, đồi vệ. Từ đó UBND huyện đã có nhiều chính sách khuyến khích các địa phương và bà con nông dân ở các xã trồng càng nhiều mét càng tốt, biến mét thành cây trồng hàng hóa lớn của huyện với thương hiệu “Mét Con Cuông” sẵn sàng cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. DOÃN TRÍ TUỆ Thành phố Vinh
Gia đình anh Lương Văn Bốn ở xã Lạng Khê (Con Cuông) thu hoạch bán cho khách hàng./. Doãn Trí Tuệ - nguồn TSKN