Thứ bảy, 23/11/2024, 23:26

Gạo thơm Mường Nọc

Thứ tư - 04/12/2019 21:02 802 0
Từ một giống lúa xa lạ:
Sau đợt rét hại xẩy ra trong vụ lúa xuân 2009 gây chết mạ xuân mới gieo ở nhiều địa phương trong tỉnh. Riêng Quế Phong là huyện miền núi cao mạ xuân càng chết nhiều hơn so với vác huyện vùng đồng bằng.
Gạo thơm Mường Nọc
Ngày ấy Bí thư Huyện ủy Quế Phong là ông Trần Quốc Thành (nay là Giám đốc Sở KH-CN Nghệ An) đã cùng với Chủ tịch UBND huyện đích thân ra Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam với hy vọng được Viện tham mưu giới thiệu cho huyện một giống lúa vừa ngắn ngày, vừa ngon cơm, vừa chống chịu rét lạnh tốt ở vùng núi cao Quế Phong. Ngày ấy ở Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu và thuần hóa giống lúa Japonica của Nhật Bản được đưa vè Việt Nam sản xuất thử. Japonica là một giống lúa hạt bầu, gạo trắng, cơm ăn ngon, thơm, dẻo, chịu lạnh, chịu rét tốt ở xứ mặt trời mọc.
Được Viện Di truyền nông nghiệp giúp đỡ, Bí thư và Chủ tịch UBND huyện mang giống Japonica (J02) về sản xuất thí điểm tại 2 xã Tri Lễ và Mường Nọc, mỗi xã 1 ha để làm mô hình trình diễn. Nếu có kết quả tốt UBND huyện sẽ tổ chức hội thảo tham quan và mở rộng sản xuất cho các vụ sau. Để tạo điều kiện cho bà con nông dân tham gia sản xuất thử giống lúa này thành công, UBND huyện cử cán bộ khuyến nông huyện trực tiếp xuống 2 xã nói trên để hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện đúng quy trình sản xuất do Viện Di truyền ban hành. Đồng thời bà con nông dân tham gia gieo cấy giống lúa J02 này được UBND huyện hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh…
J02 là một giống lúa từ miền xa lạ (Nhật Bản) được đưa về gieo cấy ở một đất nước nhiệt đới và được gieo cấy ở một huyện miền núi trình độ thâm canh còn nhiều hạn chế. Vì vậy ngay từ đầu lãnh đạo huyện cũng hơi lo, còn bà con nông dân thì rất tin tưởng ở huyện, mất được cũng nhờ huyện. Ngay từ ngày đầu tiên đổ giống vào nước ấm 3 sôi + 2 lạnh để ngâm, bà con nông dân đã thấy khó và lạ, theo quy trình hạt giống phải ngâm từ 50 - 60 giờ liên tục, khác hẳn với các giống lúa ở Việt Nam (các giống lúa đang gieo cấy ở Việt Nam thuộc nhóm các giống lúa Indica, hạt dài, vỏ mỏng…).
Theo bà Vi Thị Thuyết dân tộc Thái ở Mường Nọc thì giống lúa này ngâm ủ khó lắm, nhưng ta vẫn làm được tốt, vì ta làm đúng hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của huyện bày cho. Nhà bà Thuyết ngày ấy gieo cấy 4.000 m2 giống lúa J02 đạt được năng suất cao (trên 56 tạ/ha), gặt về phơi khô khén, xay gạo nấu cơm ăn thử cả nhà khen ngon, người hỏi mua nhiều, gia đình để lại ăn là chủ yếu.
Vụ lúa xuân năm 2009 thấy giống lúa J02 phát triển tốt, triển vọng sẽ cho năng suất cao, UBND huyện mời lãnh đạo các xã, chủ nhiệm các HTX NN và một số bà con nông dân trong huyện đến tham quan hội thảo đầu bờ giống lúa này tại 2 xã Tri Lễ và Mường Nọc.
Từ thành công này Viện Di truyền nông nghiệp tiếp tục đã đưa cả một tập đoàn gồm 6 giống lúa Japonica: TBJ2, TBJ3, DS1, J01, J02 và QJ4 vào sản xuất thử để chọn lọc ra giống lúa thích hợp, cho năng suất cao nhất cho huyện Quế Phong.
Kết quả sau 2-3 vụ chọn lọc đã chọn ra được 2 giống lúa J02 và QJ4 là những giống lúa có triển vọng tốt để Quế Phong gieo cấy liên tục trong những vụ sản xuất vừa qua và cả hiện nay.
Trở thành thương hiệu gạo thơm Mường Nọc:
Với nhiều đặc điểm nổi trội về năng suất cao, chất lượng cơm gạo ăn ngon, thơm, dẻo, thời gian sinh trưởng ngắn, giống lúa Japonica đã nhanh chóng được mở rộng. UBND huyện Quế Phong đã chính thức đưa giống lúa này vào cơ cáu giống lúa chủ lực ở địa phương.
Từ 2014 - 2016 UBND huyện xây dựng và triển khai "Dự án sản xuất lúa đặc sản chất lượng cao bằng giống lúa Japonica trên quy mô 750 ha ở các xã Mường Nọc, Tiền Phong và Châu Kim.
Liên tục trong các năm thực hiện dự án nói trên đều cho kết quả tốt, năng suất lúa đạt bình quân từ 56 - 60 tạ/ha, giá bán tự do trên thị trường 10.000 đ/kg lúa, nông dân rất phấn khởi.
Từ 2016 - 2020 UBND huyện Quế Phong xây dựng vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa 700 ha được gieo cấy bằng giống lúa J02 và QJ4 thuộc nhóm giống lúa Japonica, phấn đấu đạt năng suất lúa bình quân từ 58-60 tạ/ha. Riêng vụ mùa 2019 này, đã gieo cấy được hơn 200 ha, năng suất lúa đạt bình quân từ 46-48 tạ/ha, cao hơn tất cả các giống lúa khác cùng gieo cấy trong vụ mùa năm nay ở Quế Phong từ 6-8 tạ/ha.
Qua kết quả sản xuất, đặc biệt là chất lượng cơm gạo rất được người sản xuất và người tiêu dùng ưa chuộng. Sở Khoa học - Công nghệ Nghệ An đã lập hồ sơ và tờ trình xin Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ cấp bản quyền Thương hiệu gạo thơm Mường Nọc.
Bộ KH-CN đã phối hợp với Ban phát triển nông thôn miền núi huyện Quế Phong triển khai xây dựng mô hình "Ứng dụng tiến bộ KH-KT theo chuỗi giá trị sản xuất giống lúa Japonica" trên địa bàn các huyện miền núi Nghệ An trong đó có huyện Quế Phong từ năm 2016 - 2019 trên quy mô 200 ha.
Riêng Tập đoàn sữa TH năm 2018 và 2019 đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giống lúa Japonica dòng QJ4 ở một số HTX NN thuộc huyện Yên Thành trên quy mô 200 ha với giá thu mua thóc tươi 6.300 đ/kg lúa và sẽ tiếp tục ký hợp đồng liên kết sản xuất giống lúa này vào các năm tiếp theo. Đồng thời tập đoàn sữa TH đang xây dựng Nhà máy xay xát gạo tại huyện Yên Thành. Hy vọng giống lúa Japonica sẽ có cơ hội trở thành giống lúa gạo hàng hóa lớn trên quê hương Nghệ An trong những năm tới.

                                                            Trí Tuệ Doãn - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây