Viêm vú ở bò sinh sản là bệnh sản khoa thường gặp trong chăn nuôi. Nếu người chăn nuôi không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ bò mẹ, giảm năng suất và chất lượng sữa cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ bê con bú sữa. Để giúp người chăn nuôi thực hiện tốt hơn việc phòng và trị bệnh viêm vú trên bò sinh sản chúng tôi xin giới thiệu nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng trị bệnh này như sau:
- Nguyên nhân gây bệnh: Nguyên nhân chủ yếu của bệnh viêm vú ở bò là do vi khuẩn gây ra. Chuồng trại kém vệ sinh, chăm sóc quản lý không đúng kỹ thuật, do các tác động cơ học làm tổn thương bầu vú, làm mầm bệnh lẫy nhiễm vào núm vú và bầu vú. Do kế phát từ các bệnh viêm tử cung, sát nhau, bệnh truyền nhiễm, vắt sữa không đúng kĩ thuật và các vấn đề gây strsess. - Triệu chứng: Biểu hiện của bệnh là bầu vú sưng, nóng, đỏ, lượng sữa giảm hoặc mất, con vật đau vùng vú không cho con bú, không cho vắt sữa. Triệu chứng toàn thân: Bò sốt, ăn uống kém, lượng sữa giảm hoặc mất, sữa có màu bất thường, không đồng nhất, lợn cợn, mùi hôi tanh, nếu viêm nặng sữa có lẫn máu hoặc lẫn mủ. Núm vú có thể teo, xơ cứng bầu vú, xuất hiện các cục rắn, hoặc có hiện tượng hoại tử, lở loét... - Phòng bệnh: Để phòng bệnh viêm vú cần chọn giống tốt; chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý đàn bò sinh sản đúng quy trình kỹ thuật, tránh các tác động cơ học, thực hiện tốt việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ 7 – 10 ngày 1 lần, vệ sinh cơ thể bò, đảm bảo khẩu phần ăn cân đối, đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung can xi, vitamin ADE cho bò; tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm. Chuồng trại đảm bảo thông thoáng, đủ ánh sáng, không bị ẩm ướt, tránh tình trạng bò bị stress nhiệt. - Điều trị bệnh: Khi phát hiện bò bị viêm vú cần giảm khẩu phần thức ăn tinh, nhiều đạm, nhiều nước, thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tăng cường vắt sữa, vắt kiệt sữa 3-5 lần/ngày để thải trừ mầm bệnh ở tuyến vú. Xoa bóp bầu vú bị viêm bằng khăn sạch thấm nước ấm, vệ sinh bầu vú sạch sẽ. Đối với bò bị viêm vú được phát hiện sớm kịp thời thì ta sử dụng một trong các loại kháng sinh sau để tiêm bắp cho bò: Kanamicin; Gentamycin; Genta – Mox, Amoxyciclin LA… Kết hợp sử dụng kháng viêm, hạ sốt bằng Diclofenac. Thụt vào bầu vú dung dịch thuốc sát trùng như: Dung dịch thuốc tím 0,1% liều 100 - 200ml để lưu trong bầu vú 2 - 4 giờ rồi vắt kiệt. Dung dịch thuốc Rivanlol 0,1% liều 100 - 200ml để lưu trong bầu vú 2 - 4 giờ vắt kiệt. Dung dịch Lugol 1/300 liều 100 - 200ml để lưu trong bầu vú 2 - 4 giờ vắt kiệt. Trợ sức bồi bổ sức khoẻ cho bò bằng Cafein và vitamin B1. Để việc chăn nuôi bò sinh sản có hiệu quả cao thiết nghĩ người chăn nuôi cần thực hiện tốt giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc và quản lý tốt đàn bò đặc biệt là giai đoạn tiết sữa, nuôi con, nhằm phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh sản khoa thường gặp trong đó có bệnh viêm vú nhằm đảm bảo sức khoẻ sinh sản bò mẹ, khả năng cho sữa trong chu kỳ cũng như sự phát triển của đàn bê theo mẹ đạt cao nhất./.
Văn Thắng – Trung tâm Khuyến nông Nghệ An - nguồn TSKN