Vụ sản xuất nhiều khó khăn và bấp bênh
Nam Đàn, một trong những trọng điểm sản xuất rau màu của tỉnh khi mỗi năm huyện sản xuất khoảng gần 1.700 ha. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đình Thế - Phó Trường Phòng Nông nghiệp huyện: mấy năm lại đây, tình hình sản xuất rau màu gặp nhiều khó khăn hơn do mưa mụt thường xuyên và sâu bệnh gia tăng. Đặc biệt trong 2 ngày 15 và 16/10, trên địa bàn có lượng mưa trên 500 mlm khiến nhiều vùng bị ngập sâu. Cùng với làm cho 200 ha rau màu bị hư hại, mưa lũ cúng cuốn 587 ha ao cá vụ 3, chiếm 65% diện tích nuôi cá của huyện bị ngập tràn.
Sau 2 tuần xảy ra mưa lụt, chúng tôi về Nam Xuân và Nam Anh là 2 xã trọng điểm rau màu của Nam Đàn. Mặc dù bà con tất bật chạy đua với thời tiết ra đồng xới lật đất và bón phân để giúp cây trồng mau phục hồi nhưng không khí ảm đạm vẫn bao trùm. Ông Nguyễn Văn Hùng ở xóm 7, xã Nam Xuân đang vun luống đậu xanh vừa bị mưa làm cho tơi tả. Lúc chúng tôi đến, tranh thủ giờ nghỉ tay, ông chỉ sang khu ruộng bên cạnh rồi so sánh: so với nhà bên cạnh bị mất trắng, vườn nhà ông còn may mắn khi cây vẫn có thể khôi phục được. Thế nhưng, đây là lần thứ 2 trong vụ đông này ông xuống giống rau đậu. Lần trước, cách đây 1 tháng rưỡi, tranh thủ làm lứa rau sớm cho được giá nhưng rau đậu vừa nhú lên thì bị mưa bão số 3 làm hư hại. Lần này, nghe cán bộ khuyến nông và bảo vệ thực vật hướng dẫn nên ông làm luống cao hơn nên vẫn giữ được cây nhưng hiệu quả thì chưa biết thế nào.
Trong khi đó, phía bên kia đường, ông Lương xóm 8, xã Nam Xuân đang làm cỏ cho vườn đậu cũng cho biết: làm rau màu giờ khá bấp bênh, bỏ công và chi phí vài triệu và nếu may mắn chỉ được hơn 1 triệu đồng, bằng với mấy ngày thợ nhưng nhà có ruộng nên phải tranh thủ làm.
Tại xã Nam Anh, xã là vùng trọng điểm rau màu của Nam Đàn với gần 170 ha rau màu các loại. Tuy nhiên, theo ông Nam, cán bộ nông nghiệp xã: ngày càng ít làm rau màu hơn vì chi phí lớn và bị nạn chuột phá hoại. Chính vì vậy, khôi phục sản xuất rau màu vụ đông, xã Nam Anh không chỉ hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng mà phải còn chỉ đạo tổ chức người dân ra quân diệt chuột.
Tình hình tại xã Xuân Hòa cũng tương tự khi năm nay xã làm 169 ha rau màu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mặc dù thời gian sản xuất vụ chưa hết nhưng bà con một số xóm phải xuống giống đến lần thứ 3 vì bị mưa lụt. Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND xã cho hay: đợt mưa lụt mới nhất làm 30 ha rau màu của xã bị mất trắng. Hơn 10 ngày sau lụt, bà con một số xóm đã gieo lại được 5 ha rau nhưng chưa thể yên tâm vì liên tiếp bị mưa lớn uy hiếp, đe dọa gây ngập úng.
Đến Hưng Đông là vùng sản xuất rau màu lớn nhất TP Vinh. Ông Phạm Văn Thanh – Cán bộ Thú y và nông nghiệp xã cho biết: trong 2 ngày 15 và 16/10 lượng mưa trên địa bàn gần 700 mlm khiến 46,5 ha, trong đó 23 ha rau màu tập trung và 23,5 rau màu trong các hộ dân bị ngập từ 3- 4 ngày nên mất trắng. Vùng rau đã bị ngập nhưng đây là trận ngập nặng nhất, thiệt hại rau màu khoảng gần 3 tỷ đồng.
Có giải pháp hỗ trợ bà con khôi phục nhanh sản xuất
Trước tình hình sản xuất khó khăn và mưa lụt thường xuyên xảy ra, một mặt ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương bám sát tình hình để có phương án bổ cứu sản xuất kịp thời sau mỗi đợt mưa lụt. Mặt khác, trong các công điện phòng tránh lụt bão, ngành nông nghiệp đều hướng dẫn cách biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế thiệt hại cho rau màu cũng như ao nuôi cá; sau khi xảy ra mưa lụt thì cử cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật và trồng trọt, khuyến nông xuống cơ sở hướng dẫn bà con cách thức chăm sóc rau màu. Tại Nam Đàn, rút kinh nghiệm từ các lần ngập trước, các xã chỉ đạo bà con các xã chuyên canh rau màu khi sản xuất, xuống giống thì làm luống cao; sau khi mưa lụt, nước rút, tranh thu ra quân bón phân, vun gốc để cây nhanh chóng phục hồi. Nhờ vậy, chỉ sau hơn 1 tuần, hàng trăm ha đậu, ngô, rau và hành tăm đã có dấu hiệu hồi phục- Đại diện Phòng Nông nghiệp huyện phấn khởi.
Tương tự, trên cơ sở hướng dẫn kỹ thuật từ đầu vụ, bà con nông dân các vùng chuyên canh rau màu ở Quỳnh Lưu hay Diễn Châu, Nam Đàn, TP Vinh theo phương châm nước rút đến đâu là xới đất xuống giống đến đó và sau lụt thường bắt tay ngay vào sản xuất. Vì vậy, đến thời điểm nảy đã cơ bản khắc phục được sản xuất và có sản phẩm bán trên thị trường.
Không những thế, tại huyện Nghi Lộc, mặc dù là huyện chịu thiệt hại nặng khi có trên 650 rau và ngô đông bị hư hỏng nặng nhưng từ thực tế chống ngập lụt của các số mô hình thâm canh rau màu nhà lưới đã để lại kinh nghiệm hay. Đó là các nhà lưới trồng rau ở xã Nghi Long tận dụng địa hình đất cát đã đắp bờ, khi mưa lớn và bị ngập thì dùng máy bơm đưa nước ra ngoài nên giảm được thiệt hại.
Ông Đồng Thanh Bình –Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp Nghi Lộc chia sẻ: trong số diện tích màu bị thiệt hại, ngoại trừ diện tích lạc hoặc rau màu ở Nghi Long, Nghi Thuận bị ngập sâu hư hỏng thì một số cây màu do được chăm sóc và bơm nên vẫn giữ và khắc phục được. Kiểm tra sơ bộ, 2 tuần sau mưa một số diện tích rau màu đã phát triển trở lại và chỉ chờ vài tuần nữa sẽ thu hoạch.
Trong khi đó, tại vùng rau xã Hưng Đông, TP Vinh việc khôi phục sản xuất chậm hơn. Nguyên nhân là do nước rút chậm và bà con chưa thực sự sẵn sàng. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, từ khi đầu tư nhà lưới che mát, người dân Hưng Đông sản xuất rau màu quanh năm. Tuy nhiên, do vụ chính là rau vụ đông thường mất giá nên các hộ sản xuất chỉ để giữ cho đất khỏi bị cỏ mọc xâm chiếm còn ưu tiên làm rau vào mùa hè (trái vụ) có giá cao hơn. Ông Ngô Quang Biên- chủ hộ làm rau xóm Đông Vinh, Hưng Đông chia sẻ: xuất phát từ kinh nghiệm làm rau màu gần đây, gia đình ông cũng như bà con HTX rau an toàn Hưng Đông xác định vụ rau mùa hè sẽ mang lại hiệu quả nhất, còn lại trong năm, lúc nào sản xuất khó khăn thì sản phẩm làm ra sẽ được giá. Sau mỗi lần mưa lụt, ai giữ được vườn không bị ảnh hưởng và tranh thủ thời tiết để khôi phục sản xuất sớm nhất thì giá trị cao nhất.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Cao Đăng Tâm – Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Bảo vệ thực vật và trồng trọt tỉnh cho biết: vụ đông năm nay, toàn tỉnh sản xuất khoảng 12.500 ha rau màu và khoảng 20.000 ha ngô. Trận lụt vừa qua làm toàn tỉnh thiệt hại khoảng 2.089 ha rau màu và ngô. Sau 2 tuần mưa lụt, do không bị thiệt hại quá nặng nên cơ bản bà con các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu đã khôi phục được diện tích. Các huyện bị thiệt hại nặng nhất là Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh, Nghi Lộc đã khôi phục được khoảng 30% diện tích bị mất và thời gian làm vụ đông vẫn còn nên tỉnh chỉ đạo các huyện tiếp tục đông viên bà con xuống giống…
Từ thực tế trên cho thấy, sản xuất rau màu hiện nay đối mặt với nhiều khó khăn. Ngoài rủi ro về thiên tai thì nạn sâu bệnh (keo lai trên cây ngô) và chuột phá hoại cây màu cũng rất nặng nề. Để có được khoảng thu nhập ít ỏi 1-2 triệu/sào vụ đông, bà con phải tranh thủ chạy đua với thời gian nên có khi phải xuống giống đến 2-3 lần mà vẫn mất trăng; đến khi thu hoạch lại phải đối mặt với điệp khúc “được mùa rớt giá”. Để giữ vững diện tích rau màu, theo chúng tôi tỉnh cần khuyến khích bà con nông dân chủ động tính toán thời vụ, tìm cây trồng phù hợp với từng vùng đất, chỉ đạo cán bộ kỹ thuật khuyến nông, bảo vệ thực vật bám đồng hướng dẫn kịp thời để sau mưa lụt, bà con có giải pháp khôi phục sản xuất nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó tỉnh cũng quan tâm giải quyết nhanh gọn, kịp thời chế độ hỗ trợ thiệt hại do thiên tai cần để vừa hỗ trợ cho bà con lại vừa động viên bà con yên tâm tiếp tục đầu tư vào sản xuất, tạo nguồn cung thực phẩm rau ổn định cho thị trường./.
Nguyễn Hải - nguồn TSKN