Làm gì để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hiện nay ở Nghệ An
Thứ năm - 01/02/2024 20:499910
Do tác động của biến đổi khí hậu, giá cả vật tư đầu vào tăng, nguồn nhân lực thiếu hụt – già hóa, dịch bệnh diễn biến phức tạp,…đã làm cho sản xuất lúa vốn hiệu quả không cao lại càng thêm khó khăn. Thời gian gần đây giá Lúa – gạo có xu hướng ngày càng tăng có lợi cho người sản xuất. Tận dụng cơ hội này cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cho bà con nông dân.
1: Sử dụng đất trồng lúa: Trên cơ sở quy hoạch đất trồng lúa được UBND tỉnh phê duyệt cho các địa phương. Các địa phương cần rà soát kỹ để xác định đưa vào kế hoạch sản xuất hàng vụ cho phù hợp với thực tế từng địa phương theo hướng: Chỉ sản xuất Lúa ở những vùng bảo đảm an toàn, có hiệu quả, nhất là trong vụ Hè thu – Mùa, chuyển đổi những diện tích lúa không có khả năng tưới, kém hiệu quả sang trồng những cây màu khác, những vùng hay ngập lụt, sản xuất bấp bênh thì chủ động đưa vào kế hoạch không sản xuất để có hướng nghiên cứu dần sang sản xuất những thứ khác thay thế lúa.Theo kế hoạch hàng năm tổng diện tích sản xuất lúa của tỉnh (vụ Xuân khoảng 90 - 91.000ha, vụ hè thu – mùa khoảng 81 - 85.000ha). 2: Dồn điền đổi thửa, tập trung - tích tụ ruộng đất: - Công tác dồn điền đổi thửa theo chỉ thị 08 ngày 08/5/2012 của ban thường vụ tỉnh ủy “về đẩy mạnh cuộc vận động nông dân “dồn điền, đổi thửa” và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp” đã đạt được nhiều kết quả, số ruộng của mỗi hộ dân ít hơn, diện tích lớn hơn, bờ vùng bờ thửa cũng rộng hơn. Tuy nhiên, thực tế các thửa ruộng hiện nay vẫn còn nhỏ, chưa đủ lớn cho việc áp dụng cơ giới hóa làm đất, gặt, cấy,…Vì vậy cần phải được nghiên cứu thêm để có chủ trương mới về dồn điền đổi thửa lần nữa cho ruộng to hơi, một gia đình ít đám ruộng hơn để đầu tư sản xuất lâu dài (nếu làm được rất có lợi cho việc cơ giới hóa làm đất, thu hoạch, cấy, phun thuốc bằng máy bay không người lái,…nhất là khâu thu hoạch ít bị rơi rụng hơn do máy gặt phải quay đầu nhiều ở góc ruộng). Cánh đồng sản xuất lớn ở Quỳnh Lưu
- Hiện nay một số địa phương đã ban hành kế hoạch tập trung - tích tụ ruộng đất, công tác này cần phải được đẩy mạnh trong thời gian tới, nhất là việc khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, người dân,…thuê lại ruộng để có vùng sản xuất đủ lớn cho việc áp dụng đồng bộ cơ giới hóa nâng cao hiệu quả sản xuất. - Cần nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách tập trung ruộng đất tại Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh đủ mạnh để thực hiện. 3: Đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi, ứng dụng cơ giới hóa. - Lúa là cây trồng có nhu cầu nước rất cao, nếu không có nước hoặc thiếu nước đều ảnh hưởng đến gieo cấy, sinh trưởng, năng suất và chất lượng. Trong sản xuất lúa có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Vì vậy muốn sản xuất lúa có hiệu quả cho năng xuất cao, chất lượng tốt cần phải có hệ thống thủy lợi “hồ, đập chứa nước, trạm bơm, mương máng,...” đủ nước để tưới cho lúa theo nhu cầu từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Đồng thời cũng tiến tới phải tiêu úng được khi mưa to ngập đồng nhất là giai đoạn lúa trỗ đến chín. Hiện nay Nghệ an có trên 1.061 hồ chứa cần phải được đánh giá tổng thể để nâng cấp, tu bổ; Hệ thống Thủy lợi Bắc cơ bản đã hoàn thành phát huy hiệu quả, nhà nước cần bố trí vốn tiếp tục cho cải tạo nâng cấp hệ thống Thủy lợi Nam phục vụ tưới cho các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc,...); Bố trí nâng cấp các trạm bơm dọc Sông Lam nhất là các huyện Đô Lương, Thanh Chương,... Hệ thống giao thông, tưới phục vụ sản xuất Lúa - Nâng cấp các trục đường lớn ra đồng, bờ vùng, bờ ruộng đủ rộng để thuận lợi cho các máy (cày, gặt, kéo,…) ra đồng thuận lợi; Tu bổ các bờ thửa to và chắt chắn đảm bảo dễ đi lại chăm sóc lúa và ngăn giữ nước tốt cho từng ruộng. - Đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa như: làm đất, gieo – cấy, thu hoạch, vận chuyển, phun thuốc bằng máy bay không người lái, hệ thống sấy,…nhằm tăng năng xuất lao động đặc biệt trong xu thế lực lượng lao động trẻ hiện đang dịch chuyển sang các ngành nghề khác,… Việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông - thủy lợi, cơ giới hóa cần phải có nguồn kinh phí lớn, tuy nhiên Nhà nước và người dân phải dành nguồn lực nhất định từ nhiều nguồn khác nhau để đầu tư từng bước, từng khâu theo hướng đồng bộ (ưu tiên công trình trọng điểm làm trước tiến tới đồng bộ các hạng mục công trình trên toàn cánh đồng sản xuất lúa).
4: Bố trí thời vụ, cơ cấu giống, quy trình canh tác: - Các địa phương cần có tổng kết sát với đặc điểm địa phương về từng chân đất, năng lực người dân, nhu cầu sản xuất, đặc tính thích ứng của các loại giống, diễn biến thời tiết, tình hình dịch hại,…trong thời gian qua để lựa chọn bộ giống thích hợp với địa phương, bố trí lịch thời vụ một cách hợp lý nhằm né tránh, giảm thiệt hại do thiên tai (Vụ xuân nên bố trí để lúa trỗ xung quanh tiết cốc vũ 20/4; Vụ Hè thu chạy lụt phải gieo cấy sớm để thu hoạch trước 30/8, hè thu thâm canh thu hoạch trước 15/9). - Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh giống lúa vào tỉnh làm các mô hình trình diễn từ đó đánh giá, lựa chọn ra bộ giống phù hợp với điều kiện Nghệ An theo hướng chọn giống có tính thích ứng rộng, lúa có chất lượng, giống nhiễm bệnh nhẹ hoặc kháng một số sâu bệnh hại và loại bỏ những giống nhiễm nặng sâu bệnh ra khỏi cơ cấu,…Lựa chọn bố trí giống phù hợp với từng vùng của các địa phương theo hướng mỗi cách đồng chỉ sử dụng 1vài giống để dễ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại; Mô hình trình diễn giống Lúa mới - Đẩy mạnh sản xuất lúa theo các quy trình canh tác lúa tiên tiến như: SRI, IPM, 3 giảm 3 tăng,…“ứng dụng toàn phần hoặc từng phần” để bà con nông dân thực hiện càng nhiều càng tốt, chú trọng (thực hiện cấy mạ non, cấy thưa, gieo thưa, tăng sử dụng phân hữu cơ, vôi bột, bón cân đối N -P -K, điều tiết nước hợp lý, hạn chế phun thuốc cỏ,…) để giảm chi phí đầu vào, hạn chế sâu bệnh, tăng hiệu quả sản xuất. 5: Kiểm soát phòng trừ dịch hại: Đối với sản xuất Lúa thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều đối tượng dịch hại như: Chuột, Ốc bươu vàng, bệnh đạo ôn, khô vằn, lem lép hạt, bạc lá, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, nhện ghé,... Vì vậy cần phải thực hiện nhiều biện pháp song hành để kiểm soát và hạn chế tác hại đó là: Đánh giá lựa chọn bộ giống Lúa đưa vào cơ cấu theo hướng nhiễm