Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất vùng chiêm trũng, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, cuộc sống quanh năm vất vả nhưng thu nhập chỉ đủ ăn. Với mong muốn thoát cuộc sống lam lũ nơi miền quê, khi trưởng thành anh Hưởng đã lựa chọn nghề lái xe tải để kiếm sống. Sau nhiều năm lăn lộn với nghề lái xe, tuy có thu nhập cao hơn nhưng nghề nghiệp này cuộc sống phải thường xuyên xa gia đình. Trong quá trình lái xe được đi nhiều nơi, một lần tình cờ anh có cơ hội thăm mô hình nông nghiệp VAC hiệu quả ở tỉnh bạn đồng thời cũng quen biết được mối tiêu thụ vịt. Nhận thấy ở địa phương điều kiện tự nhiên, đất đai rộng rãi, nguồn nước thuận lợi phù hợp để thực hiện mô hình vườn ao chuồng. Năm 2007, khi địa phương có chính sách chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, cho thuê đất làm trang trại. Một ý tưởng táo bạo nảy ra trong anh: anh bàn với vợ sẽ bỏ nghề lái xe, về quê xin thầu đất để phát triển sản xuất ngay trên chính mảnh đất quê hương. Nghĩ là làm, hai vợ chồng đồng lòng, mạnh dạn thầu 1 ha đất, vay thêm vốn để xây dựng 2 khu chuồng trại chăn nuôi vịt, trâu, bò kết hợp đào ao thả cá và trồng cây ăn quả.
Dẫn chúng thăm một vòng quanh gia trại anh Hưởng tâm sự: Lúc mới bắt tay vào làm do chưa có nhiều kinh nghiệm, lại thiếu kiến thức, kỹ thuật nên anh chị gặp rất nhiều khó khăn. Vật nuôi hay bị dịch bệnh, chậm lớn…Không nản chí, anh vừa làm vừa học hỏi từ những người đi trước, vừa tự đúc rút kinh nghiệm. Ngoài ra, anh còn tự mày mò học thêm kỹ thuật qua các kệnh báo đài, internet, các lớp tập huấn nông dân… để áp dụng vào sản xuất của gia đình. Trải qua nhiều khó khăn đến nay, mô hình kinh tế VAC của gia đình anh Hưởng phát triển bền vững cho hiệu quả khá với quy mô 12.000-16.000 con vịt thịt/năm, 2 ao nuôi cá truyền thống với tổng diện tích mặt nước khoảng hơn 5000m2; 3 con trâu, 2 con bò sinh sản; vài chục gốc ổi, dừa và 2 ha lúa.
Chia sẻ kinh nghiệm để sản xuất chăn nuôi thành công, anh Hưởng cho biết: Anh chọn đối tượng nuôi chính là vịt, trâu, bò sinh sản và cá và nuôi theo phương thức lấy ngắn nuôi dài. Mô hình VAC là mô hình tổng hợp khép kín. Để mô hình đảm bảo tính bền vững cao cần tận dụng một cách hiệu quả và triệt để như chất thải từ chăn nuôi vịt và trâu, bò làm thức ăn cho cá, hoặc ủ hoai mục để làm phân bón trồng cây, lúa, cỏ voi và ngược lại phụ phẩm nông nghiệp, cỏ voi ..lại làm thức ăn cho trâu bò, cá… Cứ như vậy tạo một vòng tuần hoàn, từ đó sẽ giảm được tối đa chi phí cho mỗi sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Đối với vịt, anh chọn giống vịt bầu cánh trắng để nuôi. Đây là giống vịt tăng trọng nhanh, thịt nhiều, dễ bán. Một năm anh nuôi 4 lứa, mỗi lứa 3-4 nghìn con. Xung quanh gia trại là cánh đồng lúa mênh mông. Vào những thời điểm thuận lợi anh Hưởng thả cho vịt ra đồng để tận dụng thêm nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên trên đồng ruộng, giúp giảm bớt chi phí. Bình quân 1 năm anh xuất bán 12.000-16.000 con vịt thịt, giá bán từ 110-120 nghìn đồng/con thu được 130- 190 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh nuôi 5 con trâu và bò sinh sản. Thời gian nuôi vịt thịt ngắn chỉ khoảng 50-60 ngày là xuất bán một lứa, còn trâu bò sinh sản thời gian nuôi lâu hơn nhưng không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm đều đặn cho 5 con bê, nghé đảm bảo thu nhập khoảng 75-100 triệu đồng.
|
|
Anh Vương Văn Hưởng - xóm Hợp Xuân, xã Hồng Thành, huyện Yên Thành bên mô hình VAC của gia đình |
Để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh. Anh thường xuyên thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại sạch sẽ theo định kỳ 1 tháng 2 lần; tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo hướng dẫn cho vịt, trâu bò và cung cấp thức ăn đảm bảo chất lượng cũng như khẩu phần. Ngoài ra vào những ngày thời tiết thay đổi hoặc nắng nóng.. anh Hưởng cũng bổ sung thêm các vitamin tổng hợp tăng sức đề kháng cho vịt, trâu bò như B-complex, riêng trâu bò sinh sản bổ sung thêm vitamin ADE, khoáng chất để tăng sức sinh sản cho con vật. Nhờ vậy đàn vật nuôi của gia đình phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, trâu bò sinh sản đều.
Hai ao cá anh thả chủ yếu là các loại cá truyền thống như cá trôi, mè, chim… Mỗi năm anh thu lưới bán cá 1-2 lần cho nguồn thu khoảng 15- 20 triệu đồng. Trên bờ, xung quanh ao cá anh trồng dừa, ổi, cỏ voi… vừa giúp bóng mát cho gia trại, vừa lấy quả chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình và cho thu nhập phụ thêm.
Với cách làm này mỗi năm sau khi trừ chi phí anh còn thu lãi khoảng trên 120 triệu đồng. Ngoài ra anh còn tăng gia sản xuất thêm 2 ha lúa vừa cung cấp lương thực cho gia đình, vừa làm thức ăn cho chăn nuôi và một phần bán lúa góp phần tăng thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Bắc- Công chức nông nghiệp xã Hồng Thành cho biết: anh Vương Văn Hưởng là một người thân thiện, nhiệt tình, táo bạo và mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm để phát triển kinh tế. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất mô hình VAC cho bà con nhân dân địa phương để học hỏi làm theo. Mô hình sản xuất VAC của anh là một mô hình phát triển kinh tế tổng hợp có hiệu quả phát huy được lợi thế địa phương. Đây là mô hình phù hợp cần được khuyến khích nhân rộng ở xã.
Đến tham quan mô hình VAC của anh Hưởng chúng tôi cảm nhận được ở con người anh có niềm đam mê gắn bó với sản xuất nông nghiệp. Anh đã biết tận dụng ưu thế của địa phương, cùng với cần cù, chịu khó nỗ lực vươn lên làm giàu cho gia đình, đóng góp cho kinh tế địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Kim Dung- Trung tâm KN - nguồn TSKN