Thứ bảy, 16/11/2024, 00:19

Hiệu quả từ chăn nuôi lợn an toàn sinh học

Chủ nhật - 10/11/2024 20:41 44 0
Trong những năm gần đây, người nông dân trên địa bàn xã Thanh Khê đã có nhiều thay đổi trong cách tổ chức sản xuất nông nghiệp, để nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng giá trị cho sản phẩm. Đối với chăn nuôi, nhiều người chăn nuôi đã dần thay đổi từ phương pháp chăn nuôi truyền thống, không tuân theo quy trình sang chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh gây ra và giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Anh Nguyễn Văn Thuận, ở xóm Yên Lĩnh, xã Thanh Khê, huyện Thanh Chương là một trong những hộ chăn nuôi như thế đã đi lên và phát triển kinh tế thành công với mô hình nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học gắn với xử lý môi trường.
Hiệu quả từ chăn nuôi lợn an toàn sinh học
Chúng tôi biết và đến thăm gia đình anh vào dịp anh tham gia lớp tập huấn về Khuyến nông. Trong cái nắng giữa Hè, đứng bên hàng cây râm mát cạnh khu chăn nuôi lợn anh Thuận chia sẻ: Gia đình anh làm nghề thuần nông, cuộc sống quanh năm gắn liền với ruộng đồng và con lợn, con gà. Hiện tại, gia đình anh làm 6 sào ruộng sản xuất lúa, 4 sào  ngô và phát triển chăn nuôi. Với phương châm chủ động và tận dụng mọi yếu tố đầu vào như thức ăn, con giống anh đã đầu tư làm chuồng lồng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để nuôi 07 nái lai, nhằm tạo con giống để nuôi thịt, trung bình mỗi năm đàn lợn nái sản xuất được khoảng 160 con lợn giống, một phần anh bán giống cho bà con chăn nuôi tại địa phương, đồng thời anh chuyển sang nuôi lợn thịt; trung bình anh nuôi 35 con lợn thịt/lứa, mỗi năm nuôi 3 lứa. Đàn lợn thịt thường được nuôi đạt trọng lượng trên 90 kg anh mới xuất chuồng, với giá bán như hiện nay, anh nhẩm tính mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi lợn đạt khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng.
                               Khu chăn nuôi lợn của gia đình anh Thuận
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi của mình anh Nguyễn Văn Thuận nói: Trước đây gia đình anh chăn nuôi theo truyền thống, đàn vật nuôi thường hay mắc bệnh, phải sử dụng khá nhiều kháng sinh dẫn đến tỷ lệ còi cọc chậm lớn cao. Thông qua việc tìm hiểu về chăn nuôi an toàn sinh học trên internet, báo đài và đặc biệt là được tham gia các lớp tập huấn về Khuyến nông do tỉnh huyện tổ chức anh đã nắm bắt được và hiểu rõ hơn về quy trình kỹ thuật để áp dụng vào thực tế chăn nuôi cho hiệu quả rất tốt. Ngoài ra anh Thuận cũng cho rằng trong chăn nuôi, chi phí về thức ăn chiếm một tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm, vì thế anh luôn tận dụng và chế biến các nguồn nguyên nguôn liệu mà gia đình làm ra như ngô, cám gạo, thóc và các loại rau củ quả để làm thức ăn cho đàn lợn, đàn gà; đồng thời để hạn chế dịch bệnh anh luôn làm tốt công tác vệ sinh làm sạch và khử trùng chuồng nuôi, thực hiện tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn với các bệnh phức tạp như: Dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn, suyễn lợn…
Đi cùng với việc thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học là vấn đề xử lý môi trường: Anh cho biết: Gia đình đã sử dụng hầm bioga để xử lý chất thải chăn nuôi nhằm tạo ra khí đốt phục vụ cho sinh hoạt gia đình; đồng thời giúp giảm được mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và tạo môi trường sống tốt cho vật nuôi thì chúng sẽ ít mắc các bệnh về đường hô hấp hơn. Ngoài chăn nuôi lợn anh còn nuôi thêm khoảng 100 con gà thịt thả vườn, mỗi năm nuôi 2 lứa; trồng các loại cây ăn quả như nhãn, vải; trồng vừng đen và các loại rau gia vị khác theo mùa vụ vừa để tạo sinh thái cho mảnh vườn và khu chăn nuôi, vừa để sử dụng làm thực phẩm, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình.
                         Vườn trồng vừng đen và cây ăn quả của gia đình anh Thuận
Nói về mô hình sản xuất của gia đình anh Nguyễn Văn Thuận, chị Tôn Thị Thìn, cán bộ Khuyến nông xã Thanh khê cho biết thêm: Bản thân anh Thuận là người chịu khó, ham học hỏi và sáng tạo, anh thường tham gia các lớp tập huấn về Khuyến nông để tìm hiểu cách làm hay, kỹ thuật mới nhằm áp dụng vào sản xuất cho hiệu quả. Ngoài việc sản xuất và làm kinh tế cho gia đình, anh còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại thôn xóm, nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho bà con; góp phần tạo phong trào nông dân phát triển kinh tế và xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.
Qua việc phát triển chăn nuôi và làm kinh tế của hộ anh Nguyễn Văn Thuận cho thấy nếu người nông dân áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật mới, đam mê và luôn duy trì việc sản xuất thì sẽ cho thu nhập ổn định và phát triển kinh tế từ nông nghiệp bền vững hơn./.
                                                   Văn Thắng – Trung tâm Khuyến nông - nguồn TSKN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thư viện ảnh
mo-hinh-che-huu-co.jpg hoi-nghi-thang-9-6.jpg mo-hinh-ga-2.jpg mo-hinh-luon-4.jpg Kiem-tra-san-xuat.jpg tap-huan-tinh-huyen-5.jpg mo-hinh-buoi-1.jpg a12-6.jpg a26-4.jpg a23-1.jpg image-20240813150406-1-6.png a24-2.jpg a11-3.jpg a25-4.jpg h3-13.jpg
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây