Kết quả bước đầu mô hình trồng thâm canh cam đảm bảo an toàn VSTP ở Nghệ An
Thứ năm - 12/12/2019 21:598060
Nghệ An là tỉnh có diện tích cây ăn quả có múi lớn nhất trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, việc sản xuất trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, các giống cây ăn quả có múi hiện nay đạt năng suất khá nhưng chất lượng chưa cao, tình trạng suy thoái vườn cam đang diễn ra, chu kỳ khai thác rút ngắn, một số cây cam mới bắt đầu cho thu hoạch đã phải phá bỏ,...
Có nhiều nguyên nhân như: Cây có múi đòi hỏi rất khắt khe về điều kiện đất đai, yêu cầu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, ... Bên cạnh đó, trồng cam theo hướng tự phát tràn lan, chưa kiểm soát được chất lượng cây giống, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới của người dân còn hạn chế, việc lạm dụng phân bón hoá học, thuốc BVTV đặc biệt là thuốc trừ cỏ phổ rộng tràn lan đã làm ảnh hưởng tới môi trường đất, nước, sức khoẻ con người,... chất lượng quả thấp, sâu bệnh đang gây hại nặng nề tại nhiều vườn cam nhất là bệnh Greening, bệnh vàng lá thối rể, bệnh loét, bệnh sẹo, bệnh chảy gôm, bệnh đốm dầu, muội đen,... Ước tính hàng năm nhiễm trên 10.000ha.
Tham quan mô hình cam đảm bảo VSATTP tại xã Đỉnh Sơn Anh Sơn
Những năm gần đây diện tích cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Nghệ An không ngừng tăng nhanh, nhất là diện tích cây cam. Năm 2015 diện tích cây có múi đạt 6.072 ha, cây cam trên 3.542 ha, trong đó diện tích kinh doanh đang cho thu hoạch 2.039 ha, đạt sản lượng 28.588 tấn/năm, đến năm 2018 diện tích cây có múi đạt 10.614 ha, trong đó diện tích cam 6.156 ha/5.150 ha vượt 1.006 ha so với quy hoạch 2020 và diện tích cam kinh doanh đạt 3.050 ha, chiếm 50 % diện tích cam hiện có. Trong đó diện tích cam trồng tập trung lớn nhất ở huyện Quỳ Hợp, tiếp đến Nghĩa Đàn, Con Cuông và sau đó có sức lan toả rộng. Xuất phát từ những thực trạng trên, tỉnh Nghệ An đã ban hành một số chủ trương, chính sách, cơ chế để phát triển cây có múi nhằm giúp người nông dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng cam, nâng cao năng suất, chất lượng quả, giảm tác động tới môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cam. Được sự quan tâm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm khuyến nông Nghệ An tổ chức triển khai dự án Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn với chuỗi giá trị tại các tỉnh Miền Trung giai đoạn 2017-2019, vơí quy mô 10 ha, 11 hộ tham gia, Giống cam Xã Đoài và cam CS1, tại Thôn 19/5, thôn Hòa Tiến - xã Đỉnh Sơn - huyện Anh Sơn và xóm Đồng Trung, xóm Đồng Trổ - xã Đồng Thành - huyện Yên Thành. Mô hình được thực hiện từ năm 2017- 2019, tổng kinh phí 1.174.800.000 đồng ( Nhà nước hỗ trợ: 807.900.000 đồng, dân góp: 366.900.000 đồng). Trong quá trình thực hiện đã nhận được sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ giữa Phòng Nông nghiệp các huyện và chính quyền địa phương các xã trong công tác chọn điểm, chọn hộ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đặc biệt được cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên xuống kiểm tra, hướng dẫn các hộ xử lý, phun thuốc phòng trừ kịp thời ngay từ khi sâu bệnh mới phát sinh nên không ảnh hưởng nhiều tới sinh trưởng, phát triển của cây cam. Đồng thời, được người dân có cùng sở thích, niềm đam mê, tâm huyết, có kinh nghiệm với nghề trồng cam, đủ điều kiện kinh tế để thực hiện đối ứng vật tư theo yêu cầu của mô hình. Do đó, kết quả sau hơn 2 năm trồng, cây có đường kính gốc tăng từ 1,0 lên từ 4 - 5 cm, chỉ tiêu sinh trưởng về chiều cao đạt từ 1,7 - 2,2 m, đường kính tán cây khoảng 1,0 - 1,2 m, tốc độ tăng trưởng của cây đảm bảo theo yêu cầu của cây giống. Cây đã có 5 - 6 cấp cành, lá xanh đậm, sinh trưởng phát triển khỏe, tỷ lệ sống đạt 100%. Hiện nay, các hộ dân đã tạo hình cho cây có bộ khung tán hợp lý, tạo tiền đề tốt để cây cho năng suất và năng suất bền vững sau này. Tuy nhiên, trên cây cam có rất nhiều loại sâu bệnh hại, nhưng mức độ gây hại có khác nhau, phụ thuộc một phần vào giống, kỹ thuật chăm sóc và mùa vụ. Sau hơn 2 năm trồng, có xuất hiện sâu vẽ bùa và nhện đỏ gây hại, bệnh ghẻ, loét là chủ yếu. Tỷ lệ bị sâu bệnh gây hại như: sâu vẽ bùa chiếm 20-30% và nhện đỏ 15-20 %, bệnh ghẻ, loét khoảng 25-35% trên tổng số cây trồng ở 2 huyện triển khai mô hình, ngoài ra còn bị nhiễm rầy, rệp nhưng mức độ gây hại nhẹ không đáng kể. Đặc biệt là cây cam không xuất hiện bệnh vàng lá thối rễ, bệnh Greening, vì trước khi đưa vào trồng đã lựa chọn cây khỏe mạnh, sạch sâu bệnh. Mô hình triển khai, đã giúp người dân nắm vững quy trình kỹ thuật trồng cam, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khai thác hết tiềm năng, lợi thế phát triển cây cam, hình thành được các vùng sản xuất cam an toàn quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước đưa nghề sản xuất cam tại các vùng quy hạch trở thành nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% về giống, 50 % chi phí phân bón, thuốc BVTV trong 3 năm, giúp nông dân có cách nhìn mới trong việc trồng cam theo kỹ thuật mới, từng bước tăng năng suất, chất lượng quả cam, tạo việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, tăng thêm thu nhập cho hộ dân, nhằm giúp người dân nhận thức được tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, từ đó mạnh dạn áp dụng TBKT mới để vừa giảm chi phí đầu tư, công lao động, vừa làm giảm ảnh hưởng tới môi trường, đất, nước, không khí, … tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần phát triển thương hiệu cam Vinh tiến tới xuất khẩu sang các nước khác. Vậy nên, việc áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tạo nên vùng sản xuất sạch. Mô hình đã đem lại hướng đi mới, phương thức sản mới theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng nhưng chi phí đầu tư ít hơn mà hiệu quả kinh tế cao hơn. Mặt khác, mô hình thành công là nơi tham quan, học hỏi kinh nghiệm cho các hộ trồng cam trong và ngoài mô hình, ở những vùng lân cận để nhân ra diện rộng.