Tiết kiệm nước tưới từ bây giờ để phòng chống hạn

Chủ nhật - 04/02/2024 20:37 596 0
Theo thông báo của cơ quan khí tượng thế giới (WMO) và Trung tâm Khí tượng – Thuỷ văn Quốc gia cho biết, năm 2023 vừa qua là năm nắng nóng, hạn hán và nhiệt độ không khí cao nhất từ trước tới nay. Năm 2024 này dự báo cũng không thể tránh khỏi hiện tượng thời tiết diễn ra như năm vừa qua và còn có thể xẩy ra nghiêm trọng hơn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra. Vì vậy, không thể chủ quan lơ là công tác phòng chống hạn ngay từ bây giờ.
Tiết kiệm nước tưới từ bây giờ để phòng chống hạn
Không chủ quan với hạn hán:
Toàn tỉnh có 1.061 hồ đập, trong số này các doanh nghiệp thuỷ lợi quản lý 102 hồ, phần lớn là các hồ đập vừa và lớn. Số còn lại 959 hồ đập, hầu hết hồ đập nhỏ do các địa phương quản lý.
Về nguồn nước dự trữ có được trước khi bước vào sản xuất vụ xuân năm 2024 cho thấy:
Trong số 102 hồ đập vừa và lớn do các doanh nghiệp thuỷ lợi quản lý, cùng kỳ này vụ xuân 2023 có tới 99 hồ đập đầy nước và 3 hồ có dung lượng nước chứa trong hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế. Nhưng, vụ xuân 2024 này, hiện tại chỉ có 49 hồ đầy nước, chưa bằng 50% số hồ đập đầy nước trong vụ xuân 2023. Số hồ đập còn lại, có 26 hồ có dung lượng nước trong hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế và 22 hồ có dung lượng nước trong hồ đạt trên dưới 50% dung tích thiết kế. Riêng 959 hồ đập, đa phần là hồ đập nhỏ do các địa phương quản lý, có 431 hồ đầy nước, 351 hồ có dung lượng nước trong hồ đạt 70% dung tích thiết kế, số còn lại 177 hồ lượng nước trong hồ không nhiều.
Như vậy, có thể nói nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (SXNN) trong vụ xuân 2024 và sau đó là vụ hè thu – vụ mùa năm nay ở tỉnh ta không thể chủ quan là không có hạn hán xẩy ra. Trong khi đó, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng – Thuỷ văn Trung ương và của Đài khí tượng – Thuỷ văn vùng Bắc Trung Bộ cho biết: Cả mùa đông từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024, nhiệt độ không khí cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5 – 1,50C. Lượng mưa không nhiều, ẩm độ không khí thấp, lượng bốc hơi lớn, trời có nắng nhiều.
Thực tế hiện nay nguồn nước dự trữ trong các hồ đập không nhiều, nắng nóng xẩy ra sớm, nhiệt độ không khí cao, lượng bốc hơi lớn… thì khó tránh khỏi khả năng hạn hán sẽ xẩy ra vào cuối vụ xuân và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ hè thu, vụ mùa sau đó. Thế nhưng, việc chỉ đạo tiết kiệm nước tưới ngay từ đầu vụ sản xuất ở nhiều địa phương còn buông lỏng, cụ thể là:
Trong số 90.500 ha lúa xuân, sẽ có gần 60.000 ha lúa được gieo sạ ở hầu hết các địa phương, còn lại hơn 30.000 ha lúa được gieo mạ để cấy tập trung chủ yếu ở các huyện: Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu và một số ít ở các huyện khác.
Tất cả diện tích lúa trước khi gieo sạ đều được tháo hết nước trong ruộng để làm đất nhuyễn phẳng, sau đó tiến hành gieo. Lượng nước tháo ra khỏi ruộng trước khi gieo sạ, trung bình mỗi sào lúa (500 m2) mất đi ít nhất từ 125 – 150 m3 nước (1 ha mất đi 2.500 – 3.000 m3 nước). Hầu hết lượng nước trong ruộng tháo ra chảy trực tiếp xuống hệ thống các mương tiêu thoát nước, đáng ra nước phải được tiêu giữ lại trong các ao hồ, mương máng để tích nước phòng chống hạn khi cần thiết. Không những thế, việc quản lý nước, điều tiết nguồn nước, phân phối nước tưới từ nguồn nước tự chảy ở các hồ đập, sông suối về đến các cánh đồng còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng nhiều nơi tưới nước ngập tràn, tưới thừa nước, gây lãng phí nước, làm giảm lượng nước dự trữ đầu nguồn.