sâu - bệnh nhẹ hoặc có tính kháng bệnh, loại bỏ ra khỏi cơ cấu những giống nhiễm sâu bệnh nặng; Ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến như SRI, IPM, 3 giảm 3 tăng,...; Cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện làm tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo dịch hại một cách kịp thời, chính xác để cảnh báo cho người dân biết từ đó có hướng dẫn biện pháp phòng trừ sớm có hiệu quả cho người dân thực hiện; Tăng cường năng lực về chuyên môn trồng trọt và BVTV cho cán bộ cấp xã, xóm, thôn, bản,…để họ nắm bắt và phản ánh kịp thời cho cán bộ chuyên môn cấp huyện biết; Nâng cao nhận thức và khả năng sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng cho người dân khi phải phòng trừ dịch hại để vừa phòng trừ hiệu quả vừa hạn chế tác hại đến môi trường. 6: Đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tạo thương hiệu sản phẩm: - Thực tế cho thấy những vùng có sự liên kết sản xuất cùng với Hợp tác xã, các doanh nghiệp,…như sản xuất giống, bao tiêu sản phẩm để chế biến gạo,…rất có hiệu quả vì người dân sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, làm cùng một loại giống, sử dụng giống có chất lượng, được kiểm soát sâu bệnh thường xuyên và được thu mua sản phẩm với giá cao hơn nên sản xuất có hiệu quả hơn. Vì vậy các địa phương cần chủ động thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư; Nâng cao vai trò hoạt động của các HTX kiểu mới giúp bà con khâu nối, kết nối với doanh nghiệp; - Phát huy tốt các làng nghề chế biến sản phẩm từ gạo như: Làm bánh đa, Bún, Bánh mướt, Xôi, chế biến thức ăn chăn nuôi,…để tăng nhu cầu sử dụng Lúa tại chỗ kích thích bà con nông dân sản xuất. - Tỉnh có chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh để sản xuất Lúa với quy mô lớn, xây dựng các nhà máy chế biến gạo, sản xuất giống, kết nối tiêu thụ sản phẩm,…tạo thương hiệu gạo của Nghệ An nói chung và từng loại gạo đặc sản nói riêng để tăng cung ứng ra thị trường tiêu thụ đáp ứng nhu cầu chất lượng ngày càng tăng của người tiêu dùng (giảm dần việc người dân sống khu vực đô thị phải mua gạo nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao). 7. Công tác chỉ đạo, khuyến nông, cơ chế chính sách: - Tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp nhất là vai trò chỉ đạo của cấp cơ sở “khối, xóm, thôn, bản, xã ” để chỉ đạo bà con nông dân sản xuất đúng kế hoạch đề ra, đúng định hướng, đúng quy trình kỹ thuật, đúng thời vụ, phòng trừ dịch hại tốt,…có như vậy sản xuất mới có hiệu quả hạn chế việc bỏ ruộng không sản xuất, sản xuất chỉ một vụ. - Tăng cường công tác khuyến nông: Xây dựng các mô hình sản xuất lớn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất lúa, nâng cao năng lực cho cán bộ làm nông nghiệp ở cơ sở và bà con nông dân để họ chủ động sản xuất. - Ngoài những chính sách của Trung ương, Tỉnh,…hiện hành. Ngành nông nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát để có đề xuất với HĐND tỉnh ban hành chính sách mới thay cho các chính sách tại Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh phù hợp với thực tiễn sản xuất, có tính ổn định và đột phá để kích cầu người sản xuất, các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lúa – gạo trên địa bàn tỉnh./. Nguyễn Đình Hương - nguồn TSKN