Hiệu quả từ mô hình thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Nghệ An là vùng sản xuất cây ăn quả có múi truyền thống ở Miền Bắc nước ta, là một trong những tỉnh có diện tích trồng cam lớn nhất cả nước. Tính đến năm 2018 tổng diện tích cam đạt 6.156 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 3.050 ha, năng suất bình quân 15,57 tấn/ha, sản lượng cam đạt 47.450 tấn/năm. Cam được trồng tập trung tại các huyện như: Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Yên Thành. Thanh Chương.
Cây cam là loại cây trồng mang lại thu nhập lớn và làm giàu cho nhiều hộ gia đình, tuy nhiên là cây đòi hỏi rất khắt khe về điều kiện đất đai, kỹ thuật trồng, kỹ thuật chăm sóc, cây lại bị nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại. Việc phát triển cây cam một số vùng trong tỉnh còn mang tính tự phát, nhiều hộ dân thấy lợi đã theo nhau trồng mà không theo quy hoạch, chưa am hiểu về đặc tính cây trồng và chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, cây cam mới sang năm thứ 3 chưa có bộ khung tán đầy đủ và cân đối đã đưa vào kinh doanh do vậy đã thất bại nặng nề. Nhiều vườn cam mới bước vào năm thứ 6,7 là thời kỳ kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất nhưng đã phải chặt bỏ, trong đó phải nói đến huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn là vùng nổi tiếng trồng cam Vinh trong những năm gần đây đã có nhiều gia đình lao đao vì trồng cam.
Thanh Chương và Yên Thành là các huyện mới phát triển hình thành các vùng trồng cam tập trung với quy mô lớn và có rất nhiều triển vọng. UBND các huyện đã chủ động xây dựng đề án phát triển các cây trồng chủ lực của huyện, trong đó nhấn mạnh phát triển cây cam là một trong những lợi thế của các huyện. Sản phẩm cam trồng trên đất tại các huyện có chất lượng thơm ngon, có hương vị đặc trưng riêng. Tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu mở rộng rộng chỉ dẫn địa lý “Vinh” cho sản phẩm quả cam, trong đó xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương và xã Đồng Thành, huyện Yên Thành là 2 trong 12 xã thuộc 5 huyện có chỉ dẫn địa lý.
Để giúp cho người nông dân nắm chắc các tiến bộ kỹ thuật trong chăm sóc cam mang lại hiệu quả cao, sản xuất bền vững phát huy lợi thế xây dựng tốt thương hiệu cam “ Vinh” tại các vùng mới. Trung tâm khuyến nông Nghệ An tiếp tục thực hiện dự án “Xây dựng mô hình và chuyển giao quy trình sản xuất cam, bưởi an toàn gắn chuỗi giá trị” tại tỉnh Nghệ An với nội dung “Xây dựng mô hình thâm canh cam đảm bảo an toàn VSTP” tại 2 điểm: xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành và xóm 10, xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương với quy mô 06 ha cam và 06 hộ tham gia.
Mô hình thực hiện đồng bộ các khâu kỹ thuật chăm sóc trên cây cam 4 và 5 tuổi, trong đó chú ý đến cắt tỉa cành thông thoáng tán, bón phân hữu cơ và Trico bổ sung nấm đối kháng vào đất nên đã hạn chế nấm gây hại cây và rụng quả. Bên cạnh đó cân đối các loại phân bón vô cơ và bón đúng thời điểm, theo dõi tình hình sâu bệnh hại và có biện pháp phòng trừ kịp thời nên chi phí phun thuốc thấp, hạn chế ảnh hưởng môi trường, tuân thủ cách ly việc sử dụng phân bón và thuốc BVTV tạo sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra tại điểm Yên Thành còn sử dụng các loại phân bón vi lượng hỗ trợ ra hoa tập trung, hạn chế rụng quả sinh lý và bổ sung kaly hữu cơ tăng chất lượng quả. …đã mang lại hiệu quả cao.
Kết quả từ mô hình: Cây sinh trưởng phát triển tốt, cây cam năm thứ 5 có chiều cao đạt 3,2- 4,5m, bộ tán rộng thoáng đường kính tán đạt 3,5-5,5m, cây năm thứ 4 đạt chiều cao từ 3,1- 3,2m, đường kính tán cây bình quân 3m. Bộ lá xum xuê, phiến lá dày, lộc xuân, hè, thu ra đều, hạn chế lộc đông. Tại 2 điểm triển khai mô hình tỷ lệ đậu quả và khả năng giữ quả trên cây đến thời kỳ thu hoạch đạt cao hơn đại trà, quả cam phát triển đồng đều, mẫu mã quả đẹp, Đặc biệt tại điểm Yên Thành cây cam năm thứ 5 số quả trên cây đạt 180-200 quả/cây, năng suất cam trong mô hình đạt 19 tấn, cao hơn đại trà trên 30 %, sản phẩm cam tại vườn bán được giá, trung bình đạt 32.000 đồng/kg, cam chọn 35.000-40.000 đ/kg, hiệu quả kinh tế tăng thêm từ mô hình đạt 47,32%. Tại điểm Thanh Chương đặc điểm khí hậu so với các vùng trồng cam khác thời kỳ ra hoa đậu quả bất thuận hơn nên tỷ lệ đậu quả thấp hơn, mặt khác điều kiện thời tiết từ tháng 6- tháng 7 nắng hạn kéo dài vùng trồng cam tại Thanh Chương có độ dốc tương đối cao nên việc tưới khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cam toàn vùng. Trong mô hình có đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và áp dụng đồng bộ các khâu kỹ thuật nên số lượng quả trên cây đạt cao hơn. Là cây năm thứ tư, năm đầu cho quả do vậy trọng lượng quả đạt 0,25 kg/quả, tuy nhiên độ đồng đều chưa cao. Năng suất cam trong mô hình đạt 10 tấn/ha, cao hơn đại trà 27%. Hiệu quả kinh tế tăng thêm từ mô hình đạt 38,51%.
Từ kết quả của mô hình đã giúp các hộ thấy được hiệu quả vượt trội của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cam mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Việc tuân thủ quy trình kỹ thuật đã mang lai thu nhập cao cho nông hộ góp phần phát triển kinh tế trên địa bàn.
Hiện nay từ chương trình đã tạo mỗi liên kết các hộ tham gia mô hình, các hộ sản xuất cam trong vùng và công ty trách nhiệm Thành Nam liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm cam Đồng Thành, cam Thanh Nho được tiêu thụ với giá bán cao, ổn định trên thị trường trong tỉnh và các thành phố lớn trên phạm vi cả nước./.
Cán bộ chỉ đạo kiểm tra mô hình thâm canh cam đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành
Lê Thị Luyến - Trung tâm KN Nghệ An