Thực hiện phòng chống hạn từ bây giờ:
Công việc phòng chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện nay cần được thực hiện bằng những việc làm thiết thực và cụ thể như sau:
Thứ nhất: Sử dụng nguồn nước tưới thật sự tiết kiệm, cho dù hiện tại nguồn nước tưới có trong các hồ đập, sông suối nhiều hay ít, nhưng việc sử dụng nước lấy từ các nguồn này ra phải có lịch trình cụ thể, tưới cho vùng nào, diện tích bao nhiêu ha, thời gian tưới từ ngày nào đến ngày nào… Trước khi tưới cần thông báo cho các tổ, đội thuỷ nông của các cơ sở sản xuất cùng bà con nông dân biết để túc trực lấy nước vào ruộng. Kiên quyết chống tình trạng tranh dành nhau lấy nước, đưa nước vào ruộng ngập tràn gây lãng phí nước, thậm chí đầu kênh thừa nước, cuối kênh không đủ nước tưới.
Thứ hai: Tích trữ nước ở mọi nơi, mọi lúc được càng nhiều càng tốt. Tất cả kênh mương tưới và tiêu nước phải được nạo vét thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ cỏ dại và các vật cản ở lòng kênh mương. Cuối các kênh mương phải đắp bờ chắn ngang để giữ nước lại, không để nước thừa chạy tự do như trước đây, nhất là nguồn nước tháo ra từ các cánh đồng lúa trước khi gieo sạ phải được giữ lại. Trên các ao hồ, đầm đìa, các vùng đất sâu trũng được trồng sen hoặc các cây trồng khác kết hợp nuôi thả cả tự nhiên phải đắp kín bờ giữ nước lại.
Thứ ba: Tất cả các xã, HTXNN cần củng cố và kiện toàn lại các tổ, đội chuyên trách thuỷ nông ở cơ sở sản xuất và có cơ chế chính sách trả thù lao hợp lý, thích đáng cho đội ngũ chuyên trách thuỷ nông trên cơ sở tuỳ theo diện tích tưới nước nhiều hay ít, số lượng, chất lượng và độ dài kênh mương; mức độ khó khăn trong quá trình đưa nước từ kênh chính về các kênh mương nhánh, kênh nội đồng và mức độ nắng nóng, hạn hán xẩy ra làm cho hoạt động của tổ, đội thuỷ nông gặp khó khăn và có thể phải lao động suốt ngày đêm để dẫn nước vào ruộng, đưa nước vào các kênh mương, ao hồ để dự trữ.
Thứ tư: Các đơn vị chuyên ngành cấp tỉnh, huyện, thành, thị tăng cường thông tin, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các tổ, đội chuyên trách thuỷ nông ở cơ sở và bà con nông dân về ứng dụng KHKT trong việc sử dụng nước tưới hợp lý cho tất cả các loại cây trồng nói chung, cây lúa nói riêng theo phương pháp nông – lộ - phơi để vừa tiết kiệm nước, vừa là biện pháp thâm canh lúa có năng suất và hiệu quả cao.
Thứ năm: Thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Báo Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình, bản tin Khí tượng – Thuỷ văn của Đài Khí tượng – Thuỷ văn vùng Bắc Trung Bộ… để nắm tình hình diễn biến khí hậu thời tiết trong ngày, trong tuần và dự báo cả tháng, Từ đó, có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đồng thời thông qua đài, báo để tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở sản xuất và bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, kỹ thuật sử dụng nước tưới hợp lý, khoa học, tiết kiệm và hiệu quả.
Doãn Hạnh Lâm - Nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
image-20240813150406-1-6.png a23-1.jpg a24-2.jpg a25-4.jpg a11-3.jpg a26-4.jpg a12-6.jpg h1-5.jpg h4-9.jpg h2-6.jpg h8-12.jpg h7-1.jpg h3-13.jpg h1 h2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây