Thành phần tham dự: Về phía Viện Chăn nuôi có TS Phạm Công Thiếu Viện trưởng Viện Chăn nuôi; Các cán bộ nghiên cứu thuộc Viện chăn nuôi và Trường Đại học Tasmania. Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An có Đồng chí Trần Xuân Học Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đại diện lãnh đạo và chuyên viên các phòng liên quan: Văn phòng Sở; Quản lý kỹ thuật và KHCN; Kế hoạch Tài chính; Đại diện lãnh đạo và các cán bộ liên quan của các đơn vị trực thuộc Sở: Chi cục Chăn nuôi và Thú y; Trung tâm Giống Chăn nuôi; Trung tâm Khuyến nông.
Toàn cảnh buổi làm việc
Mục tiêu của dự án: Nhằm cải thiện và nâng cao mối liên kết giữa các hộ chăn nuôi, doanh nghiệp và các tác nhân trong chuỗi thương mại cung ứng bò thịt tại Úc và Việt Nam, đồng thời thông qua việc tiếp cận các mô hình kinh doanh để cải thiện sinh kế cho các hộ chăn nuôi trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng bò thịt thương mại ở Việt Nam.
Hoạt động của dự án được thực hiện từ năm 2023 - 2026 tại các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình và Thành phố Hà Nội với 2 hợp phần chính đó là: Đánh giá, xác định những ưu điểm và hạn chế trong chuỗi cung ứng thương mại bò thịt; Xây dựng mô hình liên kết trong chuỗi cung ứng thương mại thịt bò.
Nghệ An là tỉnh có tổng đàn trâu, bò khá lớn với tổng đàn 798.366 con (trong đó đàn trâu: 252.619 con, đàn bò thịt 465.211 con, bò sữa 80.536 con). Cơ cấu giống bò gồm: bò nội chiếm 19,69%, bò lai chiếm hơn 70%, bò ngoại chiếm 14,5% tổng đàn bò. Phân bố vùng chăn nuôi bò thịt đang dần được chuyển dịch từ đồng bằng lên miền núi theo đúng định hướng của Đề án phát triển chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030. Hiện nay, việc áp dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò tiếp tục được quan tâm và phát triển. Nhờ đó mà nhiều tiến bộ kỹ thuật, giải pháp công nghệ được áp dụng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chăn nuôi, tạo ra sản phẩm có giá trị, hiệu quả kinh tế cao.
TS Phạm Công Thiếu - Viện trưởng Viện Chăn nuôi phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc TS Phạm Công Thiếu Viện trưởng Viện Chăn nuôi ghi nhận và đánh giá cao về thực trạng, tiềm năng nguồn thức ăn thô, xanh và phát triển chăn nuôi trâu, bò ở Nghệ An. Việc dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm khảo sát đánh giá hiện trạng nguồn thức ăn thô xanh; Điều tra, đánh giá hiện trạng chuỗi cung ứng bò thịt để xây dựng mô hình kinh tế phản ánh liên kết giữa nông hộ và các tác nhân kinh doanh trong chuỗi cung ứng, từ đó nhân rộng mô hình liên kết chuỗi thương mại bò thịt và hướng dẫn vận hành mô hình liên kết. Đồng thời đề xuất một số giải pháp chính sách góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi trâu bò và liên kết chuỗi cung ứng thương mại thịt bò tại Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung./.
Cao Tuấn - Trung tâm KNNA