Hướng mới trong sản xuất chè hữu cơ Nghệ An

Chủ nhật - 18/08/2024 21:12 174 0
Hướng mới trong sản xuất chè hữu cơ Nghệ An

Mô hình canh tác chè hữu cơ

 
 Mô hình trồng chè hữu cơ ở Bình Sơn (Anh Sơn) được triển khai từ năm 2022 đến nay. Ảnh: T.P
Mô hình trồng chè hữu cơ ở xã Bình Sơn (Anh Sơn) được triển khai từ năm 2022 đến nay. Ảnh: T.P

Cây chè là nguồn thu nhập chính của gia đình chị Bùi Thị Tâm ở xóm Tân Hợp, xã Bình Sơn (Anh Sơn). Mấy năm nay, giá chè bấp bênh khiến việc đầu tư cho cây chè cũng bị hạn chế thêm. Mặt khác, do trước đây, thâm canh cây chè không đúng kỹ thuật, chạy đua với năng suất, sản lượng nên việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật là không tránh khỏi.

Điều này khiến đất trồng chè bị chai cứng, mất đi độ tơi xốp, mùn nên cây chè giảm dần năng suất; bên cạnh đó, chất lượng chè cũng bị ảnh hưởng nên giá chè búp không cao. Bắt đầu từ năm 2022, được hưởng lợi từ Dự án Khuyến nông Quốc gia, gia đình chị Tâm chuyển hướng thâm canh cây chè theo mô hình sản xuất hữu cơ. Theo đó, 1,5 ha chè được chuyển sang áp dụng canh tác theo mô hình hữu cơ.

Doanh nghiệp khảo sát, đánh giá chất lượng chè hữu cơ Bình Sơn. Ảnh: T.P
Doanh nghiệp khảo sát, đánh giá chất lượng chè hữu cơ ở xã Bình Sơn. Ảnh: T.P

Chị Tâm cho biết: “Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn quy trình kỹ thuật, được hỗ trợ vật tư, phân bón, được liên kết bao tiêu sản phẩm. Sau gần 3 năm thực hiện, cái được lớn nhất mà tôi nhận thấy là hình thành được vùng sản xuất sạch, an toàn, chất lượng”.

Dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất chè hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại Nghệ An giai đoạn 2022 2024” với quy mô 10 ha với sự tham gia của 10 hộ dân tại xã Bình Sơn (Anh Sơn) từ nguồn kinh phí của Dự án Khuyến nông Quốc gia.
Sau 3 năm thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất chè hữu cơ từ các khâu chăm sóc thâm canh; bón phân cân đối về dinh dưỡng, bón đúng cách, đúng thời điểm... Đặc biệt, mô hình hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh kết hợp kiểm soát tốt sâu bệnh bằng thuốc sinh học… nên toàn bộ diện tích chè của mô hình sinh trưởng tốt, ít bị sâu bệnh hại, đất tơi xốp, búp ra đều, năng suất bình quân đạt 1,5-2,5 tấn/ha/lứa.

Canh tác chè hữu cơ đòi hỏi chi phí đầu tư lớn hơn, công phu hơn so với canh tác thông thường. Ảnh: T.P
Canh tác chè hữu cơ đòi hỏi chi phí đầu tư lớn hơn, công phu hơn so với canh tác thông thường. Ảnh: T.P

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hữu - cán bộ khuyến nông tỉnh, trực tiếp phụ trách dự án chè hữu cơ ở xã Bình Sơn cho biết: “Thực tế cho thấy, nếu tuân thủ đúng quy trình sản xuất hữu cơ và kiên trì theo đuổi thì sang lứa thứ 3, năng suất, sản lượng chè hữu cơ không thua kém chè canh tác thông thường. Trong khi đó, ở các tỉnh, thành khác, chè hữu cơ có giá trị cao hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng. Điều quan trọng nhất là chè búp chủ yếu là xuất khẩu, muốn tăng giá trị xuất khẩu thì phải có sản phẩm sạch, an toàn, không tồn dư chất hóa học, chuyển hướng canh tác sang sản xuất hữu cơ là tất yếu”.

Hiện toàn tỉnh có trên 8.300 ha trồng chè và là tỉnh có diện tích chè phát triển lớn thứ 3 cả nước với sản lượng chè búp tươi gần 80.000 tấn/năm. Tuy nhiên, diện tích chè VietGAP chỉ có 48 ha và diện tích chè theo hữu cơ chỉ có khoảng 20 ha đã được công nhận. Giá trị cây chè thấp thua so với các địa phương trồng chè trong cả nước. Nếu như, giá chè búp của Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng lên đến 15.000 - 20.000 đồng/kg chè búp tươi; các tỉnh khác 8.000 - 10.000 đồng/kg thì ở Nghệ An giá chè búp cao nhất cũng chỉ đạt 6.000 đồng/kg, có thời điểm chỉ còn 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Để không dừng lại ở mô hình

Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở Nghệ An. Ảnh: T.P
Cây chè được xác định là cây trồng chủ lực ở Nghệ An. Ảnh: T.P

Xác định tầm quan trọng của cây chè, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4288/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 phê duyệt Đề án "Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030"; Quyết định số 3108/QĐ-UBND ngày 11/10/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030, diện tích chè ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn hữu cơ... đạt 8.500 ha, chiếm 70,8% diện tích trồng chè công nghiệp toàn tỉnh.

Mục tiêu đặt ra là vậy, song trên thực tế, việc sản xuất chè hữu cơ đang gặp phải những vướng mắc, khó khăn nhất định. Trước hết, sản xuất chè hữu cơ yêu cầu khắt khe, thời gian để chuyển đổi và cải tạo hệ sinh thái dài, chi phí đầu tư công lao động lớn; Các hộ tham gia nhận thức còn hạn chế, băn khoăn về thay đổi thói quen sản xuất, chưa quen với cách ghi chép nhật ký truy nguyên nguồn gốc, quản lý và lựa chọn vật tư đầu vào,... dẫn đến việc một số mục ghi chép hồ sơ chưa cẩn thận, chi tiết, cập nhật kịp thời thông tin vào sổ.

 Thu hoạch chè hữu cơ phải hái bằng tay mới đảm bảo chất lượng. Ảnh: T.P
Thu hoạch chè hữu cơ phải hái bằng tay mới đảm bảo chất lượng. Ảnh: T.P

Các loại vật tư đầu vào được phép dùng trong sản xuất chè hữu cơ như các loại phân bón lá sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc chưa phổ biến trên thị trường, giá cả cao hơn nhiều so với vật tư có nguồn gốc hóa học. Đặc biệt, chè hữu cơ là chè chất lượng cao đòi hỏi phải thu hái chè bằng thủ công (bằng tay). Trong khi đó, thị trường tiêu thụ chè hữu cơ chưa nhiều, giá cả chưa ổn định…

“Thực tế, canh tác hữu cơ chi phí tăng, ngày công nhiều nhưng năng suất giảm khoảng 30% so với chè truyền thống, chất lượng chè chắc chắn ngon hơn, sạch tuyệt đối, nhưng đầu ra cho sản phẩm chè hữu cơ vẫn bị đánh đồng, thậm chí không bằng chè truyền thống do mẫu mã xấu hơn”, chị Tâm trăn trở.

 Chè hữu cơ đảm bảo các tiêu chí khắt khe. Ảnh: T.P
Chè hữu cơ đảm bảo các tiêu chí khắt khe. Ảnh: T.P

Để sản xuất chè hữu cơ không dừng lại ở những mô hình thí điểm thì trước hết, phải đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức, tư duy người trồng chè.

Thứ hai, có chính sách hỗ trợ những diện tích chuyển đổi sang canh tác chè hữu cơ, đồng thời, hướng dẫn người dân tự sản xuất ra các chế phẩm sinh học, thảo dược, phân bón hữu cơ bằng phụ phẩm nông nghiệp, bằng nguyên liệu sẵn có tại địa phương để tiết kiệm chi phí sản xuất.

Và quan trọng nhất, đó là phải liên kết sản xuất theo chuỗi, hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất chè hữu cơ để ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu chè búp cho bà con với giá cao hơn 2-3 lần so với chè thông thường.

Canh tác hữu cơ là xu hướng tất yếu song việc chuyển đổi gặp không ít khó khăn. Ảnh: T.P
Canh tác chè hữu cơ là xu hướng tất yếu song việc chuyển đổi gặp không ít khó khăn. Ảnh: T.P

Để chuyển đổi sản xuất chè hữu cơ đã là một quá trình khó khăn, nhưng để duy trì được những diện tích chè hữu cơ này thì phải có thị trường tiêu thụ sản phẩm mới bền vững.

Do đó, bên cạnh mở rộng diện tích chè hữu cơ thì cần quan tâm đến việc khuyến khích các doanh nghiệp chè đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu sạch, an toàn; Thu hút đầu tư các nhà máy chế biến sản phẩm cao cấp từ chè hữu cơ như: Nước giải khát đóng chai chè xanh, chè xanh hòa tan, tinh dầu chiết xuất từ chè xanh... Ngoài ra, việc xây dựng thương hiệu chè Nghệ An để tăng năng lực cạnh tranh và giá trị xuất khẩu cũng rất cần thiết.

Thanh Phúc • 05/08/2024 10:03 - Nguồn baonghean.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
h2-6.jpg h8-12.jpg h7-1.jpg h3-13.jpg h1-5.jpg h4-9.jpg h2 h3-6.jpg h4-2.jpg h1 h1.jpg h4.jpg h16.jpg h6.jpg h17-1.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây